Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Đề phòng thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"


 QĐND - Trong bối cảnh hiện nay, trước tác động của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, phương thức, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch có những thay đổi, nhất là việc gia tăng các hoạt động nhằm tác động chuyển hóa toàn diện xã hội theo ý đồ của họ, mà Việt Nam là một trọng điểm. 
Sau khi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu bằng “diễn biến hòa bình”, các thế lực nước ngoài tiếp tục thực hiện "kịch bản" lật đổ chính phủ cầm quyền tại những nước không đi theo “quỹ đạo” của họ mà không cần dùng sức mạnh quân sự, như họ thường “quảng cáo” là bằng "biện pháp hòa bình”, "đấu tranh bất bạo động". Tuy nhiên, qua các cuộc “cách mạng đường phố” ở Nam Tư, “cách mạng màu” ở một số nước thuộc không gian hậu Xô Viết, như “cách mạng hoa hồng” ở Gru-di-a năm 2003, “cách mạng cam” ở U-crai-na năm 2004, “cách mạng tuy-líp vàng” ở Cư-rơ-gư-xtan năm 2005..., đến những biến động chính trị gần đây ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông… cho thấy, thực chất đó là các cuộc bạo động phi vũ trang, dùng bạo lực quần chúng có tổ chức, lật đổ chính quyền nhà nước đương nhiệm hợp hiến, lập ra bộ máy cầm quyền mới của lực lượng đối lập, được phía nước ngoài hậu thuẫn, ủng hộ. 
Để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và nhà nước XHCN, các thế lực thù địch đặc biệt chú ý thúc đẩy sự hình thành và công khai hóa các tổ chức chính trị đối lập. Phương thức hoạt động chủ yếu của các tổ chức này là thông qua đấu tranh nghị trường để cạnh tranh, lấn át, tiến tới dần thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Thông qua các tổ chức đối lập, các thế lực thù địch tập hợp quần chúng, tiến tới tạo dựng "ngọn cờ" và lực lượng đối lập trong xã hội, làm nòng cốt để tiến hành “cách mạng đường phố”, nhằm thay đổi thể chế chính trị. 
Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động đối với Việt Nam cũng có những thay đổi và điều chỉnh. Nếu như trước đây, họ thường tập trung đưa ra "yêu sách" đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHXN Việt Nam (về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam), xem đó như điều kiện tiên quyết để thay đổi thể chế chính trị, thì gần đây, hướng hoạt động của họ chuyển sang không nhất thiết đòi xóa bỏ Điều 4 hiến pháp, mà tìm cách làm cho Điều 4 bị "vô hiệu hóa" trong thực tế. Để thực hiện mưu đồ này, các thế lực thù địch đặc biệt quan tâm thúc đẩy, cho ra đời các tổ chức đối lập theo hình mẫu phương Tây, để tiến tới hình thành một cơ cấu xã hội đa nguyên, đa đảng; thông qua các tổ chức đó để làm "đối trọng", từng bước làm giảm sút, tiến tới vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội. 
Thời gian qua, việc thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được các thế lực thù địch đặc biệt quan tâm. Biểu hiện của "tự diễn biến" là sự suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tình trạng tham ô, tham nhũng, cố ý làm trái các quy định của Đảng, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân... Một bộ phận quần chúng, kể cả cán bộ, đảng viên dao động, giảm sút niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên CNXH, giảm sút sức chiến đấu, bàng quan, thờ ơ với tình hình chính trị của đất nước, ca ngợi một chiều mô hình, văn hóa, lối sống phương Tây. 
 “Tự diễn biến” nếu không có giải pháp phòng, chống tốt, sẽ trở thành nguy cơ thực sự, thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Nguy hiểm hơn, điều này lại phù hợp với hướng tác động trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Họ tận dụng triệt để “lực tương tác tự thân” này để gia tăng các hoạt động tác động, chuyển hóa, làm cho chế độ “tự mục ruỗng” từ bên trong, dẫn tới chệch hướng và sụp đổ. 
 Nhận thức đúng đắn về chiến lược “diễn biến hòa bình” trong tình hình mới có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Thực tế cho thấy, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, mặc dù đã qua nhiều giai đoạn, phương thức khác nhau, nhưng không hề thay đổi về bản chất. Chúng ta không thể mơ hồ, mất cảnh giác, mà cần chủ động đề ra các chủ trương, phương hướng, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả. 
Phòng, chống “diễn biến hòa bình” hiện nay phải gắn kết chặt chẽ với phòng, chống “tự diễn biến”. Cần nhận thức và ứng xử đúng đắn đối với việc hình thành các tổ chức “độc lập”, kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng để tác động chuyển hóa; quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa “xây” và “chống”, chú trọng làm tốt công tác xây dựng, bảo vệ nội bộ, đẩy lùi nguy cơ “tự diễn biến” từ trong nội bộ.
Để đất nước luôn ổn định và phát triển bền vững, phải thường xuyên chăm lo giải quyết tốt các vấn đề xã hội, hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao, quy tụ và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là liên minh của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Cần đẩy mạnh việc điều tra xã hội học, nghiên cứu dự báo kịp thời những biến động xã hội, nhất là biến động về cơ cấu xã hội, sự phân hóa xã hội, những khó khăn, bức xúc của nhân dân… để chủ động điều tiết và giải quyết.
Cần hoạch định và xây dựng một cơ cấu xã hội-giai cấp phù hợp với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động điều tiết sự phân hóa xã hội theo định hướng XHCN, kiểm soát và điều tiết thu nhập một cách hợp lý, không để sự phân hóa giàu-nghèo phát triển tự phát, dẫn tới bất bình đẳng và xung đột xã hội. Cùng với khuyến khích làm giàu chính đáng, cần tích cực đào tạo nguồn nhân lực, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở nông thôn, miền núi, hải đảo và đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; thực hiện tốt việc “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công và gia đình chính sách. Điều này thể hiện sâu sắc tính ưu việt của chế độ XHCN, truyền thống và đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Cần tích cực bổ sung, hoàn thiện các thiết chế, cơ chế quản lý xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cơ quan Đảng, Nhà nước; cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền các cấp cần thường xuyên được xây dựng củng cố vững mạnh; xây dựng nhà nước thực sự "của dân, do dân, vì dân", gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin yêu, tín nhiệm, phát huy tốt vai trò và quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội, đồng thời tăng cường quản lý điều hành tập trung thống nhất của Nhà nước pháp quyền XHCN. Các cơ quan công quyền, cán bộ, đảng viên luôn gần gũi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, kịp thời phát hiện và chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhân dân, không để tình trạng tích tụ lâu ngày thành bức xúc xã hội, bất bình, dễ dẫn đến những xáo động khó lường, có thể gây mất ổn định chính trị-xã hội của đất nước.
Thành Vinh và Minh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét