Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Đại đoàn kết dân tộc: Đặt lợi ích chung lên hàng đầu


(VOV) - Trong bối cảnh hiện nay, đất nước ta lại càng cần đến tinh thần đoàn kết, mọi công dân phải vì lợi ích dân tộc, đặt lợi ích chung lên hàng đầu.
Con người là tài nguyên lớn nhất của mỗi quốc gia. Bởi, một dân tộc có cường thịnh, hùng mạnh hay không phụ thuộc vào sự quy tụ sức người, sức của đại đoàn kết dân tộc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bài học về đại đoàn kết dân tộc luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình phát triển của đất nước.
Bác Hồ đã viết bài báo nổi tiếng “Nên học sử ta” đăng báo Việt Nam Độc lập ngày 1/2/1942, kêu gọi mọi người ghi lòng tạc dạ bài học của ông cha: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập tự do. Tinh thần ấy đã quy tụ được lòng người, huy động được sức dân. Khi ấy, sức mạnh của một dân tộc không phải nằm ở mũi nhọn quân sự mà trên hết ở sức mạnh tinh thần, sự đoàn kết trước sau như một của người dân. Bài ca khải hoàn đã ngân vang, khi dân tộc ta độc lập, tự do và thống nhất.
Từ đó đến nay, tinh thần đoàn kết dân tộc vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả cuộc hành trình của dân tộc Việt Nam, những khó khăn, thách thức lùi bước khi tinh thần đoàn kết được hun đúc và bồi đắp qua bao thế hệ.
Bài học đại đoàn kết ấy đã được cả thế giới ghi nhận, còn người dân Việt Nam tự hào về truyền thống quý báu ấy. Nhưng sẽ không trọn vẹn nếu tinh thần đoàn kết ấy không được gìn giữ và phát huy. Đại đoàn kết không chỉ đơn thuần là sự đồng thuận, đồng lòng của hàng triệu triệu người con đất Việt cho sự nghiệp giữ nước mà cả trong công cuộc dựng nước, biết hy sinh lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm để lợi ích chung của toàn dân tộc được trọn vẹn.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết rằng, nhìn ra thế giới, càng nghiệm thấy rằng, tài nguyên lớn nhất cho mọi quốc gia chính là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được sức người, thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể được quy tụ. Con người mà không quy tụ thì mọi nguồn lực khác cũng rơi rụng. Chính vì vậy, khi quy tụ được sức người, đó cũng là lúc mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ.
Trong bối cảnh hiện nay, đại đoàn kết dân tộc cần được thể hiện hơn bao giờ hết, đó là sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, của Chính phủ, các bộ ngành đó là tinh thần dân chủ, khơi dậy sức dân, vượt qua khó khăn của giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nghị quyết 11 của Chính phủ đã tập hợp và quy tụ sức mạnh của toàn dân khi thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Định hướng ấy đã được đông đảo người dân ủng hộ, đồng thuận.
Nhưng, trên thực tế, Chính phủ vẫn chưa nhận được đồng thuận trong mục tiêu cắt giảm đầu tư công. Minh chứng là có nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành phố từ chối việc cắt giảm đầu tư ở địa phương mình. Nếu như các địa phương cắt giảm một cách hợp lý trong đầu tư công, thì sự thiệt thòi trước mắt (nếu có) của một nhóm ngưới sẽ đem lại lợi ích cho rất nhiều người về lâu dài.
Việc cắt giảm đầu tư công là một việc làm cấp bách trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay. Cắt giảm đầu tư công, các địa phương sẽ bớt trông chờ, ỷ lại vào Trung ương, ỷ lại vào ngân sách nhà nước và dẹp đi lợi ích cục bộ.
Ổn định kinh tế, ổn định chính trị xã hội là mối quan tâm hàng đầu của mỗi nguời dân. Tinh thần đại đoàn kết thể hiện bằng việc biết hy sinh lợi ích cục bộ, địa phương vì việc lớn. Một khi nền kinh tế đất nước gặp khó khăn thì chính lợi ích nhóm, lợi ích địa phương cũng bị ảnh hưởng.
Vậy nên, bài toán thống nhất lợi ích phải được bao trùm lên tất cả mục tiêu cải tổ, từ câu chuyện cắt giảm đầu tư công, cải cách doanh nghiệp nhà nước đến sắp xếp lại hệ thống ngân hàng của Chính phủ. Hơn bao giờ hết, Chính phủ cũng như người dân kì vọng vào sự đồng lòng của mỗi tổ chức, cá nhân, của các bộ, ngành và các địa phương vì mục tiêu này.
Lý tưởng dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh sẽ đi tới đích nếu như tinh thần đại đoàn kết dân tộc được phát huy, trong mọi biến cố, trong mọi hoàn cảnh./.
Lê Tuyết 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét