Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Việt Nam đạt được nhiều thành tựu giáo dục cho mọi người


Trong hai ngày 28 và 29/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về “Giáo dục cho mọi người” do Tổ chức Khoa học và Giáo dục (UNESCO) cùng Nhóm đặc nhiệm về Giáo dục cho mọi người (EFA) tổ chức. Hội thảo nhằm tiến hành đánh giá các trường hợp nghiên cứu điển hình gồm Bangladesh, Indonesia và Việt Nam về “Giải quyết những tồn tại trong giáo viên cho giáo dục cho mọi người: Điều gì làm cho chính sách và thực tiễn có hiệu quả”.
Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu tham dự đã thảo luận, xem xét và phân tích các chính sách và thực tiễn đang được Chính phủ các nước Bangladesh, Indonesia và Việt Nam áp dụng nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt giáo viên trong giáo dục cơ bản. Mục tiêu của nghiên cứu là cung cấp thông tin và chứng cứ về hiệu quả của các chính sách và thực tiễn hiện hành nhằm giải quyết vấn đề những thiếu hụt của giáo viên.
Theo đánh giá của nhóm công tác giáo giục cho tất cả mọi người, trong thập kỷ vừa qua, nỗ lực của Việt Nam đã mang lại những thành tựu đáng kể bao gồm tỷ lệ nhập học tiểu học (99% năm 2010) và tỷ lệ biết chữ ở người lớn (92,8% năm 2006) cao, cũng như nâng cao tỷ lệ cân bằng giới ở hầu hết các bậc học. Tuy nhiên, những thách thức về cơ cấu vẫn hiện hữu với 4% những người không đi học chủ yếu là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và người dân tộc thiểu số.
Để giải quyết những thách thức về giáo dục cho mọi người, chính sách hiện nay là chuyển trọng tâm can thiệp từ lượng sang chất. Giáo viên đóng một vai trò hết sức to lớn trong việc đảm bảo tính hòa nhập và chất lượng trong giáo dục, đặc biệt là tiếp cận những đối tượng thiệt thòi, huy động cộng đồng để đảm bảo rằng trẻ em được đến trường và đóng vai trò là cầu nối xã hội và văn hóa giữa gia đình và nhà trường.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Thông qua những bản báo cáo này, Việt Nam học được nhiều kinh nghiệm tốt, cả những kinh nghiệm thành công và chưa thành công. Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những hướng đi trong báo cáo, đặc biệt là việc tiếp cận có hệ thống các giái pháp nâng cao hiệu quả giáo dục cho mọi người, thực hiện mục tiêu từ phát triển số lượng sang nâng cao chất lượng”.
Đánh giá cao tầm quan trọng của các báo cáo về mục tiêu giáo dục cho mọi người, ông Eden Adubra, Trưởng bộ phận Phát triển và chính sách giáo viên của Tổ chức Khoa học và Giáo dục (UNESCO) cho biết: “Việc đánh giá các chính sách của các nước đối với mục tiêu giáo dục cho mọi người là điều rất quan trọng. Các chính sách này cũng như những con đường, định hướng của mỗi nước đối với việc thực  hiện các mục tiêu này. Nếu chúng ta đưa ra định hướng sai thì không những làm trệch hướng mà còn không thể thực hiện những mục tiêu đã đề ra”./.
Thùy Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét