Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Báo Anh: Việt Nam và những thành tựu đổi mới


Báo Sao Mai (Morning Star) của Đảng Cộng sản và cánh tả Anh ngày 4-7 đăng bài của Kenny Coyle về con đường khúc khuỷu đầy gian truân của lịch sử Việt Nam và những thành tựu trên con đường Đổi mới của Việt Nam trong 25 năm qua.
Tác giả viết:
Việt Nam kỷ niệm hai sự kiện quan trọng trong năm nay, đó là 35 năm ngày nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời và 25 năm kể từ khi đất nước bước trên con đường đổi mới làm thay da đổi thịt quốc gia này không còn nhận ra được nữa.
Sau công cuộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào tháng 4/1975, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam (Chính phủ cách mạng lâm thời) chỉ tồn tại thêm một thời gian ngắn. Chính phủ cách mạng lâm thời được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập năm 1969. Ngày 2-7-1976, Chính phủ cách mạng lâm thời giải thể cùng với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (miền Bắc Việt Nam) thành một nhà nước độc lập thống nhất duy nhất, lần đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam sau hơn một thế kỷ.
Trong thế kỷ 20, Việt Nam đã bị thực dân Pháp và phát xít Nhật chiếm đóng trước khi diễn ra "cuộc chiến tranh chống Mỹ", như người Việt Nam thường gọi cuộc đối đầu hào hùng chống chủ nghĩa đế quốc vào những năm 1960-1970. Trong suốt mấy thập kỷ, đất nước đã phải trải qua sự chiếm đóng thực dân, các cuộc chiến tranh tàn phá và sự chia cắt.
Con số thiệt hại là cực kỳ to lớn. Có lẽ có đến ba triệu người Việt Nam đã thiệt mạng trong các cuộc đấu tranh kể từ sau năm 1945. Nền kinh tế bị tàn phá nặng nề và những thành phần ưu tú của thanh niên đất nước đã hy sinh ở trên chiến trường. Ngay cả sự phục hồi sau chiến tranh của Việt Nam cũng đầy khúc khuỷu. Nước Mỹ bị làm bẽ mặt đã áp đặt một lệnh cấm vận thương mại thù địch đối với Việt Nam. Lệnh cấm vận chỉ được dỡ bỏ vào đầu những năm 1990 dưới thời chính quyền Clinton.
Trong chừng một thập niên, Việt Nam buộc đương đầu với nhiều nhiều vấn đề khó khăn như sự tập trung hóa quá mức, tệ quan liêu và sự thách thức của trong việc đồng bộ hóa hai nền kinh tế khác nhau (miền Nam và miền Bắc)… Năm 1986, những người cộng sản Việt Nam bắt tay vào chiến lược "đổi mới" để định hướng lại sự phát triển kinh tế của đất nước. Điều này được coi là cần thiết sau hai kế hoạch năm năm gây thất vọng và lạm phát phi mã đạt gần 775%.
Vào năm đó, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố rằng Đảng phải "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói đúng sự thật". Trong khi thời điểm công cuộc đổi mới trùng với công cuộc cải tổ xấu số của Gorbachov ở Liên Xô, những cải cách của Việt Nam lại có cở sở vững chắc. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng với sự mở cửa kinh tế của Trung Quốc được Đặng Tiểu Bình khởi xướng vào năm 1978, Việt Nam tránh được việc sao chép máy móc những kinh nghiệm của nước ngoài mà thay vào đó là hình thành những cải cách cho phù hợp với thực tiễn của riêng mình.
Vào giữa giai đoạn 1981-1987, các gia đình nông dân đã dần dần được phép sử dụng đất trong hệ thống khoán theo hộ, thay vì chỉ thông qua hệ thống tập thể hoặc hợp tác xã, và được sản xuất trực tiếp cho thị trường. Đất đai vẫn thuộc về sở hữu nhà nước. Đến cuối những năm 1980, Việt Nam không còn phải nhập khẩu gạo, thứ lương thực hàng ngày, và ngày nay Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Giờ đây Việt Nam còn là nước sản xuất cà phê lớn thứ tư trên thế giới.
Các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đóng góp khoảng 40% vào GDP của đất nước. Các doanh nghiệp công nghiệp của nhà nước đã tăng gấp ba lần sản lượng của mình trong giai đoạn 1995 -2006, một sự gia tăng đáng kể trong năng suất, mặc dù một số thiệt hại nghiêm trọng đã bộc lộ, như trong ngành đóng tàu chẳng hạn.
Cũng như ở Trung Quốc, đã có một sự chuyển dịch cơ cấu của khu vực nhà nước, mặc dù điều này diễn ra từ từ hơn trong trường hợp của Việt Nam. Mục tiêu là tập trung hóa và tập trung quyền sở hữu nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược như vận tải, ngân hàng, vận tải đường thủy, khai thác mỏ, năng lượng, v.v…
Một mặt, điều này có nghĩa là sự rút lui của khu vực nhà nước ra khỏi các lĩnh vực không trọng yếu của nền kinh tế bằng cách sáp nhập các doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả nhỏ hơn hoặc bán một ít trong số đó cho tư nhân. Mặt khác, như ở Trung Quốc, mục đích là để tạo ra "những nhà vô địch quốc gia", những doanh nghiệp nhà nước có thể tăng năng suất lên đẳng cấp quốc tế, cạnh tranh có hiệu quả chống lại độc quyền nước ngoài và ngăn chặn sự thống trị của họ đối với nền kinh tế quốc gia. Để thu hút vốn tư nhân ở cả trong và ngoài nước, nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện nay đã được "cổ phần hóa".
Về cơ bản, điều này có nghĩa là công ty, doanh nghiệp phát hành cổ phiếu được phân chia giữa nhà nước, thường vẫn giữ đa số hoặc ít nhất là cổ đông kiểm soát, với người lao động trong chính doanh nghiệp đó và cuối cùng là các nhà đầu tư tư nhân bên ngoài. Điều này cho phép doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tư nhân nhưng vẫn do nhà nước kiểm soát.
Một nghiên cứu trong năm 2006 cho thấy rằng nhà nước nắm giữ trung bình 46% cổ phần của một doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ dưới 25%, và phần còn lại do người lao động nắm giữ. Liên tiếp tại các Đại hội Đảng mà gần đây nhất là Đại hội Đảng lần thứ 11 được tổ chức vào tháng Giêng năm nay, những người cộng sản Việt Nam đã mô tả đất nước mình là một "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Nó được xem như một nền kinh tế đa lĩnh vực, nơi sở hữu nhà nước có vai trò chủ đạo nhưng không giữ vai trò độc quyền, bên cạnh các doanh nghiệp tập thể, doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngược lại với "liệu pháp sốc" được áp dụng cho các nước xã hội chủ nghĩa trước đây ở châu Âu, người Việt Nam nhìn nhận thị trường như người đầy tớ của xã hội chứ không phải là người chủ của nó, đồng thời cũng nhìn nhận một khu vực nhà nước được trẻ hóa và hiệu quả như là một đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển xã hội.
Giống như ở Trung Quốc, thị trường đã tạo ra sự bất bình đẳng cũng như sự tăng trưởng kinh tế, nhưng cho đến nay những người cộng sản Việt Nam đã thành công hơn nhiều trong việc kiểm soát vấn đề này. Kết quả là, bất chấp sự tái xuất hiện của nhiều yếu tố tiêu cực xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Số người Việt Nam sống dưới mức nghèo đói giảm từ 58% xuống còn 20% trong giai đoạn 1993-2004, và kể từ đó đến nay đã giảm xuống còn khoảng 14%. Những nơi nghèo đói tuyệt đối vẫn còn, nhưng chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn và miền núi.
Đảng đặc biệt quan tâm về điều này vì những vùng này cũng là quê hương của các dân tộc thiểu số.  Tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong đã giảm hơn một nửa kể từ năm 1990 và tỷ lệ biết đọc biết viết và được đi học là khoảng 95%, cao nhất trong số các nước đang phát triển với mức độ kinh tế tương tự.
Mục đích của những người cộng sản Việt Nam luôn là thúc đẩy sự phát triển kinh tế toàn diện, cả khu vực tư nhân và nhà nước trong khi không từ bỏ các mục tiêu xã hội chủ nghĩa dài hạn. Các số liệu thống kê về GDP rất ấn tượng, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7,2% kể từ năm 2000. GDP bình quân đầu người đã tăng từ khoảng 120 USD vào năm 1986 lên gần 1.200 USD, và tuổi thọ trung bình đạt 74,4 năm vào năm 2009. Cho dù có những tiến bộ gây ấn tượng, Đảng vẫn giữ đầu óc tỉnh táo trước những thách thức mà đất nước đang đối mặt.
Đại hội Đảng mới đây đã chỉ trích mạnh mẽ một số thiếu sót quan trọng. "Những yếu kém và khuyết điểm vẫn còn tồn tại trong giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hóa xã hội và bảo vệ môi trường. Nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, sự xuống cấp đạo đức và lối sống vẫn chưa được ngăn chặn. Các tổ chức kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng vẫn còn những khuyết điểm cần được giải quyết. "Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đoàn kết dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Công tác xây dựng đảng, pháp luật của nhà nước, chất lượng của các hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chậm thay đổi và vẫn còn tồn tại những yếu tố có thể gây ra bất ổn chính trị xã hội.
"Các thiếu sót và khuyết điểm trên đây là do những lý do khách quan, bao gồm cả cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh; phá hoại của các thế lực thù địch và những điểm yếu bên trong của nền kinh tế. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là quyết định và trực tiếp".
Kinh nghiệm gần đây của Việt Nam cũng làm dấy lên một số câu hỏi về lý thuyết rộng lớn hơn có thể làm phong phú thêm cuộc tranh luận đang diễn ra giữa những người Mác-xít về bản chất của sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là các mối quan hệ thị trường và vai trò thay đổi giữa sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước.
Như Đại hội Đảng mới đây đã ghi nhận, ngay cả tại Việt Nam, "việc nghiên cứu lý thuyết và đánh giá thực tiễn đã không đáp ứng được yêu cầu; nhận thức về một số vấn đề cụ thể trong quá trình đổi mới vẫn còn hạn chế và thiếu thống nhất". Từ lâu, lịch sử cách mạng phong phú của Việt Nam đã là nguồn cảm hứng chống đế quốc, nhưng có lẽ cuộc đấu tranh cũng như những thách thức hiện nay của Việt Nam tỏ ra không kém phần quan trọng và cho những bài học sâu sắc.
Võ Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét