Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Không thể xuyên tạc công tác cai nghiện ở Việt Nam


QĐND - Trong bản phúc trình có tiêu đề “Mạng lưới trại cải tạo: Lao động cưỡng bức và các dạng bạo hành khác ở các trại cai nghiện ở miền Nam Việt Nam" vừa công bố, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch-HRW) đã nói rằng, người cai nghiện ở các trung tâm của Việt Nam bị "tra tấn và cưỡng bức lao động"(!)
Quan điểm của Nhà nước Việt Nam về phòng, chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng là rất rõ ràng. Tại cuộc tiếp xúc với Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng ngày 27-9-2010, Tiến sĩ Nafis Sadik-Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về HIV-AIDS tại châu Á-Thái Bình Dương ghi nhận: “Một điểm nổi bật của Việt Nam là việc thể hiện rõ cam kết chính trị của các cấp lãnh đạo trong công cuộc phòng, chống ma túy...”.
Theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy (năm 2000) có thể coi người nghiện ma túy là người bệnh, hành vi sử dụng ma túy trái phép không phải là tội phạm mà là hành vi vi phạm pháp luật về mặt hành chính và được xử lý theo quy định của luật hành chính. Người nghiện ma túy gây hậu quả nhiều mặt đối với xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, hành vi, nhân cách của chính bản thân người nghiện. Việt Nam coi đa số người nghiện ma túy là lầm lỡ, sa ngã và họ là những nạn nhân đáng thương cần được cứu giúp. Vì vậy, trước hết cần động viên, khuyến khích người nghiện đi cai với các hình thức cai tự nguyện khác nhau. Cai nghiện tự nguyện tại trung tâm được áp dụng đối với người nghiện ma túy không thuộc diện cai nghiện bắt buộc xin cai nghiện tự nguyện. Khi đi cai nghiện tự nguyện, luật pháp Việt Nam không coi họ là đối tượng bị xử lý hành chính.
Đưa đi cai nghiện bắt buộc tại các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội là một biện pháp được áp dụng đối với người nghiện đã lệ thuộc quá nhiều vào ma túy, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã cai tại trung tâm mà không có kết quả, tái nghiện nhiều lần. Biện pháp này thể hiện rõ tính nhân văn, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện không có đủ khả năng cai nghiện tự nguyện có thời gian tránh xa ma túy, vượt qua chính mình và nhận thức được tác hại của sự lệ thuộc vào ma túy. Đồng thời, cung cấp cho người nghiện các kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp để tìm việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Quan điểm của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với Nguyên tắc điều trị nghiện ma túy hiệu quả mà Viện Nghiên cứu Quốc gia về lạm dụng ma túy thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ con người Hoa Kỳ đã đưa ra, được Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới tán thành.
Quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện ở Việt Nam được chia làm 5 giai đoạn (theo Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT-BLĐTBXH-BYT của liên bộ: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế) bao gồm: Tiếp nhận, phân loại, điều trị cắt cơn, giải độc (5% thời gian); Điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội (5%); Giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi nhân cách (30%); Lao động học nghề (40%) và giai đoạn phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng (20%). Thời gian thực hiện quy trình từ 1 đến 2 năm, tùy theo mức độ lệ thuộc ma túy của người nghiện. Thực tế đã minh chứng y học và giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi nhân cách là liệu pháp chính trong công tác cai nghiện ở Việt Nam. Việc HRW nói rằng, Việt Nam coi "lao động cưỡng bức" là phương pháp chính để điều trị người nghiện là không có cơ sở.
Các trung tâm cai nghiện ma túy của Việt Nam coi người nghiện là bệnh nhân chứ không phải là tội phạm. Học viên trong các cơ sở cai nghiện được đối xử như người bệnh chứ không phải là “tù nhân”. Một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người sau cai nghiện ma túy lại tái nghiện là do thiếu việc làm và thiếu tay nghề được đào tạo. Không có tay nghề chuyên môn nên khả năng tìm kiếm công việc rất khó khăn. Nhằm hỗ trợ người sau cai nghiện tăng cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, Nghị định số 135/2004/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam quy định trách nhiệm của các trung tâm trong tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp cho đối tượng trong thời gian cai nghiện. Việc dạy nghề cho người nghiện tại các trung tâm được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 12/2004/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Theo đó, trung tâm căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động tại địa phương, trình độ, sức khỏe, nhu cầu của học viên và điều kiện của trung tâm để tổ chức dạy nghề. Hình thức dạy nghề cho người cai nghiện tại trung tâm là dạy nghề ngắn hạn dưới một năm. Việc dạy nghề tại trung tâm được tổ chức theo hình thức vừa học vừa làm. Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong 5 năm từ 2006 đến 2010, Việt Nam đã có 30.697 người cai nghiện tại các trung tâm được học nghề. Bên cạnh việc học nghề, người cai nghiện tại trung tâm còn được tham gia chương trình lao động trị liệu để rèn luyện sức khỏe, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp và phát triển nhận thức về giá trị của sức lao động, trách nhiệm với bản thân và xã hội. Học viên khi tham gia lao động được trang bị đầy đủ các thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết, phù hợp với từng loại công việc; được hưởng các chế độ về an toàn lao động, bảo hộ lao động, bảo hiểm… và hoàn toàn được hưởng thành quả lao động mà mình làm ra theo quy định của Bộ luật Lao động. Cần phải khẳng định rằng, lao động trị liệu trong các cơ sở cai nghiện ở Việt Nam không phải là lao động sản xuất mang tính kinh doanh, vì mục đích lợi nhuận như HRW xuyên tạc.
Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, luật pháp Việt Nam quy định rõ trách nhiệm của cơ sở cai nghiện và người nghiện. Những cán bộ, nhân viên của các cơ sở cai nghiện có sai phạm; những người nghiện cố tình tái phạm, không chịu học tập, rèn luyện tiến bộ sẽ bị xử lý nghiêm minh. Theo Điều 30, Luật Phòng, chống ma túy (năm 2000) thì trong thời gian cai nghiện bắt buộc, người nghiện ma túy có trách nhiệm: Tuân thủ nội quy và chịu sự quản lý, giáo dục của cơ sở cai nghiện bắt buộc; lao động, học tập, chữa bệnh để cai nghiện và góp phần bảo đảm đời sống trong thời gian cai nghiện. Cũng theo luật này (Điều 32) thì trong cơ sở cai nghiện, những người nghiện ma túy sau đây phải được bố trí vào các khu vực tách riêng với những người nghiện ma túy khác để quản lý và chữa bệnh: Người chưa thành niên, phụ nữ, người có bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người đã cai nghiện nhiều lần hoặc có hành vi gây rối trật tự. Cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm thực hiện đúng phương pháp cai nghiện đã được cơ quan có thẩm quyền duyệt; tổ chức lao động, học tập, chữa bệnh cho người cai nghiện ma túy. Người đứng đầu cơ sở cai nghiện ma túy được quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật để quản lý chặt chẽ, giáo dục, chữa bệnh cho người cai nghiện... Trong các cơ sở cai nghiện ma túy của Việt Nam, người cai nghiện ma túy luôn được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe và tài sản, không có chuyện người nghiện bị "giam giữ", "đánh đập", "cưỡng bức lao động" hay phân biệt đối xử như HRW vu cáo.
Thực tế chứng minh cai nghiện bắt buộc là biện pháp nhân văn, hiệu quả, có lợi cho cả cá nhân người nghiện và cộng đồng xã hội. Thông qua các liệu pháp về y tế, tâm lý, giáo dục, lao động, mỗi năm các trung tâm cai nghiện ở Việt Nam đã điều trị cho hàng chục nghìn người nghiện, giúp họ rời xa ma túy, phục hồi sức khỏe, trở về tái hòa nhập cộng đồng. Tỷ lệ người tái nghiện tại Việt Nam ngày càng có xu hướng giảm. Tại Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc về phòng, chống HIV/AIDS tổ chức tại Mỹ tháng 6-2011, những kết quả trong cuộc chiến chống HIV/AIDS, đặc biệt là những nỗ lực trong điều trị cai nghiện góp phần quan trọng giảm lây nhiễm HIV của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao... Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong công tác cai nghiện đã minh chứng, bản phúc trình mà HRW vừa công bố là thiếu cơ sở, không khách quan, xuyên tạc sự thật, nhằm dụng ý xấu và không thể chấp nhận được.
Phùng Kim Lân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét