Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Báo chí quốc tế viết về bầu cử ở Việt Nam


(Toquoc)-Nhiều hãng thông tấn và báo chí quốc tế đồng loạt đưa tin về cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân ở Việt Nam. Dư luận gọi sự kiện chính trị lần này là sự kiện trọng đại, ngày hội lớn trên cả nước.
Các hãng thông tấn và tờ báo lớn như Tân Hoa xã (Trung Quốc), AP (Mỹ), AFP (Pháp), BBC (Anh), Bloomberg News, Financial Times, Asia News… miêu tả không khí tưng bừng chào đón bầu cử trên các con số ở Việt Nam.
Tân Hoa xã đưa tin, 62 triệu cử tri Việt Nam đã đi bỏ phiếu bầu chọn 500 đại biểu Quốc hội và 301.954 thành viên Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đây là lần đầu tiên ở ViệtNam, cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được tiến hành cùng một ngày. Khoảng hơn 90.000 điểm bầu cử khắp cả nước mở cửa từ 7h sáng đến 7h tối.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thực hiện quyền công dân ở Hải Phòng. Ảnh: Tân Hoa xã
Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc dẫn con số thống kê từ Bộ Nội vụ Việt Nam rằng, trong số 827 ứng viên đại biểu Quốc hội, ứng viên nữ chiếm 31,44%, ứng viên ngoài Đảng là 14,27%, người dân tộc thiểu số chiếm 16,08%, ứng viên dưới 40 tuổi là 22,13%...
BBC bình luận, Quốc hội Việt Nam đã có tiếng nói nhiều hơn. Hãng này dẫn lời đại diện LHQ sắp từ nhiệm John Hendra đánh giá, Quốc hội Việt Nam đã đóng vài trò nhiều hơn nhằm đảm bảo tính trách nhiệm của chính phủ. "Tôi nghĩ rằng trong hai năm qua chúng ta đã thấy Quốc hội khẳng định được nhiều hơn vai trò của mình", ông Hendra nói.
Mạng tin Asia News viết: “Bầu cử quốc hội Việt Nam và Hội đồng Nhân dân các cấp được tiến hành 5 năm một lần. Quốc hội mới sẽ họp phiên đầu tiên sớm nhất là 60 ngày sau bầu cử, trong khi Hội đồng Nhân dân sẽ họp trong vòng từ 30-45 ngày
Asia News cũng đưa tin, do đặc thù, một số nơi đã tổ chức bầu cử sớm như huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), huyện Mường Tè (Lai Châu), vùng biển DK1, một số xã miền núi ở Quảng Bình, Quảng Nam, đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng)...
Hãng AP khi đăng tải tin tức về cuộc bầu cử đã bình luận, trong những năm gần đây, Quốc hội Việt Nam đã khẳng định mình hơn bằng cách kêu gọi chính phủ triệt để ngăn chặn nạn tham nhũng và lãng phí cũng như công khai chỉ trích về một số dự án gây tranh cãi.

Nhiều ngày qua, đường phố Việt Nam tràn ngập pano, áp phích tuyên truyền cho ngày bẩu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Ảnh AFP
Tờ báo chuyên về tài chính, kinh tế của Mỹ Bloomberg đưa tin về cuộc bầu cử Việt Nam, đồng thời ca ngợi sự ổn định chính trị của Việt Nam. Trên trang web của Bloomberg có đoạn: “Trong số 827 ứng cử viên Quốc hội thì có 117 người ngoài Đảng, có 15 người tự ứng cử”.
Tờ báo này trích nhận xét của Moody’s cho biết, sự ổn định về mặt chính trị của Việt Nam là kết quả của đất nước ngày càng giàu hơn, triển vọng việc làm tốt hơn và nền kinh tế ngày càng mở hơn. Bloomberg cũng đề cập tới một số thành tựu Việt Nam đạt được trong thời gian qua như: Kinh tế tăng trưởng trung bình 7%, thu nhập bình quân theo đầu người đã tăng gấp bốn lần kể từ giữa những năm 1990. Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007.
Trong khi đó, Financial Times mở đầu bài viết của mình bằng việc nói đến một trong những ứng cử viên tự ứng cử là ông Nguyễn Quang Huân, một doanh nhân 47 tuổi người Hà Nội. Ông quyết tâm vì ông nhận thấy mức độ độc lập cao được thể hiện trong Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ 4 năm vừa qua.
Tờ Financial Times nhận xét, cuộc bầu cử Quốc hội ở Việt Nam ngày càng có tính chất cạnh tranh cao.
Tờ Straits Times đưa tin, hôm nay, Việt Nam bắt đầu bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử được mô tả là “sự kiện chính trị to lớn”. Hơn 60 triệu người đủ tư cách để bỏ phiếu, bầu chọn 500 đại biểu Quốc hội. Quốc hội Việt Nam được đánh giá là ngày càng trở nên cởi mở và thẳng thắn hơn.
Quốc hội khóa mới sau đó sẽ bầu và phê chuẩn chính phủ mới. Các cử tri đã tiến hành bỏ phiếu ngay sau khi điểm bầu cử mở cửa vào lúc 7h sáng. Truyền hình trước đó đã đưa tin hàng ngày về hoạt động chuẩn bị bầu cử. Đường phố rợp biểu ngữ về bầu cử. Một người dân cho hay: “Ai cũng phấn khởi và vui mừng trong ngày hội bầu cử”.
Dư luận Nga thì chú ý đến khía cạnh cuộc bầu cử lần này diễn ra sau thành công của đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11. Còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng với sự kiện chính trị lớn lần này, Việt Nam sẽ bước vào giai doạn mới, sau giai đoạn cuộc đổi mới kinh tế đã chứng minh rằng Việt Nam đang đi đúng hướng từ nhiều năm qua./.
PV (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét