Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Nhân quyền trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày nay



Với tinh thần cầu thị, Việt Nam không đòi hỏi Hoa Kỳ phải gác lại vấn đề nhân quyền trong quan hệ hai nước. Những bất đồng, khác biệt nào đó giữa Việt Nam với các quốc gia trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có vấn đề nhân quyền với Hoa Kỳ không phải là vấn đề không thể vượt qua được.
Bình luận trước và sau chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ - ngài Leon Panetta từ ngày 3/6 đến 5/6/2012 có người cho rằng “Đây là chuyến thăm lịch sử”, có người lại nhấn mạnh rằng, đây là “Một thông điệp của Hoa Kỳ” đối với các nước ở khu vực; rằng chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho thấy “Việt Nam xích lại quá gần Mỹ”... Còn những thế lực cực hữu về nhân quyền trong chính giới Hoa Kỳ thì cho rằng “không dễ gì dỡ bỏ vấn đề nhân quyền vốn đang là rào cản trong việc phát triển quan hệ song phương”. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần; rằng “sẽ có những lời lên án mạnh mẽ chế độ Hà Nội” từ phe Cộng hòa, vì chống quan hệ Việt  - Mỹ họ chẳng có gì để mất… Những điều này cho thấy người ta đâu phải vì dân chủ, nhân quyền của Việt Nam mà vì lợi ích của chính họ. Chẳng thế mà trong ngôn từ chính trị hiện đại đã tồn tại từ lóng “Tiêu chuẩn kép” (Double Standar) để chỉ những hành vi “nói một đàng, làm một nẻo” dựa trên thực tiễn nền chính trị Hoa Kỳ ngày nay. 
Tại Hoa Kỳ, đảng Cộng hòa đang sử dụng nhóm cử tri chống Cộng, gốc Việt dùng con bài dân chủ, nhân quyền để giành giật cử tri của đảng Dân chủ. Trong quan hệ quốc tế, nhóm nghị sỹ cực hữu trong Hạ viện (chủ yếu trong Ủy ban Đối ngoại) dùng con bài dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đồng thời khống chế Chính phủ Obama phát triển quan hệ với Việt Nam… “Dự luật nhân quyền Việt Nam” (HR 1410) do Hạ Nghị sĩ đảng Cộng hòa Chris Smith thông qua ngày 7/3/2012 làm một ví dụ. Còn “Báo cáo nhân quyền năm 2011” của Mỹ thì đã bị các quốc gia lên án như là một sự xuyên tạc sự thật và can thiệp vào công việc của nước khác. Nhiều trí thức chân chính thì cho rằng Hoa Kỳ, với những “thành tích” nhân quyền bất hảo không có tư cách để chỉ trích nhân quyền các nước khác.
Những ai ít nhiều nghiên cứu lịch sử Hoa Kỳ thì đều thấy, đó là những trang đẫm máu của thổ dân da đỏ, khi người Anh và châu Âu đặt chân tới đây. Còn trong thế kỷ XX thì đó là những trang sử đầy tội ác từ những cuộc viễn chinh xâm lược khắp 5 châu, trong đó có Việt Nam của quân đội Hoa Kỳ. Đó là chưa kể đến việc Hoa Kỳ đứng đằng sau các cuộc xung đột dân tộc sắc tộc và bán vũ khí sát thương cho cả 2 bên trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Tất nhiên tác giả của những âm mưu, hành động phi nhân tính đó không phải là nhân dân Hoa Kỳ, mà là những ông chủ các tập đoàn công nghiệp quốc phòng và dầu khí trong hai đảng - Cộng hòa và dân chủ.
Trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, không phủ nhận rằng Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn những khác biệt. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận được rằng giữa hai quốc gia vẫn đang trên đường thu hẹp dần những bất đồng trên lĩnh vực này. Việt Nam cho rằng nhân quyền là giá trị chung của các dân tộc. Việc bảo đảm quyền con người trước hết thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các chính phủ. Việt Nam phản đối lực lượng cực hữu trong Hạ viện Hoa Kỳ đã và đang dùng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, cũng như ý đồ dùng nhân quyền làm điều kiện cho quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Không ít chính khách Hoa Kỳ đã không úp mở nói thẳng ra rằng, trong quan hệ với các quốc gia nói chung, với Việt Nam nói riêng Hoa Kỳ không chỉ vì lợi ích của đối tác mà còn vì lợi ích của chính mình. Hơn nữa Hoa Kỳ còn có những lợi ích khác quan trọng hơn dân chủ và nhân quyền. Chẳng hạn như mở rộng thương mại, tự do hàng hải và giành lợi thế địa chính trị… liên quan đến chiến lược chính trị, quân sự toàn cầu của nước Mỹ. Ông John McCain, người được cho là thành viên có ảnh hưởng trong “Ủy ban Quân vụ” của Thượng viện Hoa Kỳ khi đề cập tới vấn đề nhân quyền trong quan hệ Việt - Mỹ vừa qua, cho rằng những đòi hỏi của Hoa Kỳ về nhân quyền đối với Việt Nam chỉ trong chừng mực nước này “xem xét nghiêm túc vấn đề nhân quyền” và Hoa Kỳ "mong đợi tiến bộ chứ không phải là thay đổi tức thì".
Trên thực tế, các cuộc đối thoại Việt - Mỹ trên lĩnh vực nhân quyền những năm qua cho thấy hai bên đã bày tỏ quan điểm một cách cởi mở. Phía Hoa Kỳ đã nhiều lần ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trên lĩnh vực này. 
Với tinh thần cầu thị, Việt Nam không đòi hỏi Hoa Kỳ phải gác lại vấn đề nhân quyền trong quan hệ hai nước. Những bất đồng, khác biệt nào đó giữa Việt Nam với các quốc gia trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có vấn đề nhân quyền với Hoa Kỳ không phải là vấn đề không thể vượt qua được. Song Việt Nam cho rằng con đường thu hẹp sự khác biệt trên lĩnh vực nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ có thể là đối thoại trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia và hợp tác để giải quyết những vấn đề nhân quyền một cách thiết thực
Bắc Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét