Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Vẫn là kiểu tư duy cổ hủ trong quan hệ quốc tế



QĐND - Không biết đây là lần thứ 5 hay thứ 7 gì đó, ông Crít Xmít (Chris Smith), nghị sĩ cộng hòa tiểu bang Niu Giơ-xi (New Jersey), thành viên cao cấp của Ủy ban đối ngoại Hạ viện, và là trưởng Tiểu ban về châu Phi, y tế toàn cầu và nhân quyền, đệ trình “Dự luật nhân quyền Việt Nam”. Một vài lần trước đây, Dự luật do ông khởi xướng đã được Hạ viện Mỹ thông qua, nhưng đều đã bị Thượng viện “bỏ rơi”- như có người bình luận. Dự luật lần này có tên là: “Dự luật Nhân quyền Việt Nam năm 2012”, (The Vietnam Human Rights Act of 2012) đã được Tiểu ban nhân quyền Hạ viện thông qua vào ngày 8 tháng 2 vừa qua, bước tiếp theo, văn bản này sẽ được đệ trình tại Hạ viện. Và, để dự luật có hiệu lực, nó phải được Thượng viện thông qua và sau đó được tổng thống phê chuẩn.
Theo Dự luật này, viện trợ của Mỹ cho Việt Nam sẽ bị hạn chế và ràng buộc vào các điều kiện về nhân quyền. Dự luật cũng không cho phép tăng viện trợ phi nhân đạo cho chính quyền Việt Nam lên trên mức hiện nay nếu như không dùng để cải thiện nhân quyền và dân chủ… Nội dung Dự luật còn đòi hỏi “Việt Nam đưa ra những tiến bộ vượt bậc trong việc cải thiện luật pháp để ngăn chặn việc hình sự hóa các hoạt động dân chủ”. Đặc biệt, nếu Dự luật này được thông qua, Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải định kỳ báo cáo lên Hạ viện về tiến trình cải thiện nhân quyền ở Việt Nam.
Vào đầu năm nay, ngày 25-1, ông Crít Xmít đã có buổi điều trần về Dự luật này. Trong buổi điều trần này có những gương mặt quen thuộc, như cựu dân biểu Cao Quang Ánh, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (từ tổ chức Boat People SOS); ông Giám đốc Tổ chức Nhân quyền cho người Thượng; ông John Sifton từ tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch) - một tổ chức chưa bao giờ được cấp phép vào Việt Nam.
Điều khôi hài nhất là trong buổi điều trần lần này người ta đã kiếm ở đâu đó ra Vũ Thị Phương Anh, được giới thiệu là “nạn nhân buôn người”, với chứng cứ là Vũ Thị Phương Anh “bị (Chính phủ Việt Nam) đưa đến một công xưởng ở Gioóc-đan, nơi bà này nói đã phải làm việc cả ngày lẫn đêm với tiền công ít ỏi”.
Trong buổi điều trần, ông Xmít không thể hiện mình như tư cách của một chính khách, một chính trị gia, thậm chí không được như một công dân Mỹ bình thường. Ông đã dùng những ngôn từ thô bạo, vu cáo trắng trợn Chính phủ Việt Nam rằng: “Chính quyền Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm tệ hại nhân quyền. Lời khai mà người ta nghe được đã xác nhận rằng việc truy bức tôn giáo, chính trị và sắc tộc tiếp diễn và trong nhiều trường hợp còn tăng nhiều thêm, và rằng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục đón nhận những kẻ chuyên buôn người lao động cưỡng bức và mãi dâm cưỡng bức”. Rồi ông dọa “cần phải cho thấy, Hoa Kỳ gửi một thông điệp minh bạch tới chế độ Việt Nam rằng họ phải ngừng vi phạm nhân quyền của các công dân của họ”.
Ngoài nội dung vu cáo trắng trợn như ông Xmít nói: “Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tiếp tục đón nhận những kẻ chuyên buôn người lao động cưỡng bức và mãi dâm cưỡng bức”, những chứng cứ và yêu sách mà Dự luật đưa ra người ta thấy: Ông Chủ tịch tiểu ban nhân quyền Hạ viện và những người soạn thảo Dự luật này vẫn giữ nguyên một cách tư duy cổ hủ, lạc hậu từ thời kỳ chiến tranh lạnh trong quan hệ quốc tế.
Trước hết, ông Xmít không tôn trọng Quốc hiệu của một dân tộc. Ông gọi Nhà nước “Cộng hòa XHCN Việt Nam” là “Chính quyền Cộng sản”, như cách gọi của những kẻ chuyên hành nghề chống Cộng trên đất Mỹ. Hình như ông cũng không hiểu sự khác biệt giữa khái niệm “Chính quyền” với  “Chính phủ” hoặc “Nhà nước” là gì. Ai cũng biết gọi Nhà nước Việt Nam là “Chính quyền Cộng sản” là cách gọi có nguồn gốc từ thời kỳ “Chiến tranh Việt Nam” (1954-1975), từ thời kỳ chiến tranh lạnh giữa hai hệ thống TBCN và XHCN. Cách gọi này không chỉ xúc phạm một Nhà nước, một thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc mà còn phá hoại những mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Thứ hai, Dự luật yêu cầu Việt Nam “thả các tù nhân bị bắt giữ" vì “sự vận động trong hòa bình cho tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền”, và việc đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi nhiều Điều luật Hình sự liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng… vẫn theo cách tư duy của Chủ nghĩa sô-vanh (chauvinism)-tự cho dân tộc mình là dân tộc siêu đẳng, có “sứ mệnh” lãnh đạo các dân tộc khác, như Chủ nghĩa phát-xít trước kia. Ông Xmít không hiểu rằng, trong tư duy chính trị hiện đại, người ta phải biết tôn trọng quyền dân tộc tự quyết của dân tộc khác. Điều này đã được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và tại Điều I của “Công ước quốc tế về quyền các quyền dân sự, chính trị”, năm 1966. Điều I quy định rằng “Các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị…”(1) của mình. Điều đó có nghĩa mỗi quốc gia - dân tộc có quyền lựa chọn chế độ TBCN hay XHCN, thể chế “đa đảng” hay “độc đảng”, xây dựng Hiến pháp và hệ thống pháp luật như thế nào là hoàn toàn thuộc quyền của mỗi quốc gia-dân tộc, mà không có bất cứ quốc gia nào, một lực lượng chính trị nào có quyền áp đặt, kể cả Liên hợp quốc.
Thứ ba, về quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, ông Xmít vẫn nghĩ rằng, Hoa Kỳ có thể ra lệnh cho nhà nước Việt Nam, như đối với một chính quyền tay sai trước đây. Ông đưa ra “thông điệp”: Việt Nam “phải ngừng vi phạm nhân quyền của các công dân của họ”. Lẽ ra với tầm nhìn của một chính khách, một chính trị gia, ông Xmít phải hiểu rằng, dân tộc Việt Nam đã từng đứng lên đấu tranh giành lại quyền dân tộc tự quyết, giành lại quyền sống, quyền con người trong tay nhiều đế quốc xâm lược, trong đó có Mỹ, lẽ nào Chính phủ Việt Nam lại chà đạp lên quyền con người của công dân mình. Việc trừng phạt những kẻ nào đó vi phạm quy định pháp luật quốc gia hoàn toàn không có nghĩa là vi phạm nhân quyền, mà ngược lại là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền con người cho cả dân tộc. Chính phủ nào cũng phải làm như vậy - kể cả Hoa Kỳ.
Thêm nữa, Dự luật lại đưa ra những đòi hỏi về nhân quyền (theo quan điểm của mình), như là một điều kiện trong quan hệ giữa hai quốc gia. Đây là điều không tưởng. Hơn nữa, điều đó còn đi ngược lại với con đường phát triển giữa hai quốc gia.
Về kinh tế, theo số liệu mới nhất của hải quan Mỹ công bố ngày 4-11-2011, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ trong năm 2011 tiếp tục tăng mạnh so với năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong 8 tháng đầu năm đạt 11,3 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2010 và xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đạt 2 ,7 tỷ USD, tăng 21,5%.
Về chính trị, ngày 2-2-2012, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Kurt Campbell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương, đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo nhiều Bộ.  Hai bên đã “hài lòng về những tiến triển sâu rộng của quan hệ Việt - Mỹ thời gian qua, cả trong hợp tác song phương cũng như trên các diễn đàn đa phương, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Hai bên cũng đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế -thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng”(2).
Như vậy là việc phát triển quan hệ giữa hai nước không chỉ đem lại lợi ích cho Việt Nam mà còn đem lại lợi ích cho chính Hoa Kỳ. Dự luật mà ông Xmít đệ trình chỉ làm khó cho Quốc hội và Chính phủ hai nước. Những người có tư duy chiến lược không bao giờ để những sự khác biệt nhất định, nói đúng hơn để một nhóm cử tri nào đó thúc ép mà có những việc làm đi ngược lại xu hướng phát triển tích cực giữa hai quốc gia.
Việt Nam không phủ nhận hiện nay xã hội còn nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có tệ quan liêu tham nhũng, tình trạng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân ở nơi này hoặc nơi khác. Nhưng điều đó hoàn toàn không phải là chủ trương, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam.
Sự khác biệt nào đó về quan điểm, về pháp luật giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là hoàn toàn có thể hiểu được. Nếu hai bên có thiện chí, bằng hành động cụ thể, như giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau tiếp tục tìm kiếm hài cốt binh sĩ, tẩy rửa chất độc da cam, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh… và đối thoại trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau thì có thể thu hẹp dần sự khác biệt đó. Hơn nữa, có thể phát triển một cách tốt đẹp mối quan hệ giữa hai dân tộc.
Phương Nhi

(1) - Viện Nghiên cứu quyền con người “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, HN, 2002, tr250.
(2) - Theo Người Lao động, ngày 10-2-2012.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét