Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Một kiểu "mượn gió bẻ măng"!



QĐND - Vẫn một luận điệu cũ rích, gần đây, một số trang mạng tiếng Việt đặt ở nước ngoài và đài, báo nước ngoài tiếp tục tung ra nhiều bài viết quy tội cho Đảng cộng sản "đẻ ra" tham nhũng, quan liêu, suy thoái... coi tham nhũng là hệ lụy tất yếu từ việc Đảng cộng sản lãnh đạo xã hội.
Một số bài đăng trên RFA tiếng Việt và các trang mạng có nội dung chống cộng đều phân tích mang tính quy chụp và suy diễn rằng: "Chính bản chất và cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã “đẻ” ra tình trạng tham nhũng tràn lan ở mọi cấp, mọi ngành". Và ngay sau đó họ “hiến kế”: "Tự Đảng không thể gột rửa, xóa đi những yếu kém nội bộ, mà phải có những tác động ngoại lực từ các đảng phái khác"(!).
Đến đây thì người đọc hiểu rõ ý đồ của các bài viết này. Muốn chống tham nhũng tất yếu phải xóa bỏ nguồn gốc đẻ ra nó là Đảng cộng sản và cách duy nhất là thiết lập ở Việt Nam một cơ chế đa đảng đối lập. 
Vậy đây là một cách trong muôn phương, ngàn kế để họ kích động tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, thực hiện xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và toàn xã hội đã được xác định tại Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.
Suy cho cùng, đây chẳng qua cũng chỉ là một thủ đoạn "mượn gió bẻ măng" mà thôi!
Không khó để đưa ra dẫn chứng rằng, tham nhũng có thể diễn ra ở bất cứ chế độ xã hội nào, dù độc đảng hay đa đảng, dù cộng sản hay tư sản... Nói đúng hơn, tham nhũng không phải là vấn đề riêng của chế độ một đảng cầm quyền, cũng không phải là vấn nạn riêng của một quốc gia nào mà hiện đang trở thành vấn nạn toàn cầu. Theo báo cáo “Tham nhũng toàn cầu năm 2011” của Tổ chức minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố ngày 1-12-2011 thì "Tham nhũng diễn ra ở tất cả 180 quốc gia tiến hành điều tra, với 2/3 quốc gia có tình trạng tham nhũng phổ biến. Theo tổ chức này, tham nhũng nghiêm trọng nhất là các nước:Afghanistan, Myanma, Somali, Iraq, Camaroon, Lybi, Nigeria, Senagal, Unganda... Đây là các quốc gia đang thực hiện đa nguyên về chính trị, đa đảng đối lập. Cũng theo xếp hạng của Tổ chức minh bạch Quốc tế về tình hình tham nhũng (năm 2011) thì các quốc gia độc đảng không phải là những nước ở tốp “đi đầu” trong tham nhũng. Các nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc, Eritrea… đứng ở mức giữa (xếp hạng từ khoảng 80-120/ 180 quốc gia)… Còn chỉ số nhận thức về tham nhũng (chỉ số nhận thức càng cao thì tham nhũng càng thấp) của các quốc gia độc đảng và do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tổ chức này nhận xét là cao hơn nhiều so với nhiều quốc gia đa đảng đối lập, đa nguyên chính trị.
Như vậy, luận điệu cho rằng "tham nhũng chỉ có ở những quốc gia do một đảng lãnh đạo, tham nhũng là “con đẻ” của Đảng cộng sản" là hoàn toàn không có cơ sở.
Còn nói về chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội khác, thì Đảng ta - Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện - đã kiên trì và kiên quyết lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc đấu tranh cam go này trong suốt mấy chục năm qua. Ngay trong những ngày chính quyền còn non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo và chỉ rõ mối họa lớn từ tham nhũng. Người nói, "tham nhũng là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và Chính phủ" . Theo Người, "kẻ thù này khá nguy hiểm vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, làm hỏng công việc của ta. Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù có cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính". Người kết luận: "Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian, mật thám"...
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh,  hơn 80 năm qua, kể từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên trì, bền bỉ đấu tranh chống “giặc nội xâm”. Nhất là những năm gần đây, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận cán bộ đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện dẫn đến tình trạng tham nhũng gia tăng hơn, phức tạp hơn. Trước tình hình đó, Đảng ta đã chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng mạnh mẽ hơn và khẳng định "phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta". Đảng đã lãnh đạo Chính phủ, các ngành chức năng tăng cường cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí bằng hàng loạt các Nghị định, Chỉ thị mà điển hình là Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (29-11-2005). 
Thời gian qua, hàng loạt vụ tham nhũng lớn đã và đang bị đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật bằng các bản án trừng phạt thích đáng. Theo báo cáo của Chính phủ trình Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): 5 năm gần đây, các cơ quan chức năng khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng, xét xử 1.455 vụ, 3.387 bị cáo. Cả nước có 652 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng... 
Gần đây, sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cùng với những bước triển khai đồng bộ, quyết liệt càng khẳng định thêm quyết tâm của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt, việc quyết định Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng sẽ trực thuộc Bộ Chính trị; đồng thời lập lại Ban Nội chính Trung ương (thực hiện chức năng cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng) cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận, không thỏa hiệp với tham nhũng. Đó cũng là cơ sở để phủ nhận những luận điệu xuyên tạc mà những kẻ hiềm khích đã cố tình bịa đặt.
Nguyễn Tấn Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét