Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do internet cho đại đa số người dân



QĐND - Sau khi đăng vệt bài “Tự do báo chí ở Việt Nam - thực tiễn sinh động” trên Báo Quân đội nhân dân từ ngày 23 đến 25-4-2012, Tòa soạn đã nhận được ý kiến phản hồi của nhiều bạn đọc, chuyên gia, nhà quản lý, nhà báo, luật sư… bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với những nội dung mà bài báo đã đề cập; đồng thời tiếp tục làm sâu sắc thêm việc bảo đảm tự do báo chí, tự do internet ở Việt Nam. Báo Quân đội nhân dân chân thành cảm ơn sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc và giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này.
 Cảnh giác trước luận điệu “Tự do báo chí tuyệt đối”
“Từ nhiều năm qua, các thế lực thù địch đều mượn cớ “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” để tấn công, phá hoại nền tảng tư tưởng - văn hóa của nước ta. Vì vậy, việc Báo Quân đội nhân dân đăng vệt bài “Tự do báo chí ở Việt Nam - thực tiễn sinh động” trong thời điểm này là cần thiết. Với những bằng chứng cụ thể, số liệu sinh động và lập luận có căn cứ, vệt bài đã làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề quan trọng về việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do internet ở Việt Nam hiện nay”.
Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã bày tỏ với chúng tôi như vậy. Trung tướng cũng cho rằng, muốn hiểu đúng và thực thi đầy đủ quyền tự do báo chí, cũng nên nhắc lại một câu nói bất hủ của C.Mác: “Nhận thức được tất yếu thì sẽ có tự do”. Điều đó có thể hiểu là, phải trên cơ sở điều kiện khách quan, tình hình cụ thể và chế độ chính trị của mỗi nước để xác lập cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý và thực hiện quyền tự do báo chí phù hợp với điều kiện của mỗi nước. Báo chí là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm nên không thể lấy quyền tự do báo chí của nước này để áp đặt vào nước khác. Báo chí ở quốc gia nào phải phục vụ lợi ích tối đa cho quốc gia đó. Đối với Việt Nam, mọi quyền tự do báo chí vì lợi ích của đại đa số người dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vì sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường văn hóa lành mạnh, thì luôn được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất để thực thi trong thực tiễn.
Việc bảo đảm quyền tự do báo chí còn thể hiện ở chỗ: Báo chí được thông tin đa chiều, được tham gia phản biện xã hội. Cùng một sự kiện, vấn đề, nhưng báo chí được quyền “mổ xẻ”, phân tích ở nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau, góp phần làm phong phú nội dung thông tin, qua đó làm sáng tỏ bản chất vấn đề mà dư luận quan tâm. Tuy nhiên, Trung tướng Phùng Khắc Đăng cũng cho rằng: Cần phải có quan niệm, nhận thức đúng đắn về vai trò phản biện xã hội của báo chí. Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho báo chí tham gia phản biện xã hội trên cơ sở khoa học, tinh thần thiện chí; mọi ý kiến nhận định và đánh giá sự kiện, vấn đề phải vì lợi ích chung của cộng đồng dân tộc, đất nước, xã hội và hướng tới những giá trị “chân, thiện, mỹ”. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tỉnh táo, cảnh giác với những người lợi dụng tự do báo chí để phát ngôn bừa bãi, có động cơ cá nhân, nhằm mục đích chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
TS. Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người đã được Đảng, Nhà nước ta xem là một thuộc tính, một bản chất của chế độ ta. Nhưng các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách bôi nhọ, xuyên tạc Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền, trong đó có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận; ra sức bóp méo tự do báo chí ở nước ta. Sự thật, không có một cơ quan báo chí, một nhà báo nào được quyền “đứng trên, đứng ngoài” pháp luật hay không tuân thủ những quy ước, phép tắc, chuẩn mực, phong tục, tập quán của cộng đồng dân tộc. Cố tình làm trái những nguyên tắc sơ đẳng này, chính cơ quan báo chí và nhà báo phải gánh chịu hậu quả. Cách đây chưa lâu, vào trung tuần tháng 7-2011, tờ News of the World (Tin tức thế giới), tờ báo “lá cải” lớn nhất nước Anh đã phải đình bản vĩnh viễn sau 168 năm hoạt động “lừng lẫy” trên thương trường báo chí quốc tế. Lý do tờ báo này buộc phải ra đi trong sự giận dữ sôi sục của dư luận vì hàng loạt cáo buộc nhiều phóng viên bản báo đã đột nhập điện thoại của hàng nghìn người dân để “săn tin”.
TS. Cao Đức Thái khẳng định: Những dẫn chứng trên đây thêm một lần cảnh tỉnh cho các quốc gia nói chung, cho mỗi cơ quan báo chí và nhà báo nói riêng, rằng: Hoàn toàn không có tự do báo chí tuyệt đối. Và không thể, không được phép vì tự do và lợi ích của mình mà xâm hại, xúc phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân và những điều thiêng liêng của các dân tộc, cộng đồng khác!  
Một nền báo chí vì dân, hành nghề tự do
 Nhà báo, TS. Phùng Thảo, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Phòng cho rằng, muốn nhận thức đầy đủ quyền tự do báo chí chân chính, không thể không bắt đầu từ câu hỏi: “Báo chí vì ai, của ai, do ai”. Báo chí Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn đồng hành cùng đất nước, gắn bó với vận mệnh dân tộc, là người bạn thân thiết của nhân dân, là nhịp cầu nối liền giữa Đảng, Nhà nước với quần chúng lao động. Trong thời bình, nhất là từ năm 1986 đến nay, báo chí Việt Nam ngày càng tỏ rõ là ngọn cờ tư tưởng, xông pha vào những “trận địa nóng bỏng”, khơi thêm nhiều nguồn sinh khí mới cho công cuộc đổi mới của đất nước. Thực tiễn cho thấy, báo chí Việt Nam đã và đang thể hiện, kết hợp hài hòa giữa “ý Đảng, lòng dân”. Đó là đặc trưng xuyên suốt vừa biểu lộ tính tiền phong, cách mạng, vừa nói lên tính nhân dân sâu sắc của báo chí Việt Nam. Một nền báo chí có chức năng, mục đích “Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện tự do ngôn luận của các tầng lớp nhân dân” mà Điều 6 Luật Báo chí năm 1989 đã quy định, không thể nói là nền báo chí ấy không phải của dân, do dân, vì dân! Nói cách khác, bản chất của một nền báo chí tự do trước hết phải bắt nguồn từ đối tượng phản ánh và phục vụ. Báo chí Việt Nam luôn xác định “Vì nhân dân phục vụ” là phương châm nhất quán trong mọi hoạt động của mình.

Nhà báo trẻ Nguyễn Gia Tưởng (Báo Nông thôn ngày nay) cho biết: Tôi là người ham đi, ham viết phóng sự. Lúc mới vào nghề, tôi cứ nghĩ lĩnh vực quốc phòng-an ninh là “vùng cấm” nên chỉ có phóng viên Báo Quân đội nhân dân mới được đến các đơn vị quân đội. Nhưng tôi đã đến Trường Sa, đến nhiều đơn vị quân đội trên vùng biên giới, hải đảo của cả nước và nhận thấy một điều: Dù nhạy cảm như vấn đề quốc phòng-an ninh, nhưng phóng viên các cơ quan báo chí vẫn được quyền tiếp cận thông tin để tuyên truyền, phản ánh các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật… của các đơn vị quân đội. Điều đó chứng tỏ ở Việt Nam, mọi lĩnh vực đều là đối tượng tuyên truyền của báo chí và mọi phóng viên đều được tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp, lấy thông tin viết bài.
Qua hoạt động thực tiễn và từ kinh nghiệm bản thân, nhà báo Nguyễn Gia Tưởng bày tỏ thêm: Cần phải hiểu rằng, bất cứ một nghề nghiệp nào cũng vậy, trong đó có nghề báo, người làm nghề phải tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Do đặc thù của nghề báo có tác động và ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và đối tượng phản ánh, nên bên cạnh việc chấp hành luật pháp, mỗi nhà báo phải nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của mình để hạn chế thấp nhất những sai sót có thể xảy ra. Thực tiễn đã chứng minh, nhà báo nào chấp hành pháp luật tốt nhất, có ý thức, nghĩa vụ công dân cao nhất là người được quyền hành nghề thoải mái, tự do nhất và mang lại lợi ích thông tin cho người dân nhiều nhất. 
Bảo đảm an ninh thông tin trên mạng internet
Internet là một trong những phát minh vĩ đại và là thành tựu chung của loài người. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, một quốc gia muốn phát triển thì không thể không khai thác tối đa những tiện ích mà internet đã mang lại cho cuộc sống con người và văn minh xã hội. Tuy nhiên, internet vốn không có “biên giới” nên không thể để cho nó tự do tung hoành, mà cần phải biết kiểm soát, quản lý thật tốt nhằm ngăn ngừa những mặt trái của internet có thể gây ra những hệ lụy, hậu quả khôn lường.
Luật sư Vi Văn Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, cùng với ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm thúc đẩy internet phát triển, ngày 23-8-2001 Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2001/NĐ-CP “Về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet”. Bảy năm sau, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 “Về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và nội dung thông tin trên mạng” thay thế Nghị định 55. Hiện nay, Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo một nghị định mới nhằm thay thế Nghị định 97 vì văn bản quy phạm pháp luật này hiện không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Trước sự phát triển mau lẹ của dịch vụ internet, việc bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các chế tài nhằm tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển bền vững của internet là việc làm hết sức cần thiết. Trước khi ban hành vào tháng 6 tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức một số cuộc hội thảo nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực internet và viễn thông để xây dựng một văn bản quản lý internet có nội dung hoàn chỉnh nhất. Luật sư Vi Văn Minh cho biết: Nội dung dự thảo lần này không phải là cố tình “kiểm soát gắt gao, ngăn cấm internet phát triển và hoạt động” như một số thế lực thiếu thiện chí đã xuyên tạc, mà thực chất là tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi hơn, với nội dung toàn diện hơn để vừa tạo điều kiện cho internet phát triển bền vững, vừa quản lý internet một cách khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam hiện nay. 
Thiếu tướng Bùi Văn Cơ, Cục trưởng A87 (Tổng cục An ninh 2-Bộ Công an) cho rằng: Từ trước đến nay, Việt Nam chưa bao giờ ban hành văn bản nào cấm đoán, hạn chế internet nói chung, các nhà cung cấp và kinh doanh dịch vụ internet nói riêng. Nhưng điều đó không có nghĩa là để internet phát triển một cách hỗn loạn, vô tổ chức, mà cần phải xây dựng hành lang pháp lý cần thiết nhằm đưa hoạt động internet phát triển đúng hướng, lành mạnh. Trên thực tế, mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam đều phải coi trọng nhiệm vụ bảo vệ an ninh thông tin, trong đó có bảo vệ an ninh thông tin trên mạng internet nhằm ngăn ngừa, hạn chế những nội dung thông tin độc hại và những thông tin ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Việc làm này nhằm xây dựng một môi trường internet ở Việt Nam thực sự hữu ích; đồng thời tạo điều kiện cho mọi người dân, được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ internet một cách thuận lợi để góp phần nâng cao dân trí, tăng cường mở rộng giao lưu, hội nhập với thế giới. 
THIỆN VĂN (tổng hợp)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét