Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Ước mơ của Sam Rút-xen và "Quỹ trẻ em Việt Nam"


QĐND - Câu chuyện tình cờ của một người bạn về Sam Rút-sen (Sam Russel) đã thôi thúc tôi tìm gặp người được nhiều trẻ em nghèo Việt Nam gọi một cách thân thương là “ông bụt”. Tiếp xúc với Sam, nghe ông kể chuyện, mới hiểu rằng vì sao người đàn ông mang hai dòng máu Pháp-Mỹ này cứ miệt mài ngược xuôi chở những con chữ đến cho trẻ em ở những vùng quê nghèo.


Đã hơn 20 năm kể từ khi Quỹ trẻ em Việt Nam (VCF) được chính thức thành lập, dù hàng chục ngôi trường đã được xây nên, cảm giác hồi hộp mỗi khi khánh thành một ngôi trường mới chưa bao giờ vơi đi trong Sam. Theo lời Sam kể thì ý tưởng thành lập VCF được bắt nguồn từ Le-uýt Pun-lơ (Lewis B.Puller), một cựu chiến binh Mỹ đã mất cả hai chân và hai bàn tay trong chiến tranh Việt Nam trước đây. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Le-uýt đã quay lại Việt Nam với ý tưởng xây dựng những ngôi trường miễn phí cho trẻ em nơi đây. Sam còn nhớ Le-uýt đã từng nói rằng, trong chiến tranh không ai là không bị tổn thương và trẻ em chính là những người dễ bị tổn thương và phải chịu đựng mất mát to lớn nhất. Vì vậy, những ngôi trường với đầy đủ trang thiết bị sẽ giúp thế hệ tương lai của Việt Nam có cơ hội thay đổi cuộc sống của mình và đó cũng là phương thuốc tốt nhất chữa trị những vết thương chiến tranh. Nhưng thật không may, Le-uýt đã mất đúng vào ngày trước khi ngôi trường đầu tiên được khởi công xây dựng tại Quảng Trị. Để tưởng nhớ Le-uýt, bạn bè ông đã giúp biến ước mơ của Le-uýt thành sự thật bằng cách quyên góp tiền ủng hộ VCF. Kể từ ngày đó, VCF mang sứ mệnh xây dựng hệ thống trường tiểu học miễn phí cho trẻ em trên khắp các vùng miền của đất nước Việt Nam.
Sam cũng kể về lần đầu ông đặt chân đến Việt Nam. Đối với Sam ngày đó chính là bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Do không thông thạo địa hình và khí hậu Việt Nam, những nhân viên của VCF đã gặp rất nhiều khó khăn khi xây dựng ngôi trường tiểu học miễn phí đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị. Với tư cách một kỹ sư xây dựng, Sam được mời sang giúp VCF giải quyết những khó khăn ban đầu. Với kiến thức và kinh nghiệm sẵn có, ông đã cho họ một số lời khuyên, giúp họ hoàn thành việc xây dựng ngôi trường đầu tiên ấy. Vài năm sau đó, họ tiếp tục xây dựng ngôi trường thứ hai và lại yêu cầu ông giúp đỡ. Thời gian trôi qua, Sam dần dần là một phần không thể thiếu được của VCF, rồi VCF lớn mạnh dần và Sam được mời làm giám đốc của VCF tại Việt Nam.
Đối với Sam, VCF và việc xây dựng đủ trường học cho các em nhỏ Việt Nam là ước mơ và là cả cuộc đời của ông. “Trẻ em Việt Nam rất ham học. Nhìn các em đọc và viết dưới điều kiện ánh sáng mập mờ trong những căn nhà mái tranh xiêu vẹo, tôi thật sự xót xa. Bởi vậy, được chứng kiến các em hân hoan cắp sách đến ngôi trường mới do chính chúng tôi xây dựng cho các em, tôi đã rớt nước mắt vì hạnh phúc. Trước đây tôi vẫn chỉ cho rằng công việc của mình khá đơn điệu. Nhưng giờ tôi biết, tôi có thể cùng VCF mang lại cho nhiều em học sinh cơ hội được học tập, được cải thiện cuộc sống”, ông chia sẻ.
Mặc dù vậy, ông cũng cho rằng chặng đường mà VCF phải đi còn rất dài. Sam nói: “Việt Nam đang trong công cuộc tái thiết xây dựng hệ thống giáo dục. Điều này đồng nghĩa với việc 20.000 ngôi trường cần được xây mới và sẽ tiêu tốn khoảng 60 nghìn tỷ đồng mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy hiện nay”. Con số đó là vô cùng lớn, tuy nhiên nó không phải là khó khăn duy nhất. “Xây dựng một ngôi trường mất tối thiểu từ 5 đến 6 tháng nếu điều kiện khí hậu và mọi thứ thuận lợi. Nhưng cũng có trường phải mất cả một năm mới hoàn thành, như một ngôi trường chúng tôi xây ở Cà Mau. Tất cả vật liệu xây dựng muốn chuyển đến đó đều phải dùng ghe, thuyền nên mất rất nhiều thời gian và khó khăn. Ngoài ra, đất ở vùng Mũi Cà Mau rất dễ bị sạt lở, nên việc gia công móng cũng rất khó khăn, nên chúng tôi đã phải chọn phương án xây 2 tòa nhà một tầng, thay vì xây một ngôi nhà 2 tầng như bình thường”, Sam cùng chị Viên Phương Lan kiến trúc sư dự án của VCF cùng chia sẻ về một trong nhiều khó khăn mà VCF phải trải qua khi xây dựng trường học tại vùng sâu, vùng xa của Việt Nam.
Tính đến nay, VCF đã xây mới thành công 48 ngôi trường cho trẻ em ở 36 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Mỗi ngôi trường đều được trang bị đầy đủ hệ thống điện nước, chiếu sáng, quạt, nội thất, hàng rào, sân chơi… để các em được học tập trong điều kiện tốt nhất. “Bằng tất cả những gì đã làm, tôi và VCF hy vọng quá khứ đau thương sẽ được đẩy lùi, thay vào đó là một tương lai tươi sáng cho tất cả chúng ta”, Sam nói.
Ngọc Thư 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét