Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

Việt Nam đóng góp tích cực vào thành công của Rio+20



Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, Đoàn Việt Nam đã hoàn thành chương trình công tác tại Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững Rio+20 với nhiều đóng góp quan trọng, nhất là những quan điểm mới gửi tới tổ chức lớn nhất thế giới – Liên Hợp Quốc. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã chia sẻ thông tin xung quanh Hội nghị đặc biệt này.



Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết mục đích và trọng tâm của Hội nghị Rio+20 lần này là gì?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Rio+20 là Hội nghị có quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong tiến trình phát triển bền vững của thế giới Mục tiêu của Hội nghị Rio+20 là nhìn lại quá trình 20 năm thực hiện phát triển bền vững; đánh giá những hạn chế, khó khăn, xác định các thách thức mới và giải pháp để giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Hội nghị cũng là cơ hội để các quốc gia trên thế giới khẳng định lại những cam kết, đồng thời đưa ra những cam kết mới, những nỗ lực toàn cầu mới cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, củng cố và tăng cường các cam kết chính trị, các mối quan hệ hợp tác và đối tác cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Hội nghị đã thông qua Văn kiện quan trọng, phản ánh những định nghĩa, khái niệm, biện pháp nhằm giải quyết một số vấn đề chính liên quan đến 3 trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt trong đó xác định định hướng phát triển kinh tế xanh trong bối cảnh phát triển bền vững và xóa nghèo; xây dựng khung thể chế tạo điều kiện thúc đẩy thực hiện phát triển bền vững.
Phóng viên: Quan điểm của Chính phủ Việt Nam mang tới Rio+20 là gì? Đoàn Việt Nam đã nêu những vấn đề gì tại Hội nghị, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chính phủ Việt Nam coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay và trong tương lai. Việt Nam đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự 21 quốc gia và cũng vừa ban hành chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2011-2020. Đối với các vấn đề trọng tâm của Hội nghị như kinh tế xanh, Việt Nam cho rằng mỗi quốc gia cần phát huy quyền tự chủ trong thiết kế và quyết định các ưu tiên, các chính sách phát triển kinh tế xanh phù hợp với điều kiện của mình, cần xây dựng và thực hiện các thể chế, chính sách toàn cầu và khu vực, các cơ chế tăng cường hợp tác đa phương, song phương để phát triển kinh tế xanh, đồng thời, tạo dựng một diễn đàn quốc tế để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong thực hiện kinh tế xanh, không sử dụng các tiêu chí của kinh tế xanh như rào cản thương mại hay điều kiện của hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Về việc cải tổ và nâng cấp các cơ quan trong hệ thống LHQ, Việt Nam cho rằng cần xây dựng một lộ trình cho việc cải tổ đối với Ủy ban Kinh tế xã hội của Liên Hợp Quốc (ECOSOC); Ủy ban Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (CSD) và Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) theo các giai đoạn với các tiêu chí phù hợp. Việt Nam mong muốn Liên Hợp Quốc tăng cường hơn nữa vai trò và nhiệm vụ ở tất cả các cấp trong việc làm cầu nối, huy động và điều phối hiệu quả các nguồn lực cần thiết để thực hiện các các mục tiêu phát triển bền vững, củng cố và phát triển hệ thống các cơ quan của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững ở khu vực.
Phóng viên: Trong 3 ngày làm việc tại Rio+20, Đoàn Việt Nam đã có những hoạt động nổi bật gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trưởng đoàn Việt Nam đã tham dự và phát biểu tại Phiên toàn thể cấp cao của Hội nghị trong ngày 21/6/2012. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham dự và có bài phát biểu tại Phiên bàn tròn cấp cao bàn về phương hướng thực hiện các kết quả của Hội nghị Rio+20. Bên cạnh đó, Đoàn Việt Nam đã tham dự và có phát biểu tại một số các diễn đàn, sự kiện quan trọng bên lề Hội nghị: Ngay sau khi đến Hội nghị Phó Thủ tướng đã đến dự và có bài phát biểu tại sự kiện “Đánh giá năng lượng toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham dự và có bài phát biểu tại sự kiện “Diễn đàn thượng đỉnh về vốn tự nhiên” do WB và Vương quốc Anh tổ chức; tham dự và có bài phát biểu tại sự kiện “Những thay đổi phát triển bền vững toàn cầu và tăng trưởng xanh cho tất cả chúng ta” do WB và Đức tổ chức. Được sự ủy quyền của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trưởng đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đã tham dự lễ ký kết thành lập Viện tăng trưởng xanh toàn cầu.
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với Đoàn Bangladesh tổ chức sự kiện “Phát triển xanh – triển vọng của Việt Nam và Bangladesh”; Phối hợp với Hà Lan, Benin, Barbados tổ chức Diễn đàn hợp tác Chính phủ và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Đoàn Việt Nam đã tham dự và có bài phát biểu tại một số sự kiện của UNDP, WWF, UNEP, OFID.
Cũng trong thời gian diễn ra Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc song phương với đối tác Đức, Hà Lan, Thụy Sỹ, Phần Lan, Ghine, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica), Cộng hòa Séc; Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), Hội đồng doanh nghiệp thế giới vì sự phát triển bền vững.
Phóng viên: Việt Nam đã có những đề xuất, kiến nghị gì tại Hội nghị Rio+20, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Một số đề xuất, kiến nghị của Việt Nam đã được đề cập trong bài phát biểu của Trưởng đoàn, đó là LHQ cần đưa ra các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2020 và 2030 và thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững. Các mục tiêu phát triển bền vững cần có tính phổ cập và áp dụng được cho tất cả các quốc gia, cho phép cách tiếp cận phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia, thể hiện sự gương mẫu của các nước có trình độ phát triển cao. Về kinh tế xanh, Việt Nam khuyến nghị thành lập các trung tâm về kinh tế xanh tại các vùng trên thế giới như Nam Á, Đông Nam Á, Bắc và Nam Mỹ. Các Trung tâm này sẽ giám sát các chỉ tiêu chủ yếu của kinh tế xanh của các nước trong khu vực, cung cấp các dịch vụ tư vấn về xây dựng chính sách và các thực tiễn điển hình, giúp LHQ xây dựng và xuất bản các báo cáo hàng năm của thế giới về kinh tế xanh. Việt Nam sẵn sàng làm việc với các nước ASEAN và LHQ để thành lập Trung tâm Kinh tế xanh của tại Việt Nam và chia sẻ 50% kinh phí vận hành trung tâm này. Việt Nam cũng kêu gọi LHQ thành lập mạng lưới LHQ và Chương trình LHQ để giải quyết hiệu quả vấn đề nước biển dâng, kết hợp kiến thức, công nghệ và nguồn lực của các nước phát triển và đang phát triển để khắc phục vấn đề toàn cầu này. Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực của những mạng lưới LHQ như vậy.
Tại phiên họp bàn tròn cấp cao bàn về phương hướng thực hiện những kết quả của Hội nghị RI0+20 Việt Nam đề xuất các đối tác phát triển tăng cường hơn nữa các chính sách nhằm mở rộng và đưa các quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, có hiệu quả; tăng cường hơn nữa nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ để giúp Việt Nam thực hiện chiến lược phát triển bền vững quốc gia, trong đó có xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Việt Nam cũng kêu gọi Liên hợp quốc tăng cường hơn nữa vai trò và nhiệm vụ ở tất cả các cấp trong việc làm cầu nối, huy động và điều phối hiệu quả các nguồn lực cần thiết để thực hiện các các mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện những cam kết mà Hội nghị lần này đạt được; đồng thời khuyến nghị LHQ tiếp tục hỗ trợ cho mô hình thí điểm “Một LHQ” ở Việt Nam và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét