Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Một sự hẫng hụt



QĐND - Cuộc chạy đua, đầy kịch tính vào ghế Tổng thống Hoa Kỳ giữa Barack Obama - Mitt Romney, hai ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã kết thúc. Tổng thống Barack Obama một lần nữa trở thành ông chủ của Nhà trắng thêm 4 năm nữa. Cũng trong cuộc bầu cử này, theo kết quả được công bố: Đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục nắm đa số tại hạ viện, Đảng Dân chủ nắm thượng viện. Những người theo dõi nhóm cử tri gốc Việt mới ngộ ra rằng, các tổ chức chuyên hành nghề chống Cộng đã từng lợi dụng cơ hội cuộc bầu cử này để gây sức ép đối với các ứng cử viên Tổng thống và trở thành nghị sĩ hạ viện, thượng viện chỉ là một trò chính trị rẻ tiền, mình tự lừa dối mình mà thôi. 
1- Nhằm lợi dụng cơ hội của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, tháng 3-2012, các tổ chức chống Cộng tại Mỹ đã tổ chức cái gọi là “Chiến dịch vận động nhân quyền” rầm rộ tại Oa -sinh-tơn DC. Cuộc vận động nhằm ký tên vào “Thỉnh nguyện thư” để xin được vào Nhà trắng (!)bày tỏ ý nguyện Tổng thống gây sức ép với “chính quyền Cộng sản Hà Nội” thực hiện dân chủ nhân quyền cho Việt Nam. Và vào lúc “Chiến dịch Vận động nhân quyền” đạt đến đỉnh caob, người ta đã tung lên mạng rằng chỉ ứng cử viên nào ủng hộ vấn đề nhân quyền cho Việt Nam mới hy vọng giành được những lá phiếu của cử tri gốc Việt ở Mỹ. Nhiều cử tri có thiện chí với ông Obama đã bắt đầu lo lắng liệu cử tri gốc Việt có bỏ phiếu cho ứng cử viên da màu này nữa không? 
Trong nhiều cuộc bầu cử Tổng thống và bầu cử hạ viện, thượng viện trước đây đa số cử tri gốc Việt chống Cộng thường bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa. Thế nhưng kết quả  nhiều cuộc thăm dò dư luận trước cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua ở Mỹ cho thấy, hầu hết những cử tri gốc Việt đã có sự thay đổi về nhận thức trên lĩnh vực này. Tuy đến nay vẫn còn những kẻ muốn chính phủ mới gây “áp lực mạnh hơn với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam để cải thiện nhân quyền, phục hồi dân chủ và trả lại tự do cho đồng bào trong nước”, thì tuyệt đại đa số cử tri gốc Việt, nhất là lớp trẻ đã và đang chuyển sang ủng hộ Đảng Dân chủ hoặc giữ quan điểm độc lập. Tiêu chí nhân quyền đã không còn là tiêu chuẩn quan trọng nhất mà là quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia… Đơn giản vì điều này liên quan đến làm ăn, sinh sống thường nhật của mọi người, không kể họ mang quốc tịch gì. Cử tri gốc Việt đã suy nghĩ như thế nào trong cuộc bầu cử này? Ngày nay nhóm cử tri gốc Việt cũng có chung quan điểm như cử tri Mỹ, họ quan tâm nhiều hơn đối với những vấn đề thiết thân của mình tại quốc gia sở tại. Nhiều người nói, họ bỏ phiếu cho những ứng cử viên nào đáp ứng được đời sống người dân, như công ăn việc làm, y tế, giáo dục, bảo tồn văn hóa của cộng đồng, giúp ích cho lợi ích cá nhân, cộng đồng của người Việt tị nạn. 
2- Cũng có chung mục đích chớp cơ hội cuộc bầu cử Tổng thống để gây sức ép, mặc cả với ứng cử viên và các fan (người hâm mộ) của hai ứng cử viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, đầu năm nay những lực lượng cực hữu trong Hạ viện Hoa Kỳ trong đó có ông Crít Xmít (Chris Smith), nghị sĩ Cộng hòa tiểu bang Niu Giơ -xi (New Jersey), thành viên cao cấp của ủy ban Đối ngoại Hạ viện, được nhóm người Việt chống Cộng tích cực ủng hộ và tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) đã đệ trình “Dự luật nhân quyền Việt Nam”, có tên là: “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012” (The Vietnam Human Rights Act of 2012). Dự luật đã được Tiểu bang nhân quyền Hạ viện thông qua vào ngày 8-2 và ngày 11-9 đã được Hạ viện thông qua. Liệu Dự luật Nhân quyền Việt Nam 2012 có được Thượng viện và Tổng thống thông qua đó vẫn còn là một ẩn số!
Nếu như trước đây nhiều người đã ảo tưởng rằng Hoa Kỳ có thể áp đặt quan điểm nhân quyền của mình cho Việt Nam thì ngày nay người ta có quan điểm cầu thị hơn - thừa nhận sự khác biệt nào đó giữa hai quốc gia trên lĩnh vực này. Những gì mà chính quyền Obama đã làm trước đây để thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam đã được ghi nhận như là một việc làm có trách nhiệm. Có người nói: “Ngay từ đầu khi tranh cử 4 năm trước, ông Obama ủng hộ nhân quyền ở Việt Nam, và ông vẫn làm thế. Mỗi khi đến Việt Nam, Ngoại trưởng Hillary Clinton đều nêu vấn đề nhân quyền”.
 Hơn nữa, với kết quả bầu cử hạ viện và thượng viện: Hai đảng nắm hai viện sẽ làm cho việc thông qua “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2012” sẽ không thể đi đến hồi kết như nhóm nghị sĩ cực hữu của Đảng Cộng hòa mong muốn. Theo luật pháp Hoa Kỳ bước tiếp theo, văn bản này sẽ được đệ trình lên thượng viện. Và nếu được thượng viện thông qua, thì cuối cùng Dự luật muốn có hiệu lực, phải được Tổng thống phê chuẩn. Điều này là khó có thể xảy ra nếu Chính phủ mới của Hoa Kỳ vẫn muốn duy trì và phát triển quan hệ với Việt Nam.
Mặc dù hiện nay Việt Nam còn không ít những vấn đề về dân chủ và nhân quyền, như hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, (trong đó có Luật Đất đai); tình trạng phân hóa giàu nghèo có khuynh hướng mở rộng; tình trạng quan liêu, tham nhũng chưa bị đẩy lùi… nhưng những thành tựu bảo đảm quyền con người của Đảng và Nhà nước ta là không thể phủ nhận. Điều này đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. 
Có thể nói, gần 70 năm qua, từ khi dân tộc ta giành được độc lập đến nay, tôn trọng và bảo đảm quyền con người là nội dung xuyên suốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta. Điều này xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng của Đảng và thể hiện tính nhất quán trong chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nó hoàn toàn không phải xuất phát từ sức ép nào đó từ trong và ngoài nước.
Với Cương lĩnh, đường lối của Đảng, với truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân, nhất định các quyền con người của nhân dân ta sẽ được bảo đảm ngày càng tốt hơn.
Phương Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét