Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

ANZ Bank đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam



(DĐĐT) Phát biểu tại hội thảo “Cập nhật tình hình khủng hoảng kinh tế Mỹ-Châu Âu và tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam” diễn ra ngày 22/3/2012 tại Hà Nội, ông Warren Hogan, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng AZN tại Việt Nam cho biết Việt Nam có những điều kiện thuận lợi để phát triển trong tương lai.
Cụ thể là Ngân hàng ANZ hoan nghênh các sáng kiến tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước và cho rằng Việt Nam cần tiếp tục các cải cách cơ cấu. “Các yếu tố cơ bản trong trung hạn là tích cực và tăng trưởng có thể đạt tới 7-7,5% trong năm nay”, ông Hogan nói.
Chuyên gia kinh tế trưởng Warren Hogan cũng cho rằng tác động của khủng hoảng toàn cầu đối với Việt Nam đã được hạn chế và đến nay, rủi ro chính đối với Việt Nam  còn chính là các thị trường xuất khẩu. Tuy vậy, lực cầu trong nước sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế ở Việt Nam và hạn chế tồn tại với Việt Nam hiện nay là các liên kết tài chính với Mỹ và châu Âu vẫn còn yếu.
Theo ông Hogan, nếu nền kinh tế Việt Nam được quản lý hiệu quả và cải cách được tiếp tục, các dòng vốn sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam. Như vậy, “ổn định lạm phát phải là một ưu tiên dù phải chấp nhận tăng trưởng không cao trong ngắn hạn”, ông nhấn mạnh. Thách thức vẫn là ở chỗ trong tương lai gần phải đạt được sự cân bằng giữa mức tăng trưởng mong muốn và kiềm chế lạm phát.
Đánh giá về khả năng thu hút FDI, ông Hogan cho rằng Việt Nam vẫn là một đích đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhờ điều kiện địa lý thuận lợi nhờ điều kiện địa lý thuận lợi, có lực lượng lao động trẻ và có tính cạnh tranh. Trong khi Trung Quốc tiếp tục tiến lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị và bỏ dần những ngành sản xuất giá trị thấp, Việt Nam và các nước khác trong khu vực sông Mê Kông sẽ hưởng lợi.
Điều quan trọng, vẫn theo ông Hogan là Việt Nam cần thiết tiếp tục cải cách cơ cấu trong những năm sắp tới, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng và cải cách hệ thống ngân hàng, cải cách các doanh nghiệp nhà nước để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước.
Tuy nhiên, nhìn một cách thực tế hơn, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright lại cho rằng cải cách ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam khó có thể đi xa hơn và có các kết quả tích cực vì nhiều lý do khác nhau.
“Cho đến nay, hầu hết việc tái cơ cấu chỉ là các mệnh lệnh hành chính chứ chưa tuân theo qui luật của thị trường nên khó có thể nói nền kinh tế có thể đi xa hơn được hay không”, ông Tự Anh nói.
Tiến sĩ Tự Anh cho rằng nguyên nhân chính khiến các đề án tái cơ cấu ở Việt Nam khó đạt được hiệu quả vì các đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng và tái cơ cấu đầu tư công đều được chuẩn bị rất gấp gáp, chú trọng về số lượng thay vì chất lượng và vẫn nhấn mạnh vai trò của khu vực như là một ‘cứu cánh’ trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay.
Để công cuộc tái cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện nay được thành công, theo T.S Tự Anh, thách thức lớn nhất là giải quyết được vấn đề các nhóm đặc quyền, đặc lợi, tăng cường tính kỷ luật của thị trường (đẩy mạnh các biện pháp để thị trường vận hành theo đúng nghĩa của nó), tăng cường kỷ cương của nhà nước và đặc biệt là chất lượng quản trị trong khu vực công cũng như tư.
Hoàng An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét