Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Tiếp tục phát huy thành quả đối ngoại đổi mới


QĐND - Một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới toàn diện, đất nước đã giành nhiều thắng lợi quan trọng trên tất cả các mặt của đời sống xã hội. Với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, thực tiễn cách mạng Việt Nam đã khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo thể hiện qua thắng lợi toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và được cộng đồng quốc tế thừa nhận và đánh giá cao.
Trong thắng lợi chung của đường lối đổi mới, thắng lợi của đường lối đối ngoại đổi mới là một thắng lợi nổi bật, được khẳng định rõ nét trên những điểm sau đây:
Một là: Thắng lợi của đường lối đối ngoại đổi mới đã tạo thế, tạo lực, tạo đà cho đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu ngày càng xa so với thế giới.
Vốn là nước nông nghiệp lạc hậu định hướng lên CNXH lại phải gồng mình tiến hành kháng chiến trong suốt 30 năm chống các đế quốc hùng mạnh nhất của thế giới, bị tàn phá và tổn thất to lớn về người và của, sau thắng lợi vĩ đại Việt Nam bị lâm vào khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội. Hơn nữa, chỗ dựa về kinh tế, chính trị là phe xã hội chủ nghĩa vào giữa thập niên 70-80 của thế kỷ XX đã có những dấu hiệu khủng hoảng trong toàn hệ thống, lúc đầu là kinh tế, xã hội và sau đó xuất hiện khủng hoảng chính trị. Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đã tìm tòi các giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng mà loài người biết đến là "cải tổ" ở Đông Âu - Liên Xô, "cải cách mở cửa" ở Trung Quốc và "đổi mới ở Việt Nam". Đây là một tất yếu khách quan đặt ra cho các nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, sự sai lầm trong nhận thức, phương pháp và bước đi của quá trình “cải tổ” đã dẫn đến kịch biến 1991, đổ vỡ một mảng lớn các nước XHCN ở Đông Âu và Liên Xô. Sự đổ vỡ hệ thống XHCN ở Đông Âu và Liên Xô đã đưa đến những hệ lụy trực tiếp đối với cách mạng Việt Nam, làm mất đi một sự giúp đỡ quý báu cho đất nước khi giải quyết khó khăn trong công cuộc khôi phục sau chiến tranh đồng thời là sự tan rã trật tự hai cực trong bối cảnh thế giới có bước phát triển đột biến về khoa học công nghệ. Điều đó đặt ra một yêu cầu muốn phát triển nhanh, bền vững, muốn đi tắt đón đầu phải tranh thủ được khoa học công nghệ tiên tiến để thoát nhanh khỏi khủng hoảng và ngăn chặn một bước tụt hậu ngày càng xa so với thế giới và khu vực. Đó là một đòi hỏi đối với nước ta cần mở cửa, hội nhập quốc tế nhằm tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ phát triển. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra chủ trương "mở cửa, hội nhập quốc tế" và phải xóa nhanh tình trạng bị bao vây cấm vận để vươn ra với thế giới đa cực, đa trung tâm. Sau thực tiễn của 5 năm đổi mới đối ngoại, Đại hội VII năm 1991 đã chủ trương "đa dạng hóa, đa phương hóa" trong quan hệ đối ngoại, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi cho xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc. Đây là thắng lợi đầu tiên của đối ngoại đổi mới giúp đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội sau 10 năm đổi mới, chặn được một bước nguy cơ tụt hậu ngày càng xa, vươn ra với thế giới những năm tiếp theo.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Bảo an LHQ tháng 9-2009, khi Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Ảnh: TTXVN

Hai là: Đối ngoại đổi mới đã đóng góp quan trọng vào việc xóa bỏ tình trạng bị bao vây cấm vận tạo điều kiện cho đất nước hội nhập sâu rộng, toàn diện với các nước trong cộng đồng thế giới.
Thực hiện chủ trương "xóa bỏ tình trạng bị bao vây cấm vận" đề ra tại Đại hội VI, Đảng, Chính phủ ta đã chủ trương phải giải quyết tốt vấn đề Cam-pu-chia - một vấn đề mà một số nước trong cộng đồng quốc tế chưa hiểu, thậm chí lợi dụng nó để vu cáo thiện chí của Việt Nam, bao vây cấm vận nước ta khi Việt Nam đưa quân vào Cam-pu-chia năm 1979. Là một nước láng giềng có quan hệ hữu nghị lâu đời với Vương quốc Cam-pu-chia dân chủ, Chính phủ và quân đội Việt Nam đã chịu đựng, đã chờ đợi, đã kìm giữ trước các hành động bạo ngược của tập đoàn Pôn Pốt trong nhiều năm. Trước thái độ thực hành chính sách diệt chủng của Pôn Pốt ở Cam-pu-chia, thái độ thù địch chống Việt Nam, Chính phủ và quân đội Việt Nam đã thể theo yêu cầu khẩn cấp của Chính phủ Cam-pu-chia mở cuộc tiến công tập đoàn diệt chủng cứu nhân dân Cam-pu-chia khỏi thảm họa năm 1979. Sự hy sinh xương máu với nghĩa cử giúp bạn trong hoạn nạn được Đảng ta chỉ rõ trong kế hoạch giúp đỡ Đảng, Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia vượt qua, đứng vững, đưa dân tộc hồi sinh và năm 1989 Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ rút quân trước sự chứng kiến của quốc tế, làm cho thế giới hiểu rõ nghĩa cử cao đẹp của dân tộc Việt Nam giúp bạn. Đối ngoại Việt Nam đã góp phần tháo gỡ rào cản chia rẽ các nước với nước ta tạo điều kiện cho nước ta hội nhập quốc tế. Mỹ và các nước xóa bỏ cấm vận, Việt Nam bình thường hóa với Trung Quốc và Mỹ, gia nhập ASEAN là một thành tựu lớn của đối ngoại đổi mới.
Thứ ba: Thực hiện đường lối đối ngoại đổi mới, Việt Nam đã có quan hệ sâu rộng với hầu hết các nước trong cộng đồng quốc tế, tranh thủ được các điều kiện quốc tế cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc và khẳng định vị thế quốc tế của Việt Nam trên thế giới.
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế, xác định đúng đắn trong quan hệ đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam chúng ta mở rộng quan hệ sâu rộng, toàn diện với các nước trên thế giới như ngày nay. Lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước lớn có vị thế quan trọng trong cộng đồng quốc tế và có quan hệ ngoại giao với gần 180 quốc gia trên thế giới. Nhờ có chủ trương mở cửa hội nhập với tinh thần "là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế" Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại với hơn 150 chủ thể quan trọng của thế giới, có quan hệ với hơn 200 chính đảng ở các nước, trong đó có hơn 100 Đảng Cộng sản và công nhân, quan hệ với hơn 600 tổ chức phi chính phủ, trong đó hầu hết đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam... Với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2006, Việt Nam là thành viên của tất cả các tổ chức quốc tế quan trọng, trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Thực hiện tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh trong quan hệ quốc tế hòa hiếu, hữu nghị, hợp tác, nhân ái, văn minh, Việt Nam được cộng đồng quốc tế tin cậy, đánh giá cao trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Việt Nam đã chủ trì thành công nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế có sự tham gia của các nguyên thủ, hoàn thành tốt cương vị nhiệm vụ là Chủ tịch ở Hội đồng Bảo an, là Chủ tịch của Hiệp hội các nước Đông Nam Á với tinh thần chủ động, trách nhiệm, hiệu quả. Các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng tin cậy sự ổn định chính trị, sự phát triển kinh tế năng động theo cơ chế thị trường và sự phát triển bền vững khi hợp tác đầu tư với Việt Nam. Trên con đường hội nhập, Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều vốn và chuyển giao công nghệ ngày càng tăng vào Việt Nam trong khi thế giới đối mặt với tình trạng tăng trưởng thấp, nguy cơ nghèo đói và khủng hoảng tài chính đang tiềm ẩn nhiều khó khăn và bất ổn. Đối ngoại đổi mới trở thành nhịp cầu đưa Việt Nam ra quốc tế và đưa thế giới đến Việt Nam góp phần tạo dựng và củng cố môi trường hòa bình phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bốn là: Mở cửa và hội nhập quốc tế, đối ngoại đổi mới đã bảo đảm giữ vững định hướng phát triển, kiên trì mục tiêu CNXH và nguyên tắc trong sinh hoạt quốc tế, đấu tranh hiệu quả trước các mưu toan diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch.
Mở cửa và hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, Việt Nam khẳng định và giữ vững mục tiêu CNXH, thế giới quan của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mở cửa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đón được thời cơ và nhiều tác động tích cực, nhưng đồng thời cũng luôn nhận rõ và phải đối mặt với không ít nguy cơ từ an ninh truyền thống và phi truyền thống. Trên các hướng hoạt động đối ngoại từ kinh tế, tài chính, từ chính trị, an ninh, từ văn hóa, xã hội đến đối ngoại quốc phòng... đối ngoại đổi mới đã xử lý một cách chủ động, uyển chuyển, chính xác bảo đảm sự ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đối ngoại đổi mới đã xử lý chính xác trước những bước chuyển đổi cơ chế, trước tác động của sự sụp đổ Đông Âu, Liên Xô, những mưu toan lợi dụng những thế lực chống đối “chuyển lửa về Việt Nam” và những biểu hiện đe dọa đến chủ quyền quốc gia. Chúng ta đã phối hợp với các nước trong khu vực và trên thế giới làm thất bại những mưu toan gây rối, gây bạo loạn lật đổ lợi dụng chiêu bài dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, dân chủ nhân quyền. Trong quan hệ với các nước trong cộng đồng quốc tế cũng như trong quan hệ với các nước láng giềng đối ngoại đổi mới Việt Nam chủ trương xử lý các vấn đề có quan điểm khác nhau trên nguyên tắc hòa bình, thương lượng không dùng vũ lực và tìm cách xây dựng sự đồng thuận quốc tế, cả song phương lẫn đa phương theo các nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Luôn xử lý chính xác các diễn biến phức tạp, phân biệt rõ các biểu hiện diễn biến hòa bình. Các lực lượng vũ trang không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, nhận diện âm mưu của các thế lực để bảo đảm an ninh và toàn vẹn lãnh thổ. 
Sau một phần tư thế kỷ đổi mới, có thể khẳng định đường lối đối ngoại đổi mới đã tạo ra một hình ảnh Việt Nam vững mạnh, ổn định, phát triển trong quan hệ với các nước. Đây là hành trang để Việt Nam vững bước vào thập niên thứ hai thế kỷ XXI với tinh thần mà Đảng ta đã xác định là chủ động, hiệu quả và trách nhiệm; là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu cho mục tiêu chung của dân tộc và thời đại.
PGS.TS Trình Mưu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét