Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Thiếu thông tin và cái nhìn kỳ thị về tình hình tôn giáo ở Việt Nam


QĐND - Ngày 13-9-2011, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố báo cáo phúc trình thường niên về tự do tôn giáo quốc tế, trong đó công bố tên các nước nằm trong danh sách CPC (các nước cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo). Đồng thời, báo cáo còn đưa ra danh sách các quốc gia khác đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC nhằm “răn đe” những quốc gia này. Danh sách CPC công bố năm nay gồm 8 nước trong đó có: Trung Quốc, Miến Điện, Triều Tiên, I-ran, Ả-rập Xê-út, Xu-đăng, Ê-ri-tơ-ri-a và U-dơ-bê-ki-xtan. Ngoài 8 quốc gia được nêu trong danh sách CPC, Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế còn đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa thêm vào danh sách CPC 6 nước khác gồm: Ai-cập, Ni-giê-ri-a, I-rắc, Tuốc-mê-ni-xtan, Pa-ki-xtan và Việt Nam. Lý do được ủy hội này đưa ra là chính phủ của tất cả những nước trên đều vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của người dân một cách nghiêm trọng.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách dân chủ, nhân quyền và lao động, ông Mai-cơn Pốt-nơ (Michael Posner) nhận định về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam như sau: Ở Việt Nam “nếu theo một tôn giáo không được chính phủ công nhận, họ còn bị đặt trước nguy cơ bị kỳ thị, bị ngược đãi bằng bạo lực và có khi còn bị bắt bớ”… Trong báo cáo này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ còn đưa ra nhiều thông tin sai lạc, không đúng sự thật, nhất là đối với một số chức sắc có những hành vi vi phạm pháp luật như tuyên truyền xuyên tạc chính sách của Nhà nước, kích động giáo dân gây mất trật tự công cộng… bị Nhà nước ta xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngày 14-9-2011, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến phản ứng của Việt Nam đối với các nhận xét của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo ở Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho giai đoạn từ tháng 7-2010 đến tháng 12-2010, mặc dù đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này,  nhưng vẫn tiếp tục đưa ra những đánh giá không khách quan; trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam. 
Vì sao khi  nhận xét về Việt Nam, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại viết như vậy? - Đó là vì: Một mặt, Hoa Kỳ tự xem mình là mẫu mực về quyền tự do tôn giáo, đồng thời muốn áp đặt mô hình đó cho các nước, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lấy thông tin từ những kẻ chuyên “hành nghề” chống Cộng ở Mỹ cũng như ở Việt Nam. Những người này vốn là những giáo dân hoặc chức sắc có hận thù với cách mạng, như Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, một trong những kẻ cầm đầu cái gọi là “Phong trào quốc dân đòi trả tên Sài Gòn”, hoặc Linh mục Nguyễn Văn Khải… chẳng hạn. Trên thực tế họ đã bỏ bê công việc thờ Chúa, đi làm chính trị với tham vọng dựa vào giáo dân để lật đổ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Những ai có cái nhìn khách quan thì không thể không nhận thấy: Trong lịch sử Việt Nam chưa có thời kỳ nào lại có chính sách tôn trọng tự do tôn giáo, tín ngưỡng như thời kỳ từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công đến nay, thời kỳ Nhà nước Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.  Lịch sử còn ghi lại rằng, vào thế kỷ XVII, XVIII, chúa Nguyễn và chúa Trịnh đã từng trục xuất các Thừa sai và đàn áp Thiên Chúa giáo. Ngược lại, sau khi bình định áp đặt chế độ thống trị của mình ở Việt Nam, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách phân biệt đối xử giữa các tôn giáo - ưu đãi Thiên Chúa giáo. Dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, nhiều cơ sở Giáo hội đã trở thành nơi tích tụ ruộng đất([1]). Tương tự như vậy, ở miền Nam khi đế quốc Mỹ cai trị, nhiều cuộc đàn áp các tôn giáo đã từng diễn ra, nhất là đối với Phật giáo, điển hình là cuộc đàn áp Phật giáo ở Sài Gòn và Huế (tháng 5-1963). Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu để phản đối chính sách bất công của Mỹ và chính quyền tay sai ([2]).
Sau khi Việt Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất, các quyền tự do tín ngưỡng của các tôn giáo không chỉ được ghi nhận trong Hiến pháp mà còn được Nhà nước giúp đỡ, khuyến khích, phát huy vai trò xã hội của mình vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ Bảy (khóa IX) đã khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong cả nước ta”, “Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín, dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia”([3]).
Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay Việt Nam có 6 tôn giáo lớn, gồm: Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo với số giáo dân lên tới hơn 20 triệu người, chiếm khoảng 25% dân số ([4]). Cũng theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tăng giáo dân tương tự như tỷ lệ tăng dân số. Như vậy, ở Việt Nam không có chuyện “vi phạm nghiêm trọng” các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng…, không có chuyện “bắt bớ, đàn áp giáo dân”… Nhà nước Việt Nam không có lợi ích gì để chống lại 20 triệu giáo dân - đồng bào ruột thịt của mình.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong thời kỳ đổi mới, các tôn giáo đã có những đóng góp to lớn và sự nghiệp xây dựng đất nước, nhất là trên lĩnh vực xã hội, nhân đạo, từ thiện. Nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, sử dụng y học dân tộc miễn phí; nhiều lớp học tình thương, dạy nghề cho người khuyết tật, người nhiễm HIV, nuôi dưỡng trẻ mồ côi hoặc bị bố mẹ bỏ rơi, cứu giúp đồng bào vùng bị thiên tai,… do các tôn giáo đảm nhận đã góp phần giảm bớt khó khăn cho Nhà nước. Như vậy, ở Việt Nam, cộng đồng các tôn giáo là một thành tố tích cực của chế độ xã hội XHCN. Đó là một thực tế không dễ gì bác bỏ được.
Còn nhớ, năm 2010, cũng vào dịp công bố báo cáo này, Hạ nghị sĩ Mỹ, ngài  Eni F.H.Faleomaveaga không đồng tình về cách đánh giá phiến diện về tự do tôn giáo ở Việt Nam của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ngài Faleomaveaga nói: “Tôi không biết những người ở trong Bộ Ngoại giao Mỹ viết bản báo cáo này lấy thông tin từ đâu, bởi vì trong chuyến thăm gần đây đến Việt Nam, tôi đã tham dự một buổi lễ của người theo đạo Thiên Chúa ở ngay giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh và không có bất cứ nơi nào mà tôi phải chứng kiến cảnh người ta bị cấm đoán vì lý do tín ngưỡng. Ngay cả chúng tôi cũng đã tiến hành một số hoạt động tôn giáo và hành lễ ngay tại Việt Nam mà không bị Chính phủ Việt Nam gây khó khăn, cản trở gì… Trong các chuyến thăm đến Việt Nam, không có bất cứ nơi nào mà tôi phải chứng kiến cảnh người ta bị cấm đoán vì lý do tín ngưỡng”… Chính ngài Hạ nghị sĩ này đã khuyên Chính phủ Việt Nam:  “Trước tiên, … Chính phủ Việt Nam cần có những phản ứng thẳng thắn đối với những thông tin được viết trong báo cáo này…”. Vậy mà, theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm nay, tình hình về tự do tôn giáo cũng chẳng có gì khác năm ngoái cả.
Không phủ nhận rằng, ở Việt Nam vẫn còn có một số chức sắc và giáo dân bị bắt và phạt tù. Nhưng họ bị xử phạt không phải vì lý do tôn giáo mà vì họ đã lợi dụng tôn giáo, vi phạm pháp luật; tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; phá hoại chính sách đoàn kết, chống chính quyền nhân dân, kích động, lôi kéo, tụ tập đông người phá rối an ninh, trật tự công cộng...
Cũng như ở nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam các tôn giáo bình đẳng với nhau và bình đẳng với những người không có đạo trước pháp luật. Không có chuyện người có đạo được ưu tiên hơn người không có đạo, hoặc tôn giáo này được ưu tiên hơn tôn giáo kia…; không có chuyện một tôn giáo nào đó đòi hỏi Nhà nước phải tuân theo một mô hình tôn giáo ở nước ngoài.
Lại nói về quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ, đáng tiếc vẫn có một số người vừa thiếu thông tin lại vừa cổ hủ và thiển cận. Thiếu thông tin vì họ chỉ lấy thông tin ở những người chống đối Nhà nước; cổ hủ vì họ vẫn cho rằng Hoa Kỳ luôn là siêu cường số một, là người có quyền ban phát và ra lệnh cho các quốc gia khác. Những người này không hiểu rằng, trong thời đại ngày nay, sự phát triển của mỗi quốc gia đều tùy thuộc lẫn nhau, kể cả Hoa Kỳ. Thiển cận là vì người ta không thấy một thực tế là trong quan hệ với Việt Nam không chỉ có Việt Nam được hưởng lợi mà cả Hoa Kỳ cũng được hưởng lợi về nhiều phương diện.
Cũng như các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, sự khác biệt về mô hình nói chung, quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng giữa các quốc gia là điều bình thường. Hoa Kỳ không nên và không có quyền áp đặt mô hình của mình cho các quốc gia khác. Từ những cơ sở cả về lý luận và thực tiễn trên, chắc sẽ giúp những người soạn thảo bản báo cáo trên từ bỏ sự kỳ thị đối với chính sách tôn giáo của Việt Nam. Vì, điều đó chỉ làm tổn hại đến lợi ích của hai dân tộc; tổn hại đến quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang trong quá trình tiến triển tích cực. 
Phương Nhi
 [1] . Trần Tam Tính, “Thập giáo và lưỡi gươm”, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1988, tr.78.
[2] . Viện Sử học, “Việt Nam những sự kiện”, Tập I, NXB KHXH, HN.1975, tr.306, 307.
[3] . Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy... NXB CTQG. HN. 2003, tr.46,49.
[4]  Bộ Tư pháp “Việt Nam với vấn đề quyền con người HN.2005, tr.251 – 256.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét