Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Lại một góc nhìn sai lệch


QĐND - Mới đây, bà dân biểu của bang California (Mỹ) Loretta Shanchez đã gửi thư với chữ ký của 14 dân biểu Hạ viện tới tân Đại sứ Mỹ David Shear đề nghị vị Đại sứ này tranh đấu vấn đề “tự do nhân quyền” cho người dân Việt Nam và đòi phóng thích “tù chính trị” - những phần tử chống đối Nhà nước Việt Nam, phá hoại và xuyên tạc thành quả cách mạng mà nhân dân Việt Nam phải đổ bao xương máu mới giành lại được. Bà ta và những cộng sự “quan ngại”, “lo lắng” về tình hình nhân quyền Việt Nam và cho rằng, cần sớm thay đổi một số điều khoản của pháp luật Việt Nam trong việc bắt giam “tù chính trị” vì như thế là vi phạm nhân quyền(!). Thật là những luận điệu xưa cũ,  phi lý, áp đặt chủ quan, bất chấp sự thật, chẳng khác nào “ăn ốc nói mò”.
Ai cũng biết rằng, quyền con người là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài trong tự nhiên và trong xã hội, qua các thời đại, trở thành giá trị chung của nhân loại. Quyền con người của cá nhân gắn với việc bảo đảm lợi ích của tập thể, của cộng đồng xã hội, không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân; gắn với quyền dân tộc cơ bản và thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia. Đồng thời, quyền con người luôn luôn gắn liền với lịch sử, truyền thống và phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, văn hóa của đất nước. Do vậy, không thể áp đặt hoặc sao chép máy móc các tiêu chuẩn về quyền con người của nước này cho nước khác!
Thế nhưng, nước Mỹ lại tự cho mình cái quyền can thiệp và đánh giá vấn đề nhân quyền của các nước theo tiêu chuẩn Mỹ(!). Chính tân Đại sứ David Shear trong cuộc trả lời trực tuyến trang mạng VnExpress tại Hà Nội hôm 14-9-2011, cũng đã nói: “Nhân quyền là vấn đề cơ bản trong cách người Mỹ nghĩ về thế giới. Vì vậy, không có Đại sứ Mỹ nào ở bất cứ nơi đâu trên thế giới bỏ qua vấn đề nhân quyền”. Điều này càng chứng tỏ Mỹ nhìn thế giới theo kiểu “nước lớn”. Ấy vậy nên không lạ gì khi bà dân biểu Loretta Shanchez và một số cộng sự lớn tiếng tỏ ra “quan ngại”, “lo lắng” cho vấn đề tự do nhân quyền ở Việt Nam! 
Thực tế nhiều năm trở lại đây, tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã được Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, thu được những thành tựu lớn, có ý nghĩa quan trọng về quyền con người và tự do nhân quyền trên tất cả các lĩnh vực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ngay trong hội thảo “Nội dung và cơ chế bảo vệ quyền con người - kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện KAS (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức ngày 22-9 vừa qua, nhiều nhà khoa học quốc tế đã khẳng định: Việt Nam có cả cơ chế Nhà nước và cơ chế xã hội về nhân quyền hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, thu được những thành tựu lớn. Mọi công dân Việt Nam ngày càng tham gia đầy đủ, tích cực vào mọi mặt của đời sống xã hội. Quyền con người được đảm bảo và phát huy là nhân tố không thể thiếu tạo nên sự đồng thuận xã hội, đưa đến thành công của công cuộc đổi mới đất nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, một bộ phận nhân dân còn phải chịu đựng những nỗi đau do hậu quả dai dẳng của chiến tranh để lại, nhưng toàn thể nhân dân Việt Nam luôn phấn đấu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Hiểu được điều này thì bà dân biểu và cộng sự sẽ tự thấy sự “quan ngại” ấy của mình là không cần thiết!
Cũng trong thư gửi tân Đại sứ David Shear, nhóm dân biểu này còn đòi phóng thích “tù chính trị” và đòi sửa đổi một số điều khoản trong pháp luật Việt Nam. Cần phải nói rõ rằng, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù chính trị” mà đó chỉ là một số phần tử cơ hội, phản động, bất mãn với chế độ, coi rẻ dân tộc mình, nhục mạ ngay chính quê hương, đồng bào mình, có âm mưu chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mưu đồ lợi ích cá nhân hẹp hòi, ích kỷ. Bất cứ một nhà nước pháp quyền nào cũng không cho phép tình trạng ấy xảy ra. Dù vậy, với chính sách nhân đạo, khoan dung, những phần tử đó vẫn được Nhà nước Việt Nam đối xử nhân đạo, được hưởng khoan hồng khi thực sự ăn năn hối cải. Điều này được chính những người gọi là “tù chính trị” phát biểu công khai sau khi được hoàn lương. Thế nhưng, không ít kẻ sau khi được khoan hồng lại “lá mặt, lá trái”, quay lưng nói xấu Nhà nước và chế độ Việt Nam, vu cáo trắng trợn quyền con người trên đất nước mình. Ấy vậy mà hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, cùng với lá thư của bà dân biểu Loretta Shanchez, tổ chức “Quan sát nhân quyền” (HRW) ở Mỹ đã công bố “Giải nhân quyền Hellman/Hammett 2011” trao cho 8 “Nhà đấu tranh dân chủ Việt Nam” (!). Nhìn lại những nhân vật này, ai cũng quá rõ sự “nổi tiếng” của họ vì những trò bịp bợm, ranh ma chuyên lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền” để “ăn tiền” của bọn phản động người Việt ở hải ngoại, nhằm chống đối chính quyền, gây mất trật tự trị an. Bởi vậy, để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, nhất thiết phải áp dụng chế tài thích đáng. Đó là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng cương quyết thực hiện trên cơ sở hiến pháp và pháp luật hiện hành. Do đó, việc đòi sửa đổi một số điều trong pháp luật Việt Nam và đòi phóng thích những phần tử này phải chăng là một dụng ý xuất phát từ tư tưởng định kiến, thù địch hòng bôi nhọ uy tín, vị thế và hình ảnh Việt Nam?
Thật đáng tiếc khi mà quan hệ Việt-Mỹ đang từng bước được tăng cường, hợp tác đôi bên cùng có lợi thì  một số cá nhân, tổ chức vẫn  tồn tại tư tưởng thù địch, thiếu khách quan, cổ xúy cho những việc làm và những phần tử mà cả dân tộc Việt Nam lên án! Bà dân biểu Loretta Shanchez và cộng sự của bà nghĩ gì khi đông đảo nhân loại tiến bộ và dư luận Mỹ đang coi việc làm trên của bà và các cộng sự là phi lý, vi phạm  nhân quyền, ngang nhiên can thiệp vào nội bộ của nước khác?
HOÀNG THÀNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét