Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

“Đạo Vàng Chứ” và sự đói nghèo: Lời truyền mê muội


 Để dụ dỗ người dân, những người truyền đạo nói rằng đi theo Vàng Chứ sẽ có được cuộc sống ấm no, không cần làm cũng đủ ăn; bệnh tật sẽ được chữa khỏi mà không cần đến bệnh viện.
LTS: Ngoài việc dụ dỗ, lừa bịp người dân khiến họ bỏ bê đồng áng và đói nghèo, sự xâm nhập của “đạo” này vào một số bản của đồng bào dân tộc Mông đã phá vỡ sự đoàn kết của cộng đồng
dân cư. Thậm chí một số người theo đạo còn có những hành động chống phá Nhà nước. Người viết đã đi dọc tuyến biên giới để tìm hiểu ngọn nguồn về thứ đạo này.
Mê muội theo “lời truyền” đó, nhiều bà con người dân tộc Mông miền biên viễn nơi cực Tây Tổ quốc bỏ cả công việc đồng áng để dành ba buổi/tuần đi nghe giảng đạo.
Thực hư về “Vàng Chứ”
Theo một số người dân tộc Mông ở vùng biên giới Nà Hỳ và Nà Bủng, huyện Mường Nhé, Điện Biên, thì Vàng Chứ là người trần mắt thịt và hiện đang ở rất xa. Một số người thì cho rằng Vàng Chứ là ông vua của người Mông được trời cử xuống. Ai theo thì sống, không theo sẽ chết. Rằng đi theo Vàng Chứ sẽ có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc và giúp thoát đói nghèo.
Cứ thế, dù hiểu không đầu không cuối như vậy nhưng nhiều người Mông miền biên viễn này cứ đi theo. Họ theo vì họ được nghe nói rằng sắp tới sẽ có lũ lụt, lở núi. Nếu theo Vàng Chứ sẽ được cứu giúp. Với họ, Vàng Chứ là người có một sức mạnh siêu nhiên. Chưa dừng lại ở đó, những người dân tộc Mông còn mê muội đóng góp tiền bạc với niềm tin là Vàng Chứ sẽ trả lại gấp mười lần thế.
Tham khảo thêm thì được biết, “đạo Vàng Chứ” do Vàng Pao, một tướng phỉ sau khi bị thất trận chạy sang Mỹ, dựng nên nhằm mục đích chống cộng. Trên cơ sở đạo Tin lành, Vàng Pao đã dựng lên cái gọi là “đạo Vàng Chứ” để mê hoặc, lôi kéo những người Mông với dụng ý tập hợp lực lượng.
Sở dĩ họ chỉ tập trung dụ dỗ người Mông vì theo Đồn trưởng Đồn biên phòng Nà Hỳ, Trung tá Vũ Đức Lâm, người Mông tốt bụng, thật thà, dễ tin người nhưng do trình độ văn hóa còn hạn chế nên dễ bị lôi kéo.
Phụ nữ Mông vốn lam lũ, vất vả, sáng mở mắt là lên nương, tra ngô, tối mịt về chỉ kịp xoa hai chân vào nhau là lăn ra ngủ. Đời sống quá vất vả nên khi nghe nói theo đạo Vàng Chứ sẽ có được cơm ăn no, áo mặc ấm, thế là họ gật đầu theo.
Ở xã Nà Hỳ, chúng tôi thu thập được ba cuốn tài liệu được coi là “kinh thánh” của cái gọi là đạo này. Những quyển này được in giấy tốt, khá cẩn thận nhưng không có xuất xứ. Được biết, trưởng đạo lấy từ Hà Nội về. Ngôn ngữ viết trong đó là chữ Mông La tinh, rất khó đọc. Số người đọc được chủ yếu là thanh niên, họ học từ bao giờ cũng không ai biết. Thiếu tá Lầu A Tú, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Nà Hỳ, là người dân tộc Mông nhưng cũng không đọc được các tài liệu trên.
Sau đó, chiến sĩ Hờ A Nếnh, người dân tộc Mông ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, đã đọc và dịch một số đoạn trong cuốn sách mà theo Nếnh đó là cuốn “Những người lắng nghe Chúa Giêsu hát thánh ca”. Bản thân Hờ A Nếnh cũng có một số từ đọc được song không hiểu nghĩa mà phải nhờ Thiếu tá Tú dịch hộ.
Đại ý đoạn đầu trong đó được dịch như sau: “Vàng Chứ là ngôi sao trên trời. Mặt trời, mặt trăng cho Vàng Chứ thức ăn…”.
Tôi có hỏi Nếnh sao đọc được, sau phút ngần ngại, Nếnh bẽn lẽn bảo học khi còn ở quê, theo chúng bạn đi xem cầu nguyện nên biết. Có những câu, nghe mãi nên thuộc.
Nhà nguyện và những giáo lý
Theo Thiếu tá Lầu A Tú, khoảng đầu những năm 90 bắt đầu có người Mông di cư tập trung, trước đó có tồn tại nhưng chỉ ở bốn bản. Đa số những người di cư là theo đạo. Còn những người chưa biết thì khi di cư đến, “đạo” nghiễm nhiên xâm nhập.
Hiện tại, trên 16 xã biên giới của Điện Biên có khá đông người theo đạo. Số người theo đạo được phân làm bốn nhánh khác nhau nhưng giáo lý để cầu nguyện vẫn chỉ là các tài liệu mà chúng tôi đã có được, theo mọi người cho biết đó là “kinh thánh” của Vàng Chứ.
Bản Cà Nà Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, Điện Biên nhìn từ đường cái xuống nằm ở khu đất rộng khoảng 2 ha nhưng có tới 175 hộ người Mông sinh sống, trong đó có đến 135 hộ di cư đến, chưa có hộ khẩu. Nhìn lên bốn hướng núi, tịnh không một bóng người làm nương hay tra hạt dù trời đang độ xuân. Tất cả dân bản đều tập trung vào nhà ông Giàng Séo Chẩn để cầu nguyện.
Ông Giàng Séo Chẩn, 57 tuổi, cũng không phải là người nguyên gốc ở đây mà ở xã Su Phìn, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Theo ông Chẩn, ông di cư sang đây cũng là do những người đi giảng “đạo Vàng Chứ” bảo ở đây đất tốt, làm ăn dễ lắm.
Trong căn nhà 40 m2 rất đông người Mông ngồi cầu nguyện. Bên phải là đàn bà, con gái, trẻ em. Bên trái là đàn ông và nam thanh niên, ngồi trên những tấm gỗ được kê thành hai dãy. Khi được hỏi, đang mùa gieo hạt sao bà con không đi nương lại đi cầu nguyện thì câu trả lời đúng như trong giáo lý: “Có Vàng Chứ lo cho cái ăn cái mặc rồi. Chỉ phải đi cầu nguyện Vàng Chứ thôi!”. Tìm hiểu thì được biết, người giảng đạo hôm đó là Giàng A Phủ, 30 tuổi, trình độ văn hóa lớp 4.
Lợi dụng cả hình ảnh của người khuyết tật
Khi ở Đồn biên phòng Nà Hỳ, chúng tôi được xem một đoạn băng quay một thanh niên phương Tây đang thuyết giảng về Chúa được lấy từ điện thoại của một thanh niên ở xã Nà Bủng. Nội dung phần một nói về một thanh niên phương Tây dù không có chân tay nhưng bằng nghị lực đã vượt qua khiếm khuyết để làm tất cả các việc từ đơn giản nhất là đánh răng đến khó hơn là bơi lội.
Phần hai nói về việc người thanh niên này đứng trên một chiếc bàn trước hội trường để nói chuyện về sự trợ giúp của Chúa. Đoạn băng đã được dịch ra tiếng Việt với đại ý là sau khi trách Chúa đã sinh ra anh ta không bình thường thì anh ta cũng lý giải đó là Chúa muốn thử thách và nhờ có Chúa anh đã làm được mọi việc. Chúa nói cứ cầu nguyện Chúa thành tâm thì Chúa sẽ cho tất cả...
Với đoạn băng này, nếu nhìn nhận ở bản năng sống thì con người có các khuyết tật như thế sống được đã khó nhưng người thanh niên này còn làm được những việc khác một cách bình thường và tài tình. đây là một nỗ lực phi thường để sinh tồn.
Điều đáng nói ở đây là hình ảnh người thanh niên nỗ lực sống đã bị lợi dụng để nói đến sự siêu phàm nhờ sự giúp đỡ của một thế lực siêu nhiên. Đoạn băng này được phát tán trong các buổi lễ rao giảng “đạo Vàng Chứ” ở các bản người Mông thông qua việc đánh đồng thứ đạo này với đạo Tin lành, làm ảnh hưởng và biến tướng một dòng đạo chính thống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét