Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Bảo đàm quyền con người thuộc bản chất của Nhà nước ta



(Tiếp theo kỳ trước)
QĐND - Kể từ năm 2009, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đây là một cố gắng lớn của Việt Nam. Năm 2011, trong hoàn cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách Nhà nước cho công tác an sinh xã hội ước vẫn tăng khoảng 20% và dư nợ tín dụng ưu đãi thực hiện chính sách xã hội tăng khoảng 17% so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 1,5%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được triển khai có hiệu quả.
Trên lĩnh vực văn hóa, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ…”. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách xây dựng đời sống văn hóa, như phát động các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng, khu phố văn hóa”, điểm “Bưu điện-văn hóa”. Gần đây đã xuất hiện điểm truy cập internet miễn phí của Đoàn thanh niên. Có thể nói, hiện nay ở tất cả các địa phương (xã, huyện) đều có nhà văn hóa, trung tâm văn hóa. Lễ hội được khôi phục trên toàn quốc, trong tất cả các dân tộc. Những biểu hiện mê tín dị đoan, du nhập-“lai căng” đã bị dư luận lên án. Với những nỗ lực lớn lao của Nhà nước và của nhân dân, Việt Nam đến nay đã có 11 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa thế giới.
Quyền con người của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở khu vực ký kết “Công ước quốc tế về quyền trẻ em”. Khái niệm “quyền trẻ em” nay không còn xa lạ đối với người dân. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đặc biệt đến trẻ em, trong đó có chương trình khám, chữa bệnh miễn phí, các biện pháp giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và suy dinh dưỡng. Việt Nam cũng đã tham gia các “Công ước xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với nữ giới”, “Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật”… 
Vai trò của phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng cao. Hệ thống các cơ quan, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ như Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của Phụ nữ được thiết lập và phát triển ở tất cả các cấp trong toàn quốc. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội đạt 25,76% (nhiệm kỳ 2007-2011), đứng thứ 4 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ là 73 trong khi nam giới là 70.
Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong vấn đề dân tộc là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ.
Trong nhiều năm qua, Nhà nước ta đã triển khai hai chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở (Chương trình 134) và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) và Chương trình phát triển kinh tế xã hội, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ (30a/2008/NQ-CP ) hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo. Về cơ bản, Chương trình này cũng hướng vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều chính sách cụ thể như trợ cước, trợ giá, cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất, định canh, định cư, hỗ trợ một số dân tộc thiểu số có số dân rất ít người, cấp miễn phí 18 loại báo, tạp chí cho người dân ở vùng khó khăn. 100% số huyện và 95% xã đã có điện. Hiện na, 100% các xã có trường tiểu học, nhà mẫu giáo; 100% các huyện đều có trường trung học phổ thông. Với những chính sách ưu tiên đặc biệt của Nhà nước và sự nỗ lực của đồng bào ta, đời sống của đồng bào các dân tộc ít người đã được nâng cao rõ rệt, khoảng cách vùng-miền đã được thu hẹp đáng kể.
Theo đề nghị của Chính phủ, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, di sản văn hóa vô giá của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số đã và đang được chú ý bảo tồn và ngày càng được sử dụng phổ biến hơn. Đài Truyền hình Việt Nam đã phát kênh VTV5 bằng 10 thứ tiếng dân tộc; Đài Tiếng nói Việt Nam đã tăng thời lượng phát sóng và sản xuất hơn 4000 chương trình đặc biệt phát bằng 13 thứ tiếng dân tộc, giúp đồng bào dân tộc tiếp cận thông tin nhiều hơn.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 5,2 triệu người tàn tật, chiếm 6,63% dân số. Chính sách, pháp luật Việt Nam xác định người khuyết tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp. Quan điểm này phản ánh quy định trong Hiến pháp 1992 và được cụ thể hóa trong một số bộ luật. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương xây dựng và triển khai “kế hoạch dài hạn về người khuyết tật” do UNESCAP đề xướng. Việt Nam cũng đã ký Công ước Quốc tế về Quyền của người khuyết tật và đã có Luật “Người khuyết tật”.
Nhiều người khuyết tật nặng, thương binh, bệnh binh, người bị di chứng chất độc da cam, trong đó có trẻ em, được Nhà nước trợ cấp và nuôi dưỡng. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đã được thiết lập từ Trung ương đến cơ sở. Trong 10 năm qua, hơn 300.000 người, trong đó có hàng chục nghìn trẻ em được chỉnh hình phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ chỉnh hình miễn phí, được cung cấp phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe đẩy, hàng trăm nghìn người khuyết tật được cấp thẻ bảo hiểm y tế.
Việt Nam đang xây dựng mô hình giáo dục hòa nhập, chuyển đổi và thẩm định sách giáo khoa chữ phẳng sang chữ nổi Braille, xây dựng hệ thống ngôn ngữ ký hiệu, thống nhất hệ thống chữ cho người mù. Cho đến nay có khoảng 100 cơ sở hướng nghiệp dạy nghề cho người khuyết tật và có khoảng 35.000 người khuyết tật được học nghề.
Đối với nhóm người nhiễm HIV, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta là chống kỳ thị và phân biệt đối xử, bảo đảm quyền của những người bị nhiễm HIV, đồng thời giúp đỡ nhóm xã hội này vượt qua khó khăn để họ có thể lao động, học tập, tái hòa nhập xã hội và có đóng góp cho xã hội.
Theo Báo cáo Phát triển con người của Liên hợp quốc năm 2011, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam ở mức trung bình, đứng thứ 128/187 nước. Báo cáo này còn cho thấy, trong 20 năm qua, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng thêm 37%.
Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) về cơ bản cũng là những mục tiêu về quyền con người. Năm 2010, khi các quốc gia đã đi được hai phần ba chặng đường thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, thì Việt Nam đã "về đích" sớm đối với một số mục tiêu như: Hoàn thành mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đã được Việt Nam hoàn thành vào năm 2000. Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS - bước đầu ngăn chặn được sự lây lan HIV và đang ở trước “ngưỡng cửa” hoàn thành mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em.
Năm 2012 là năm kết thúc nhiệm kỳ cũ và bầu cử các chức vụ quan trọng nhiệm kỳ mới ở nhiều quốc gia, trong đó có bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Các thế lực chống Việt Nam trong và ngoài nước, đặc biệt là một số người trong nhóm cử tri gốc Việt ở Mỹ đã và đang gây sức ép với cơ quan quyền lực, hành pháp và Tổng thống thông qua cái gọi là “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2012”, một Dự luật xuyên tạc tình hình nhân quyền ở nước ta, vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền. Những hành động đó không chỉ trái với các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, đi ngược lại xu hướng phát triển tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đi ngược lại lợi ích cơ bản của hai dân tộc mà còn trái với lương tri của nhân dân Mỹ.
Sau khi Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa kỳ thông qua cái gọi là “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2012”, Ngài Eni Faleomavaega, Hạ nghị sĩ-một cựu binh Mỹ tại Việt Nam đã lên tiếng bày tỏ thái độ không đồng tình với Dự luật này. Ông nói: “Điều mà tôi không đồng tình với Dự luật này là tại sao chúng tôi lại cứ coi Việt Nam như là một nước duy nhất vi phạm nhân quyền. Quan điểm của tôi là Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức để đưa người dân thoát ra khỏi những vi phạm về nhân quyền đó, cũng như đã cố gắng để giải quyết những vấn đề này. Tôi cho rằng, mọi chính phủ đều có cùng một nỗ lực như vậy, nhưng chúng ta đã cố áp đặt một tiêu chuẩn kép đối với Việt Nam. Điều mà tôi muốn nói là tại sao chúng ta lại tách riêng Việt Nam và áp dụng một tiêu chuẩn khác trong khi các chính phủ khác cũng có những vấn đề tương tự. Chẳng lẽ là vì người Việt Nam xấu xa? Chắc chắn là không. Tôi nhận thấy rằng, Chính phủ Việt Nam đã rất cố gắng để khắc phục. Trong khi đó, chính ở Mỹ cũng có những vi phạm về nhân quyền. Ở Mỹ cũng có vấn đề buôn người, giống như ở Việt Nam hay bất cứ nước nào khác, từ châu Phi, châu Âu. Lập luận của tôi là "các vị đang áp đặt một thứ tiêu chuẩn kép".
Còn nhớ, sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra bản báo cáo hằng năm phê phán một số quốc gia trong việc bảo đảm nhân quyền, ngày 27-2-2009, ông Brendan Brogan đã gửi thư công khai cho Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ông đã viết: Sau nhiều năm nghiên cứu tôi tin rằng, sự thay đổi đó (gác lại vấn đề nhân quyền) sẽ rất có ích cho quan hệ Mỹ và Việt Nam”. Trong thư gửi Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông viết: “Với tư cách là một công dân Mỹ, tôi xin lỗi nếu như bản báo cáo thường niên đó dẫn đến những tình cảm không hay. Tôi không phải là đại sứ nhưng tôi nghĩ rằng, đa số người Mỹ đã từng nghiên cứu về Việt Nam và sống ở Việt Nam đều đồng ý rằng, bản báo cáo đó không phản ánh trung thực đời sống thường nhật ở Việt Nam. Tôi cũng tin chắc phần lớn người Mỹ nhận ra rằng, trong lĩnh vực nhân quyền ngay bản thân nước Mỹ cũng có nhiều vấn đề và việc đưa ra những lời buộc tội các nước khác về vấn đề nhân quyền được đánh giá như là hành động đạo đức giả”.
Cáo buộc Việt Nam buôn người của nhóm nghị sĩ bảo trợ “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2012” là một sự vu cáo không thể chấp nhận đươc. Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức mình, kiên quyết bằng mọi biện pháp để từng bước loại bỏ tội phạm buôn người ra khỏi đời sống xã hội. Hiện nay, chống tội phạm này được Chính phủ đặc biệt quan tâm, là một trong 30 chương trình quốc gia quan trọng, cấp bách đối với Việt Nam, đồng thời là một trong 13 mục tiêu quốc gia được cấp ngân sách đặc biệt, tương đương các mục tiêu khác như xóa đói giảm nghèo và chống biến đổi khí hậu.
Ông Matthew Friedman, người chịu trách nhiệm Dự án Liên hợp quốc về phòng, chống nạn buôn người (UNIAP) Tiểu vùng sông Mê Kông cũng cho rằng, Chính phủ Việt Nam “rất nghiêm túc” trong vấn đề này và đã dành nhiều thời gian nghiên cứu để hiểu được vấn đề mà ông đánh giá là rất phức tạp.
Đơn cử như việc vừa qua, từ ngày 1-3-2012 đến 7-3- 2012, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử và kết án 29 người trong một đường dây buôn người. Kẻ cầm đầu - Vũ Văn Công, 28 tuổi đã bị kết án 26 năm tù. Ngoài ra, 28 người khác lĩnh án từ 22 năm tù giam tới 10 tháng án treo..
Quyền con người là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử, là một giá trị của nền văn minh nhân loại. Con đường duy nhất để phát triển những giá trị đó là không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia; không chính trị hóa vấn đề nhân quyền; tôn trọng vai trò, trách nhiệm của các quốc gia và đối thoại trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, lắng nghe lẫn nhau và hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau trên những vấn đề nhân quyền cụ thể một cách thiết thực.
Lệ Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét