Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Những góp ý không phù hợp với thực tiễn Việt Nam



QĐND - Nhân dịp Đảng, Nhà nước ta tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tầng lớp nhân dân vào việc sửa đổi Hiến pháp 1992, trên một số tờ báo điện tử tiếng Việt ở nước ngoài xuất hiện ý kiến cho rằng, Việt Nam nên xây dựng nhà nước “tam quyền phân lập” theo mô hình phương Tây thì mới tránh được tình trạng “lạm quyền do chế độ độc đảng không có sự cạnh tranh và giám sát tự thân”. Thậm chí, có người còn cho rằng “không thực hiện nhà nước “tam quyền phân lập” là quay lưng lại với văn minh”(!) 
Mô hình nhà nước “tam quyền phân lập” ra đời gắn liền với cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống lại chế độ phong kiến, là bước tiến bộ so với chế độ quân chủ phong kiến. Nó trở thành nguyên tắc cơ bản để tổ chức hoạt động của nhà nước tư sản, gắn liền với nó là chế độ chính trị đa đảng. Tuy nhiên, thực tiễn tồn tại mấy trăm năm qua của mô hình này cũng đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế. 
Tổ chức bộ máy nhà nước như thế nào để nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân - đó là vấn đề được Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu, là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay.
 Như chúng ta đều biết, sau bao đêm trường nô lệ, trong Cách mạng Tháng Tám 1945, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành lại quyền làm chủ đất nước. Điều này quyết định một đặc điểm lớn trong quá trình xây dựng Nhà nước của nhân dân ta là ngay từ khi ra đời, Nhà nước ta đã mang bản chất giai cấp công nhân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Ngày 3-9-1945, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nhiệm vụ cấp bách: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”.
67 năm qua, trong quá trình xây dựng nhà nước, Quốc hội nước ta lần lượt ban hành 4 bản hiến pháp vào các năm 1946, 1959, 1980 và 1992. Cả 4 bản Hiến pháp nói trên đều khẳng định quan điểm nhất quán: “Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, là quyền lực thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Tại Đại hội XI của Đảng, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta nhấn mạnh chủ trương xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng khác xa với nhà nước pháp quyền tư sản. Đại hội XI đã khẳng định: Nhà nước pháp quyền tư sản dựa trên nguyên tắc “tam quyền phân lập”, tức là phân chia quyền lực, còn nhà nước pháp quyền XHCN mà nhân dân ta xây dựng không phân chia quyền lực, mà có sự “phân công”, “phối hợp” và “kiểm soát” trong thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Điều này sẽ bảo đảm cho chúng ta kế thừa những mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế của nhà nước “tam quyền phân lập”.   
Vì vậy, những ý kiến “khuyên” nhân dân Việt Nam nên xây dựng nhà nước “tam quyền phân lập” thực chất là kích động tư tưởng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; xóa bỏ vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước đã được xác định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992.
Trong bài viết này, chúng tôi xét thấy không cần phải nhắc lại một thực tế là lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước kể từ năm 1945 đến nay đã thừa nhận vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội. Giai đoạn 1945-1946, vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam được nhân dân thừa nhận và xác lập ngay trong điều kiện nước ta có nhiều đảng phái cùng hoạt động. Vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN không phải là ý chí chủ quan của Đảng mà là kết quả đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Đây là một tất yếu khách quan. Mọi mưu toan hạ thấp vai trò của Đảng đều trái với quy luật tự nhiên của lịch sử dân tộc, đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của tuyệt đại bộ phận nhân dân Việt Nam.
Để nhìn rõ tính khách quan của vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Phát triển quốc tế Ha-vớt (Harvard) thuộc Trường Đại học Ha-vớt (Hoa Kỳ) khi họ khảo sát ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu Dam Fforde đánh giá: “Việt Nam có được những lợi thế chính trị quan trọng. Lên nắm quyền qua chiến tranh và cách mạng chứ không phải do lực lượng bên ngoài áp đặt, năm 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu một hệ thống chính trị nhất thể với một quyền lực và tính hợp pháp không bị ai thách thức. Sau ba thập kỷ đấu tranh, Đảng đã loại mọi đối thủ và khôi phục Việt Nam thành một nước độc lập và thống nhất. Ban lãnh đạo của Đảng nằm trong số ổn định và thật sự nhất trí trong thế giới cộng sản, và đảng viên của Đảng bao gồm một phần lớn những người tận tụy và yêu nước nhất ở Việt Nam. Hơn nữa, đó là một đảng mà sự tồn vong và thắng lợi cuối cùng đã dựa vào việc huy động sự ủng hộ của quần chúng”*.
Đương nhiên, Đảng ta cũng nhìn rõ những thách thức có thể gặp phải khi là Đảng duy nhất cầm quyền. Một vấn đề khách quan là bất kỳ đảng cầm quyền nào, không kể là đảng tư sản hay đảng cộng sản, đều có thể bị tha hóa bởi vấn nạn lạm quyền và quan liêu hóa. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã nhìn thẳng vào sự thật, không che giấu những khuyết điểm, hạn chế của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo Nhà nước. Từ đầu năm đến nay, chúng ta đã nhận rõ sự quan tâm, vui mừng, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân khi Đảng ta quyết tâm tiến hành những giải pháp cấp bách và cơ bản nhằm xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhiều hành động quyết liệt, công khai, minh bạch của Chính phủ, các bộ, ngành đã thể hiện quyết tâm chính trị lớn lao đẩy mạnh chống tiêu cực, chống tham nhũng, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, làm cho bộ máy Nhà nước ta ngày càng tinh gọn, từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
Đó là thông điệp rõ ràng, báo hiệu Đảng, Nhà nước ta đã chuyển mình mạnh mẽ, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử mà nhân dân giao phó, hoạt động vì quyền lực và lợi ích của nhân dân, vì một nền dân chủ rộng rãi cho mọi người. Những ý kiến cho rằng, Việt Nam cần thực hiện “tam quyền phân lập” mà thực chất là đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập là những lời góp ý xa lạ với thực tiễn Việt Nam, trái với ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.
HỒNG HẢI
* Sách “Những thách thức trên con đường cải cách ở Đông Dương” của Viện Phát triển quốc tế Harvard, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr523.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét