Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng trong giáo dục cơ bản



NDĐT- Báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố cho thấy, Việt Nam đã đạt được những thành tích ấn tượng trong giáo dục cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, WB cảnh báo Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề ở bậc giáo dục cơ bản.
Đạt cả lượng và chất
Bà Elsa Duret tư vấn về Hỗ trợ ngân sách, Đại sứ quán Vương quốc Bỉ trong buổi lễ công bố Báo cáo :“Việt Nam: Nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi người đến năm 2020” cuối tuần trước tại Hà Nội cho rằng: Giáo dục Việt nam có thành tích lớn về định lượng trong một thời gian ngắn, đồng nghĩa với thành công trong phổ cập giáo dục trên diện rộng, các thành tích về học tập cũng được cải thiện. Điều này đồng nghĩa với việc giáo dục đạt được những thành tựu cả về số lượng và chất lượng.
Báo cáo này do Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác Phát triển Vương quốc Bỉ, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) phối hợp thực hiện, đưa ra vào thời điểm Việt Nam chuẩn bị thực hiện Chiến lược Kinh tế - Xã hội 2011 – 2012 và kế hoạch Phát triển Chiến lược Giáo dục 2011 – 2012.
Báo cáo chỉ ra rằng tương xứng với mức thu nhập của mình, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng liên quan đến giáo dục cơ bản. GDP đầu người năm 2009 của Việt Nam gần bằng 1/7 mức thu nhập trung bình của các nước khu vực Đông Á và Thái Bình Dương và bằng ¼ các nước có mức thu nhập trung bình. Nhưng tỷ lệ người biết chữ của Việt Nam ngang bằng với 2 nhóm nước này..
Kể từ đầu những năm 1990, Việt nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc liên quan đến trình độ học vấn chủ yếu ở cấp tiểu học và trung học. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi từ 22- 25 chưa đạt bất cứ trình độ học vấn nào năm 1992 là 23% đã giảm xuống dưới 1% năm 2008.
Tỷ lệ học sinh nhập học bậc tiểu học đến 95% cũng gần sát mức phổ cập, Điều đáng nói là tỷ lệ đi học của trẻ em nam và trẻ em nữ không chênh lệch nhau ở bậc học này.
Tỷ lệ hoàn thành bậc tiểu học 90% của Việt Nam hiện đang cao hơn một chút so với các nước có điều kiện kinh tế tương tự. Và cũng không có sự phân biệt nam nữ khi tỷ lệ hoàn thành cấp tiểu học giữa 2 giới khá đồng đều.
Xét về chất lượng, sau khi tốt nghiệp cấp 1, 61% học sinh đạt năng lực đọc hiểu và 87% đạt năng lực toán học. Điều này sẽ khiến nâng cao tỷ lệ các học sinh có khả năng theo học tiếp các chương trình cao hơn sau tiểu học.
Theo ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học, đến nay, nhà nước vẫn tập trung ngân sách cho phát triển giáo dục và 2 chương trình Phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ và chương trình phổ cập Giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đã được chúng ta theo sát trong nhiều năm qua.
“Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngoài số lượng chương trình giáo dục vẫn phải tập trung nhiều vào việc nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho tất cả học sinh, đặc biệt là đối tượng khó khăn.”
Nguy cơ tụt hậu về cơ hội học tập
Giữa các nhóm thu nhập và nhóm dân tộc khác nhau, trình độ học vấn, tỷ lệ đi học và hoàn thành bậc học không đồng đều. Chỉ có 73% trẻ em nghèo hoàn thành bậc tiểu học so với 95% trẻ em con nhà khá giả. Giữa các nhóm dân tộc đa số và thiểu số vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách ở mọi cấp học dù tỷ lệ đã được cải thiện.
Ngoài ra, giáo dục Việt Nam còn đối mặt với nguy cơ tụt hậu về cơ hội học tập khi thời gian ở trường bị thiếu hụt. Học cả ngày ở trường có tác động mạnh mẽ tới hiệu quả học tập của học sinh. Với sự tổng hợp của nhiều yếu tố: trường lớp được trang bị tốt hơn, nhân lực, vật lực dồi dào hơn, thời gian học nhiều hơn...học cả ngày sẽ có lợi rất nhiều cho học sinh đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số. Hiện thời gian học chính thức của hệ thống giáo dục tiểu học bắt buộc của nhà trường chỉ là nửa ngày. Với hơn 700 giờ dạy bắt buộc một năm, Việt Nam đang là nước có thời gian dạy học ở bậc tiểu học thấp nhất thế giới. Thông thường hai lớp sử dụng chung một phòng học, một lớp học buổi sáng và một lớp học buổi chiều. Mặc dù được ủng hộ, nhưng chương trình học cả ngày vẫn chỉ áp dụng chủ yếu ở khu vực thành thị và những nơi có điều kiện kinh tế khá giả do phần lớn vẫn phụ thuộc vào nguồn lực tài chính của các gia đình.
Lợi ích của việc học cả ngày rất lớn, nhất là đối với nhóm học sinh dân tộc thiểu số. Ông Lê Tiến Thành cho rằng: “Mâu thuẫn ở chỗ: Nơi thuận lợi thì học quá nhiều trong khi vùng khó khăn thì lại học quá ít. Nếu tổ chức học hai buổi một ngày và bữa ăn trưa ở nhà trường thì trẻ em vùng núi sẽ chăm đến trường hơn.”
Ngoài ra, về phương pháp sư phạm và cách thức quản lý trường học cũng tồn tại nhiều vấn đề. Để giải quyết các thách thức này, Việt Nam cần ưu tiên hơn trong cấp ngân sách công cho ngành giáo dục, cải thiện hiệu quả chi tiêu và nâng cao chất lượng quản lý trường học và sư phạm. Bà Emanuela di Gropello – Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ban phát triển con người Ngân Hàng thế giới khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, tác giả chính của báo cáo chia sẻ: “Chương trình cải cách này rất quan trọng nhằm đáp ứng được yêu cầu của người dân về một hệ thống giáo dục chất lượng cao hơn và xây dựng nền tảng bền vững cho phát triển con người khi Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình.”
THANH HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét