Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Báo Đức đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam



(Thời sự) - Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, một số báo của Đức vừa có tin, bài đánh giá cao thành tựu cũng như triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời ca ngợi vai trò tích cực của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Báo “Düsseldorf Buổi tối” (Düsseldorfer Abendblatt) và cổng thông tin điện tử pressportal.de cho biết từ khi áp dụng chính sách “Đổi mới“ để mở cửa và hướng tới nền kinh tế thị trường, kinh tế Việt Nam đã có giai đoạn tăng trưởng nhanh với tỷ lệ 7-8% mỗi năm.
Chuỗi tăng trưởng ấn tượng này bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008/2009, song kinh tế Việt Nam đã nhanh chóng phục hồi.
Báo Đức ca ngợi kinh tế Việt Nam.
 Trong ba năm qua, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng thành công chính sách ổn định kinh tế vĩ mô và đã đạt được nhiều thành quả đáng chú ý như tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức tương đối cao và ổn định từ 5 – 6% năm, GDP năm 2013 đạt 176 tỷ USD, tương đương với thu nhập bình quân đầu người 1.960 USD.
Đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2013 đạt 23 tỷ USD, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế. Tỷ lệ lạm phát dần ổn định, giảm từ trên 20% những năm 2010/2011 xuống còn 6% năm 2013.
Trong khi đó, cán cân thương mại Việt Nam tiếp tục đạt thặng dư với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 132,2 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 tỷ USD.
Trên phương diện thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, bài báo nêu rõ để thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, cũng như giảm phụ thuộc vào các đối tác truyền thống nhưng rủi ro, khó lường, Việt Nam đã thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành thành viên của nhiều tổ chức kinh tế trên thế giới, như gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007.
Việc gia nhập WTO được cho là một tín hiệu chính trị, khởi động cho quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thành viên của các tổ chức, thể chế kinh tế quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA).
Cũng theo bài báo, Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong cộng đồng các nước ASEAN, khu vực có dân số 560 triệu người với GDP vào khoảng 800 tỷ USD.
Việt Nam cùng các nước ASEAN khác đã nhất trí thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, thành lập một “Cộng đồng kinh tế ASEAN” với mục tiêu một thị trường chung năm 2015.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đang đàm phán hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA) với khả năng kết thúc dự kiến vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đàm phán với Mỹ và một số nước về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quá trình đàm phán đang diễn ra tích cực và nhiều khả năng sẽ kết thúc trong thời gian tới.
Trong khi đó, báo “Tiêu điểm” (der Focus), một trong những báo lớn nhất của Đức, cũng có bài viết đánh giá những triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014.
Theo bài viết, các chỉ số kinh tế chín tháng năm 2014 cho thấy triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam trong năm nay và những năm tới.
Đến tháng Chín, GDP tăng 5,62% so với cùng kỳ năm ngoài, tăng trưởng GDP cho cả năm 2014 dự báo là 5,8%.
Tỷ lệ lạm phát chín tháng năm 2014 chỉ ở mức 2,25%, thấp nhất trong 12 năm qua. Kim ngạch xuất khẩu chín tháng năm 2014 đạt 109,63 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cán cân thương mại dự kiến tiếp tục thặng dư trong năm 2014 với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 148 tỷ USD (tăng 12,1%) và kim ngạch nhập khẩu đạt 146,5 tỷ USD (tăng 11%).
Trong khi đó, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu từng bước phục hồi.
Thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong số năm thị trường có mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới thời gian qua. Giao dịch bất động sản cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.
Nhờ chính sách kinh tế linh hoạt cũng như ổn định chính trị, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về mức độ hấp dẫn đầu tư trong khối ASEAN.
Trong những năm qua, FDI và vốn viện trợ phát triển (ODA) vẫn tiếp tục tăng đều.
Bài viết cũng cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết như nợ công tăng mạnh trong những năm qua và vấn đề nợ xấu của hệ thống tài chính – ngân hàng./.
(Theo Vietnam+)

Nhân dân cả nước đánh giá cao trách nhiệm của Bộ GTVT



Triển khai nhanh việc cổ phần hóa DN nhà nước, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, tổ chức thi tuyển công khai các chức danh... là những nét nổi bật trong lĩnh vực giao thông vận tải được cử tri đánh giá cao, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết khi khi trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII.
Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội đất nước

Theo báo cáo, trong lĩnh vực GTVT, cử tri và nhân dân đánh giá cao ý thức trách nhiệm và những cố gắng của Bộ Giao thông vận tải thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, triển khai nhanh việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bước đầu sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, tổ chức thi tuyển công khai các chức danh lãnh đạo cấp trưởng thuộc Bộ quản lý.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đường bộ ở nhiều nơi vẫn đang xuống cấp do xe quá tải, quá khổ hoạt động và do thiếu vốn để cải tạo, sửa chữa, duy tu. Việc kiểm soát tải trọng xe đã được triển khai quyết liệt nhưng vẫn còn tình trạng nhiều xe tải trọng lớn cố tình hoạt động gây hư hỏng đường. Vẫn còn những vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng, nhất là xe khách đường dài, với số người thương vong lớn mà nguyên nhân chủ yếu là vi phạm pháp luật của các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận tải và người điều khiển phương tiện.
Cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT, Bộ Công an, các ngành hữu quan và chính quyền các địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, cụ thể, thường xuyên nhằm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật gây mất trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm soát nhưng có tiêu cực, dung túng, bao che cho các đối tượng vi phạm; siết chặt hơn nữa công tác quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; đồng thời tiếp tục kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị xây dựng, thi công không bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình giao thông.
Báo cáo cáo của Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN nêu rõ: Cử tri và nhân dân tiếp tục quan tâm đến tình hình Biển Đông và mong muốn các cơ quan chức năng của nhà nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, kịp thời hơn nữa để người dân hiểu đầy đủ về tình hình, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cử tri và nhân dân mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi hơn nữa đối với ngư dân, đồng thời tăng cường các biện pháp đấu tranh kiên quyết, ngăn chặn không để các tàu của nước ngoài đe dọa, thu giữ trái phép ngư cụ, đập phá thiết bị hành nghề của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản trong ngư trường truyền thống của Việt Nam, gây hoang mang cho ngư dân thời gian qua.
Cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về nền kinh tế phát triển chưa bền vững, sức mua tăng chậm, việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp, tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở nhiều tỉnh miền núi, thất nghiệp, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, tham nhũng, lãng phí.
Cùng với những kiến nghị nêu trên, cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan giải quyết và có báo cáo rõ hơn về kết quả việc giải quyết những kiến nghị của cử tri và nhân dân đã được nêu tại các kỳ họp trước của Quốc hội, như: Về tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là vào mùa mưa, lũ, bão; về giải quyết tình trạng ngập nước ở các thành phố lớn, trong đó có Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ khi có triều cường, thành phố Hà Nội khi có mưa lớn; về kiểm soát chặt hơn nữa tình trạng khai thác và xuất khẩu thô khoáng sản ở một số địa phương; về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều nơi; về tình trạng khiếu nại tố cáo vẫn diễn ra phức tạp, về nợ công tăng nhanh và về cải cách hành chính...
Bình Minh