Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

"Chủ quyền biển đảo phải được đưa vào nhà trường"


(Dân trí) – “Việt Nam có chủ quyền và thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa từ rất lâu rồi. Các nước dù nói này kia nhưng đều không thực thi chủ quyền. Vấn đề là chúng ta tuyên truyền để bạn bè quốc tế biết và ủng hộ, sẽ không ai xâm phạm được”…
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm trao đổi xung quanh vấn đề tình hình biển Đông bên lề kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII.
“Gây phức tạp cũng không xuyên tạc được lịch sử”
Việc Trung Quốc “leo thang” với những vụ xâm phạm liên tiếp làm căng thẳng tình hình biển Đông thời gian qua, nhiều chuyên gia nhận định là chủ đích của phía họ nhằm biến khu vực biển của ta thành vùng tranh chấp. Bằng cách này, họ có khả năng đạt mục đích của mình, thưa ông?
Luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế về luật biển 1982 của LHQ đều thể hiện rất rõ Việt Nam quyền về hàng hải, đặc quyền kinh tế trên vùng biển của mình. Chủ quyền của chúng ta đã xác định từ lâu. Trường Sa và Hoàng Sa đều có từ lịch sử. Không ai có thể xuyên tạc lịch sử. Dù bạn có gây vấn đề gì phức tạp cũng không thể xóa bỏ được thực tế này.
Việc của chúng ta là phải làm cho không chỉ nhân dân hiểu, cùng đồng thuận bảo vệ chủ quyền mà thế giới cũng thấy rõ để ủng hộ lập trường của chúng ta trong việc giải quyết vấn đề này. Tôi tin rằng lập trường của Việt Nam sẽ được ủng hộ. 

Có thông tin Trung Quốc mang giàn khoan lớn nhất của họ ra đặt ở Trường Sa. Đây có phải là hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và nếu vậy, chúng ta phải có cách xử lý thế nào?
Thông tin này trước tháng 7 họ đã đưa ra, giờ chững lại một thời gian và cũng không biết tới đây sẽ thế nào. Tất nhiên chúng ta phải kiên quyết bảo vệ, đấu tranh với Trung Quốc nhưng không gây căng thẳng, phức tạp vì vấn đề không chỉ liên quan đến chúng ta mà còn một số nước khác nữa và tôi tin chắc các nước cũng đều không đồng tình với việc này.
Căn cứ trên cơ sở pháp luật quốc tế, dù nước nào làm gì vi phạm công ước, chúng ta vẫn sẽ giữ được chủ quyền của mình.
Khó đơn phương kiện ra tòa án quốc tế
Hiện Trung Quốc có hướng lái yêu cầu thỏa thuận song phương để giải quyết vấn đề biển Đông. Chúng ta nên xử lý vấn đề này thế nào, kiên quyết phải đưa ra đa phương?
Lập trường của ta rất rõ, về Hoàng Sa, chỉ có Trung Quốc và ta, các nước khác không có liên quan. Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng Trung Quốc đã 2 lần xâm phạm. Hoàng Sa có thể giải quyết 2 bên được.
Trường Sa lại liên quan đến nhiều bên (ít nhất là 6 bên), đồng thời liên quan đến vấn đề đường chữ U, đường 9 đoạn, chiếm gần 80% biển Đông mà Trung Quốc đưa ra, rồi liên quan đến vấn đề tự do hàng hải – quyền lợi của nhiều nước khác ở khu vực. Vấn đề này không thể giải quyết song phương được mà phải có tập thể nhiều nước, những nước nào có liên quan thì cùng ngồi lại giải quyết. Ví dụ, 2 bên Việt Nam, Trung Quốc có ngồi lại giải quyết với nhau nhưng kết quả sau cùng các nước khác lại không đồng ý cũng không giải quyết được gì.
Vậy nên dù Trung Quốc nêu quan điểm như vậy nhưng tôi tin bằng cách này cách kia họ cũng phải đồng ý đàm phán đa phương vì chỉ có thế mới giải quyết được vấn đề. Tất nhiên Trung Quốc là 1 nước mạnh hơn nhưng với Philippines hay Brunei… cũng đều vậy, các nước chắc đều đồng ý cách giải quyết đa phương thôi. Trung Quốc cũng buộc phải chấp nhận “luật”.
Công ước luật biển 1982 cho phép những trường hợp như Việt Nam có thể khởi kiện ra tòa án quốc tế. Khi khởi kiện, dư luận quốc tế cũng sẽ biết rõ hơn bản chất sự việc và mình cũng có thêm cơ hội khẳng định rõ chủ quyền. Theo ông việc này có cần thiết?
Kiện thì có vấn đề phức tạp là phải cả 2 bên đồng ý đưa ra kiện. Nếu chỉ 1 bên, tòa án quốc tế sẽ không chấp nhận thụ lý.
Việt Nam đã thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa nhiều thế kỷ
Việc Trung Quốc đòi hỏi "đường lưỡi bò" cả thế giới đều cho là vô lý. Nhưng trong nước, bạn vẫn liên tục cho các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền là Việt Nam lấn lướt và đòi chủ quyền của bạn. Việc này thể hiện ý đồ gì của nhà cầm quyền Trung Quốc?
Họ phải nói như thế để bảo vệ quan điểm "đường lưỡi bò" họ đưa ra, dù thực tế thế giới không ai thừa nhận quan điểm hoàn toàn không đúng này. Không ai có thể chiếm lĩnh cả vùng biển to lớn như vậy làm lãnh hải của mình nên cái này ta không phải lo. Nhưng dù sao ta cũng thông tin lại để bạn bè quốc tế thấy rõ quan điểm đó sai như thế nào vì quốc tế có nhiều nước ở các châu lục khác xa khu vực và không quan tâm đến vấn đề này. Vậy nên tôi cho rằng tới đây công tác thông tin tuyên truyền của mình cần phải mạnh hơn.
Dư luận quốc tế thời gian qua, từ sau vụ gây hấn đầu tiên của Trung Quốc, cắt cáp tàu Bình Minh 02, đa phần đều ủng hộ Việt Nam và phê phán sự lấn lướt của phía bạn. Theo ông, chúng ta nên đi các bước đi tiếp theo thế nào để tăng cường hiệu quả việc này?
Chúng ta phải tiếp tục làm cho thế giới thấy rõ hơn quan điểm, lẽ phải của mình vì không phải nước nào cũng quan tâm và biết rõ vấn đề này. Lịch sử vấn đề thế nào, chúng ta có chủ quyền với 2 quần đảo từ bao giờ, chúng ta phải làm rõ.
Khi bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn họ sẽ ủng hộ quan điểm của mình thôi vì Việt Nam có chủ quyền và thực thi chủ quyền ở vùng biển của mình từ rất lâu rồi. Các nước dù có nói này kia nhưng đều không thực thi chủ quyền.
Việc chiếm lĩnh các đảo có từ trước và Việt Nam đã thực thi nó qua nhiều thế kỷ, kể từ thời các vua chúa nhà Nguyễn và trước đó.
Còn theo Công ước luật biển, chúng ta cũng đã làm rất đúng, xác định lãnh hải 12 hải lý, vùng thềm lục địa là 200 hải lý. Mọi hoạt động Việt Nam tiến hành như khai thác dầu khí đều trong phạm vi đó nên lâu nay các nước đều công nhận, không ai nói gì. Không thể đặt lại vấn đề về chủ quyền của Việt Nam ở đây.
Các chứng lý của Việt Nam như vậy đều đúng. Tôi tin chắc không có gì lật lại được lẽ phải của chúng ta vì lẽ phải đó phù hợp và được luật pháp quốc tế công nhận.
Vậy nên vấn đề trong thời đại thông tin bây giờ là tuyên truyền để bạn bè quốc tế thêm biết và ủng hộ chúng ta. Thế giới ủng hộ, không ai xâm phạm của mình được.
Kỳ họp QH lần này diễn ra trong bối cảnh cử tri rất quan tâm đến tình hình biển Đông và thông tin trong nước đến với người dân chưa nhiều, đầy đủ. Theo ông, tại diễn đàn QH lần này chúng ta có nên thông tin rộng rãi để toàn thể nhân dân có thể nhìn thấy thái độ ứng xử của Chính phủ Việt Nam?
Theo tôi được biết thì lần này trong chương trình có nội dung QH nghe báo cáo của Chính phủ về vấn đề này. Khi nghe báo cáo tất nhiên QH sẽ có việc trao đổi, cho ý kiến.
Nhưng quan điểm của ta, không chỉ ở QH mà thông tin tuyên truyền bằng nhiều cách. Vừa qua chúng ta cũng có một số biện pháp để làm nhân dân hiểu rõ lịch sử của 2 quần đảo này thế nào, lẽ phải của chúng ta ở đâu và sai trái trong lý lẽ của Trung Quốc, không phù hợp với luật pháp quốc tế và công ước luật biển.  
 Ngoài ra, chúng ta đề cập phải đưa nội dung này và chương trình học phổ thông, tôi thấy rất cần thiết để từng trẻ em đều có thể hiểu chủ quyền lãnh thổ đất nước. Trên cơ sở đó có thể tạo được sự đồng thuận của toàn thể dân tộc, cộng thêm sự ủng hộ của dư luận quốc tế chúng ta sẽ bảo vệ được chủ quyền của mình.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Cần có nghị quyết về biển Đông
Trong báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri cả nước do UB MTTQ VN trình bày trước Quốc hội có nói đến cử tri cả nước rất bức xúc vấn đề tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam. Trong chương trình nghị sự của Quốc hội trong kỳ họp này cũng dự kiến dành 60 đến 90 phút để nghe Chính phủ báo cáo về vấn đề biển Đông. Bên lề ngày làm việc 21/7 của Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này với báo giới.
"Theo dõi quá trình chuẩn bị cho kỳ họp, theo tôi nhớ, văn bản đầu tiên thì không hề nhắc đến có vấn đề biển Đông trong chương trình. Đến nay thì đã có, nghĩa là đã tạo được mối quan tâm từng bước. Từ chỗ không có đến chỗ chỉ được chính phủ gửi văn bản báo cáo Quốc hội, đến Quốc hội được nghe báo cáo trực tiếp từ Chính phủ. 60 hay 90 phút không quan trọng mà quan trọng là chất lượng thảo luận. Như thảo luận thêm trong các phiên thảo luận ở tổ chẳng hạn”, ông Dương Trung Quốc nói. 
Theo đại biểu này, nhân sự là người gánh vác đời sống, mà việc đời sống thì vấn đề biển Đông, vấn đề bảo vệ chủ quyền hiện đang nổi lên như một vấn đề cấp thiết, "vì thế thảo luận ở tổ về nhân sự cho lãnh đạo cao cấp tôi sẽ đề cập vấn đề này. Còn một khi các đại biểu Quốc hội khác thấy cấp thiết nữa, tức là có áp lực đến một mức độ nào đó thì sẽ đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết và Quốc hội cũng sẽ lắng nghe như chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn có nói, có ra nghị quyết hay không thì còn là quyền của các đại biểu, xem các đại biểu có đặt vấn đề không. Nếu các đại biểu đặt vấn đề đông đảo, cần thiết thì Quốc hội ban hành nghị quyết”.  
"Tôi cho là cần có một nghị quyết trong vấn đề này. Một nghị quyết để thể hiện thống nhất quan điểm, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, vì đôi khi tôi cảm giác hiện nay có điều gì đó chưa hiểu nhau giữa cơ quan nhà nước và nhân dân. Tôi không nghi ngờ quan điểm, lập trường kiên định của nhà nước và người dân trong vấn đề bảo vệ chủ quyền nhưng dường như có sự chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước và người dân về vấn đề này trong cách thể hiện”, vẫn theo ông Dương Trung Quốc.
Hồng Kỹ (Ghi)

Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét