Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Thực chất “hai kịch bản” cho Việt Nam là gì?


QĐND - Xung quanh vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, lập trường, quan điểm và chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã rõ ràng, thế nhưng một số người lại xem đây là cơ hội để kiếm chác, hòng “đục nước, béo cò”, theo đuổi những toan tính chính trị nguy hiểm. Ở ngoài nước, người ta trắng trợn vu cáo: “Cộng sản Việt Nam” chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông “trên bàn đàm phán” là “một vụ dàn dựng của cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội trong việc giúp cho Trung Quốc từng bước thôn tính Việt Nam”; rằng “Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chỉ lên tiếng phản đối đơn giản, lấy lệ", "không dám đối đầu với Bắc Kinh để bảo vệ đất nước”, "thông đồng với kẻ cướp" v.v…
Ở trong nước, một số kẻ cơ hội chính trị cũng mưu toan lợi dụng vấn đề tranh chấp Biển Đông để “bắn hai con chim bằng một mũi tên” - vừa chia rẽ, phá hoại quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, vừa thực hiện chiến lược xóa bỏ chế độ chính trị, xóa bỏ Nhà nước CHXHCN Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo. Có người kêu gọi phải “đồng hành quân sự với Hoa Kỳ”, xem đây là “mệnh lệnh của thời đại”. "Táo bạo" hơn, họ còn đưa ra  “ý tưởng”: Đánh đổi Chế độ xã hội XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo lấy sự cam kết của của một số cường quốc phương Tây, làm đối trọng với Trung Quốc. Lập luận của họ như sau: Việt Nam là một quốc gia nhỏ yếu, để có đủ khả năng chống lại sự xâm lược của Bắc Kinh, phải liên minh với một số nước lớn có tiềm lực về chính trị, quân sự, kinh tế đủ mạnh bằng cách có được “một cam kết chặt chẽ, trung thành với nhiều đồng minh song hoặc đa phương, vốn là cường quốc phát triển, văn minh và có tiềm lực như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và nhiều nước khác làm đối trọng”. Muốn vậy Việt Nam phải “chớp thời cơ, thực hiện cải cách chính trị, thay đổi thể chế, chuyển đổi tư tưởng… thì mới hy vọng tranh thủ được sự hậu thuẫn vững mạnh của phần còn lại của thế giới… nhằm thoát khỏi sự độc tài, sự hung hãn, lấy thịt đè người của láng giềng Trung Quốc”…
Gần đây, xung quanh việc Ủy ban nhân dân TP Hà Nội ra Thông báo yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát trên địa bàn Thủ đô thì trên nhiều trang mạng lại diễn ra trò “kẻ tung, người hứng”: Có kẻ cho rằng đây là một văn bản “cản trở lòng yêu nước”, là vi phạm “quyền Hiến định của công dân”. Thậm chí có người vu cáo thông báo này là “đánh tín hiệu vui mừng cho quân xâm lược biết để chúng xốc tới”... Còn Người phát ngôn của Đại sứ quán Hoa Kỳ thì “quan ngại” về “việc bắt giữ các cá nhân dường như chỉ vì họ đã bày tỏ chính kiến của mình một cách ôn hòa” và kêu gọi trả tự do cho những người này!
Cần nói rằng, hơn bao giờ hết, mọi sáng kiến, mọi việc làm của bất cứ ai, làm gì, ở đâu vì độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc phải được trân trọng, khuyến khích. Ví dụ người ta có thể tham gia phản kích lại cuộc “chiến tranh thông tin” trên báo chí nước ngoài và trên mạng Internet, vạch trần âm mưu, thủ đoạn vu cáo Việt Nam để người dân Trung Quốc và cả thế giới thấy rằng Việt Nam chỉ bảo vệ chủ quyền của mình, không hề có chuyện Việt Nam “xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc”, không hề có chuyện “Việt Nam hăm dọa Trung Quốc”... Cần nói rõ lập trường của Việt Nam là kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình, đồng thời phấn đấu giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng đất nước, mong muốn tất cả các bên liên quan kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không để xảy ra xung đột. Việt Nam, trước sau như một, chủ trương giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua đối thoại, bằng con đường hòa bình, dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký giữa Trung Quốc và ASEAN. Với Trung Quốc, Việt Nam kiên trì phát triển quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác theo phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai và "4 tốt"-"láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt". Các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ giữa hai nước là vấn đề phức tạp, do lịch sử để lại, phải kiên trì giải quyết trên cơ sở thỏa thuận cấp cao hai nước và xuất phát từ tầm cao chiến lược...
Lại nói về “sáng kiến” đánh đổi chế độ xã hội chính trị lấy cam kết của những nước lớn như đã nói ở trên - lý lẽ của họ ra sao? Nếu có thì ai là người hưởng lợi?
Thứ nhất, liệu có nước lớn nào cam kết chỉ vì lợi ích của nước nhỏ hay không? Thiết nghĩ chỉ những người chẳng hiểu gì về lịch sử, chính trị mới nghĩ rằng các cường quốc luôn luôn vô tư trong việc giúp đỡ, ủng hộ các nước nhỏ yếu. Thật ra không một quốc gia nào chỉ hành động vì lợi ích của nước khác. Trái lại, trước hết họ hành động vì lợi ích của chính mình. Như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa, trong sự kiện tranh chấp ở Biển Đông bà H.Clin-tơn tuyên bố rằng Hoa Kỳ “có lợi ích ở khu vực này, lợi ích tự do hàng hải…”. Đương nhiên bà H.Clin-tơn cũng tuyên bố Hoa Kỳ còn có “đồng minh” ở đây.
Cơ sở của mọi cam kết với bất cứ quốc gia nào, dù là nước lớn hay nước nhỏ, dù đó là chế độ chính trị là gì... rút cuộc đều vì lợi ích của mỗi nước và của các bên. Nói cách khác, bất cứ cam kết quốc tế nào chỉ có thể dựa trên sự thống nhất về  lợi ích của cả hai phía. Không được quên đã có không ít những cuộc “mặc cả, mua bán,  đổi chác” giữa các nước lớn “trên lưng” các nước nhỏ. Điều này đã được lịch sử thế giới trong thế kỷ XX xác nhận.
Thứ hai, phải chăng có thể “đánh đổi” chế độ chính trị, thể chế quốc gia lấy sự bảo đảm của các cường quốc? Cho đến nay chưa có một thực tế lịch sử nào xác nhận cho một phương thức như vậy. Trái lại, người ta thấy nhiều cường quốc đã từng ủng hộ cho một chế độ xã hội hoàn toàn khác biệt với chế độ của mình. Đừng quên rằng chế độ diệt chủng của Khơ-me đỏ ở Cam-pu-chia, chế độ độc tài Pi-nô-chê ở Chi-lê, chế độ hà khắc Ta-li-ban trước đây ở Áp-ga-ni-xtan… chẳng phải đã từng được nhiều nước mệnh danh là “thế giới tự do” ủng hộ đó sao?
Thứ ba, giả thử nếu có sự đánh đổi đó thì điều gì sẽ diễn ra và ai là người được hưởng lợi? Xưa nay chưa bao giờ có một tinh thần yêu nước nào, chủ nghĩa yêu nước nào lại không mang dấu ấn quan điểm chính trị, cũng như chưa bao giờ có ai thừa nhận mình là người bán nước. Để đánh giá một cách khách quan thế nào là tinh thần yêu nước người ta phải xuất phát từ nhữngđòi hỏi của lịch sử, làm rõ những hành vi đó có lợi hay có hại cho sự bảo đảm độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, mà đảng lãnh đạo, cầm quyền, chính phủ đương nhiệm là người đại diện duy nhất.
Rút cuộc hai kịch bản, theo “gợi ý” của “các chiến sĩ” dân chủ, nhân quyền (một là “thực hiện cải cách chính trị, thay đổi thể chế, chuyển đổi tư tưởng…”; thứ hai là “đối đầu với Bắc Kinh”) nhằm mục đích gì? Câu trả lời đã rõ. Đó là một thủ đoạn lợi dụng khó khăn, thách thức hiện nay, lợi dụng tinh thần yêu nước của nhân dân ta, để phá hoại sự ổn định chính trị, cản trở công cuộc đổi mới, từng bước đi đến xóa bỏ chế độ xã hội XHCN, xóa bỏ Nhà nước CHXHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đưa đất nước ta, dân tộc ta nếu không rơi vào thảm họa chiến tranh thì cũng trở thành thuộc địa kiểu mới của phương Tây...
Thành Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét