Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Đem lại niềm vui cho nạn nhân chất độc da cam


Tỉnh Thái Bình có tổng số nạn nhân chất độc màu da cam nhiều nhất nước, với hơn 34.000 người. Chăm lo giúp đỡ các nạn nhân chất độc màu da cam để gia đình họ bớt đi phần nào khó khăn trong cuộc sống đã trở thành một việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị tại địa phương và các nhà hảo tâm trên cả nước. 

Không chỉ được hỗ trợ về vật chất, những nạn nhân chất độc da cam đang được trợ giúp về pháp lý để đấu tranh đòi các công ty hóa chất Mỹ phải đền bù thiệt hại do chất độc màu da cam gây ra ở Việt Nam.
Hơn 30 năm nay, vợ chồng ông Biên ở huyện Vũ Thư phải sống trong nỗi đau da cam khi cả 3 người con đều bị di chứng nặng nề bởi chất độc này. Hiện tại, Thái Bình đang có trên 19.000 nạn nhân được hưởng trợ cấp thường xuyên của Nhà nước và gia đình ông Biên được trợ cấp gần 4 triệu đồng/tháng. 
Ông Lâm Văn Biên – Xã Tân Hoà, Thái Bình cho biết: “Đảng và Nhà nước quan tâm các cháu đã có đồng trợ cấp. Được các nhà từ thiện trong và ngoài nước thường xuyên đến thăm và động viên gia đình. Đó là điều khích lệ và giúp đỡ gia đình phần nào vật chất, từ đó tháo gỡ được một phần khó khăn”. 
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Thái Bình cho biết: “Trong 7 năm qua Hội đã tích cực vận động xã hội cộng đồng tài trợ được gần 20 tỷ đồng. Triển khai nhiều việc chăm sóc nạn nhân da cam. Đặc biệt chúng tôi được tiếp nhận của Tổ chức Châu Á Thái Bình Dương trung tâm tẩy độc đầu tiên ở Việt Nam. Hiện nay đã tẩy độc được cho 130 nạn nhân trong 5 tháng vừa qua và sẽ tiếp tục mở rộng”. 
Mấy năm qua, tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ sửa chữa và xây dựng 230 ngôi nhà tình nghĩa, trợ cấp khó khăn cho khoảng 25.000 lượt nạn nhân da cam. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, nhiều tổ chức xã hội và các nhà hảo tâm đã có những hỗ trợ bằng vật chất và tinh thần nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. 
Mục đích của mít tinh kỷ niệm này là đánh giá sâu sắc hơn nữa về thảm hại của chất độc màu da cam đối với đất nước con người Việt Nam. Qua đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy chính quyền và ban ngành các cấp đối với công tác chăm sóc nạn nhân, đồng thời tuyên truyền vận động để các nhà hảo tâm trong toàn xã hội chung tay góp sức giúp đỡ các gia đình nạn nhân. 
“Tôi mong rằng thông qua những hoạt động này chúng ta sẽ cùng khuyến khích và vận động nhiều người cùng tham gia. Đoàn chúng tôi hôm nay mang về 100 suất quà” - Tiến sỹ Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng nói. 
Đến nay, tỉnh Thái Bình vẫn còn hàng vạn hồ sơ nạn nhân da cam đang chờ được công nhận và được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Việc đấu tranh pháp lý đòi các công ty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm với các nạn nhân da cam vẫn đang được tiến hành và ngày càng thu hút được nhiều chuyên gia về luật tham gia. 
Ông Phạm Huy Thận - Vụ trưởng Vụ 4, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết: “Chúng tôi đi thực tế hôm nay nhằm xác định những hậu quả để lại. Trên cơ sở thực tế này chúng tôi sẽ cùng các cơ quan hữu quan, cùng với Hội chất độc da cam Việt Nam trên cơ sở luật quốc tế và đạo đức phong tục tập quán quốc tế để đấu tranh đem lại công bằng và lợi ích cho những nạn nhân da cam”. 
Trong cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi cuối cùng của công lý, các nạn nhân da cam đang rất cần sự tiếp tục hỗ trợ của cả cộng đồng. Những việc làm thiết thực này, không chỉ giúp các nạn nhân bớt đi một phần khó khăn trong cuộc sống mà còn nâng cao tinh thần tương thân, tương ái và tính nhân văn cao cả trong đời sống tinh thần của người dân đất Việt.
Tác giả : Nguyễn Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét