Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Chống “Diễn biến hòa bình” - Nhiệm vụ quan trọng


QĐND - Những thành tựu đã đạt được trong 20 năm thực hiện Cương lĩnh Đổi mới-(Cương lĩnh 1991) đã đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống của nhân dân đã có những cải thiện đáng kể, vị thế, uy tín của Việt Nam đã được nâng cao rõ rệt,… Tuy nhiên đất nước vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có Chiến lược "diễn biến hòa bình" (DBHB) của chủ nghĩa đế quốc, lợi dụng dân chủ, nhân quyền nhằm “can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị của Việt Nam” (Báo cáo chính trị Đại hội XI, trang 65). Đấu tranh chống lại các âm mưu, thủ đoạn DBHB của chủ nghĩa đế quốc, các phần tử phản động, tay sai và những kẻ thoái hóa về chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng ta trong giai đoạn cách mạng mới.  
Khái niệm “diễn biến hòa bình” (DBHB) không phải là “sáng tạo” của các nhà tuyên truyền cộng sản, cũng không phải là con ngáo ộp do người ta thêu dệt ra để hù dọa nhân dân, mà là sản phẩm của G.Kainan-một trong những chiến lược gia chính trị xuất sắc nhất của Hoa Kỳ (thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai)-đề xuất. Kainan đã viết rằng, “Hoa Kỳ không có khả năng tiêu diệt Liên Xô bằng vũ lực”, muốn chiến thắng Liên Xô cần phải tăng cường sử dụng các “thủ đoạn phi quân sự, thực hiện diễn biến hòa bình” làm “thay đổi tính chất chính quyền nhà nước XHCN”… Quan niệm của G.Kainan là cội nguồn, đồng thời là cốt lõi của khái niệm DBHB. Tư tưởng chiến lược này đã được vận dụng, phát triển không ngừng qua nhiều đời Tổng thống Mỹ. 
Tổng kết lại cuộc cạnh tranh, đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội - TBCN và XHCN hơn 50 năm, nhất là sau khi khi Liên Xô tan rã, các nước XHCN Đông Âu sụp đổ, R.Ních-xơn trong cuốn sách “1999 - chiến thắng không cần đến chiến tranh” đã viết: “Rốt cuộc sự cạnh tranh giữa các hệ thống xã hội cuối cùng, cái có tác dụng quyết định đối với lịch sử là tư tưởng chứ không phải là vũ khí”. Trong chiến lược chống phá các nước XHCN và các quốc gia đang đi theo con đường độc lập dân tộc và định hướng XHCN, các lực lượng cực hữu về dân chủ, nhân quyền không chỉ định kỳ “đánh giá”, lên án các quốc gia “vi phạm dân chủ, nhân quyền” trong các báo cáo thường niên, mà còn “cập nhật” các sự kiện về chính trị, xã hội, xuyên tạc đường lối, chính sách của các Đảng Cộng sản, vu cáo các chính phủ do Đảng Cộng sản cầm quyền, ra tuyên bố “lấy làm tiếc”, về hành động của các chính phủ đã xử phạt các phần tử “bất đồng chính kiến”, các "chiến sĩ" đấu tranh cho dân chủ và quyền con người, thực chất là bảo vệ các phần tử chống phá nhà nước, những kẻ mà theo họ nếu được dựng lên sẽ trở thành “đệ tử" của họ. Chẳng thế mà ngay sau khi diễn ra các cuộc bạo động ở Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ đã ngay lập tức ủng hộ các cuộc biểu tình ở khu vực này, đồng thời chỉ trích các nước Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba, I-ran, Mi-an-ma, Xi-ri… rằng ở những quốc gia này “Internet vẫn bị hạn chế bằng nhiều cách. Ở Trung Quốc chính phủ kiểm duyệt nội dung… còn tại Việt Nam, những  blogger nào chỉ trích chính phủ thì bị bắt bớ”. Tương tự như vậy, ngay sau vụ án xét xử Cù Huy Hà Vũ, Quyền phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã “quan ngại sâu sắc về việc kết án 7 năm tù giam đối với nhà hoạt động Cù Huy Hà Vũ…”.
Chiến lược DBHB đã trải qua nhiều giai đoạn với nhiều phương thức khác nhau. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chiến lược này chủ yếu diễn ra  trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị - lĩnh vực phi bạo lực. Đỉnh cao của chiến lược này là những tác động của Phương Tây vào  cải tổ ở Liên Xô, Đông Âu và Trung Quốc  (trong sự kiện động loạn ở Bắc Kinh, mùa hè 1989). Thời kỳ hậu cải tổ, chiến lược DBHB, một mặt tập trung mũi nhọn vào các nước XHCN còn lại, trong đó có Việt Nam, mặt khác tiếp tục “hoàn thiện” các chế độ mới chuyển đổi ở các quốc gia SNG và Đông Âu - nói một cách cụ thể hơn, đó là việc xóa bỏ các chính phủ còn ít nhiều chịu ảnh hưởng của chế độ XHCN Liên Xô và của các Đảng Cộng sản  bằng các cuộc “cách mạng màu”. Các sự kiện đang diễn ra ở thế giới A-rập hiện nay, mà có người gọi là “cách mạng hoa nhài”, lại cho người ta thấy thêm quy mô cũng như các thủ đoạn của phương Tây trong chiến lược này nhằm thay đổi bằng được các chính phủ không biết nghe lời họ. Liên hệ đến Việt Nam, phương Tây đang mơ đến cuộc “cách mạng hoa sen”… Tất nhiên, không có một chiến thắng nào của chủ nghĩa đế quốc lại không dựa trên việc tận dụng những sai lầm, khiếm khuyết của các đảng cầm quyền, các nhà lãnh đạo chính phủ hiện hữu, cũng như không dựa trên tình trạng xã hội có nhiều vấn đề bức xúc, như đói nghèo, bất công, cán bộ công chức quan liêu, tham nhũng… Đây là một bài học cho tất cả các quốc gia không phân biệt hệ tư tưởng, chế độ chính trị, trình độ phát triển.
Đối với Việt Nam, chiến lược DBHB đã có những thay đổi quan trọng, nó không còn theo nguyên nghĩa – chỉ là những tác động về tư tưởng, lý luận như phê phán mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin… (thời kỳ từ giữa những năm 80 đến đầu những năm 90 thế kỷ XX). Cho đến nay, chiến lược đó đã chuyển sang kết hợp DBHB về tác động về tư tưởng, lý luận với tiến công về chính trị - công kích trực tiếp vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chế độ XHCN, thể chế quốc gia - trong đó có Điều 4 Hiến pháp 1992  về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và hệ thống pháp luật Quốc gia;  xuyên tạc, lên án  sự nghiệp cách mạng  của dân tộc trên một nửa thế kỷ qua, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh gian khổ của cả dân tộc. Không dừng lại ở các hoạt động tư tưởng, chính trị, “bất bạo động”, các phần tử thù địch người Việt được sự trợ giúp  của phương Tây còn đẩy tới hoạt động kích động  tâm lý dân tộc hẹp hòi, tư tưởng cực đoan trong tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và tập hợp lực lượng chống đối, gây bạo loạn cục bộ, đồng thời chuẩn bị cho các hoạt động rộng lớn hơn nhằm lật đổ vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Tính phức tạp cuộc đấu tranh chống DBHB là ở chỗ, trong khi phải đương đầu với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch thì đồng thời chúng ta cũng đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trên lĩnh vực chính trị đó là việc “bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện”; là “đẩy mạnh cải cách lập pháp, tư pháp… tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN”; là kiên quyết đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, “hoàn thiện thể chế, luật pháp; thực hiện dân chủ công khai, minh bạch”. Trên lĩnh vực quốc tế đó là “tăng cường hợp tác quốc tế, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế… thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế”. Trên lĩnh vực kinh tế xã hội, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển hài hòa giữa các vùng miền, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách phát triển…
Thắng lợi của công cuộc đổi mới phụ thuộc một phần quan trọng vào sự phát triển của lĩnh vực khoa học (bao gồm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhân văn) và công nghệ. Muốn vậy không thể không xây dựng và thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài; thực hiện dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức…
Những vụ việc vi phạm pháp luật được đưa ra xét xử tại tòa án trên lĩnh vực an ninh quốc gia trong thời gian qua cho thấy có nhiều vụ vi phạm  một số điều tại Bộ luật Hình sự 1999, trong đó có các tội lợi dụng dân chủ nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 79); tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam (Điều 88, Bộ luật Hình sự). Có thể nói âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch trong chiến lược DBHB hiện nay chính là lợi dụng ngay các chủ trương, chính sách đổi mới để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Một số kẻ lợi dụng chủ trương mở rộng dân chủ, cải cách hành chính, tự do tư tưởng, tự do báo chí, ngang nhiên đòi hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp, 1992, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; thực  hiện “ngay” nguyên tắc tam quyền phân lập; có kẻ viết bài tung lên mạng, hoặc tiếp cận các đài báo phương Tây, trả lời phỏng vấn, phát tán quan điểm cá nhân thông qua Internet xuyên tạc, vu cáo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thậm chí còn trắng trợn vu cáo Chính phủ Việt Nam bán nước cho ngoại bang; có kẻ kết nối các phần tử chống đối mưu toan thành lập các tổ chức đảng chính trị phản động…
Tính chất nguy hại của chiến lược DBHB hiện nay là ở chỗ, một khi những quan điểm cực đoan của phương Tây về đa nguyên chính trị, dân chủ, nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền của các dân tộc thiểu số được kích động sẽ chuyển thành những hành động chính trị phá hoại  khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phá hoại sự ổn định xã hội, thậm chí có thể hủy hoại thành quả cách mạng trên một nửa thế kỷ qua của nhân dân ta, đưa nước ta sang con đường tư bản chủ nghĩa.
Đấu tranh chống DBHB ngày nay cần nắm vững những nhận thức  mới của Đảng ta về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về xã hội XHCN, nhất là các nguyên tắc về dân chủ XHCN, trong đó có vai trò lãnh đạo cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyên tắc pháp quyền XHCN, trong đó Hiến pháp, pháp luật quốc gia phải được tôn trọng; quyền, lợi ích của cá nhân phải đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm. Thắng lợi của cuộc đấu tranh chống DBHB còn cần phải dựa trên nhận thức, hành động và tình cảm cách mạng trong sáng, kiên quyết khắc phục những khiếm khuyết của xã hội, vì những giá trị cao cả của dân tộc được hình thành trong lịch sử cũng như những giá trị chân chính  của mỗi người.
Bắc Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét