Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Có những người cố tình không muốn hiểu Việt Nam


QĐND - Học giả, Tiến sĩ người Mỹ Thô-mát Gian-đơn (Thomas Jandl), người có nhiều nghiên cứu sâu về tình hình kinh tế, chính trị của Việt Nam trong nhiều năm và đã từng nghiên cứu về những hình thái phát triển của Việt Nam và Ma-lai-xi-a, cho rằng vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam đã bị phóng đại quá mức vì có những người cố tình không muốn hiểu bản chất sự việc.
- Ông đã đến Việt Nam bao nhiêu lần rồi?
- Kể từ lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1997 để nghiên cứu và làm luận văn thạc sĩ, đây là lần thứ 12 tôi đến Việt Nam. Tới Việt Nam lần này tôi dẫn theo sinh viên để tìm hiểu về phát triển kinh tế ở Việt Nam. Những lần trước tôi đến một mình để thu thập tư liệu làm nghiên cứu, lấy thông tin cho các bài thuyết trình, đôi khi làm công tác của một phóng viên vì tôi từng là nhà báo. Tôi đã viết nhiều báo cáo về Việt Nam trong suốt thời gian 3 năm tôi học tiến sĩ.
- Với “nền tảng” như vậy, chắc ông nắm khá rõ về tình hình kinh tế-chính trị Việt Nam. Vậy ông nghĩ thế nào về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam nói chung?
- Về nhân quyền nói chung, tôi nghĩ có một số khác biệt giữa Mỹ và Việt Nam trên một số vấn đề. Một trong những vấn đề lớn là một số nhóm người “kỳ lạ” ở Việt Nam rất giỏi trong việc kích động một số người ở Mỹ. Cũng như vậy, vấn đề quyền tự do tôn giáo, cá nhân tôi thấy cũng có sự phóng đại quá mức. Trên thực tế những gì tôi nhìn thấy, tôi nghiên cứu, tôi được biết thì không có vấn đề gì với quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của các cá nhân. Có gì đó mà “họ” ám chỉ thì chỉ là có sự khác biệt trong việc đăng ký hoạt động tôn giáo của một số tổ chức mà chúng tôi gọi là xã hội dân sự, còn Việt Nam gọi là các tổ chức xã hội dân sự.
Ví dụ, khi một nhà thờ muốn đăng ký ở Việt Nam thì xét theo điều kiện luật pháp ở Mỹ, chúng tôi coi đó là quyền của nhà thờ. Nhưng cũng như thế ở châu Âu, thì họ lại sẽ xem xét các nhóm tôn giáo để cho đăng ký. Mỹ thì vẫn chỉ trích châu Âu về điều này. Thực tế thì chỉ là do khác biệt về quy định mà thôi. Cứ cố tình hiểu sai đi thì rất khó.
 - Như ông nói thì vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam đã bị phóng đại quá mức?
- Như tôi nói lúc trước, có những nhóm rất giỏi trong việc biến bất kỳ tranh chấp nào đó thành tranh chấp tôn giáo và có những người ở nước ngoài, bao gồm cả ở Mỹ, sẽ ngay lập tức hưởng ứng vấn đề này. Tôi nghĩ, Việt Nam không nên quan tâm đến vấn đề này. Vấn đề tôn giáo là muôn thuở, vì thực tình ở Mỹ hiện nay cũng hình thành hai nhóm, một nhóm luôn chỉ trích Việt Nam với lý do gây sức ép với các nhà thờ. Trong khi đó, nhóm còn lại hoàn toàn hiểu được đó không phải vấn đề tự do tôn giáo, mà là vấn đề một nhóm nào đó đủ điều kiện để được đăng ký hoạt động như một tổ chức tôn giáo hay không.
Hay như vụ việc diễn ra ở Mường Nhé gần đây, như tôi đã nói, các nhóm này đã vận động và tuyên truyền kích động để biến nó thành vấn đề tôn giáo và quyền của dân tộc thiểu số. Nhưng trên thực tế không phải như vậy. 
- Rõ ràng là vẫn còn rất nhiều hiểu lầm đối với vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở ViệtNam. Theo ông, Việt Nam nên làm gì để minh bạch những hiểu lầm này?
- Tôi nghĩ cách tốt nhất là đối thoại, đối thoại giúp hiểu nhau hơn. Ví dụ, bây giờ hầu hết người Mỹ đều hiểu về Việt Nam. Vì sao? Họ đã đến Việt Nam, trực tiếp nhìn thấy, trực tiếp tiếp xúc với người dân, chứ không như ngày xưa, chỉ nghe báo cáo và đọc ở đâu đó.
 - Việt Nam và Mỹ vẫn đối thoại thường niên về nhân quyền để hiểu nhau rõ hơn, nhưng báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về nhân quyền và tự do tôn giáo vẫn chỉ trích Việt Nam. Ông nghĩ sao?
- Vấn đề là ở chỗ không phải không hiểu nhau mà có một số người cố tình không muốn hiểu. Tôn giáo là vấn đề rất lớn ở Mỹ, lớn hơn nhiều so với ở châu Âu, và được mọi người quan tâm. Do đó, một số nghị sĩ muốn đưa vấn đề này vào chương trình hoạt động của mình, kể cả việc trình các nghị quyết lên Quốc hội, có thể vì một mục đích nào đó, lợi ích nào đó của họ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, không có một nghị quyết nào liên quan đến vấn đề tôn giáo ở Việt Nam được thông qua ở Quốc hội Mỹ. Do đó, có thể thấy vấn đề tự do tôn giáo không còn sức mạnh để chặn bất kỳ tiến bộ thực sự nào trong quan hệ Việt – Mỹ.
- Ông hướng dẫn sinh viên nghiên cứu về phát triển của Việt Nam. Vậy ông thấy Việt Nam phát triển kinh tế gắn với nhân quyền thế nào?
- Ở một nước còn nghèo và có người rất nghèo thì việc đảm bảo đủ thức ăn, đồ uống rõ ràng là một việc quan trọng liên quan tới quyền của con người. Tôi nghĩ, Việt Nam đã rất thành công và đạt nhiều tiến bộ trong giải quyết vấn đề này như chương trình xóa đói, giảm nghèo và hoàn thành sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Nhìn vào tổng thể, có thể nói Việt Nam đã đảm bảo tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cho người dân. Mà điều đó cũng được cộng đồng quốc tế công nhận rồi. Việt Nam được thế giới biết đến như một tấm gương về tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt là mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
- Đối với sự phát triển của Việt Nam, ông ấn tượng nhất ở điều gì?
- Tự bản thân sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong vòng hơn 20 năm qua đã là ấn tượng. Nhưng đối với tôi, điều đặc biệt và đáng kinh ngạc là Việt Nam tiếp cận với công nghệ thế giới rất nhanh. Ví dụ như internet chẳng hạn. Tốc độ truy cập internet ở Việt Nam đặc biệt nhanh. Năm 1997, khi tôi đến Đại học Cần Thơ, internet ở đây đã rất tốt rồi. Còn nữa, sự phổ cập là rộng rãi. Khoảng 3, 4 năm trước, khi đến Việt Nam thu thập tài liệu viết bài, muốn sử dụng internet, tôi phải tìm một khách sạn. Nhưng giờ đây, tôi có thể ngồi ở bất kỳ quán cà phê nào, dù rẻ tiền cũng có thể truy cập được. Và có nhiều mạng không dây miễn phí ở khắp nơi, tốt hơn nhiều so với ở Mỹ.
Ngọc Hưng – Thu Trang (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét