Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Góp ý nội dung tôn giáo trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

(VOV) - So với điều 70 của Hiến pháp hiện hành, điều 25 của Dự thảo sửa đổi hiến pháp đã có bước tiến rõ rệt.
Quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo là một nội dung lớn được thể hiện trong các bản Hiến pháp kể từ khi lập nước tới nay và tiếp tục được khẳng định tại Điều 25 của bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Trong những ngày qua, các tổ chức tôn giáo trên cả nước đã có những đóng góp cụ thể đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Ghi nhận những bước tiến căn bản trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, 2 vấn đề nhận được nhiều ý kiến hiện nay là tài sản hợp pháp và tư cách pháp nhân của các tôn giáo.
So với điều 70 của Hiến pháp hiện hành, điều 25 của Dự thảo sửa đổi hiến pháp đã có bước tiến rõ rệt. Đó là ý kiến của nhiều vị chức sắc và các tín đồ tôn giáo.
Với việc thay đổi cụm từ “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo” bằng cụm từ “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, bản chất của vấn đề đã thay đổi căn bản. Ông Bùi Thế Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết công giáo Hà Nội cho rằng: “Thay cụm từ “công dân” bằng cụm từ “mọi người” là thể hiện một cách chính xác quyền của mọi người đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Đối với người công giáo, trẻ em khi mới sinh ra được lãnh nhận bí tích rửa tội để trở thành người công giáo hay những người bị tù tội dù mất quyền công dân nhưng họ vẫn mong muốn được thực hiện những nghi thức tôn giáo trong quá trình chịu án phạt của mình”.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ghi “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Theo PGS - TS Ngô Hữu Thảo – Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tôn giáo của Ủy ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam, viết như vậy thiên về trách nhiệm cá nhân. Do đó, phải nói rõ hơn là “Không một tổ chức hoặc cá nhân nào được xâm phạm tự do, tín ngưỡng tôn giáo”.
Việc sửa đổi như vậy nhằm xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để vi phạm pháp luật đều bị xử lý trước pháp luật.
Liên quan đến tài sản tôn giáo, PGS - TS Ngô Hữu Thảo cho rằng, tài sản của tôn giáo bao gồm cả cơ sở thờ tự và nơi làm việc. Vì vậy, nếu Dự thảo viết rằng “Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ” là chưa đầy đủ.
“Các cơ sở thờ tự của tín ngưỡng tôn giáo theo tôi nên viết là các cơ sở hợp pháp của tín ngưỡng tôn giáo. Bởi vì các tôn giáo có nhiều cơ sở. Nhiều tôn giáo cơ sở thờ tự chính là cơ sở chung của tôn giáo và thường dành làm nơi thờ tự. Tuy nhiên, một số tôn giáo khác ngoài cơ sở thờ tự, còn có trụ sở làm việc. Do đó, nên viết là “Các cơ sở hợp pháp của tín ngưỡng tôn giáo được pháp luật bảo hộ”, thay vì “cơ sở thờ tự của tín ngưỡng tôn giáo”, PGS - TS Ngô Hữu Thảo nói.
Liên quan đến tư cách pháp nhân của các tôn giáo, một số ý kiến đề nghị thay cụm từ “Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” thành “Tổ chức tôn giáo hợp pháp có tư cách pháp nhân và bình đẳng trước pháp luật”, bởi vì, tôn giáo không phải là chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật.
Hơn nữa, việc quy định tổ chức tôn giáo có tư cách pháp nhân sẽ tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia vào các hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo, qua đó góp phần cùng Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội.
Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa nhiều mặt trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều 25 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 liên quan trực tiếp và điều tiết mối quan hệ chính trị - xã hội của các thành phần tôn giáo. Đây sẽ là định hướng để hình thành các văn bản luật liên quan đến mối quan hệ tôn giáo trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh tình hình mới./.
Hương Giang - Lại Hoa/VOV – Trung tâm tin

3 nhận xét:

  1. Những tiến bộ về tự do tín ngưỡng tôn giáo là hết sức đáng mừng. Một mặt có thể khiến nhân dân ta trong nước yên tâm tin tưởng vào một đất nước yên bình nơi mọi người có quyền tự do theo tôn giáo của mình, mặt khác có thể chống lại những luận điêu xuyên tạc cho rằng ở Việt Nam không có tự do tôn giáo, tôn giáo bị kìm kẹp ở Việt Nam.
    Hi vọng rằng bản hiến pháp mới sẽ là sự thay đổi đáng kể và mang lại sức sống mới cho đất nước

    Trả lờiXóa
  2. Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy những thay đổi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là tiến bộ và hoàn toàn phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại. Mong rằng những sửa đổi như vậy sẽ góp phần lớn trong việc ổn định an ninh xã hội, đặc biệt những thay đổi hợp tình hợp lí cũng sẽ có tác dụng rất lớn trong việc chống lại những hành vi xuyên tạc, bôi xấu quyền tự do dân chủ ở nước ta.

    Trả lờiXóa
  3. Tôn giáo là một phần rất quan trọng trong tâm linh của người Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã và đang rất tôn trọng quyền tự do tôn giáo này, chẳng thế mà các hoạt động lớn của các tôn giáo trong khắp cả nước diễn ra với quy mô hoành tráng hơn, có sự góp mặt của các quan chức cấp cao của nhà nước. Có thể nói hiện nay, mỗi người dân chúng ta đều hoàn toàn tự do thoải mái với tôn giáo của mình.

    Trả lờiXóa