Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Người Pháp viết về việc kỷ niệm 50 năm thảm hoạ da cam ở Việt Nam


André Bouny, người thành lập và đứng đầu Uỷ ban quốc tế Ủng hộ nạn nhân chất đôc da cam ViệtNam (CIS), tác giả cuốn Chất độc da cam – Thảm hoạ Việt Nam, vừa viết bài « Kỷ niệm 50 năm ngày Mỹ lần đầu tiên rải chất độc da cam ở Việt Nam » đăng trên báo Agoravox ngày 7/6/2011. VAVA xin trích dịch bài báo này.
Trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, vụ rải chất độc hoá học đầu tiên đã diễn ra vào thứ Năm, ngày 10 tháng 8 năm 1961, ở tỉnh Kon Tum, miền trung Việt Nam. Đó là cuộc thử nghiệm cuối cùng, mở đầu cho Chiến dịch Ranch Hand diễn ra vài tháng sau đó : Cuộc chiến tranh hoá học lớn nhất lịch sử nhân loại.
Chất độc hoá học được sử dụng để phá huỷ rừng nhiệt đới, nhằm ngăn chặn những người Việt Nam theo chủ nghĩa độc lập ẩn náu và biến hoá trong rừng, và cũng nhằm huỷ hoại và đấu độc các nguồn thực phẩm với mục đích triệt nguồn sinh sống của các chiến sĩ cũng như những người dân bị cho là đã nuôi dưỡng họ và cung cấp thông tin cho lực lượng kháng chiến.
Ngày 10/8/2010, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Tòng Thị Phóng, nói rằng Việt Nam có 4 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam
Tuy chưa được nhiều người biết đến, nhưng hậu quả đáng sợ đối với sức khoẻ con người và môi trường của cuộc chiến tranh hoá học này lại là một vấn đề thời sự nóng bỏng. Dẫu vậy, nếu như nửa thế kỷ sau đó dioxin trong chất độc da cam đã có thể đi vào rau của các bà mẹ Việt Nam để họ đẻ ra những đưa con có hình hài không giống con người, thì thông tin về việc sử dụng và sự tồn tại dai dẳng của loại chất độc này vãn chưa chọc thủng được chiếc mộc « thông tin đại chúng qui ước ».
Hy vọng ngày 10 tháng 8 năm 2011, là ngày có tính biểu trưng này (Ngày vì nạn nhân chất độc da cam) sẽ là dịp để các phương tiện thông tin đại chúng thể hiện vai trò của chúng, đó là phải nói hết sự thật, nói thường xuyên và sâu sắc, để cảnh báo công luận, để một ngày nào đó, công lý phải được thực thi.
Điều quan trọng là việc sử dụng « chất diệt cỏ », cái mà người ta đã bí mật thí nghiệm trong hàng thập kỷ để biến thành một thứ vũ khí huỷ diệt hàng loạt (ADM) này phải được vạch trần toàn bộ và phải được các kênh truyền hình của chúng ta giải thích cho công chúng, đó là một cách để dân chúng thoát khỏi sự vô nghĩa của một loại vũ khí ru ngủ hàng loạt.
Tuy nhiên, phải thừa nhận là báo chí, đài phát thanh và vô tuyến truyền hình cũng đã bắt đầu đề cập đến chủ đề này. Vả lại, làm sao mà một phương tiện truyền thông lại có thể ngang nhiên phớt lờ hàng triệu nạn nhân, trong khi phần lớn thời lượng thông tin vẫn được dành cho các sự kiện thực ra không phải là sự kiện ?
Việt Nam đã tốn nhiều công sức để làm cho dự luận quốc tế biết và hiểu về hậu quả của chất độc da cam, về sự tồn tại của hàng trăm nghìn nạn nhân nhỏ bé vô tội, vì chúng sinh ra sau chiến tranh nhiều thế hệ. Chúng đã làm gì để không được nhận một trang tin nào nói về chúng trên các bức điện của các hãng tin chỉ vội đưa những hình ảnh buồn tẻ của giới chính trị ? Một hội nghị quốc tế lần thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 8 và 9 tháng 8 sắp tới tại Hà Nội. Hội nghị đó sẽ tập hợp 150 đại biểu, trong đó có 80 khách nước ngoài, nạn nhân, nhà khoa học và đại diện các tổ chức quốc tế muốn luật pháp quốc tế phải được thi hành, không có sự phân biệt.
Hoa Kỷ chưa bao giời thừa nhận trách nhiệm của họ. Tuy nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Washington đã đưa ra một danh sách các chứng bệnh có liên hệ với chất độc da cam được nhiều người chú ý (nhưng danh sách này chỉ có giá trị đối với các cựu chiến binh Mỹ), và danh sách đáng buồn này cứ kéo dài không ngừng cùng với thời gian. Bản báo cáo Stellman (mang tên nhà khoa học Mỹ Jeanne M. Stellman) cho biết, có tới 4,8 triệu người bị phơi nhiếm trực tiếp chất độc da cam ở các làng mạc của Việt Nam. Nước làm lan rộng khu vực ảnh hưởng của chất độc, và chất độc đó nhiễm vào chuỗi thực phẩm. Giờ đây, đến lượt thế hệ thứ tư bị ảnh hưởng và sự tàn phá đối với sức khoẻ con người vẫn còn đó, tai hoạ.
Các nạn nhân Việt Nam đã tiến hành các vụ kiện ở Mỹ, nhưng các vụ kiện này đều đi đến kết cục là bị chối từ về pháp lý.
Hiện đang có sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Việt Nam xung quanh vấn đề này. Một nhóm đối thoại Việt-Mỹ đã dự trù một khoản trợ giúp 300 triệu đô la trong 10 năm (tức là 30 triệu đô la một năm), trong khi ngân sách của Mỹ năm 2010 dự kiến chi cho các cựu chiến binh của họ bị nhiễm chất độc da cam là trên 11 tỷ đô la...Số cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm độc và bị đau ốm hiện nay là khoảng 200.000 người, trong khi người Việt Nam có tới hàng triệu, phải sống ở những vùng đất bị nhiễm độc. Hơn nữa, sự trợ giúp cho các nạn nhân Việt Nam chưa phải là đã đủ, mà còn phải tẩy độc cho đất đai của họ. Chưa có một kỹ thuật nào mà người ta đã biết cho phép làm điều đó ở cấp độ cả nước.
Thế là người ta nêu lên các « điểm nóng ». Chẳng thèm đếm xỉa đến hàng triệu héc-ta đã bị thấm nước (có khi đến 10 lần, hoặc hơn nữa), người ta đưa ra con số 28 « điểm nóng ».
Chưa hết, chỉ có 3 trong số các điểm nóng nói trên được xem xét (phải nói là như thế đã là phá kỷ lục thế giới), vì độ nhiễm độc của chúng rất cao. Đó là các căn cứ cũ của Mỹ : Biên Hoà, Phù Cát, Đà Nẵng.
.....
Tháng 5 vừa qua hai cựu chiến binh Mỹ cho biết, năm 1978 quân đội Mỹ đã chôn một kho chất độc da cam (khoảng 50.000 lít) trong căn cứ quân sự Camp Carroll của Mỹ ở Chilgok, Hàn Quốc, cách Xê-un 300 km về phía đông nam. Một cựu chiến binh khác của Mỹ tuyên bố, năm 1963-1964, anh ta đã tham gia chôn « hoá chất » ở căn cứ Camp Mercer, thuộc vùng Bucheron, gần thủ đô Xê-un. Điều đó gợi cho chúng ta thấy là, nếu như chất độc da cam đã được sử dụng để cố tình phạm tội diệt môi trường trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, thì loại chất độc này cũng đã được sử dụng ở Lào và Cam-pu-chia. Chính các lĩnh Mỹ, cũng như binh lính các nước đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a, Thái Lan, cũng đã bị phơi nhiễm. Đương nhiên loại chất độc hại này cũng gây tác hại lớn ở những nơi nó được sản xuất, không phải chỉ ở Mỹ, mà còn ở Niu Di-lân, cũng như những nơi chúng được tàng trữ, như ở Phi-líp-pin, hoặc trên đảo Johnston ở Thái Bình Dương trước khi được huỷ dưới biến, đấy là chưa kể không biết bao nhiêu nơi khác trên khắp hành tinh này được sử dụng làm nơi thử nghiệm.
Đúng, chất độc da cam là thủ phạm gây ra nhiễm độc xuyên lục địa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét