Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Người hết lòng vì nạn nhân da cam Việt Nam



Susan Schnall - hơn 40 năm trước là người đã tích cực tham gia phong trào phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam - vẫn tiếp tục là một người ủng hộ hết lòng với các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam.


Susan Schnall đang dẫn đầu một nhóm các nhà khoa học thuộc Hội Khoa học và Sức khỏe cộng đồng của Mỹ - thuộc Tổ chức Vận động cứu trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam - tới Hà Nội để tìm hiểu vấn đề hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam (VAORC). Schnall là thành viên của VAORC và nhiều tổ chức cựu chiến binh khác ở Mỹ. Cùng với các tổ chức này, bà đã tham gia xây dựng dự luật trong đó kêu gọi tẩy độc ở 28 điểm nóng nhiễm dioxin tại Việt Nam.
“Việt Nam và Mỹ thường đề cập 3 điểm nóng chính, nhưng có 28 điểm nóng là các căn cứ quân sự cũ của Mỹ tại Việt Nam - bà cho biết - Cần phải có một nghị sĩ Mỹ đứng ra vận động và đồng bảo trợ cho dự luật này. Chúng tôi đang tích cực đến gặp và vận động từng nghị sĩ để họ ủng hộ dự luật”.
Dự luật này cũng kêu gọi phía Mỹ bồi thường cho các nạn nhân da cam/dioxin một tỉ USD. Nhưng bà Schnall khẳng định: “Cho dù huy động bao nhiêu đi nữa cũng không đáp ứng hết yêu cầu chữa trị và giúp đỡ các nạn nhân Việt Nam”. Chính vì thế, bà tham gia nhiều hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức của người Mỹ về vấn đề này, đi vận động, nói chuyện về hậu quả chiến tranh Việt Nam với người Mỹ.
“Tôi cho rằng bên quan trọng nhất đứng ra nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân Việt Nam là Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất của Mỹ như Dow Chemical và Monsanto. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân Việt Nam, vận động pháp lý trong Quốc hội Mỹ và mong muốn quyên góp nhiều hơn để hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân Việt Nam” - bà nói.
Tình cảm của bà Schnall với Việt Nam khởi đầu từ nhiều thập kỷ trước. Trong thời kỳ chiến tranh, bà là y tá phục vụ trong hải quân Mỹ. Những lính Mỹ bị thương trở về từ Việt Nam đã thôi thúc bà tham gia phong trào phản chiến.
Bà dùng chính cách của quân đội Mỹ - trong khi quân đội dùng B52 ném bom xuống Việt Nam, thì bà và các nhà tổ chức dùng máy bay thả truyền đơn xuống San Francisco kêu gọi biểu tình vì hòa bình, tổ chức họp báo để nói rằng bà và nhiều người trong quân đội cũng cùng quan điểm.
Bà mặc nguyên quân phục xuống đường biểu tình - vi phạm quy định của hải quân Mỹ là không được mặc quân phục thể hiện các quan điểm chính trị. Schnall bị kết án 6 tháng lao động khổ sai vì chuyện đó, nhưng cuối cùng lại được miễn thi hành án vì bà là phụ nữ.
Hiện nay bà Schnall là giáo sư về sức khỏe cộng đồng ở Đại học New York. Trong nhiều công việc khác mà bà tham gia, bà nói rằng bà coi trọng nhất là hoạt động cho VAORC tham gia vận động cho việc trợ giúp các nạn nhân da cam Việt Nam và Mỹ, cũng như việc tẩy độc ở Việt Nam.
“Cuộc chiến ở VN là bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Chính phủ Mỹ đã sử dụng danh nghĩa của tôi, với tư cách là công dân Mỹ, làm những việc đáng chê trách ở Việt Nam. Vì thế mà tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm” - bà tâm sự. 
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, các thành viên trong đoàn khoa học Mỹ trao tặng Hội Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam 3.250USD để ủng hộ cho các nạn nhân. Đây là tiền do các thành viên tham gia đoàn quyên góp, ngoài ra một phần số tiền đó là thu được từ việc bà Schnall bán một phần bộ sưu tập tranh cổ động phản chiến của bà.
Bà kể: “Năm 1972 tôi đến Cuba dự hội nghị quốc tế về chiến tranh Việt Nam và đã được tặng một số tranh cổ động về hậu quả chiến tranh với người dân Việt Nam. Tôi giữ đến giờ, nhưng cho rằng việc bán các bức tranh đó để giúp đỡ nạn nhân là cần thiết và Trung tâm Nghiên cứu Cuba ở Mỹ đã mua các bức tranh này”.
Ngôi nhà của bà ở New York được gọi là một bảo tàng thu nhỏ về Việt Nam.
Bảo Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét