Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Công lý cho các nạn nhân da cam



(HNM) - Ở nước ta, hậu quả của chất độc da cam (CĐDC) trong chiến tranh đến nay vẫn là vấn đề nhức nhối chưa giải quyết, khắc phục được. Bước sang năm 2012, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam (VAVA) đang cố gắng hoàn tất công tác chuẩn bị để xúc tiến vụ kiện mới đối với các công ty hóa chất Mỹ nhằm đòi lại công lý cho các nạn nhân CĐDC. Theo đánh giá của nhiều luật sư,  vụ kiện mới lần này có nhiều lợi thế giành chiến thắng.
Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã rải 80 triệu lít hóa chất độc hại, 60% trong số đó là chất da cam chứa 366kg dioxin xuống miền Nam Việt Nam, gây hậu quả rất nghiêm trọng cho môi trường, sinh thái và sức khỏe con người. Đã có 4,8 triệu người bị phơi nhiễm CĐDC, 3 triệu người là nạn nhân, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ con, cháu… Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Chính phủ Mỹ sớm tham gia khắc phục hậu quả do chất độc hóa học gây ra. Sau 31 năm, kể từ ngày Hiệp định Paris được ký kết, đến ngày 30-1-2004, các nạn nhân CĐDC Việt Nam buộc phải đưa đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại. Vụ kiện đã qua hai cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm của Tòa án Liên bang Mỹ. Ngày 2-3-2009, Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ ra thông báo không xem xét đơn kháng cáo của các nguyên đơn Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch VAVA cho biết, các cấp tòa án Mỹ từ chối, không thụ lý vụ kiện của các nạn nhân CĐDC Việt Nam vì cho rằng đặc trưng của chất da cam là chất diệt cỏ, không thừa nhận chất da cam là chất độc hại đối với con người. "Mặc dù vụ kiện bị tòa án Mỹ từ chối thụ lý nhưng đã giành được những thắng lợi quan trọng, vạch trần trước dư luận thế giới âm mưu che đậy tội ác của Mỹ trong việc tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam; làm cho nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam; thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, dư luận quốc tế và dư luận Mỹ, hình thành phong trào mang tính quốc tế đấu tranh chống chiến tranh hóa học, đòi Mỹ bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam", Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh khẳng định.
Theo luật sư Lê Đức Tiết, người đã nhiều năm theo dõi, nghiên cứu vụ kiện thì dù bị Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ bác bỏ nhưng vụ kiện vẫn chưa thể chấm dứt vì nhiều căn cứ: thời hiệu khởi kiện không bị triệt tiêu; tư cách pháp lý của nguyên đơn Việt Nam đã được tòa án Mỹ thừa nhận… Đây là những tiền lệ tư pháp giúp các nguyên đơn Việt Nam có thể tiếp tục đấu tranh pháp lý đến cùng tại Mỹ để đòi công lý. Vì thế, trong năm 2012, VAVA sẽ xúc tiến vụ kiện mới khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ.
Việc Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ bác bỏ đơn kiện của các nạn nhân CĐDC Việt Nam là không công bằng, vi phạm nhân quyền. Hiện mỗi năm Mỹ chi hàng tỷ đôla trợ cấp cho những cựu chiến binh Mỹ bị ảnh hưởng CĐDC trong chiến tranh (năm 2010 chi khoảng 13,5 tỷ USD), nhưng những người Việt Nam là nạn nhân của họ thì không hề được quan tâm. VAVA đang nghiên cứu luật pháp Mỹ, nhờ các luật sư giỏi trên thế giới, trong đó có cả luật sư Mỹ tư vấn để tiến hành vụ kiện mới. Hiện tại, kết quả nghiên cứu đã được mở ra, vụ kiện sắp được bắt đầu.
PGS-TS Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VAVA cho biết, quyết định theo đuổi vụ kiện mới, VAVA đã tính đến những khó khăn sẽ gặp phải. Vì thế, VAVA đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc xúc tiến vụ kiện như lựa chọn nguyên đơn, chuẩn bị hồ sơ pháp lý, trao đổi thống nhất với các luật sư Mỹ về nội dung đơn kiện, sách lược tiến hành vụ kiện. Hiện tại, có rất nhiều luật sư nhận làm từ thiện giúp VAVA tiến hành vụ kiện. Giữa các bên cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ ở Việt Nam và Mỹ. Sau khi tìm hiểu, phân tích và thu thập chứng cứ, các luật sư nhận định, khả năng thắng kiện lần này là rất cao. Ngay cả trong trường hợp xấu nhất - không giành được thắng lợi, VAVA vẫn sẽ tiếp tục những vụ kiện khác, đòi lại công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam.

Năm 2012, bên cạnh việc xúc tiến các công việc chuẩn bị cho vụ khởi kiện mới đòi lại công lý cho các nạn nhân CĐDC, VAVA tiếp tục đẩy mạnh chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC thông qua các hình thức: vận động các cơ quan chức năng hoàn chỉnh và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với những người có công nhiễm chất độc hóa học và gia đình họ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng 55 trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân CĐDC; mở rộng địa bàn điều tra, khảo sát về nạn nhân CĐDC; củng cố, phát triển tổ chức hội, nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc nạn nhân CĐDC...

Quỳnh Anh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét