Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

”Việt Nam trong thế giới hôm nay” - nhìn theo chiều sâu văn minh, văn hiến


Trong thế giới hôm nay, Việt Nam như một con tàu từ sông sâu ra biển cả. Từ một dân tộc có ngàn năm văn hiến mà cho đến đầu thế kỷ XX mới còn ẩn hiện trên bán đảo Đông Dương vì thực dân Pháp muốn xóa tên Việt Nam trên bản đồ thế giới. Nay sang thế kỷ XXI, Việt Nam đã như ngôi sao đang phát sáng trong bầu trời “Hòa bình, hữu nghị, cùng hợp tác, cùng phát triển” giữa các quốc gia, dân tộc. Anh em, bạn bè trên thế giới nhìn Việt Nam như một sức trẻ đang lên: Độc lập, tự chủ, vững vàng, tự tin, chịu học hỏi, cầu tiến bộ, phấn đấu để đạt tới “dân giàu, nước mạnh”. ViệtNam từ tầm vóc quốc gia, khu vực, tiến lên có tầm vóc quốc tế đáng tin cậy.
Công cuộc đổi mới được tiến hành trong hơn hai thập kỷ qua đã đưa Việt Nam tiến lên với “đôi hài nghìn dặm”. Ngoài những thành quả về kinh tế, văn hóa, xã hội... thì quá trình hội nhập quốc tế cũng đem lại những thành công rất đáng khích lệ.
Từ cuối thế kỷ trước, sau khi gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), năm 1994, Việt Nam đã trở thành thành viên sáng lập của diễn đàn Á - Âu (ASEM). Năm 1998, Việt Nam gia nhập tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC); năm 1999, trở thành thành viên Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ La tinh (FEALAC), năm 2006, trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ngày 16-10-2007, Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc với 183 phiếu trên tổng số 190 phiếu của các quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) có mặt, ủng hộ Việt Nam, vượt xa mức 2/3 theo quy định của LHQ (1).
Những thành tựu đó chính là thắng lợi của truyền thống văn minh, văn hiến, của ý chí và nguyện vọng hòa bình hữu nghị, cùng hợp tác, cùng phát triển đối với các dân tộc khác trên thế giới của toàn dân Việt Nam, biểu hiện tập trung trong đường lối ngoại giao sáng tạo, được ghi trong Nghị quyết Đại hội X của Đảng là: “Thực hiện nhất quán đường lối độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào hợp tác quốc tế và khu vực”(2).
Trong mỗi bước vươn ra biển cả, Việt Nam đều được thế giới đón nhận với một niềm tin cậy chân thành. Năm 2006, khi đón mừng Việt Nam gia nhập WTO, bạn bè của chúng ta đã có nhận định rất khách quan là: “Gặp khó khăn, người Việt Nam rất giỏi vươn lên vượt khó khăn để giành thắng lợi”. Bà Sandra Kristoff, đại sứ, cố vấn cao cấp của Tập đoàn NewYork life (Mỹ) đã nói một cách ấn tượng: “Chiếc máy bay ViệtNam sẽ cất cánh khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO”. Và điều đó nay đã trở thành hiện thực. Nhiều bạn bè đặt một niềm tin vào Việt Nam: báo Paris Match số ra tuần đầu tháng 10-2007 đã viết: “Việt Nam như một con hổ ở châu Á thức dậy, đang vươn lên với một sức mạnh tiềm ẩn và một ý chí quyết tâm to lớn”. Báo “Người quan sát” của Ma-rốc ra đầu tháng 3-2007, với nhiều tư liệu chứng minh về sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đã đi đến kết luận: “Việt Nam tất nhiên sẽ phát triển và trở thành con Rồng châu Á”. Tờ Đài Bắc Thời báo ngày 7-10-2007, trong bài “Mọi con mắt đổ về Việt Nam” viết: “Giới doanh nhân tìm đến một ngôi sao sáng đang lên ở châu Á – đó là Việt Nam”. Đánh giá tài năng của nhân dân Việt Nam, ông Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Singapore, trong cuốn sách Hồi ký “Câu chuyện Singapore – từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất” đã khen: “Tài năng của người Việt Nam trong việc sử dụng và cải tiến các khí tài của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh và tài năng của người Việt hiện sống ở Mỹ và Pháp nhắc nhở chúng ta về những phẩm chất tuyệt vời của dân tộc này”(3).
Những phẩm chất đó không phải ngẫu nhiên có được mà chính là kết tinh của hàng ngàn năm lịch sử văn minh, văn hiến Việt Nam biểu hiện liên tục trong cả bề dầy lịch sử:
1. Việt Nam có sức mạnh trường tồn: Từ trong lịch sử, Việt Nam đã kiên trì gian khổ dựng nước, kiến lập nên quốc gia dân tộc Văn Lang, Âu Lạc từ mấy thế kỷ trước Công nguyên. Từ là một thành viên trong Bách Việt ở Đông và Đông Nam Á đã vượt qua bao thử thách của nghìn năm Bắc thuộc để tồn tại và phát triển.
2. Việt Nam đã tôi luyện được tài năng giữ nước qua bao thử thách gian nan: Từ tư tưởng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” của nhà Lý, một triều đại tồn tại tới hơn hai thế kỷ (1010-1225), đến ba lần chiến thắng Nguyên Mông với những chiến công Bạch Đằng giang, Chương Dương độ, Hàm Tử quan lịch sử thế kỷ XIII. Vó ngựa Nguyên Mông tung hoành từ Á sang Âu mà phải dừng bước ở Đại Việt. Thắng lợi của Lê Lợi, Nguyễn Trãi thế kỷ thứ XV là kỳ vĩ, như anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi – danh nhân văn hóa thế giới, đã ghi: “Bởi trời muốn khốn ta để trao trách nhiệm. Nên ta càng cố chí để vượt gian nan”. Và kết thúc là đã: “Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn”, “Lấy chí nhân mà thay cường bạo”(4). Rồi đến thế kỷ XVIII, Quang Trung – Nguyễn Huệ đã chiến đấu với khí thế và niềm tin: Đánh cho kẻ thù biết “Nam quốc sơn hà chi hữu chủ”.
3. Nhưng nếu nói về văn minh, văn hiến Việt Nam thì phải kể đến đức nhân ái, vị tha, lòng khoan dung, độ lượng: Mỗi chiến thắng trên đều đi kèm với ý chí hòa bình và mong muốn xây dựng tình hữu nghị giữa các dân tộc. Thậm chí sau mỗi chiến thắng đều “trải thảm đỏ cho người bại trận về nước” và hủy bỏ đi mọi sổ sách ghi tên số người đã lầm đường theo giặc để xóa bỏ hận thù.
Cụ thể, với Pháp, dưới chế độ thuộc địa Pháp, trên đất Việt Nam, nhà tù nhiều hơn trường học, tháp canh, lô cốt nhiều hơn bệnh xá, bệnh viện, thì nay tình hữu nghị Việt – Pháp do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng nhân dân cách mạng Pháp xây đắp vẫn được đâm hoa kết trái.
Việt Nam đang là thành viên tích cực của Hội Pháp ngữ quốc tế. Pháp lại tạo cầu nối để Việt Nam cùng một số quốc gia trong Hội Pháp ngữ quốc tế ở châu Phi xây dựng quan hệ hợp tác về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nhất là về nông nghiệp, y học, giáo dục.
Với Nhật, sau khi Nhật bại và nhất là đến năm 1945, tội ác làm 2 triệu người Việt Nam chết đói năm 1945 nay đã được làm rõ, thì hận thù lại được Việt Nam khép lại để cùng nhau hướng tới tương lai hòa bình, hữu nghị.
Với Mỹ, trong chiến tranh xâm lược, đế quốc Mỹ đã gây ra những tội ác khủng khiếp nhất cho nhân dân Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả mà người Mỹ gây ra vẫn còn nặng nề với dân tộc Việt Nam, nhất là đối với hàng vạn nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam... Nhưng người Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta sẵn sàng khép lại quá khứ và thúc đẩy các quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế. Và trên thực tế đã có nhiều cựu chiến binh Mỹ đến Việt Nam, thực sự đã ngạc nhiên khi được đón nhận bằng những nụ cười thân thiện, đôn hậu.
Với các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, Việt Nam vẫn giữ được mối tình đoàn kết thủy chung như châm ngôn Việt Nam đã nói: “Khi gian khổ, hoạn nạn có nhau, thì lúc thanh bình, hạnh phúc đừng có quên nhau”.
4. Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời và cởi mở: Trường Đại học đầu tiên của ViệtNam (Quốc Tử Giám) ra đời từ đầu thế kỷ XI, cùng với khoa thi đầu tiên chọn Thái học sinh (nay là tiến sĩ) được mở ra. Từ đó cho đến đầu thế kỷ XX, Việt Nam đã đào tạo được gần 3.000 tiến sĩ, trong đó có một số trạng nguyên. Nền văn minh, văn hiến Việt Nam đã cho ra đời những nhà văn hóa kiệt xuất có tầm cỡ quốc tế như: Trần Hưng Đạo, thế kỷ XIII, Nguyễn Trãi, thế kỷ XV và Hồ Chí Minh, thế kỷ XX.
Văn hóa Việt Nam còn là một nền văn hóa mở. Tuy mang tính bản địa Lạc – Hồng đặc sắc, nhưng không đóng kín mà lại rộng rãi giao lưu và hội nhập được với nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới từ cổ chí kim, như: văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật, Pháp, Mỹ...
5. Chiều sâu văn minh, văn hiến còn biểu hiện đặc sắc trong xây dựng đất nước: Lý luận Mác-Lênin khẳng định rằng, trong lịch sử loài người, việc chuyển từ phương thức sản xuất này sang phương thức sản xuất khác cao hơn (nô lệ sang phong kiến, phong kiến lên tư bản, tư bản lên xã hội chủ nghĩa) đều phải qua cách mạng bạo lực, nhưng lịch sử Việt Nam lại chỉ qua có một cuộc cách mạng là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhằm đánh đổ thực dân, phong kiến chứ chưa phải là thay đổi triệt để phương thức sản xuất cũ. Ấy vậy mà lịch sử Việt Nam vẫn cứ tiến lên. Đó là nhờ phát huy được truyền thống cải cách, đổi mới đã có từ lâu đời trong lịch sử.
Truyền thống này biểu hiện qua 10 cuộc cải cách, đổi mới nổi bật: 1) Cải cách hành chính, cải cách kinh tế, xã hội của họ Khúc, tiến đến giành được độc lập, tự chủ, thế kỷ X; 2) Công cuộc đổi đế đô, đổi mới xã hội của Lý Công Uẩn, thế kỷ XI; 3) Sự nghiệp đổi mới cơ chế, chính sách quản lý xã hội của Trần Thủ Độ góp phần to lớn vào chiến thắng Nguyên-Mông, thế kỷ XIII; 4) Cải cách kinh tế-tài chính của Hồ Quý Ly, thế kỷ XIV; 5) Cải cách hành chính, phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của Lê Thánh Tông, thế kỷ XV; 6) Đổi mới xã hội Đàng trong dưới quyền chúa Nguyễn của Đào Duy Từ, thế kỷ XVII; 7) Cải cách tài chính, cứu vãn khủng hoảng kinh tế-xã hội của Trịnh Cương, thế kỷ XVIII; 8) Cải cách hành chính, củng cố và phát triển vương triều Nguyễn của Minh Mệnh, thế kỷ XIX; 9) Tác động của tư duy cải cách của Nguyễn Trường Tộ đến chuyển biến xã hội, thế kỷ XIX; 10) Cao trào đổi mới của các tổ chức Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa thục... đầu thế kỷ XX (5).
Đến giữa thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống ông cha và tiến hành cách mạng sáng tạo với tư duy đổi mới. Hồ Chí Minh tham gia phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên tinh thần giữ vững và phát huy chủ nghĩa dân tộc ViệtNam. Do đó, trong xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam, bên cạnh hai yếu tố cấu thành đảng là lý luận Mác-Lênin và phong trào công nhân, Hồ Chí Minh đã đưa thêm vào đó “Phong trào dân tộc”. Trong khi quốc tế cộng sản chỉ đạo xây dựng Đảng Cộng sản Đông Dương, Hồ Chí Minh lại chủ trương xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam và tôn trọng quyền tự quyết của các đảng và các dân tộc anh em: Miên, Lào. Trong cuộc vận động cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng các tổ chức Cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh thay cho các tổ chức phản đế trong Mặt trận phản đế Đông Dương. Mục tiêu là nêu cao chủ nghĩa dân tộc, tinh thần yêu nước nhằm chỉ chống đế quốc nào xâm lược Việt Nam, chứ không chống toàn bộ các đế quốc trên thế giới, như tinh thần “phản đế” nói chung... Tư duy đổi mới đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một đóng góp lớn vào phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới ở thế kỷ XX.
Ngày nay, các nhà cách mạng Việt Nam đã kế thừa truyền thống cải cách, đổi mới của ông cha, tích cực học tập và phát huy tư duy đổi mới Hồ Chí Minh. Nhờ vậy chỉ qua hơn 25 năm, công cuộc đổi mới – cải cách (1986-2011) đã đem lại thành công ngang tầm một cuộc cách mạng.
Chiều sâu văn minh, văn hiến của “Con tàu Việt Nam” trước khi ra biển cả là như thế. Cho nên ngày nay, nhiều nước thành viên như mới phát hiện ra chân lý ấy và bỏ phiếu cho Việt Nam (183/190) trong cuộc bầu Việt Nam thành thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ như trên đã nói.
Từ sự kiện lịch sử này, thế giới không sửng sốt mà là ca ngợi. Ông Andre Sauvageot, chuyên gia cố vấn cho các công ty Mỹ đến Việt Nam đầu tư đã đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam: “Việt Nam có thể trở thành một thành viên xuất sắc (tuy là thành viên không thường trực – Văn Tạo) của Hội đồng bảo an LHQ, bởi Việt Nam có một lịch sử vô cùng đặc biệt. Hàng ngàn năm qua, Việt Nam luôn luôn đấu tranh giành độc lập chống ngoại xâm, nhưng khi thắng lợi, Việt Nam lại gác lại quá khứ, hướng tới tương lai. Những phẩm chất anh hùng, yêu hòa bình và tự do đó rất phù hợp với tôn chỉ của LHQ”(6).
Tổng thư ký LHQ, Ban Ki Mon ca ngợi những dự định đóng góp cụ thể của Việt Nam vào LHQ như quan tâm đến tình hình thay đổi khí hậu thế giới, đến thực hiện sáng kiến mô hình: “Một Liên hợp hiệp quốc tại Việt Nam”, đến thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đồng thời cũng đánh giá cao những cố gắng của Việt Nam về quá trình công khai, minh bạch trong công tác quản lý và dân chủ hóa đời sống xã hội...”(7).
Trước những thành tâm, thiện chí kể trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời Thông tấn xã Việt Nam sau ngày Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng bảo an LHQ, đã chân thành cám ơn bè bạn và cam kết: “Nhờ có thành tựu to lớn về đối nội, đối ngoại sau 25 năm đổi mới toàn diện của chúng ta... chúng ta sẽ hoàn thành tốt trọng trách này, đáp ứng sự trông đợi của cộng đồng quốc tế”. Thủ tướng cũng khẳng định: “Việc trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an LHQ là cơ hội để chúng ta nâng cao hơn nữa vị thế và hình ảnh một đất nước Việt Nam yêu hòa bình với những tham gia và đóng góp hiệu quả vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, phồn vinh, dân chủ và tiến bộ xã hội”(8).
Có bao giờ đẹp như hôm nay, lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam với tư cách là thành viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ, tung bay trên trụ sở của Hội đồng, cũng như đang tung bay trên Thủ đô 167 nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cũng vậy, lá cờ của các nước bè bạn anh em đang tung bay trên bầu trời Hà Nội – Thủ đô vì hòa bình.
Tuy vậy, Việt Nam lạc quan nhưng không hề chủ quan, tự mãn. Trong thế giới hôm nay, Việt Nam có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn như Đại hội XI của Đảng ta đã chỉ rõ: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại. Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng”(9).
Hội nhập thế giới chỉ là điều kiện khách quan. Nỗ lực chủ quan của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam mới là quan trọng.
Hình ảnh “Việt Nam trong thế giới hôm nay” đang đem lại niềm vui cho cả dân tộc Việt, với lòng tự hào đó, bước sang năm 2012, nhân dân ta quyết tâm vượt qua những thử thách, khó khăn trước mắt, kiềm chế lạm phát, thực hiện được định mức tăng trưởng GDP, ổn định và phát triển đời sống xã hội để tiếp tục tiến lên trong hòa bình, hữu nghị, cùng hợp tác, cùng phát triển giữa các dân tộc./.
---------------------
(1) Báo Tuổi trẻ, ngày 17-10-2007.
(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. CTQG, H, 2006, tr.112.
(3) Tạp chí Time, ngày 13-11-2006.
(4) Nguyễn Trãi: Toàn tập, Nxb. KHXH, H, 1976, tr.79.
(5) Văn Tạo: “10 cuộc cải cách, đổi mới lớn trong lịch sử Việt Nam”, Nxb. Đại học Sư phạm, H, 2006.
(6), (7), (8) Báo Tuổi trẻ, ngày 28-9-2007, 29-9-2007, 30-9-2007.
(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H. 2011, tr.185.

GS. Văn Tạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét