Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá cao nông nghiệp Việt Nam



(Chinhphu.vn) - Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 42 ở Davos (Thụy Sĩ), Việt Nam đã được nêu lên như một điển hình xuất sắc cho việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở các nước đang phát triển.


Ngày 29/1, phiên họp chuyên đề bàn về việc triển khai thực hiện “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” trong khuôn khổ Diễn dàn đã diễn ra với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, trong đó có nhiều nguyên thủ và quan chức cao cấp các nước cùng 50 lãnh đạo các công ty, tập đoàn đa quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế.
Việt Nam chính thức tham gia sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” từ năm 2010. Đây là sáng kiến của Diễn đàn Kinh tế thế giới nhằm tăng sản lượng nông nghiệp lên 20% trong khi giảm 20% tỷ lệ đói nghèo và giảm 20% mức phát thải cácbon trong 10 năm.
Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát dẫn đầu. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã giới thiệu hoạt động của 5 nhóm công tác (gồm nhóm chè, cà phê, rau quả, thủy sản và nhóm ngành hàng chung) cùng kinh nghiệm triển khai của Việt Nam.
Việc triển khai hiệu quả các nhóm công tác này đã mang lại kết quả đáng khích lệ như cho đến nay, 10.000 tấn chè Phú Thọ đã được tiêu thụ theo tiêu chuẩn “Rừng mưa,” một tiêu chuẩn bắt buộc đối với chè xuất khẩu trong hệ thống của Tập đoàn Unilever... 
Nhóm công tác cà phê đã tiến hành các nghiên cứu ứng dụng mới thông qua hai mô hình trình điễn ở Đăk Lăk và Lâm Đồng. Nhóm rau quả được tập trung triển khai ở Lâm Đồng để thử nghiệm một số giống khoai tây. Nhóm thủy sản đã xây dựng tại Cần Thơ 1 trung tâm giao dịch áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của tập đoàn Metro. Hàng trăm hộ nông dân  nuôi trồng thủy sản và các doanh nghiệp đã được tập huấn theo tiêu chuẩn này.
Nhóm ngành hàng chung đã tiến hành thử nghiệm để giới thiệu ngô biến đổi gen trồng thử nghiệm ở Việt Nam và tiến hành các hoạt động thông tin giới thiệu kỹ thuật mới này cho người sản xuất và tiêu dùng.
Nhìn chung tất cả các nhóm ngành hàng đều cố gắng áp dụng tiến bộ  kỹ thuật mới, áp dụng vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông sản và tái cơ cấu nền kinh tế, những nỗ lực của các nhóm công tác đã đi theo đúng hướng nâng cao giá trị nhằm đạt mục tiêu chung là tăng thu nhập cho nông dân và phát triển vững bền với môi trường.
Tuy mới ở những bước đi đầu tiên nhưng hoạt động tương đối đều tay của 5 nhóm công tác đã thể hiện sự  cam kết và nỗ lực của cả nông dân- doanh nghiệp- nhà nước. Trong năm vừa qua, khi triển khai “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”, một nội dung mới đã xuất hiện. Đó là biện pháp hỗ trợ tài chính cho nông dân thông qua hoạt động tín dụng ở cơ sở. Hưởng ứng yêu cầu quan trọng này, tổ chức phát triển nông nghiệp quốc tế IFAD và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng bàn thảo để đưa giải pháp này phát triển lên thành nhóm hoạt động thứ 6 kết hợp với 5 nhóm công tác đã hình thành từ trước đó.
Kỳ vọng “Tăng trưởng xanh”
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nêu bật định hướng các công tác chính sẽ bắt đầu trong năm 2012 là đẩy mạnh hoạt động của 5 nhóm ngành hàng và nhóm tín dụng nông thôn mới hình thành, đưa thêm các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường theo hướng tăng trưởng Xanh vào hoạt động các nhóm; bắt đầu nghiên cứu và áp dụng các giải pháp để nhân rộng các hoạt động mô hình lên cho toàn ngành hàng và xây dựng chính sách, cơ chế để thể chế hóa các sáng kiến này trên quy mô vùng và quốc gia.
Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận bằng một số đề nghị để các đối tác trong diễn đàn cùng tham gia thảo luận và  đóng góp ý kiến. Trước hết là kêu gọi sự tham gia tích cực và chủ động hơn nữa của giới doanh nhân vào cả hoạt động đầu tư, tư vấn kỹ thuật và góp ý xây dựng chính sách. Tạo điều kiện để nông dân tham gia hiệu quả hơn vào các hoạt động sản xuất và phát triển. Có sự hỗ trợ hiệu quả của các tổ chức phát triển quốc tế cho sự phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân. Những đề nghị này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ các đại biểu tham dự diễn đàn.
Trong các phần tiếp theo của phiên họp, rất nhiều ý kiến đã đánh giá những việc đã thực hiện ở Việt Nam như một hướng đi tích cực và có triển vọng để thực hiện “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp”. Các kiến nghị tại diễn đàn sẽ được đưa vào nội dung các cuộc họp G8 và G20 sẽ nhóm họp trong năm nay. Những cuộc gặp gỡ, các ý kiến đề xuất, được các nhà kinh doanh, nhà đầu tư, các tổ chức phát triển đề nghị với phái đoàn Việt Nam chứng tỏ triển vọng thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển nông nghiệp, đồng thời mở ra cánh cửa để nông sản Việt Nam tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.
Đỗ Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét