Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Tự do báo chí ở Việt Nam-thực tiễn sinh động (Bài 1)



LTS: Thời gian gần đây, một số tổ chức và cá nhân thiếu thiện chí bịa đặt, xuyên tạc, cho rằng Việt Nam “bóp nghẹt” tự do ngôn luận, tự do báo chí, hạn chế và ngăn cấm sử dụng mạng internet... Đó là sự vu cáo trắng trợn nhằm chống phá cách mạng Việt Nam trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa. Nhằm giúp bạn đọc có một cái nhìn đúng đắn về bức tranh đa sắc màu, phong phú của nền báo chí cách mạng và hoạt động báo chí, internet đang diễn ra hết sức sôi động ở Việt Nam, BáoQuân đội nhân dân giới thiệu vệt bài “Tự do báo chí ở Việt Nam - thực tiễn sinh động”.
Bài 1: Báo chí Việt Nam phát triển toàn diện
Không phải bây giờ, mà từ nhiều năm qua, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước (năm 1986) đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến phát triển báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng. Tính đến tháng 3-2012, cả nước có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề (tăng gấp 3 lần so với năm 1986) và hàng nghìn phóng viên đang hoạt động báo chí chuẩn bị đến thời hạn cấp thẻ; 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm, 67 đài phát thanh-truyền hình Trung ương và cấp tỉnh... Mục tiêu chung của hoạt động báo chí là làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.


Phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng
Do đánh giá đúng vai trò của báo chí cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để báo chí hoạt động thuận lợi, động viên và khuyến khích đội ngũ những người làm báo cách mạng bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh kịp thời, trung thực, sinh động tình hình mọi mặt của đất nước và thế giới, có nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng phục vụ công chúng.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn, thành tựu của báo chí Việt Nam trong những năm qua không chỉ là sự phát triển vượt bậc về số lượng đội ngũ những người làm báo, các cơ quan báo chí, các ấn phẩm báo chí, chương trình phát thanh-truyền hình; mà báo chí còn góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới của đất nước, ổn định chính trị xã hội, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng. Tính đến tháng 3-2012, cả nước có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề (tăng gấp 3 lần so với năm 1986), hơn 19.000 hội viên nhà báo và hàng nghìn phóng viên đang hoạt động báo chí chuẩn bị đến thời hạn cấp thẻ; 786 cơ quan báo chí in với 1.016 ấn phẩm, 67 đài phát thanh-truyền hình Trung ương và cấp tỉnh; 47 đơn vị hoạt động truyền hình cáp, 9 đơn vị truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp, sản xuất 62 kênh truyền hình trả tiền; trên hệ thống truyền hình trả tiền hiện có 75 kênh truyền hình nước ngoài, phục vụ gần 2,5 triệu thuê bao trên toàn quốc.  
Sự phát triển của báo chí Việt Nam thể hiện một cách toàn diện trên cả phương diện pháp lý, hoạt động thực tiễn, ở cả bề rộng và chiều sâu. Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến việc thúc đẩy báo chí phát triển thuận lợi, lành mạnh, trong đó có thể kể đến các văn bản quan trọng như: Luật Báo chí năm 1989; Hiến pháp năm 1992; Nghị định số 61/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ nhuận bút… Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành tăng cường đối thoại trực tuyến với nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ nhằm kịp thời cung cấp thông tin, giải đáp những băn khoăn về những vấn đề xã hội và dân sinh mà đông đảo người dân quan tâm.
Trong hoạt động thực tiễn, chưa bao giờ báo chí được phát huy quyền dân chủ, hoạt động cởi mở, thông thoáng như những năm qua. Là người gắn bó lâu năm với hoạt động báo chí, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Bên cạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, báo chí luôn phát huy quyền dân chủ rộng rãi, chủ động tham gia phản biện xã hội, đóng góp tích cực vào việc hoạch định đường lối của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ và đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi quốc nạn tham nhũng và các tệ nạn, tiêu cực xã hội. Báo chí thực sự là diễn đàn để phát huy quyền làm chủ, quyền tự do ngôn luận của người dân, là một kênh thông tin quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Báo chí Việt Nam không có “vùng cấm”, mà luôn phản ánh trung thực, toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, cả những mặt tích cực và tiêu cực, cả tình hình trong nước và quốc tế. Việc cung cấp thông tin cũng được phần lớn các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg về “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ tính năm 2011, tại các cuộc giao ban báo chí hằng tuần ở Trung ương đã có hơn 50 lượt lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đến cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, trong đó có cả những vấn đề phức tạp, nhạy cảm.
Ông Hà Minh Huệ nhấn mạnh: Nhờ bám sát sự kiện, thông tin nhanh nhạy, nắm đúng bản chất và phân tích trúng vấn đề trọng điểm với sự định hướng tư tưởng rõ ràng, phần lớn các cơ báo chí khẳng định được vai trò, chức năng phản biện của báo chí, niềm tin của công chúng đối với cơ quan truyền thông cũng từ đó được nâng lên.
Báo chí tự do sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật
Những thành tựu nổi bật nêu trên là minh chứng rõ ràng rằng, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được bảo đảm bằng hệ thống luật pháp, những cơ chế, chính sách thông thoáng, thuận lợi và được thể hiện sinh động trong thực tế cuộc sống. Ý kiến của tổ chức “Phóng viên không biên giới” (RSF) và một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cho rằng, Việt Nam không có tự do báo chí vì không có báo chí tư nhân hoặc báo chí bị “kiểm soát gắt gao” bởi Đảng Cộng sản là hoàn toàn vô căn cứ.
Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), người từng tham gia nhiều cuộc trao đổi, đối thoại cởi mở, thẳng thắn với một số tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn tìm hiểu về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam, cho rằng: Mỗi đất nước, mỗi quốc gia dân tộc đều có đặc điểm lịch sử và chế độ chính trị khác nhau. Thực tế ở Việt Nam không có báo chí tư nhân, nhưng hầu hết các ban, bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các giai cấp, tầng lớp, lực lượng, các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các giới, các thành phần trong xã hội đều có tờ báo, tạp chí, bản tin của mình. Mỗi công dân Việt Nam, khi tham gia sinh hoạt, hoạt động ở bất cứ tổ chức nào cũng đều có ấn phẩm báo chí của tổ chức đó bảo đảm quyền được thông tin của mình. Bên cạnh tờ báo bằng tiếng phổ thông (tiếng Kinh), ở Việt Nam có nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương xuất bản ấn phẩm bằng tiếng dân tộc thiểu số hay xuất bản tờ báo dành riêng cho bà con dân tộc thiểu số. Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam đã có hẳn 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình phát bằng nhiều thứ tiếng dân tộc như Mông, Khơ-me, Ê-đê, Gia-rai, Ba-na, Xơ-đăng, Cơ-ho, Thái, Chăm, Dao, Mơ-nông… Không những thế, hiện nay Nhà nước còn cấp miễn phí 18 tờ báo, tạp chí và 20 loại ấn phẩm chuyên đề, báo, tạp chí dành riêng cho đồng bào các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn với tổng số lượng hằng năm hơn 31 triệu bản.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức hoạt động nhằm tạo ra nhiều kênh thông tin đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng công chúng; đồng thời không ngừng cải tiến cách thức tiếp cận, khai thác, truyền tải thông tin để mang lại lợi ích tối đa cho các tầng lớp nhân dân. Để bắt nhịp hơi thở của cuộc sống, ngoài việc điều động phóng viên có mặt ở những “điểm nóng”, nhiều cơ quan báo chí đã lập “đường dây nóng” để kịp thời nắm bắt, thu thập, phản ánh những ý kiến băn khoăn, vướng mắc của người dân trên khắp mọi miền đất nước. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, mọi người dân hoàn toàn có thể bày tỏ những ý kiến, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của mình thông qua hệ thống các cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử). Thực tế đó khẳng định: Dù không có báo chí tư nhân, Việt Nam vẫn bảo đảm tốt quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin của công dân, hoàn toàn không có “khoảng trống thông tin” đối với mọi đối tượng trong xã hội.
Về vấn đề "Đảng kiểm soát báo chí", cần có cách nhìn nhận khoa học và khách quan. Ở Việt Nam, mọi giai cấp, tầng lớp xã hội, trong đó có báo giới, đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, tự nguyện đi theo con đường của mà dân tộc, nhân dân và Đảng đã lựa chọn. Trên thực tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam chỉ đề ra định hướng, quan điểm, xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, chứ báo chí “không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng” đã được quy định rõ tại Điều 2 Luật Báo chí năm 1989. Mọi nội dung, hình thức thể hiện của báo chí đều do người đứng đầu (tổng biên tập, tổng giám đốc, giám đốc) các cơ quan báo chí chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan báo chí nào, nhà báo nào làm đúng, làm tốt thì được tôn vinh, khen thưởng; cơ quan báo chí nào, nhà báo nào đưa tin sai, gây tác động xấu cho xã hội sẽ bị phê bình, kỷ luật. Trong năm 2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận và xử lý hơn 300 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến hơn 100 vụ việc sai phạm được đăng phát trên báo chí, trong đó đã xử lý 66 trường hợp, phạt hành chính 469 triệu đồng; kỷ luật 9 cán bộ, phóng viên, trong đó có 6 trường hợp bị thu hồi thẻ nhà báo.
Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ khẳng định: Hội Nhà báo Việt Nam luôn khuyến khích mọi nhà báo hoạt động tự do, sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật. Nhà báo trước hết là một công dân, các cơ quan báo chí đều có tư cách pháp nhân, vì vậy nhà báo, cơ quan báo chí có quyền thông tin nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin đưa ra. Do đó, nếu nhà báo, cơ quan báo chí nào vi phạm pháp luật, trong đó có pháp luật về báo chí, đều phải bị xử lý thích hợp. Đối với các trường hợp không phải phóng viên mà vẫn tự xưng là “nhà báo tự do”, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để bày tỏ các quan điểm, phát tán các tài liệu xâm hại đến an ninh quốc gia, chống đối chính quyền, xâm phạm lợi ích Nhà nước, tập thể và công dân, thì tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả gây ra để xử lý, có thể phải xử lý trách nhiệm hình sự. Điều đó biểu thị sự bình đẳng và nghiêm minh của pháp luật nhằm mục đích bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chân chính ở Việt Nam.
“Là một nước đang phát triển, việc bảo đảm tự do báo chí ở Việt Nam cần được nhìn nhận trong quá trình phát triển để hướng tới sự hoàn thiện. Do đó, phải xem xét với một thái độ thật sự khách quan và trên quan điểm lịch sử mới thấy được tầm vóc lớn lao và ý nghĩa sâu sắc của đời sống báo chí ở Việt Nam hiện nay”. Sau khi khẳng định như vậy, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn bày tỏ: Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tự do đích thực của các nước có nền báo chí văn minh trên thế giới và đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để việc bảo đảm tự do báo chí, tự do ngôn luận được hiện thực hóa sâu rộng hơn trong cuộc sống.
THIỆN VĂN
 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét