Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Bài 4: Những kẻ núp bóng nhân quyền để xuyên tạc



QĐND - Gần đây, “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam - VCHR” do Võ Văn Ái đứng đầu lại tìm cách nói xấu Việt Nam về vấn đề nhân quyền nhân Hội nghị đối thoại giữa Ủy ban Công ước chống phân biệt chủng tộc LHQ (CERD) với Đoàn đại biểu Việt Nam tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) vừa qua.
Trong thông cáo gửi đến CERD, Võ Văn Ái cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thường được đưa ra như thành tích về quyền con người, tuy nhiên sự tăng trưởng đó chưa đem lại lợi ích đồng đều cho các dân tộc, người dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn bị tụt hậu so với người Kinh trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và việc làm(?!).
Trên thực tế thì sao?
Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được bước tiến lớn trong việc đảm bảo quyền cho các dân tộc thiểu số, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tộc thiểu số ngày được nâng cao. Chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam không những được thể chế bằng Hiến pháp và các luật mà còn được cụ thể hóa trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thông qua các chương trình, dự án phát triển vùng dân tộc, các chính sách cụ thể đối với người dân tộc thiểu số trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… cụ thể như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn (gọi tắt là Chương trình 135), Chính sách xóa đói giảm nghèo, Chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, Chính sách bảo tồn và phát triển các dân tộc có số dân dưới 1000 người… từ đó đã đạt được những thành tựu về đảm bảo quyền cho người dân tộc thiểu số trên nhiều lĩnh vực.
Chỉ tính riêng Chương trình 135, sau 12 năm thực hiện (1999 - 2010), chương trình đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hệ thống y tế đã được thiết lập tới các xã. 100% số xã ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số đã có trạm y tế. Người dân tộc thiểu số được hưởng các quyền chăm sóc sức khỏe, y tế, an sinh xã hội và các dịch vụ xã hội khác theo quy định của pháp luật: Luật Bảo hiểm y tế, Luật Chăm sóc sức khỏe nhân dân, Luật Khám, chữa bệnh, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Bình đẳng giới… Trên lĩnh vực giáo dục, Chính phủ đã ban hành quy định việc dạy học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. Cho đến năm học 2010-2011, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số được triển khai ở gần 7.010 trường. Hệ thống trường học các cấp được mở rộng, kiên cố hóa. Hiện nay, Việt Nam đang nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện, có sự hợp tác của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF). Đặc biệt, Nhà nước đã xây dựng hệ thống trường dân tộc nội trú. Hiện có 50 trường nội trú cấp tỉnh, gần 300 trường nội trú cấp huyện với hàng vạn con em đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước nuôi, dạy hoàn toàn miễn phí. Có thể nói, đây là một cố gắng lớn đối với một quốc gia còn nghèo, là một chính sách hiếm có trên thế giới.
Những con số đó đã bóc trần những lời quy kết bịa đặt của Võ Văn Ái. Dù không đến Việt Nam nhưng bất cứ ai cũng có thể tìm đọc được những thông tin về những thành tựu cũng như nỗ lực cải thiện quyền con người của Việt Nam trong nhiều năm qua. Những thông tin do các tổ chức, định chế có uy tín trên thế giới như: LHQ, Ngân hàng Thế giới… đưa ra đều nêu tên Việt Nam như một trong những điểm sáng về xóa đói, giảm nghèo và tiến bộ về quyền con người, bao gồm quyền cho các dân tộc thiểu số. Bất kể ai cũng có thể hiểu rằng, ở một nước đã trải qua 2 cuộc chiến tranh, còn nghèo và có người rất nghèo, thì việc bảo đảm đủ thức ăn, đồ uống cho mọi người dân rõ ràng là một việc quan trọng liên quan tới quyền của con người.
Võ Văn Ái nói Việt Nam đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số, thế nhưng trên thực tế số lượng chức sắc, nhà tu hành, những người hoạt động tôn giáo là người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang ngày càng phát triển và có thể nói là khá đông đảo. Hiện có khoảng 70.000 chức sắc trong các tổ chức tôn giáo đang hoạt động tại hơn 24.000 cơ sở thờ tự trên cả nước. Tại Tây Bắc hơn 100.000 người Mông, Dao theo đạo Tin lành. Năm 2010 ở khu vực Tây Bắc có 29 điểm nhóm, đến năm 2011 đã có 258 điểm nhóm. Các tỉnh miền núi phía Bắc có 38.000 người dân tộc thiểu số là tín đồ đạo Công giáo. Đối với đạo Tin lành ở các tỉnh Tây Nguyên, đến năm 2011 chính quyền đã công nhận 185 chi hội, 1.268 điểm nhóm. Toàn vùng Tây Nguyên đã có gần 400.000 người theo đạo Tin lành.
Nhà nước Việt Nam chủ trương xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc. Người dân tộc thiểu số ở tất cả các vùng miền được tham gia hoạt động văn hóa mang bản sắc các dân tộc, 100% xã có trạm truyền thanh, 92% người dân được nghe đài phát thanh, 85% người dân được xem truyền hình, nhiều chương trình được phát bằng nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số như: Mông, Thái, Ê Đê, Chăm, Khơ-me... Người dân tộc thiểu số cũng ngày càng được tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại, đặc biệt là internet. Chính phủ Việt Nam chủ trương khuyến khích và tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng rộng rãi thông tin trên internet.
Thêm vào đó, Việt Nam có tất cả các loại hình báo chí (báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử) và nhiều ấn phẩm được cấp phát miễn phí cho bà con dân tộc thiểu số. Với những phương tiện tiếp cận thông tin luôn sẵn sàng như thế, thật khiên cưỡng khi nói rằng người dân tộc thiểu số ở Việt Nam bị hạn chế các quyền dân sự cơ bản. Với khối lượng thông tin được chuyển tải hằng ngày qua các kênh truyền thông, đồng bào dân tộc thiểu số hoàn toàn có thể cập nhật được những thông tin liên quan đến lợi ích của họ.
Không phủ nhận rằng, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn; trình độ phát triển về kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này bắt nguồn từ những nguyên nhân lịch sử, xã hội và điều kiện tự nhiên.  Nhiều dân tộc cư trú trên địa bàn có điều kiện địa lý hết sức khắc nghiệt, thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, giá rét, cư trú tản mát, địa bàn rộng lớn, thiếu đường giao thông, cùng với cuộc sống du canh, du cư vẫn còn tồn tại… giải quyết những khó khăn này không thể trong một sớm, một chiều.
Tuy nhiên, những thành tựu trong việc đảm bảo quyền cho các dân tộc thiểu số, đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam là sự thật được thế giới và những người nước ngoài đã từng có dịp đến Việt Nam đánh giá tích cực. Ông Andre Sauvageot, cựu đại tá lục quân Mỹ, người có “thâm niên” hơn 20 năm đi về giữa Mỹ và Việt Nam đã nhiều lần khẳng định rằng “chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam rất thực tế, có tiềm năng, rất hứa hẹn, tạo điều kiện cho 54 dân tộc sống chung trong tinh thần tương trợ, có chính sách hòa giải dân tộc rất hữu hiệu, để cho các tôn giáo được tự do bình đẳng trước pháp luật, có sự bảo vệ của pháp luật”. Chính ông Sauvageot trong những lần trả lời phỏng vấn báo giới phương Tây và ViệtNam cũng đều thừa nhận, rằng “chưa bao giờ Việt Nam phát triển kinh tế mà không gắn với quyền lợi của người dân”. Một người nữa là Tiến sĩ, Học giả người Mỹ Thomas Jandl, người có nhiều nghiên cứu sâu về tình hình kinh tế, chính trị của Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới Việt Nam cách đây ít lâu cũng đã nhận xét rằng, Việt Nam đã đảm bảo tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho người dân.
Hay như chuyên gia độc lập của LHQ về các vấn đề của người thiểu số Gay McDougall khi trình bày kết quả chuyến thăm Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Giơ-ne-vơ hồi tháng 3 năm ngoái, ngoài việc đánh giá cao việc Việt Nam coi cộng đồng các dân tộc ít người là bộ phận cấu thành của dân tộc Việt Nam, đã cho rằng Việt Nam có các kinh nghiệm tốt về xóa đói giảm nghèo đối với người dân tộc thiểu số. Bà McDougall cũng đã hoan nghênh quyết tâm chính trị, các chính sách, biện pháp và chương trình của Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số trên mọi lĩnh vực, nhất là nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế-xã hội giữa dân tộc thiểu số với đồng bào Kinh.
Những tiếng nói đó đã phản ánh khách quan những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực tôn giáo, nhân quyền, đặc biệt đối với người DTTS.
Như vậy, những gì Võ Văn Ái đang “tố cáo” Việt Nam có “giá trị thực” đến mức nào, ắt hẳn ai cũng có thể hiểu được.
Song Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét