Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Năm 2010: Thành tựu nổi bật về hội nhập quốc tế

Việt Nam tạo ra thế chiến lược trong vai trò Chủ tịch ASEAN
1- Đề xuất của Việt Nam - Chủ tịch Hiệp hội: "Trân trọng mời Cộng hòa Liên bang Nga và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ làm thành viên đối tác mới của ASEAN" đang biến thành hiện thực. Sự có mặt của hai cường quốc này, bên cạnh sáu đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Niu-di-lân tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần tứ 16 diễn ra ở Hà Nội, nâng ảnh hưởng của Hiệp hội lên tầm toàn cầu.
2- Nhận lời mời của Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội - Tổng thư kí Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon đến Hà Nội dự Hội nghị cấp của ASEAN lần thứ 16 với lời khẳng định: "Liên Hợp Quốc và ASEAN đã trải qua 10 năm quan hệ đối tác. Bây giờ là thời điểm đưa mối quan hệ lên tầm cao mới". Lời khẳng định ấy mang ý chí và hành động của tổ chức quốc tế rộng lớn nhất, quyền lực nhất hành tinh ủng hộ và coi trọng sự nghiệp của ASEAN.
3- Lập trường nhất quán của ASEAN: "Tăng cường sự hợp tác về mọi mặt vì sự phát triển của khu vực" và "Triển khai Tuyên bố về ứng xử của những bên liên quan về biển Đông", được Việt Nam tạo bước đột biến, thu hút sự đồng tình sâu rộng chưa từng có tại hàng loạt cuộc hội thảo, hội nghị của Hiệp hội cũng như của LHQ, G20 tổ chức và nhiều cuộc gặp gỡ song phương, đa phương khác.
Tiếp sau "Hội nghị cấp cao toàn cầu thực hiện các mục tiêu thiên niên kỉ" vì hòa bình và phát triển, ngày 24-9-2010, tại Niu Oóc, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Ô-ba-ma cùng chủ trì "Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ". Tổng thống Ô-ba-ma khẳng định: "ASEAN là nền tảng chính sách ngoại giao của Mỹ" và cùng Chủ tịch Nguyễn Minh Triết kí "Tuyên bố chung" với hai điều cốt lõi: a/ ASEAN và Mỹ thiết lập quy chế "Hội đồng cố vấn cao cấp" nghiên cứu hợp tác ở cấp độ chiến lược về mọi mặt; b/ Phản đối mọi hành động sử dụng vũ lực của bất cứ nước nào nhằm áp đặt những tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi ở biển Đông.
Đón tiếp khách quốc tế mang đến Việt Nam không ít sự hợp tác chiến lược
Từ chuyến thăm đầu năm của Chủ tịch Phần Lan, đến cuối năm với chuyến thăm của Tổng thống Mông Cổ, Việt Nam đón tiếp trên 30 vị nguyên thủ (Quốc vương, Quốc trưởng, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng thống, Thủ tướng, Tổng Bí thư đảng cùng hàng trăm Bộ trưởng, hàng nghìn doanh nhân các nước, chính khách các các tổ chức toàn cầu và khu vực). Tất cả đều mang đến Việt Nam tình cảm chân thành, nồng hậu.
Lãnh đạo 10 nước ASEAN tại Lễ khai mạc ASEAN 17, năm 2010, tại Hà Nội.
Ảnh: vnanet.vn

Bà I-ri-na Bi-cô-va, Tổng giám đốc UNESCO trong chiếc áo dài truyền thống duyên dáng của phụ nữ Việt Nam, dự "Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội" trao bằng của UNESCO công nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, địa danh văn hóa thế giới, phát biểu: "Bất cứ ai đến thăm Việt Nam cũng choáng ngợp bởi tốc độ phát triển của nền kinh tế, và rất hoan nghênh nỗ lực lớn lao dẫn đến thành công to lớn của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội ASEAN, một khu vực được coi là tương lai của thế giới".
Bà Hin-na-ri Clin-tơn, Ngoại trưởng Mỹ trong chuyến thăm hữu nghị Việt Nam vào dịp kỉ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt, tâm sự: "Năm 2000, tôi sang Việt Nam với chồng. Cả hai người chưa rõ điều gì sẽ xẩy ra với mình. Nhưng, khi đoàn xe Tổng thống đi vào thành phố, đã thấy hàng nghìn người dân đứng vẫy chào. Tiếp theo, mọi nơi chúng tôi đến, đều nhận được sự hiếu khách". Bà nhận xét với niềm tự hào: "15 năm qua, chúng ta đã cùng nhau vượt qua quá khứ chiến tranh đau buồn, chung tay xây dựng một tương lai tốt đẹp trong hòa bình, điều mà nhiều quốc gia không thực hiện nổi". Bà khẳng định: "Hòa bình không nằm trên giấy mà có gốc rễ trong tâm trí và trái tim của người Việt và người Mỹ. Sự hợp tác giữa hai nước chúng ta trên nhiều lĩnh vực là vô tận".
Cùng với những chuyến thăm hữu nghị là hàng loạt Hiệp định hợp tác phát triển song phương, đa phương được kí kết, khích lệ nhân dân ta vững bước trên đường xây dựng đất nước theo hướng hiện đại. Nổi bật ba sự kiện mang tầm chiến lược: a/ Việt - Nga kí kết dự án "Nga xây dựng cho Việt Nam nhà máy điện nguyên tử số I", trong dịp Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga Đi-mi-tơ-ri Mét-vê-đép thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. Tiếp đó, Việt - Nhật thỏa thuận việc "Nhật xây dựng cho Việt Nam nhà máy điện hạt nhân số II", trong dịp Thủ tướng Nhật Bản Nao-tô Kan thăm hữu nghị chính thức Việt Nam. b/ Các nhà tài trợ quốc tế cam kết dành cho Việt Nam vay trên 7,900 tỉ USD trong năm 2011 (xấp xỉ năm 2010). Thiện chí này được bà Vic-to-ri-a Cơ-va-oa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cắt nghĩa: "Các nhà tài trợ quốc tế hài lòng trước việc Việt Nam sử dụng tốt vốn ODA, khẳng định sự cần thiết tiếp sức cho Việt Nam phát triển, cho dù Việt Nam đã bước vào giai đoạn có mức thu nhập trung bình của thế giới, cho dù các nhà tài trợ chưa hồi sức hẳn sau cơn bão tài chính". c/ Cuộc hội thảo "Việt Nam - Châu Phi cùng hợp tác cùng phát triển bền vững" được Việt Nam khởi xướng và tổ chức tại Hà Nội thu hút sự có mặt hơn 50 đoàn đại biểu các nước Châu Phi, các nước có dự án hợp tác với Việt Nam, nhiều tổ chức quốc tế và cả Phó Tổng thư kí LHQ... góp sức nâng tầm hợp tác sâu rộng, hiệu quả cho cả đôi bên.
Việt Nam nỗ lực nâng quan hệ hữu nghị truyền thống láng giếng lên tầm cao mới
1- Các nhà lãnh đạo ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia thường xuyên gặp gỡ, trao đổi việc hợp tác triển khai những công việc cần thiết bảo đảm nhu cầu phát triển và bảo vệ nền độc lập dân tộc của mỗi nước. Theo đó, biên giới hòa bình hữu nghị được xác định, thương mại đa chiều ngày một tăng, đào tạo nhân lực được mở rộng, tệ nạn xã hội được khống chế, giao lưu văn hóa được đề cao, việc liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển (công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, viễn thông...) được tăng cường. Kế hoạch xây dựng vùng ba biên giới rộng lớn giàu tiềm năng được xúc tiến. Công việc phối hợp với cộng đồng quốc tế bảo vệ môi trường và nguồn lợi dòng Mê-kông được coi trọng. Ý tưởng xây dựng hệ thống đường sắt và hệ thống đường bộ cao tốc xuyên Đông Dương ra đời.
2- Nhân dân hai nước Việt - Trung trân trọng kỉ niệm lần thứ 60 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao bằng nhiều hình thức sinh động. Kim ngạch thương mại hai chiều vươn tới hàng chục tỉ USD. Lãnh đạo hai nước trong nhiều lần gặp gỡ đều bày tỏ sự "hài lòng trước sự kiện hoàn thành việc phân định vịnh Bắc Bộ, cắm mốc biên giới đất liền và tiếp tục kiên trì đàm phán trên tinh thần láng giềng hữu nghị, cùng quan tâm đến lợi ích của nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua đối thoại và hợp tác, nỗ lực tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề liên quan đến biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác tại khu vực cũng như trên thế giới". Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Mối tình thắm thiết Việt - Hoa / Vừa là đồng chí vừa là anh em", Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn đem hết sức mình vun đắp cho cây hữu nghị truyền thống Việt - Trung ngày càng bền vững, đem lại lợi ích lớn không chỉ cho đôi bên mà là cả cộng đồng quốc tế.
Dương Quang Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét