Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Không thể chấp nhận quan điểm “Quốc gia hóa quân đội”



QĐND - Cùng với việc đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được xác định tại Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị đang ra sức truyền bá quan điểm đòi “quốc gia hóa” Quân đội nhân dân Việt Nam, cho rằng: “Quân đội bao giờ cũng là của quốc gia, không phải là của một đảng phái hay một thể chế chính trị nào”, “Quân đội chỉ trung thành với Hiến pháp” và yêu cầu “Luật hóa mọi vấn đề về tổ chức và hoạt động của quân đội” theo kịch bản “Cách mạng pháp luật” của phương Tây... Một số cán bộ, đảng viên và nhân dân ta cũng ngộ nhận về quan điểm này, cho rằng đã có lúc quân đội ta là “Quân đội quốc gia”. 
Thực chất của quan điểm “quốc gia hóa quân đội” là đòi quân đội phải trung lập, “phi đảng hóa”, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm cho quân đội mất định hướng chính trị, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy bị suy yếu, bị tha hóa biến chất và mất sức chiến đấu; đồng thời làm cho Đảng không nắm được quân đội, dẫn đến mất vai trò đảng cầm quyền, đưa đất nước lâm vào tình trạng mất ổn định và suy thoái. 
Lịch sử chiến tranh và quân đội đã chứng minh và khẳng định: Quân đội bao giờ cũng là công cụ bạo lực của một giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị để tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm thực hiện mục đích chính trị nhất định. Bản chất giai cấp, mục tiêu chiến đấu, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy của quân đội phụ thuộc vào quan điểm, đường lối chính trị của giai cấp, Nhà nước, đảng chính trị tổ chức ra quân đội. Không có quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị. V. I. Lê-nin đã chỉ rõ: “Quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị - đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản..., bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động” (1). 
Ở các nước tư bản thực hiện chế độ đa đảng, các đảng có thể cầm quyền về thực chất là những hình thái tổ chức khác nhau đại diện cho các “tập đoàn lợi ích” khác nhau của giai cấp tư sản. Thực tiễn cho thấy, ở các nước tư bản, các đảng phái có thể thay nhau cầm quyền, song bộ máy Nhà nước cũng như quân đội đều được tổ chức và hoạt động theo thể chế chính trị của xã hội tư bản, đều phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản. Quân đội tư sản không chỉ được sử dụng để bảo vệ lợi ích quốc gia, mà còn để đàn áp sự phản kháng của nhân dân lao động bị áp bức. Hiện ở Mỹ có “quân đội tư nhân” lớn nhất thế giới là đội quân đánh thuê của Công ty Blackwater do tỷ phú Erick Prince lập ra, với quân số hàng trăm ngàn, có cả máy bay, tàu chiến và vũ khí hạng nặng, được coi là lực lượng thiện chiến ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc và có “khả năng lật đổ” nhiều chính phủ trên thế giới. Tuy nhân danh là “Bảo vệ lợi ích và giá trị Mỹ”, nhưng về thực chất, hoạt động của đội quân đó do các ông trùm tư bản điều khiển và bảo vệ thể chế chính trị của xã hội tư bản. 
Cách mạng Tháng Mười năm 1917 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử nhân loại đã dẫn tới sự ra đời của Nhà nước kiểu mới - Nhà nước XHCN, gắn liền với sự ra đời của quân đội kiểu mới - quân đội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ nước Cộng hòa Xô-viết còn non trẻ, V. I. Lê-nin rất quan tâm xây dựng Hồng quân vững mạnh làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, Người đặc biệt chú trọng việc Đảng Cộng sản nắm vững quyền lãnh đạo đối với quân đội, coi đó là nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nhờ kiên định nguyên tắc đó, Hồng quân và nước Cộng hòa Xô-viết đã vượt qua những thử thách nghiệt ngã của thời kỳ nội chiến chống các thế lực phản cách mạng cùng sự can thiệp của 14 nước đế quốc, tiếp tục vượt qua những gian khổ hy sinh to lớn trong Đại chiến Thế giới lần thứ II, làm nên những chiến thắng vĩ đại, khẳng định sức mạnh vô địch của quân đội kiểu mới và sức sống mãnh liệt của Tổ quốc XHCN, tác động to lớn đến sự phát triển của phong trào cách mạng trên thế giới. 
Quân đội nhân dân Việt Nam là một quân đội kiểu mới mang bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, đồng thời có tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Những thuộc tính bản chất của quân đội kiểu mới được thể hiện tập trung rõ nét ở lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH; ở chức năng, nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất; ở cơ sở chính trị-xã hội luôn gắn bó máu thịt với nhân dân; ở nguyên tắc tổ chức và hoạt động, cơ chế lãnh đạo, chỉ huy mang tính cách mạng và khoa học; trong đó vấn đề quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định đối với bản chất và sức mạnh chiến đấu của quân đội là nguyên tắc và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Thực tiễn gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta đã chứng minh và khẳng định: Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho quân đội ta luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị - lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước, Tổ quốc XHCN và nhân dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. 
Đúng là có lúc Đảng ta rút vào hoạt động bí mật, trong tình thế hiểm nghèo phải thực hiện kế sách nhân nhượng để thêm bạn bớt thù, bộ máy Nhà nước có người của lực lượng Việt quốc, Việt cách và người không đảng phái, quân đội ta có lúc mang tên Quân đội quốc gia Việt Nam (1946-1950), nhưng Đảng ta vẫn giữ vững sự lãnh đạo đối với quân đội. Tháng 1-1946, BCHTW Đảng quyết định thành lập Trung ương Quân ủy để tăng cường sự lãnh đạo đối với quân đội và cuộc kháng chiến. Tháng 5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký một số sắc lệnh quan trọng như Sắc lệnh số 71/SL, Sắc lệnh số 47/SL, Sắc lệnh số 60/SL. Theo các sắc lệnh đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp (lúc đó là ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Quân ủy) được giao trọng trách là Tổng chỉ huy quân đội và dân quân toàn quốc, Chủ tịch Quân sự ủy viên hội là cơ quan quân sự tối cao có nhiệm vụ điều khiển quân đội toàn quốc; trong quân đội từ cấp trung đội đến cấp trung đoàn có Chính trị viên, cấp chiến khu có Chính trị ủy viên do Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm. Điều này thể hiện sâu sắc bản lĩnh và trí tuệ của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa kiên định nguyên tắc chiến lược, vừa mềm dẻo về sách lược để lãnh đạo dân tộc vượt qua hiểm nguy, giành thắng lợi vẻ vang.
Trong khi truyền bá quan điểm “quốc gia hóa quân đội”, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, đường lối và nguyên tắc xây dựng quân đội của Đảng ta, bài xích cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, thúc đẩy khuynh hướng tuyệt đối hóa vai trò của người chỉ huy, hạ thấp vai trò và tiến tới bãi bỏ hệ thống tổ chức đảng, hệ thống chính ủy (chính trị viên), cơ quan chính trị và chế độ công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Có thể nói, quan điểm đòi “quốc gia hóa quân đội” của các thế lực thù địch rất hiểm độc, tập trung công kích thẳng vào một đặc trưng bản chất có ý nghĩa sống còn của quân đội kiểu mới.
Sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng về chiến lược và phải trả ngay những giá rất đắt nếu ngộ nhận về quan điểm “quốc gia hóa quân đội”, mất cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm “phi đảng hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội. Sự sụp đổ và tan rã của Liên bang Xô-viết cho chúng ta bài học rất sâu sắc về vấn đề này. Vào những thập niên cuối thế kỷ XX, đáng chú ý là khi ông M.Goóc-ba-chốp làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (1985-1991), những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Liên Xô đã rời bỏ nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mắc những sai lầm rất nghiêm trọng về chiến lược, nhất là xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội, làm cho quân đội bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa. Chỉ trong khoảng hai năm từ 1987-1989, gần 50% cán bộ cơ quan chiến lược của quân đội và khoảng 30% tướng lĩnh bị cho ra quân, trên 100 cán bộ lãnh đạo chính trị cấp chiến dịch-chiến lược bị cách chức với lý do “tư tưởng bảo thủ, yếu kém, không ủng hộ cải tổ”(!). Chính Nguyên soái Sa-pô-xni-cốp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô, với những toan tính cá nhân cơ hội, thực dụng đã trực tiếp tham gia khởi xướng và thực thi việc “phi đảng hóa” Quân đội Liên Xô. Ngày 23-8-1991, ông ta đã trở cờ, tuyên bố rời bỏ Đảng Cộng sản Liên Xô và tiếp đó buộc mọi quân nhân là đảng viên cộng sản phải trả thẻ đảng. Ngày 29-8-1991, M.Goóc-ba-chốp ra lệnh giải tán các cơ quan chính trị và từ 1-9-1991 chấm dứt mọi hoạt động của Đảng trong Quân đội Liên Xô. Đó là nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới sự sụp đổ và tan rã của Liên bang Xô-viết vào cuối năm 1991. Mặc dù lúc đó Quân đội Liên Xô còn 3,9 triệu quân thường trực, được trang bị rất hiện đại, vượt xa các nước cả về lực lượng chiến đấu thông thường và lực lượng hạt nhân chiến lược, nhưng do bị biến chất về chính trị nên mất sức chiến đấu, không thể bảo vệ được Tổ quốc XHCN.
Từ những bài học sâu sắc được đúc kết trong thực tiễn, trước những diễn biến phức tạp của tình hình và sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới, với bản lĩnh và trí tuệ được tôi luyện và kiểm nghiệm nghiêm ngặt trong đấu tranh cách mạng, chúng ta không thể chấp nhận quan điểm “quốc gia hóa quân đội”; trái lại càng phải đặc biệt coi trọng giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đây là một vấn đề chiến lược và mang tính cấp thiết, không chỉ có ý nghĩa quyết định đối với sức mạnh chiến đấu của quân đội, mà còn liên quan trực tiếp đến sự an nguy của đất nước và sự sống còn của chế độ XHCN.
Trung tướng PGS,TS NGUYỄN TIẾN BÌNH
-----------------
(1) V.I.Lê-nin - Toàn tập, tập 12, Nxb Tiến bộ, M.1979, tr.136.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét