Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Thành tựu của công tác dân số góp phần đưa Việt Nam lên tầm cao mới


Công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS - KHHGĐ) được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và coi là quốc sách hàng đầu. Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, ngày 26/12/1961, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Quyết định 216-CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam.
Thành tựu tự hào
Với quyết định trên, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á triển khai chương trình DS-KHHGĐ và đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Sau ngày đất nước thống nhất, lần đầu tiên chỉ tiêu về dân số được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc. Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Chính sách DS-KHHGĐ”, mở ra giai đoạn phát triển thành công của công tác DS-KHHGĐ. Trong 50 năm hoạt động, công tác DS-KHHGĐ đã khống chế được tốc độ gia tăng dân số, cơ cấu dân số theo tuổi có sự thay đổi theo hướng tích cực, tuổi thọ trung bình được nâng cao, góp phần xoá đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. Cùng đó, ngành DS-KHHGĐ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 6,3 con (năm 1960) xuống còn 2 con vào năm 2010. Tuổi thọ bình quân tăng thêm từ 33 tuổi, từ 40 tuổi (năm 1960) lên 73 tuổi năm 2010. Từ năm 2006, Việt Nam đã đạt được mức sinh thay thế, quy mô gia đình nhỏ đã trở thành chuẩn mực của xã hội. Sức khoẻ sinh sản của người dân đã từng bước được nâng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cả về quy mô dân số, cơ cấu dân số, chất lượng dân số và phân bố dân cư.
Về cơ cấu dân số, song song với việc bước vào giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, dân số Việt Nam đang già đi với tốc độ nhanh. Năm 2009, tỷ trọng người từ 65 tuổi trở lên là 6,6% và chỉ số già hoá là 35% cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (30%). Quá trình già hoá này sẽ gây áp lực mạnh đến việc đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, việc mất cân bằng giới tính của Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng. Mặc dù Chính phủ đã tiến hành nhiều biện pháp để khắc phục nhưng chưa thể khống chế và giải quyết được tình trạng này gia tăng trong thời gian ngắn.
Thời gian tới, công tác DS-KHHGĐ đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tránh thai. Duy trì mức sinh thấp hợp lý: tổng tỷ suất sinh cả nước từ 2,0 con năm 2010 giảm xuống còn 1,9 con vào năm 2015; phấn đấu năm 2015 không còn tỉnh có tổng tỷ suất sinh trên 2,5 con; quy mô dân số không vượt quá 92 triệu người. Một mục tiêu quan trọng là chủ động kiểm soát tốc độ tăng nhanh mất cân bằng giới tính khi sinh, để đến năm 2015 được khống chế ở mức dưới 113 trẻ trai/100 trẻ gái.
Hà Nội - Địa phương đi đầu thực hiện công tác dân số
Hà Nội là Thủ đô của cả nước, đối với công tác DS-KHHGĐ, Thành uỷ, UBND TP. Hà Nội luôn quan tâm đến công tác này. Do đó, qua 50 năm công tác DS-KHHGĐ, Hà Nội luôn là địa phương đi đầu. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá toàn bộ hệ thống làm công tác DS-KHHGĐ của Thủ đô đã đoàn kết phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, phát huy những điều kiện thuận lợi, xác định những nhiệm vụ và biện pháp thích hợp trong tình hình mới, chủ động sáng tạo trong mọi hoạt động, nỗ lực thực hiện mọi nhiệm vụ được giao, tạo tiền đề thuận lợi để triển khai những nhiệm vụ DS-KHHGĐ cho những năm tiếp theo. Theo đó, năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015, công tác DS-KHHGĐ Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Năm 2010, tỷ suất sinh thô toàn thành phố là 16,49‰ giảm 0,3‰ so với năm 2009, vượt chỉ tiêu kế hoạch; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 7,47% giảm 0,52% so với năm 2009. Tuy nhiên, công tác DS-KHHGĐ Hà Nội vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi sự tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thành uỷ, HĐND, UBND. Để thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: “Công tác DS-KHHGĐ là công tác xã hội, cần sự tham gia, hưởng ứng của toàn xã hội. Vì lẽ đó, các sở, ban, ngành đoàn thể, các quận, huyện, thị xã của Thủ đô cùng phối hợp để thực hiện các nội dung trọng tâm trong công tác DS-KHHGĐ những năm tiếp theo.
Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét