Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Internet, “người bạn” của Việt Nam (Bài 2)



QĐND - So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam gia nhập mạng thông tin toàn cầu muộn hơn. Nhận thức sâu sắc những tiện ích to lớn mà mạng internet có thể mang lại cho cuộc sống con người và tiến bộ xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung ưu tiên nguồn tài lực, vật lực để phát triển internet một cách đồng bộ, sâu rộng, góp phần phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Tốc độ tăng trưởng “thần kỳ”
Ngày 19-11-1997, dịch vụ internet lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đó là một “dấu son lịch sử” đánh dấu tiến trình gia nhập xa lộ thông tin toàn cầu của Việt Nam. Sau 15 năm, từ một nước chưa có nền tảng công nghệ thông tin điện tử, đến nay mạng internet ở Việt Nam đã phát triển với tốc độ chóng mặt.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử thuộc Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Tính đến cuối tháng 2-2012 đã có hơn 30,8 triệu người Việt Nam sử dụng internet, chiếm gần 35,3% dân số; tổng số miền “.vn” đã đăng ký là 225.802 miền và tổng số tên miền tiếng Việt đã đăng ký là 684.078 miền. Theo kết quả nghiên cứu Net Index 2011 được công bố cách đây chưa lâu, internet đã vượt qua ra-đi-ô và báo in để trở thành phương tiện thông tin được sử dụng hằng ngày phổ biến nhất tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2000-2010, tỷ lệ tăng trưởng người sử dụng internet ở Việt Nam đạt hơn 12%/năm. Nếu tháng 12-2004, số hộ gia đình có máy vi tính chiếm 5,1% dân số thì đến cuối năm 2010, tỷ lệ này đạt hơn 15%.
Theo số liệu thống kê của tổ chức Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) năm 2010, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người dân sử dụng internet cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, chiếm 31,06% dân số, chỉ đứng sau 3 nước là Xin-ga-po (70%), Ma-lai-xi-a (55,3%) và Bru-nây (50%); nhưng đứng trước 6 nước: Phi-líp-pin (25%), Thái Lan (21,2%), In-đô-nê-xi-a (9,1%), Lào (7%), Cam-pu-chia (1,26%), Mi-an-ma (0,22%); đồng thời vượt khá xa tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,86%), khu vực châu Á (17,27%) và thế giới (21,88%).
Đó là những con số “biết nói”, không cần phải nhiều lời cũng đủ thấy Việt Nam không bao giờ coi internet là “kẻ thù” như tổ chức "Phóng viên không biên giới" đã nêu trong cái gọi là “Báo cáo thường niên 2012” vào trung tuần tháng 3 mới đây. Ngược lại, internet ở Việt Nam luôn được quan tâm phát triển toàn diện và là “người bạn đồng hành” của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Phát triển đi đôi với quản lý
Có được những thành tựu vượt bậc trên đây là do quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng phát triển internet và tận dụng tối đa những ưu thế của công nghệ thông tin hiện đại để làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển trong mọi lĩnh vực, mang lại tiện ích cho đông đảo tầng lớp nhân dân.
Ông Vũ Đình Thường, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết: Từ năm 2000 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành khá nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực internet và báo chí điện tử. Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 22-7-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay” đã nhấn mạnh: “Báo điện tử ở nước ta phải được phát triển nhanh, vững chắc, có hiệu quả”. Đặc biệt, Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg ngày 7-2-2006 của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch phát triển viễn thông và internet Việt Nam đến năm 2010” đã xác định nhiều chỉ tiêu quan trọng nhằm thực hiện phổ cập internet đến tất cả các vùng, miền trong cả nước với chất lượng và dịch vụ ngày càng cao. Đó là: “Tất cả các bộ, ngành, cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền cấp tỉnh và huyện được kết nối internet băng rộng và kết nối với mạng diện rộng của Chính phủ; 100% viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trung học phổ thông có kết nối để truy nhập internet băng rộng; hơn 90% các trường trung học cơ sở, bệnh viện được kết nối internet; 70% số xã có điểm truy nhập internet công cộng, 100% số huyện và hầu hết các xã trong vùng kinh tế trọng điểm được cung cấp dịch vụ internet băng rộng”. Trước đó, ngày 23-8-2001, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 55/2001/NĐ-CP, trong đó có quy định rất rõ tại Điều 9: “Không ai được ngăn cản quyền sử dụng hợp pháp các dịch vụ internet”.

Từ định hướng đúng đắn đó mà internet và báo chí điện tử Việt Nam không ngừng phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 3-2012, Việt Nam đã có 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1000 trang thông tin điện tử tổng hợp. Hiện tại, Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty FPT, Netnam (thuộc Viện Công nghệ thông tin), Công ty Điện toán và Truyền số liệu VDC, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, Công ty Thông tin viễn thông Điện lực (EVN Telecom)… Đặc biệt, sau khi VINASAT-1 ra đời (ngày 18-4-2008), tại Việt Nam và nhiều vùng trong khu vực đều có thể truy nhập một cách thuận lợi vào hệ thống internet không dây (3G). Hiện nay, từ đồng bằng đến miền núi, từ biên giới hẻo lánh đến hải đảo xa xôi, hầu như ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam người dân cũng có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu mọi mặt đời sống xã hội trong nước và tình hình quốc tế được cập nhật từng giây, từng phút trên các trang mạng thông tin điện tử. Cũng chưa bao giờ người dân Việt Nam được tiếp cận, sử dụng và khai thác tài nguyên thông tin “khổng lồ” từ hệ thống internet một cách dễ dàng và tiện lợi như hiện nay.  
Không dừng lại ở đó, hiện nay Việt Nam đang tập trung ưu tiên xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin hiện đại, cập nhật với thế giới, băng thông rộng, chất lượng cao, giá thành ngày càng giảm. Hạ tầng cơ sở thông tin ngày càng bảo đảm chuyển tải không chỉ tiếng nói qua mạng điện thoại, mà còn là hình ảnh, video không chỉ phục vụ cho viễn thông, mà còn đáp ứng các nhu cầu khác nhau của xã hội. Việt Nam cũng đang tiến tới hình thành siêu xa lộ thông tin ở trong nước.  
Những minh chứng trên đây đủ cơ sở để khẳng định rõ ràng rằng: Việt Nam không bao giờ có ý định hay ra quyết định nào ngăn cản hoạt động của internet, mà luôn tạo điều kiện để phát triển các dịch vụ internet đúng hướng. Khoản 3, Điều 4, Nghị định 97/2008/ NĐ-CP ngày 28-8-2008 của Chính phủ đã khẳng định: "Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp và sử dụng dịch vụ internet, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn pháp luật về internet. Có biện pháp để ngăn chặn những hành vi lợi dụng internet gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, vi phạm các quy định của pháp luật và để bảo vệ trẻ em khỏi tác động tiêu cực từ internet".
Hạn chế thông tin độc hại từ internet
Thực tế cho thấy, bất cứ một quốc gia văn minh nào cũng thừa nhận một điều: Đóng cửa internet không những tự mình “kéo lùi” lịch sử, mà còn đi ngược lại xu thế phát triển trong thời đại toàn cầu hóa thông tin hiện nay. Tuy vậy, đúng như lời ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã khẳng định: Intenet dù mang lại rất nhiều tiện ích cho con người, nhưng không phải là “chiếc chìa khóa vạn năng” để giải quyết được mọi vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Một mặt nhấn mạnh những ưu thế vượt trội của internet và triệt để tận dụng những thành tựu của nó vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội; nhưng mặt khác, Việt Nam cũng luôn bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt nhận diện những kẻ lợi dụng internet để chống phá cách mạng Việt Nam; đồng thời nỗ lực ngăn ngừa những hiểm họa mà các loại “tin tặc” và “rác rưởi độc hại” luôn tìm cách xâm nhập vào hệ thống thông tin điện tử của Việt Nam. Việc làm này không ngoài mục đích nhằm bảo đảm ổn định trật tự xã hội, hạn chế tới mức thấp nhất những tác động tiêu cực của internet đối với cộng đồng, trong đó có giới trẻ. Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới đã và đang làm như vậy.
Còn nhớ cách đây một năm về trước (tháng 3-2011), nhiều tờ báo Mỹ và phương Tây đã vạch trần âm mưu lợi dụng “mở cửa internet” của giới cầm quyền để phục vụ cho lợi ích và mưu đồ của riêng họ. Báo Guardian (Người bảo vệ) của Anh từng tiết lộ, quân đội Mỹ đã phát triển một phần mềm phát tán những thông điệp truyền thông kêu gọi ủng hộ Mỹ thông qua những tài khoản giả trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook và Twitter. Trong khi đó, các công ty của Mỹ và phương Tây lại thi nhau cung ứng “phần mềm chặn web” cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số quốc gia vùng Trung Đông và Bắc Phi nhằm đối phó với làn sóng chống chính phủ đang lan rộng ở khu vực này. Được biết, công nghệ chặn những trang web ra đời từ những thập niên 90 của thế kỷ trước được các công ty, trường học, thư viện ở Mỹ thực hiện nhằm ngăn ngừa học sinh không có cơ hội tiếp cận những hình ảnh khiêu dâm, đồi trụy trên mạng internet.
Từ ví dụ trên đây, có thể nói rằng, bất cứ quốc gia nào, dù có vỗ ngực tự hào là có nền dân chủ bậc nhất thiên hạ, nhưng cũng không bao giờ cho phép “mở cửa internet” tự do một cách tuyệt đối. Vì vậy, không nên nhầm lẫn giữa tạo điều kiện cho intetrnet hoạt động thuận tiện, lành mạnh với việc “thả cửa” cho internet thỏa sức tung hoành mà không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng có trách nhiệm. Từ đó, cần phải phân biệt rõ ràng, ai là người quan tâm sử dụng internet để thực hiện những mục đích tiến bộ, văn minh, vì sự tự do chân chính của con người và xã hội; còn ai coi internet là “vũ khí lợi hại” để tấn công, xâm phạm quyền tự do chính đáng và phương hại đến lợi ích của các quốc gia, dân tộc khác. Chỉ có nhận thức đúng vấn đề này chúng ta mới có cơ sở nhận diện, bóc mẽ và lật tẩy được “chân tướng” của những kẻ lợi dụng mạng internet để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta và cố tình bôi nhọ, xuyên tạc những giá trị, thành quả cách mạng của nhân dân ta đã đổ bao mồ hôi, xương máu mới tạo dựng nên.
Thiện Văn
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét