Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Sức sống của tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc"



QĐND - Vị tiểu đồng của Bác Hồ - ông Vũ Kỳ từng nhiều lần khẳng định: Bác phải là bậc vĩ nhân siêu phàm mới đủ tầm nhìn thấu thời gian, không gian, dự báo thời cuộc và lo tính từng đường đi nước bước cho sự nghiệp giải phóng nhân dân... cho đến từng số phận của biết bao kiếp nhân sinh đau khổ.
Vâng! Nhận định ấy là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đạo lý Bác Hồ. Cũng bởi thế mà tư tưởng, tác phẩm và tất cả những gì liên quan đến Người đều có sức sống mãnh liệt. Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là một minh chứng cụ thể như vậy. Cái tên tác phẩm chẳng qua chỉ là một tiêu đề trong thời điểm nhất định, nhưng giá trị của hai chữ "sửa đổi" thì sâu sắc, toàn diện, lâu dài và xuyên suốt... Đúng như quy luật bất biến của mọi sự vận động, phát triển.



Bây giờ nhìn lại sự kiện "ngàn cân treo sợi tóc" vào những ngày đầu của chính quyền nhân dân mới càng rõ Bác Hồ thuộc số rất hiếm các vĩ nhân thế giới: Phải nắm chắc lắm vận nước, số mệnh của bản thân mới có được sự ung dung tự tại để "ứng vạn biến" trong mọi thử thách. Chẳng hạn, khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Tùng hỏi Bác: Thưa Cụ, giặc Tàu, giặc Pháp lăm le cướp nước ta, Cụ sợ giặc nào hơn...? Bác trả lời như có sẵn đáp án: "Bác sợ nhất các chú...". "Các chú" là lời phán truyền của bậc thánh nhân. Thế mới lạ chứ? Vâng, chỉ có bậc thánh nhân mới thông tỏ đầu óc, sắp sẵn mọi điều, bật ra những lời tiên tri như vậy. "Các chú" ư? Nay thì trong Nghị quyết 4 Trung ương (khóa XI) đã nêu rất rõ: Đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất...
Ông Tạ Quang Chiến, nhân chứng duy nhất còn lại đi bảo vệ Bác vào Thanh Hóa ngày 18-2-1947, kể: Giặc Pháp đã chiếm Hà Nội, đánh nống ra vùng ven. Các đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng đi tiền trạm trên ATK (Tuyên Quang) về đến Chùa Thầy (Sài Sơn) cách Hà Nội 20km, lo lắng báo với Bác vì ngày đêm, tiếng máy bay, bom đạn kẻ thù cứ ì ầm gần Chùa. Bác vẫn điềm tĩnh làm việc. Thế nhưng khi nhận điện mật của Đặc phái viên Đặng Việt Châu từ trong Thanh Hóa, Người vào ngay, nắm lại tình hình các "quan cách mạng". Bác ký ngay quyết định cử ông Đặng Thai Mai thay Chủ tịch tỉnh Lê Chủ và Bí thư Huyện ủy Nga Sơn.
Bác rời khỏi nơi nào, máy bay khu trục Pháp đến ném bom nơi đó. Ngày 1-3-1947, ở chùa Một Mái, Người ung dung gõ máy viết "Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ" rồi "Thư gửi các đồng chí Trung Bộ" thẳng thắn phê bình những khuyết điểm về đạo đức, lối sống, thói quan liêu xa dân của một số cán bộ, đảng viên...
Ông Vũ Kỳ viết trong sách "Thư ký Bác Hồ kể chuyện": Đầu tháng 10-1947, quân Pháp bắt đầu mở cuộc tấn công Việt Bắc với mưu thâm "cất vó" Chính phủ Hồ Chí Minh. Có hôm mũi thọc sâu của địch chỉ cách lán Bác ở chưa đầy một ki-lô-mét, Người vẫn ngồi gõ máy viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" để kịp in cho đầu năm sau làm tài liệu học tập.
Ngày nay "thế giới phẳng", các giới học giả Đông, Tây đổ xô vào nghiên cứu Việt Nam, tìm hiểu về Hồ Chí Minh thì mới càng thấy  nhân dân ta, Tổ quốc ta, Đảng ta may mắn có vị lãnh tụ kiệt xuất nhìn xa trông rộng, thấu đáo mọi nhẽ thuộc quá khứ, hiện tại, tương lai; hệt như người mẹ hiền biết lo cho đứa con từ khi còn là thai nhi, rồi ra đời lo ăn lo mặc, học hành, tương lai hạnh phúc cho con cháu mai sau; lại biết nghĩ đến nỗi khổ đau cùng cảnh ngộ của mọi kiếp người trên trần thế nữa.
Cuộc kháng chiến tất yếu không tránh khỏi, đã là vận nước, sẽ tất thắng, nhưng trước mắt, cả nước còn giặc nội xâm thì phải liệu cho vẹn - Đó là cách nghĩ của Người. Bởi lẽ, chính quyền mới cũng từ nhân dân mà ra, được tuyển chọn, huấn luyện, nhưng bản năng con người khi quyền thế trong tay dễ quên thân phận, sa đà vào thói ham quyền lực, tách khỏi tư cách "đứa con tinh thần" của "người mẹ kính yêu". Bác Hồ lo đến "tính con" trong con người của cán bộ đảng viên, Người đã tính trước được mối nguy hiểm của đảng cầm quyền duy nhất, dễ hình thành thứ "giặc nội xâm" từ trong đánh ra, "Bác sợ nhất các chú" là do vậy! Sự hư hỏng của cán bộ đảng viên, cán bộ lãnh đạo sẽ khó tránh khỏi chuyện kẻ thù công kích. Bác đã lường trước: Phải phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Bác Hồ từng 30 năm đi "cùng trời cuối đất", hơn ai hết, Người đau xót nhận ra như một quy luật từ cổ, kim, đông, tây, nhà cầm quyền, đảng cầm quyền đều cần dựa vào dân giành chính quyền. Nhưng khi quyền đã trong tay, có nguy cơ họ quên mình là người dân, quên cả những cánh tay từng nâng đỡ, đặt mình lên chiếc ghế mà bản thân chưa hẳn đã đáng được ngồi.
Làm cách mạng là con đường cứu dân cứu nước. Cán bộ cách mạng phải là vũ khí bảo vệ dân, bảo vệ nước. "Sửa đổi" đạo đức, lối làm việc của họ là cách duy nhất để "lau chùi, tra dầu" chống hoen gỉ vũ khí. Vậy đối tượng của sửa đổi lối làm việc là những người có chức quyền ở mọi cấp, ngành - khác với đối tượng rộng rãi, đại trà trong giáo dục quốc dân "trồng người". Do vậy, thường định kỳ mươi năm Bác lặp lại việc "sửa đổi", làm trong sạch Đảng để củng cố bộ máy quyền lực Nhà nước. Đó là vào các năm 1947: Sửa đổi lối làm việc; năm 1958: Đạo đức cách mạng; năm 1969, Người đã "tri thiên mệnh", lại thấy việc "sửa đổi" cần đặt ra cấp bách hơn. Nhân ngày thành lập Đảng 3-2-1969, Bác viết bài đăng Báo Nhân Dân: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Và cuối cùng, qua nhiều năm đắn đo cân nhắc, sửa đi sửa lại, Bác vẫn phải đưa vào Di chúc lời trăng trối, căn dặn: Phải đề cao dân chủ, tự phê bình, phê bình, chống chủ nghĩa cá nhân, đặc biệt là giữ gìn sự đoàn kết trong đảng... như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Chuyện kể, những tháng ngày trước lúc đi xa, cứ chiều thứ bảy tan tầm, Bác "lựa" mấy "chú" cần "sửa đổi" sang nhà Bác "ăn cơm đoàn kết" với nhau để “sửa” cho từng người, để tránh việc một bộ phận cán bộ, đảng viên quên dân, xa Đảng, trái ý Bác. May mà Đảng ta vâng mệnh lệnh của Bác, sáng suốt, chủ động chăm lo đến công tác xây dựng Đảng, kịp thời đề ra những quyết sách "sửa đổi" kịp thời trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với những bước triển khai đồng bộ, kiên quyết của Đảng đang lấy lại niềm tin trong nhân dân. Thế nhưng, đề phòng ở đâu đó, ở một bộ phận tổ chức, đơn vị nào đó, công việc này còn nặng hình thức, kém hiệu quả; làm nảy sinh sự hoài nghi của quần chúng nhân dân về hiệu quả thực hiện công việc hệ trọng này của Đảng. Một lần nữa, cần kíp phải học lại cách thức, phương pháp triển khai thực hiện “Sửa đổi lối làm việc” của Người trong thực tiễn cách mạng trước kia, để vận dụng, triển khai Nghị quyết lần này có hiệu quả. Khi ấy, Bác Hồ đã trao “chiếc chìa khóa vàng” (lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng) cho chúng ta là CÔNG KHAI, DÂN CHỦ trong tự phê bình và phê bình từ các cấp lãnh đạo tới mỗi cán bộ, đảng viên. Hơn nữa, chính Người là đảng viên làm trước mọi đảng viên. Người không phô bày, hình thức mà mẫu mực vô song về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nghiêm khắc tự rèn luyện mình trong mọi hoàn cảnh theo lẽ sống gần dân, thương yêu dân, tất cả vì dân. Lẽ sống này đã thấm sâu, biến thành máu thịt của Người. Ngày 21-1-1946, trả lời báo giới, Người nói: Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ nơi có non xanh nước biếc, để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không vướng víu gì với vòng danh lợi.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được dùng làm tài liệu học tập để xây dựng Đảng, rèn luyện cán bộ cách nay đã 65 năm. Thế nhưng những vấn đề đặt ra ngày ấy, đến hôm nay vẫn còn y nguyên giá trị thời sự. Phải chăng, tác phẩm này - tư tưởng này có sức sống trường tồn với thời gian.
Trịnh Tố Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét