Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Sự cởi mở bị lợi dụng


QĐND - Kết thúc chuyến thăm và làm việc ở Việt Nam từ ngày 25-11 đến 5-12-2011, ông Anand Grover, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về Quyền được chăm sóc sức khỏe đã có bài phát biểu bày tỏ “sự cảm ơn sâu sắc Chính phủ Việt Nam đã mời ông  tới thăm Việt Nam và đã tạo điều kiện cho ông có một chương trình làm việc rất phong phú và thú vị”… Ông đánh giá cao những thành tựu kinh tế-xã hội và bảo đảm nhiều quyền kinh tế-xã hội của người dân. Ông nói: “Tôi xin được hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong công tác giảm nghèo, giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu người trong vòng hai thập kỷ vừa qua…”. Trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ông ghi nhận "những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống y tế nói chung” và "cam kết của Việt Nam nhằm đảm bảo tất cả mọi người dân đều được tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe” cũng như “cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương khác là rất đáng ngưỡng mộ”.
Tuy nhiên, rất đáng tiếc là ông Anand Grover đã có một số nhận xét và gợi ý không phù hợp với tình hình Việt Nam.  Về các trung tâm 05 và 06 (các trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội -TTCBGDLĐXH), ông nói: “Tôi tin rằng cách tiếp cận hiện tại của các trung tâm điều trị cai nghiện phục hồi vi phạm quyền được chăm sóc sức khỏe của người dân…” và gợi ý: "Tôi hoàn toàn ủng hộ việc đóng cửa các trung tâm điều trị cai nghiện phục hồi”.
Lợi dụng Báo cáo của ông Anand Grover, một số cơ quan truyền thông vốn kỳ thị với chế độ XHCN, với Việt Nam như BBC, RFA có dịp xuyên tạc chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam, cũng như tình hình tại các TTCBGDLĐXH. Họ nói rằng, những trại viên ở các trung tâm này là “người bị giam”, “bị cầm tù”, họ "bị tra tấn và cưỡng bức lao động". Nói cách khác là họ bị vi phạm nhân quyền.
Vậy, phải chăng hình thức cai nghiện, phục hồi nhân cách bắt buộc  trong các TTCBGDLĐXH là vi phạm nhân quyền?
Quyền con người điều chỉnh mối quan hệ pháp lý giữa Nhà nước với người dân. Trong đó, Nhà nước có nghĩa vụ bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và lợi ích cộng đồng. Đồng thời, người dân có trách nhiệm tôn trọng lợi ích của cộng đồng, Nhà nước, trong đó có việc tôn trọng pháp luật.
Ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, những người trong một số nhóm xã hội yếu thế, dễ bị tổn thương như trẻ em, người mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo (như người nhiễm HIV), người mắc bệnh tâm thần - do năng lực hành vi dân sự  bị hạn chế, hoặc không kiểm soát được hành vi của mình thì trách nhiệm bảo đảm quyền và lợi ích cho họ phải dựa vào người thân, gia đình và Nhà nước. Ở Việt Nam, nghiện ma túy vừa là một vấn đề bệnh lý vừa là một tệ nạn xã hội. Sử dụng ma túy, mại dâm là hành vi trái pháp luật. Hơn nữa, hiện nay nghiện chích ma túy, mại dâm đang là con đường chính dẫn đến lan truyền HIV trong cộng đồng và tiềm ẩn những nguy cơ phạm tội khác. Bởi vậy, việc đưa một số người nghiện ma túy, người mại dâm vào các TTCBGDLĐXH theo một quy trình, thủ tục hành chính nghiêm ngặt, vừa giúp người nghiện rời xa ma túy, phục hồi sức khỏe, tạo điều kiện chữa bệnh, vừa tạo điều kiện phục hồi nhân cách, đồng thời bảo vệ cộng đồng là cần thiết.
Trên thực tế, không phải tất cả người nghiện ma túy đều bị đưa vào các TTCBGDLĐXH. Nghị định 61/2011/NĐ-CP ngày 26-7-2011 quy định: Chỉ đưa vào trung tâm những người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về việc sử dụng trái phép chất ma túy; đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú nhất định; đã được cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng, nhưng không có hiệu quả. Và chỉ áp dụng việc đưa vào trung tâm những người từ đủ 18 tuổi trở lên.
Như chính ông Anand Grover đã ghi nhận, ở Việt Nam Chính phủ đã và đang thực hiện một số chương trình thí điểm điều trị nghiện ma túy bằng thuốc methadone - một biện pháp ít tốn kém hơn và có hiệu quả hơn trong việc giảm sử dụng ma túy. Nếu nguồn tài chính cho phép, việc mở rộng chương trình này có thể làm giảm đi số người nghiện trích ma túy phải đưa vào TTCBGDLĐXH.
Đưa một số người vào các TTCBGDLĐXH là điều không mong muốn đối với Nhà nước, cũng như với những cán bộ, công chức ở đây. Nhiều người công tác tại những trung tâm này cũng phải xa gia đình vì nhiệm vụ. Ở Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia khác, lao động là quyền và nghĩa vụ, là một chuẩn mực của đạo đức. Tổ chức lao động cho các trại viên trong các TTCBGDLĐXH, thiết lập kỷ luật chặt chẽ cùng với việc học tập, rèn luyện sức khỏe, sinh hoạt trong đời sống tập thể là con đường phục hồi nhân phẩm, là biện pháp khoa học và nhân đạo cho những người nghiện chích ma túy và mại dâm. Đồng thời, điều này cũng là biện pháp làm giảm đi gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Ngọc Thư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét