Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Cần cái nhìn khách quan và khoa học



QĐND - Nhớ lại thời điểm cách đây gần một năm, khi nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có về áp lực lạm phát gia tăng, khó khăn sau nhiều năm tích tụ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái..., thì một số người tự xưng là “chuyên gia kinh tế” đã đưa ra dự báo trên mạng internet rằng “cuối năm 2011 kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ”. Thế nhưng, thực tế đã không như vậy. Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã kịp thời có Kết luận 02, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực phấn đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và đã đạt được kết quả đáng phấn khởi, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nền kinh tế của chúng ta không những không “sụp đổ” như họ dự báo mà còn có bước phát triển khá cao so với nhiều quốc gia trên thế giới. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2011 tăng gần 6%, tuy thấp so với kế hoạch đưa ra là 7-7,5% nhưng nếu đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay đang suy giảm từ 5,1% xuống 4% và các nước trong khu vực ASEAN trước đây tăng trưởng 6,9% nay chỉ còn 5,3% thì đó là thành công lớn của chúng ta. Năm 2011, cũng là năm đầu tiên chúng ta đã kéo giảm được bội chi ngân sách Nhà nước xuống dưới 5% GDP. Kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục, cả năm ước đạt 96,3 tỷ USD, tăng khoảng 33% so với năm 2010, cao hơn 3 lần so với chỉ tiêu Quốc hội thông qua (10%). Đối với nhập siêu, chúng ta đã có tốc độ giảm đáng kể và ở mức 10% kim ngạch xuất khẩu so với kế hoạch lên tới 18% kim ngạch xuất khẩu. Đây là mức nhập siêu thấp nhất trong vòng 5 năm qua. 
Trong khó khăn, các chính sách an sinh xã hội vẫn được Nhà nước ta bảo đảm như: Miễn viện phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo; cấp học bổng cho học sinh dân tộc nội trú, bán trú...; đồng thời sử dụng nguồn tiết kiệm thêm 10% và nguồn dự phòng ngân sách để thực hiện trợ cấp cho các đối tượng chính sách, người nghèo gặp khó khăn do giá cả tăng cao và Nhà nước điều chỉnh giá như hỗ trợ đột xuất đối với người nghèo, người có thu nhập thấp (mức 250.000 đồng/người cho các đối tượng hưởng lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội có mức lương thấp, các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công; mức 250.000 đồng/hộ cho các hộ nghèo theo chuẩn mới); hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo do tác động tăng giá điện (mức 30.000 đồng/hộ/tháng); sử dụng trên 3000 tỷ đồng từ dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện việc khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và xử lý các công trình đê, kè sạt lở cấp bách nhằm giảm tác hại do thiên tai gây ra. Tổng kinh phí thực hiện chính sách an sinh xã hội năm 2011 đã đạt khoảng 84.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2010. 
Thất bại trước việc dự báo sai trong năm 2011, trước thềm năm mới 2012, một số “chuyên gia kinh tế” lại đưa ra tiếp những nhận định: “Kinh tế Việt Nam sẽ sụp đổ trong năm 2012” và “Hệ thống ngân hàng của Việt Nam sớm muộn cũng sẽ sụp đổ”, “Người ta đạp nhau bán cổ phiếu lấy tiền mua vàng, USD”, “sẽ có phiếu xăng dầu, sổ gạo, sổ nhu yếu phẩm”, “sẽ có nạn đói lan rộng toàn quốc”...
Chẳng biết trình độ thật của các vị nói trên thế nào, nhưng những nhận định mà các vị đưa ra thì lại thiếu cơ sở khoa học.
Trước thềm năm mới 2012, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với sự tham dự của nhiều chuyên gia đích thực về kinh tế của thế giới và Việt Nam. Các chuyên gia đều cho rằng, vào năm 2012, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải đối diện với không ít thách thức nhưng nền kinh tế Việt Nam sẽ ổn định và tiếp tục phát triển. Đặc biệt, Việt Nam vẫn được cộng đồng doanh nghiệp và nhiều tổ chức thế giới tin cậy vào sự ổn định và triển vọng đầu tư tốt cả về trung và dài hạn. Trong “Tổng quan kinh tế thế giới năm 2011” công bố tháng 9-2011, IMF đã đưa ra những dự báo khá lạc quan cho Việt Nam, cụ thể: Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP năm 2012 là 6,3%, cao hơn so với mức tăng chỉ 5,8% năm 2011, và năm 2013 GDP của Việt Nam sẽ tăng tới 7,5%...
Chúng ta trân trọng những ý kiến đóng góp cho giải pháp phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các ý kiến, nhận định đó phải mang tính khách quan, có cơ sở khoa học
Trung Kiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét