Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

HỌ ĐANG BÓP MÉO LỊCH SỬ (Bài 3)






MỐI QUAN HỆ GIỮA NGUYỄN ÁI QUỐC
VỚI PHAN BỘI CHÂU VÀ PHAN CHÂU TRINH

                                       Văn Thành


     1. Đọc các trang mạng từ trước tới nay, thấy xuất hiện những bài viết xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ vĩ nhân, như bài “Hồ Chí Minh bán đứng Phan Bội Châu cho thực dân Pháp trên đất Trung Hoa năm 1925” của Mường Giang; bài “Những sự thật không thể chối bỏ (Phần 8) – Ai đã bán đứng cụ Phan Bội Châu” của Đặng Chí Hùng...; rằng, “kẻ bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu để lấy tiền thưởng là Lâm Đức Thụ và Lý Thụy (bí danh của Hồ Chí Minh lúc đó)” (bài của Mường Giang). Bài của Đặng Chí Hùng dẫn lời trong một cuốn sách của người nước ngoài, cho rằng, “ông Hồ Chí Minh với bí danh Lý Thụy lúc đó đã bán đứng cụ Phan cho nhà cầm quyền thực dân Pháp lấy tiền”. Đặng Chí Hùng lại dẫn ra một cuốn sách khác cũng của người nước ngoài viết, “rằng, Nguyễn Ái Quốc đã nhận 150 nghìn đồng bạc Đông Dương từ Pháp và bán cụ Phan”. Rồi Đặng Chí Hùng dẫn ra những nhận định của người này, người kia để chứng minh cho việc Lý Thụy đã bán đứng cụ Phan Bội Châu cho Pháp. Đây toàn là những việc hồ đồ, vu vơ, không có thật, nhằm vu khống, bôi nhọ hình ảnh Nguyễn Ái Quốc, hạ thấp uy tín của Nguyễn Ái Quốc trong cuộc hành trình của Người đi tìm đường cứu nước.
     Ở đây, tôi chưa bàn đến Lâm Đức Thụ (Nguyễn Công Viễn), một phần tử cơ hội, phản bội trong tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, gọi tắt là Thanh niên) mà Nguyễn Ái Quốc và những người lãnh đạo của Hội đã khai trừ ông ta ra khỏi tổ chức.
     Về nguyên nhân cụ Phan Bội Châu bị bắt đã rõ ràng. Số là, vào năm 1912, tại Quảng Đông, Trung Quốc, Phan Bội Châu đứng ra thành lập “Việt Nam Quang phục Hội”, một tổ chức yêu nước, chống Pháp, để thay thế cho Duy Tân Hội và tiến cử Kỳ ngoại hầu Cường Để (Nguyễn Phúc Đan) làm Chủ tịch Lâm thời của Việt Nam Quang phục Hội.
     Sau khi được thành lập, Việt Nam Quang phục Hội cử một số hội viên về nước để trừ khử một số viên chức Pháp và cộng sự đắc lực của Pháp, nhằm “thức tỉnh hồn quốc dân”. Tại Việt Nam lúc này, các cuộc bạo động bằng tạc đạn do Việt Nam Quang phục Hội thực hiện, tuy xảy ra lẻ tẻ, nhưng vẫn khuấy động được dư luận trong và ngoài nước. Sự kiện này đã làm cho chính quyền Đông Pháp theo dõi sít sao và tăng cường khủng bố, làm nhiều người bị bắt và bị giết. Bị kết án chủ mưu, Phan Bội Châu và Cường Để bị thực dân Pháp và Nam triều kết án tử hình vắng mặt. Năm 1913, chính quyền Đông Pháp cử người đến Quảng Đông, gặp Tổng đốc Quảng Đông lúc bấy giờ là Long Tế Quang, yêu cầu Long Tế Quang bắt Phan Bội Châu và các yếu nhân lúc ấy đang ở Quảng Đông. Ngày 24-12-1913, Phan Bội Châu bị bắt, nhưng  được một số người Việt Nam có uy tín và thiện chí lúc ấy đang hoạt động ở Quảng Đông, can thiệp, cho nên Long Tế Quang không thể giao nộp Phan Bội Châu cho Pháp. Chính quyền Pháp tức tối việc Long Tế Quang không chịu giao nộp Phan Bội Châu cho Pháp, cho nên đã cử nhiều mật thám Pháp sang Quảng Đông lùng bắt cho bằng được Phan Bội Châu, nhưng rút cục, Pháp vẫn chưa bắt được Phan Bội Châu.
     Được trả lại tự do, Phan Bội Châu tiếp tục hoạt động yêu nước. Năm 1922, phỏng theo đường lối của Quốc dân Đảng Trung Hoa, đứng đầu là Tôn Trung Sơn, Phan Bội Châu cải tổ Việt Nam Quang phục Hội thành Đảng Quốc dân Việt Nam. Mật thám Pháp tại Quảng Đông lúc bấy giờ vẫn theo dõi và dò la tung tích của Phan Bội Châu. Cuộc săn lùng Phan Bội Châu đã mang lại kết quả: Ông bị Pháp bắt tại Thượng Hải, ngày 30-6-1925, mặc dù trước đó (1912), Ông đã bị chính quyền Đông Pháp kết án vắng mặt. Phan Bội Châu bị giải về nước. Ngày 23-11-1925, Hội đồng Đề hình của Pháp tại Hà Nội xử Phan Bội Châu án khổ sai chung thân và muốn đưa ra giam tại Côn Đảo, nhưng vì có sự phản ứng quyết liệt của quốc dân đồng bào, cho nên ngày 25-12-1925, Toàn quyền Đông Dương Varenne, phải ký lệnh ân xá cho Phan Bội Châu và giam lỏng Cụ tại Bến Ngự, Huế. Nhờ có số tiền 2 nghìn đồng bạc Đông Dương do đồng bào cả nước quyên góp ủng hộ Phan Bội Châu, hai nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng và Võ Liêm Sơn đã mua hai khoảnh đất tại Bến Ngự, Huế để xây nhà cho Phan Bội Châu ở và làm nghĩa trang cho Phan Bội Châu sau khi Ông mất. 
     Trong những năm cuối đời, Phan Bội Châu tuy bị quản thúc, vẫn miệt mài viết văn, làm thơ để cổ động cho tinh thần yêu nước của nhân dân ta chống xâm lược, nên “Ông già Bến Ngự” vẫn được nhân dân yêu mến.
     Phan Bội Châu mất ngày 29-12-1940 (Canh Thìn), tại Huế, thọ 73 tuổi (Cụ sinh ngày 26-12-1867 (Đinh Mão), tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
     Khi Phan Bội Châu bị nhà cầm quyền Quảng Đông bắt lần thứ nhất (năm 1913), tại Quảng Đông, thì Nguyễn Ái Quốc (lúc này, Người chưa lấy tên là Lý Thụy như có người đã ngộ nhận) đang lênh đênh trên mặt biển trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước. Người đi sang tận các nước châu Phi để quan sát tình hình và đến Luân Đôn, thủ đô nước Anh, vào cuối năm 1913. Ngày 3-12-1917, Người từ nước Anh trở lại nước Pháp và lần đầu tiên Người đến thủ đô Paris. Người ở Paris từ năm 1917 đến năm 1923, thì tới Liên Xô… Trong thời gian này, nhà yêu nước và cách mạng Nguyễn Ái Quốc cũng là nạn nhân của sự truy lùng gắt gao của chính quyền Đông Pháp, đến nỗi Người phải liên tục thay đổi họ, tên để tránh sự truy lùng đó.
     Khi Phan Bội Châu bị Pháp bắt lần thứ hai tại Thượng Hải vào năm 1925, thì Nguyễn Ái Quốc đang ở Quảng Châu, mở lớp huấn luyện cho các thanh niên yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc ra đời một chính đảng cách mạng ở Việt Nam.
     Khi nghe tin Phan Bội Châu bị Pháp bắt, Nguyễn Ái Quốc viết một bài báo dài, tố cáo gay gắt nhà cầm quyền Đông Pháp bắt giam Phan Bội Châu và đòi Pháp phải thả ngay nhà yêu nước Phan Bội Châu. Bài báo này được đăng trên tờ Le Paria (Người cùng khổ), số ra tháng 9 và tháng 10-1925. Bài báo ca ngợi Phan Bội Châu là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người (dân số Việt Nam lúc bấy giờ là 20 triệu - VT) trong vòng nô lệ tôn sùng…”1.
     Sự thật là như vậy. Nhưng một số người ác ý, cố tình xuyên tạc, bóp méo lịch sử, vu khống cho Nguyễn Ái Quốc bán đứng Phan Bội Châu cho Pháp. Kẻ bôi nhọ lịch sử sẽ phải chuốc lấy những hậu quả khôn lường.
     2. Trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc có mối quan hệ rất tốt với Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, đánh giá các cụ là những nhà yêu nước thương nòi. Người nói rằng, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh tuy chưa phải là đồng chí, nhưng lại là đồng bào của chúng ta. Quan hệ giữa Nguyễn Ái Quốc với Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh là quan hệ của thế hệ yêu nước trước với thế hệ của bậc yêu nước sau. Khâm phục lòng ái quốc của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, nhưng Nguyễn Ái Quốc cho rằng, chủ trương cách mạng của các cụ sẽ không đánh đổ được chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, trong khi đó, vấn đề đặt ra cho nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ là phải đánh đổ chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Quan điểm dựa vào đế quốc này để đánh đế quốc kia thống trị Đông Dương và quan điểm thuyết phục chính quyền Đông Pháp thay đổi chính sách, cải cách hệ thống quan lại Nam triều mục nát, tham nhũng và bất lực, mở rộng dân chủ và nâng cao dân trí với ý định là khi dân trí được nâng cao, tinh thần tự cường tốt, thì Việt Nam sẽ mạnh lên, và khi đó, đất nước sẽ giành được độc lập, đều không mang lại kết quả, vì chính quyền Đông Pháp lúc bấy giờ không bao giờ chấp nhận những chính sách gây nguy cơ đe dọa đến việc cai trị thuộc địa của họ, cho nên chủ trương đó không mang lại thành công. Vì vậy, vấn đề đặt ra lúc bấy giờ là phải phát huy được tinh thần yêu nước và đoàn kết của nhân dân, lấy hai giai cấp cơ bản của cách mạng là công nhân và nông dân làm lực lượng nòng cốt, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, phải làm cuộc cách mạng toàn diện và triệt để, thì mới có thể đánh đổ được đế quốc xâm lược Việt Nam và phong kiến Nam triều. Còn trong quá trình cách mạng, thì phải tùy theo từng hoàn cảnh, từng thời kỳ, giai đoạn mà có thể kết hợp giữa đấu tranh chính trị, quân sự với ngoại giao, nhưng phải lấy đấu tranh vũ trang là chủ yếu để giành chính quyền về tay nhân dân. Nguyễn Ái Quốc đã làm được điều này và đã thành công.
     Phan Bội Châu cũng rất khâm phục tinh thần yêu nước và cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Phan Bội Châu đã có cái nhìn đúng về Nguyễn Ái Quốc. Ở vùng Nghệ An lúc bấy giờ, người ta đã lưu truyền câu sấm của Trạng Trình: “Đụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Nam Đàn sinh thánh” (Khi núi Đụn nứt ra làm đôi/ khe Bò Đái mất tiếng/nước sông Lam chảy vào chân núi Lam Thành/ đất Nam Đàn sẽ sinh ra bậc thánh nhân). Sau khi có cao trào cách mạng Xôviết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, câu sấm này lại được nhắc lại trong dư luận người dân miền Trung. Lúc đó, khe Bò Đái cũng đã ngừng chảy và không còn tiếng suối reo và núi Đụn cũng nứt ra, làm cho mọi người càng tin và chờ đợi sẽ xuất hiện vị thánh nhân ở vùng này. Chuyện kể rằng, có lần nhà sử học Đào Duy Anh và nhà nho Trần Lê Hữu đến thăm cụ Phan Bội Châu lúc ấy đang an trí tại Huế. Hai nhà trí thức có hỏi cụ Phan Bội Châu, rằng: “Thưa cụ Phan, “Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” chẳng phải là vận vào Cụ hay sao?”. Phan Bội Châu trả lời: “Kể cái nghề cử tử xưa kia, tôi cũng có tiếng thật. Dân ta thường trọng người văn học và gán cho người ta tiếng nọ, tiếng kia. Nhưng nếu Nam Đàn có thánh thực, thì chính là ông Nguyễn Ái Quốc, chứ chẳng phải ai khác”2. Qua đó, thấy rằng, Phan Bội Châu rất trân trọng Nguyễn Ái Quốc, cho dù cụ Phan là bậc cha chú của Nguyễn Ái Quốc.
     Với cụ Phan Châu Trinh cũng vậy. Tuy Cụ cũng là bậc cha chú của Nguyễn Ái Quốc, nhưng Cụ rất tôn trọng những chính kiến của Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc gặp cụ Phan Châu Trinh tại Paris vào khoảng năm 1918 và những năm sau, sau khi Nguyễn Ái Quốc từ Luân Đôn, Anh đến Paris, Pháp.
     Trong thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Paris, thì xảy ra việc Pháp đánh Nga. Sự kiện này, gây xôn xao dư luận nước Pháp. Báo chí Pháp cập nhật đưa tin về việc Pháp đánh Nga. Phái chủ chiến Clêmăngsô gào to: “Đánh!”, “Đánh!”. Phái chủ hòa như các nghị sĩ Mácsen Casanh, Alếchxăngđrơ, Écnét Laphông, Briđông,… thì hô lớn: “Đả đảo chiến tranh!”. Tin tức binh lính Pháp phản chiến giội về Paris, gây xúc động mạnh trong nhân dân Pháp. Lúc ấy, có người thợ máy Việt Nam tên là Tôn Đức Thắng làm việc trên tàu Phơrăngxơ, dũng cảm kéo lá cờ đỏ trên tàu, tỏ rõ ý chí ủng hộ nước Nga Xôviết. Việc làm có tính chất nghĩa cử của nhà hoạt động quốc tế – cách mạng Tôn Đức Thắng trên biển Đen năm 1919, thật phù hợp với hoạt động của Nguyễn Ái Quốc phản đối nhà cầm quyền Pháp không được tiến công nước Nga. Biển Đen – Paris, một khoảng trời, hai con người Việt Nam, tuy chưa một lần gặp mặt, nhưng đều có chung một cảm tình với nước Nga cách mạng. Tình cảm của Nguyễn Ái Quốc đối với nước Nga cách mạng luôn luôn chân thành và mãnh liệt. Người muốn mở rộng tầm nhìn, từ chỗ muốn giải phóng một dân tộc đến chỗ muốn giải phóng cả nhân loại cần lao. Người muốn đổi mới thế giới bằng việc ủng hộ nước Nga cách mạng. Đi trên đường phố Paris, Người tâm sự với một người bạn Pháp tên là Giắc Đuyclô: “Giắc ơi, cách mạng Nga đang bị tấn công. Nhưng nó sẽ chiến thắng mọi kẻ thù!”3. Lời tiên đoán của Nguyễn Ái Quốc được chứng minh là đúng khi đoàn chiến hạm Pháp rút khỏi Xêvátxtôpôn vào ngày 21-4-1919 để trở về Pháp, chấm dứt cuộc can thiệp vào nước Nga.
     Năm 1919, Người cùng với một số nhà yêu nước Việt Nam tại Pháp, ký bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Vécxây, đòi quyền dân sinh, dân chủ cho nhân dân Việt Nam.
     Nghĩ đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc luôn luôn hướng về đất nước Việt Nam yêu dấu của mình. Nhân sự kiện Vécxây và sự kiện các nước đế quốc tấn công nước Nga cách mạng, Nguyễn Ái Quốc càng nghĩ đến Tổ quốc Việt Nam. Làm thế nào để đưa nhân dân nước mình thoát khỏi cảnh lầm than, được giải phóng, được làm người, đúng với nghĩa của nó? Câu hỏi này làm Người trăn trở. Người nhiều lần mang vấn đề giải phóng Tổ quốc Việt Nam ra bàn bạc, trao đổi với một số người Việt Nam lúc ấy như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Khánh Ký,… Trong cuộc đàm luận ngày ngày 19-12-1919, Nguyễn Ái Quốc phàn nàn việc nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương tiếp tục chính sách ngu dân, bằng cách không cho mở mang trường học. Theo Người, chừng nào nhân dân Đông Dương không được hưởng nền giáo dục bắt buộc và báo chí không được tự do nói lên một điều suy nghĩ, thì việc giáo hóa các dân tộc Đông Dương không thể tiến hành một cách hiệu quả, nhanh chóng, và vì vậy, đời sống tinh thần của họ sẽ không được cải thiện. Nguyễn Ái Quốc than vãn với Phan Châu Trinh, rằng, tại sao 20 triệu đồng bào chúng ta lại không làm gì để buộc Chính phủ Pháp phải trả lại cho chúng ta quyền làm người. “Chúng ta là người, chúng ta phải được đối xử như con người. Tất cả những ai không muốn coi chúng ta như đồng loại với họ, những người bình đẳng với họ, đều là kẻ thù của chúng ta. Chúng ta không được chung sống với họ trên cùng một trái đất này”4.
     Khác với quan điểm của Nguyễn Ái Quốc, quan điểm của Phan Châu Trinh thiên về cải lương, cho rằng, liệu đồng bào ta sẽ làm gì được, “khi trong tay không có vũ khí chống lại những súng ống khủng khiếp của người Âu”5. Vẫn giữ quan điểm như năm 1906 đã công bố, Phan Châu Trinh muốn đưa nhân dân Việt Nam vào nền văn minh, ngang hàng với Nhật Bản, bằng cách “đấu tranh nói”, đề nghị Chính phủ Đông Pháp “có chế độ nhân quyền để cứu vớt dân chúng ra khỏi sự lộng hành và lạm quyền do sự chuyên chế của quan lại và viên chức Pháp mà họ là nạn nhân; cải tổ thôn, xã, làm sao ngăn ngừa được các hào lý không lộng hành và lạm quyền trên lưng người dân. Cuối cùng là thay thế các quan lại già bằng những người trẻ từng được tiếp thụ học vấn trong các nhà trường Pháp, đồng thời, lại biết chữ nho”6.
     Phan Châu Trinh khao khát một cuộc cải cách không đổ máu ở Đông Dương. Nhưng nhà ái quốc ấy cũng tiên đoán rằng, rồi đây, máu sẽ chảy, dân Đông Dương sẽ chết vì bạo lực sẽ xảy ra. Ông nắm chắc điều đó và cũng đau xót về điều đó.
     Nguyễn Ái Quốc phê phán mạnh mẽ quan điểm “đấu tranh bằng lời” của Phan Châu Trinh. Người cho rằng, dân tộc ta phải chờ đợi sự thay đổi đã 60 năm nay. Nhưng Chính phủ Pháp không những không đáp ứng được sự thỉnh cầu của nhân dân, mà còn trả lời họ bằng roi vọt, lưỡi lê, máy chém, súng đạn, nhà tù, lưu đày và tử hình. Người thưa với Phan Châu Trinh: “Nếu Bác luôn luôn tin cậy vào sự quan tâm của Chính phủ (Pháp) để cải thiện mọi tình trạng hiện nay, thì Bác phải đợi đến muôn đời”7. Trước mặt Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc căm phẫn tố cáo chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương: “Khi người ta không muốn đối xử với chúng ta như những con người, thì thật là vô ích, khi phải sống hèn hạ và bị lăng nhục trên trái đất này. Chừng nào người ta tước mất của chúng ta quyền công dân và chính trị, thì người ta vẫn tiếp tục coi chúng ta như kẻ thù, như nô lệ”8. Nguyễn Ái Quốc khẳng định rằng, với chủ nghĩa thực dân, chúng ta không thể ngồi “bàn suông” về một sự giải phóng. Vấn đề là phải tổ chức nhân dân đấu tranh. Trước khí tiết của Nguyễn Ái Quốc và nghị lực phi thường của Người đã làm cho Phan Châu Trinh cảm động. Phan Châu Trinh ngày càng nhận rõ gương mặt của Nguyễn Ái Quốc. Cụ thấy mình đuối sức trong khi thấy trí tuệ của Nguyễn Ái Quốc ngày càng cường tráng. Sau này, vào năm 1922, Phan Châu Trinh viết thư cho Nguyễn Ái Quốc: “Cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia phong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả dạ, may ra có tỉnh giấc hôn mê. Còn Anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông. Tôi cầu chúc cho Anh thành công và hy vọng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở”9. Sự chia tay về con đường cứu nước với Phan Châu Trinh càng thúc đẩy Nguyễn Ái Quốc hoạt động hăng hái. Trước mặt Người là sự nghiệp giải phóng Việt Nam, Tổ quốc yêu dấu của Người và của nhân dân.
     Đấy, sự thật về con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh là như vậy. Tiếc thay, có một số người cố tình xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự thật, làm cho người ta hiểu sai đi về nhà yêu nước và cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, cần phải lên án những người cố tình bôi nhọ lịch sử.
     Có một nhà thông thái đã viết: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”10.
------   
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 185.
2. Website: VTC News, ngày 30-9-2015.
3. G.Đuyclô: Những ngày Paris, in trong cuốn “Bác Hồ ở Pháp”, Nxb Văn học, Hà Nội, 1970, tr.25.
4. Báo cáo của mật thám Pháp Êđua (Edouard) về Nguyễn Ái Quốc năm 1919, Tạp chí Lịch sử Đảng, số tháng 3-1983, tr.65,66,67.
5. Báo cáo của mật thám Pháp Êđua (Edouard) về Nguyễn Ái Quốc năm 1919, đã dẫn.
6. Báo cáo của mật thám Pháp Êđua (Edouard) về Nguyễn Ái Quốc năm 1919, đã dẫn.
7. Báo cáo của mật thám Pháp Êđua (Edouard) về Nguyễn Ái Quốc năm 1919, đã dẫn.
8. Báo cáo của mật thám Pháp Êđua (Edouard) về Nguyễn Ái Quốc năm 1919, đã dẫn.
9. Trích “Thư của Phan Châu Trinh gửi Nguyễn Ái Quốc”, ngày 18-12-1922. Tài liệu lưu trữ tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng.
10. Raxun Gamzatốp: Đaghextancủatôi, quyển 1, Nxb Cầu Vồng (Liên Xô), năm 1984, tr. 9.


HỌ ĐANG BÓP MÉO LỊCH SỬ (Bài 2)


 
CHỦ NGHĨA CẢI LƯƠNG Ở VIỆT NAM HỒI ĐẦU THẾ KỶ XX

           PGS,TS Đàm Đức Vượng


     1. Đấu tranh để giành lại nước bằng con đường cải lương trong lúc cách mạng chưa giành được chính quyền sẽ không bao giờ mang lại độc lập cho dân tộc. Kinh nghiệm này được xem như một quy luật của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc. Đừng tưởng rằng, chế độ thực dân ở Đông Dương trả lại nền độc lập cho Việt Nam một cách dễ dàng. Trong cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc quyết liệt, nếu dựa vào đế quốc này để đánh đế quốc kia cũng chỉ là ảo tưởng, vì các nước đế quốc lớn đánh nhau xong, rồi lại họp nhau lại để chia chác thị trường thế giới và phân công nhau thống trị các nước thuộc địa và phụ thuộc nhỏ bé.
     Chủ nghĩa cải lương là trào lưu chính trị bên trong của phong trào công nhân nhằm đấu tranh giành những cải cách nhỏ bé, không động đến cơ sở của chế độ bóc lột, thay thế cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống chủ nghĩa tư bản; phủ nhận tính tất yếu của đấu tranh giai cấp, của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, có thể nói, chủ nghĩa cải lương là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, gắn với chủ nghĩa cơ hội và hệ tư tưởng cơ hội hữu khuynh của chủ nghĩa cải lương. Chủ nghĩa cơ hội là “anh em sóng đôi” với chủ nghĩa cải lương. Chủ nghĩa cơ hội là chủ nghĩa đầu hàng, thỏa hiệp với đế quốc, một khuynh hướng trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước, đặt quyền lợi của dân tộc phụ thuộc vào quyền lợi của giai cấp bóc lột. Cũng như chủ nghĩa cải lương, cơ sở xã hội của chủ nghĩa cơ hội là tầng lớp “công nhân quý tộc”. Chủ nghĩa cơ hội xuất hiện và phát triển vào thời kỳ phát triển hòa bình của chủ nghĩa tư bản, thời kỳ trước tư bản lũng đoạn. Ở giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, chủ nghĩa cơ hội phát triển nhanh và trở thành khuynh hướng thống trị trong các đảng chính trị của Quốc tế II. Tới Chiến tranh thế giới thứ nhất, chủ nghĩa cơ hội phát triển thành chủ nghĩa sôvanh nước lớn. Trong cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc, những người cộng sản, một mặt, đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cải lương, mặt khác, chủ trương lôi kéo những phần tử tích cực trong chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa cơ hội vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc chống chủ nghĩa đế quốc và áp bức dân tộc.
     Chủ nghĩa cải lương không có một thế giới quan hoàn chỉnh và thống nhất. Họ tuyên bố phép biện chứng đã lỗi thời, không đếm xỉa gì đến chủ nghĩa duy vật, coi chủ nghĩa xã hội là cái không có thực trong đời sống xã hội, tuyên truyền thuyết tiến hóa tầm thường.    
     Chủ nghĩa cải lương ra đời từ 25 năm cuối thế kỷ XIX và lan nhanh sang đầu thế ký XX. Nó đối lập với học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác – Lênin. Hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa cải lương đã lan ra khắp ra các nước tư bản và các nước thuộc địa, phụ thuộc. Cơ sở xã hội của nó là tầng lớp trên của giai cấp công nhân (“công nhân quý tộc”), các tầng lớp trung gian và giới quan liêu trong các công đoàn. Quốc tế thứ hai lúc đầu là Quốc tế cách mạng, sau trở thành tổ chức quốc tế của chủ nghĩa cải lương.
     Những người cải lương đưa ra “lý luận” hợp tác giai cấp, hòng đem giai cấp công nhân và nhân dân lao động phục tùng chế độ tư bản và chế độ thống trị của chúng ở các nước thuộc địa. Họ đưa ra “lý luận” chủ nghĩa xã hội dân chủ, tức là đem nhập chủ nghĩa tư bản vào chủ nghĩa xã hội để đối lập với học thuyết cải tạo xã hội bằng cách mạng. Những người cải lương hy vọng nhờ một số cải cách nhỏ nhoi mà có thể biến chủ nghĩa tư bản và ách thống trị của chủ nghĩa thực dân ở các nước thuộc địa thành một xã hội “thịnh vượng chung”. Vấn đề đặt ra là nếu không cải tạo cách mạng đối với xã hội, thì không một cuộc câch nào, có thể mang lại sự giải phóng dân tộc và có thể tạo ra chủ nghĩa xã hội.
     Chủ nghĩa Mác – Lênin đã bóc trần bản chất tư sản của các thứ lý luận cải lương và hoạt động của những người cải lương trong cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc quyết liệt để lấy lại nước và thiết lập chính quyền cách mạng. Đây không phải là vấn đề bảo thủ, “cố hữu” như một số người do nhận thức sai trái đã rêu rao, vu khống, mà là vấn đề nhận thức quan điểm cách mạng của những người cộng sản hồi đầu thế kỷ XX.
     Những người cộng sản chân chính đã luôn luôn và kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cải lương dưới mọi hình thức. Họ không phủ nhận rằng, dưới chế độ tư bản chủ nghĩa và dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đảng của giai cấp công nhân cần phải đấu tranh giành những cải cách nhất định để cải thiện tình hình kinh tế, chính trị và văn hóa của dân tộc mình, nhưng họ chỉ coi những cải cách ấy là những kết quả phụ của cuộc đấu tranh giai cấp, mà mục đích cơ bản là phải thay thế xã hội tư bản và xã hội thực dân, phong kiến bằng xã hội xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong cuộc đấu tranh giai cấp, những người cộng sản sẵn sàng chủ trương hợp tác với các đảng xã hội dân chủ trong cuộc đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.  
     Ở đây, cũng cần phải nhận thức cho đúng giữa chủ nghĩa cải lương và vấn đề cùng tồn tại hòa bình có khác nhau. Cùng tồn tại hòa bình là vấn đề có tính nguyên tắc quan hệ giữa các nước có chế độ xã hội đối lập. Nguyên tắc này đòi hỏi phải từ bỏ chiến tranh, xem đó như một phương tiện để giải quyết những vấn đề tranh chấp. Trong cuộc đấu tranh để giành chính quyền về tay nhân dân, cách mạng không thể thắng cùng một lúc ở tất cả các nước. Vì vậy, trong một thời gian lịch sử nhất định, có thể kéo dài, trên thế giới không thể tránh khỏi có những nước tư bản chủ nghĩa cùng tồn tại bên cạnh các nước xã hội chủ nghĩa, lấy đó làm chính sách đối ngoại của nhà nước mình cả trong điều kiện hiện nay. Cùng tồn tại hòa bình, đòi hỏi không được can thiệp vào công việc nội bộ của các dân tộc, phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, phải phát triển những quan hệ kinh tế, văn hóa giữa các nước. Tồn tại hòa bình không có nghĩa từ bỏ đấu tranh vũ trang trong trường hợp nước khác tấn công nước mình, muốn dùng vũ khí để áp đặt sự thống trị của họ lên nước mình. Mọi dân tộc đều có quyền cầm vũ khí chống xâm lược và bóc lột. Tồn tại hòa bình cũng đòi hỏi phải có cả đấu tranh chính trị trên vũ đài quốc tế. Tồn tại hòa bình không mở rộng sang lĩnh vực tư tưởng.
     2. Chủ nghĩa cải lương xuất hiện tại Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX khi chủ nghĩa cơ hội chạy đua vào để giải quyết vấn đề xã hội theo quan điểm của họ.
     Ngay từ năm 1911, khi Nguyễn Tất Thành (Văn Ba) xuống tàu biển ra đi tìm đường cứu nước. Trên tàu, Anh đã gặp một phần tử quốc gia cải lương tên là Bùi Quang Chiêu, kỹ sư canh nông, vào làng Tây, đi tàu hạng nhất cùng với gia đình ông ta đưa con sang học tại Pháp. Trông thấy Văn Ba, Bùi Quang Chiêu gọi Anh lại và thân mật bảo: “Tại sao con lại làm cái nghề khó nhọc này? Bỏ nghề này đi. Con nên chọn một nghề khác, danh giá hơn,…”1. “Anh Ba lễ phép cảm ơn ông Chiêu, nhưng không nói đồng ý hay không”2. Trong khi các phần tử cải lương và cơ hội chưa dứt lời tụng ca chế độ dân chủ có khả năng ngăn ngừa được chiến tranh, mà đất nước vẫn giành được độc lập, tự do, thì cục diện chính trị thế giới hồi đầu thế kỷ XX nổi lên những cơn bão táp cách mạng, mà nổi bật nhất là Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Khẩu hiệu chiến lược cách mạng của V.I.Lênin: “Giai cấp công nhân tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức liên hiệp lại!”3 có sức lan tỏa rộng tới phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trong đó có Việt Nam.
     Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” (năm 1927), nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc nhận định chủ nghĩa cải lương ở Việt Nam chỉ có thể giúp chính đảng, chứ không thể hợp với chính đảng4.
     Trên mặt trận chính trị và tư tưởng, quan điểm cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đã đẩy lùi quan điểm cải lương, tư tưởng dân tộc hẹp hòi và chiếm ưu thế trong phong trào cách mạng Việt Nam. 
     Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc khác với con đường của các nhà yêu nước tiền bối. “Đó là con đường dân tộc độc lập và dân chủ, tự do của những người Việt Nam yêu nước nồng nàn, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân”5. Con đường ấy hoàn toàn khác với con đường cải lương mà một số người đã đi.
     Chủ nghĩa cải lương ở Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, biểu hiện: (1) Cải cách xã hội trong khuôn khổ của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, thay thế cho cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta chống chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến Nam triều. (2) Dựa vào chế độ Đông Pháp để đánh đổ triều đình Nguyễn. (3) Họ không quan tâm đến lợi ích của nhân dân lao động, mà chỉ vun vén cho các tầng lớp trên. (4) Về thành phần cứu nước, họ không nói gì đến giai cấp công nhân và giai cấp nông dân cơ bản, mà chỉ hướng về giai cấp tiểu tư sản, tầng lớp quan lại và trí thức. (5) Trên trường chính trị, họ muốn điều hòa giai cấp, hợp tác giai cấp, hòng đem nhân dân lao động phục vụ quyền lợi của giai cấp thống trị. (6) Việc chủ trương dựa vào đế quốc này để đánh đổ đế quốc kia cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa cải lương.
     Rồi kết cục ra sao? Những người theo chủ nghĩa cải lương và ảnh hưởng của chủ nghĩa cải lương cũng bị thực dân loại bỏ. Những người đi con đường Đông du, rút cục bị trục xuất ra khỏi nước Nhật do Pháp và Nhật lúc bấy giờ câu kết với nhau để thanh toán những nhà yêu nước Việt Nam trong cuộc hành trình Đông du. Những người chủ trương cải cách xã hội trong khuôn khổ của chế độ Đông Pháp, rút cục, cũng bị vô hiệu hóa. Chủ nghĩa cải lương sụp đổ. Nhà yêu nước Phan Bội Châu bị chính quyền Đông Pháp cho “an trí” tại Huế. Nhà yêu nước Phan Châu Trinh cũng bị nhà cầm quyền Đông Pháp kiểm soát. Nhiều nhà yêu nước chân chính khác bị chính quyền Đông Pháp bắt giam hoặc bị giết. Có người lúc đầu theo xu hướng cải lương, sau lại trở thành nhà yêu nước như Phan Châu Trinh. Cụ Phan Bội Châu sục sôi tinh thần cứu nước, nhưng vẫn không cứu được nước.
     Quan điểm của Nguyễn Ái Quốc lúc này là dân tộc Việt Nam muốn được độc lập, tự do thật sự, các dân tộc bị áp bức phải trông cậy trước hết vào lực lượng của bản thân mình, người Việt Nam phải tự giải phóng lấy mình, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Kết luận ấy có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, nó soi sáng con đường đấu tranh cách mạng, động viên nhân dân ta tiến lên vì sự nghiệp cứu nước. Trên thực tế, đi con đường của Nguyễn Ái Quốc, nhân dân ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đấu tranh chống xâm lược và chống chủ nghĩa cải lương. Đất nước được độc lập như ngày hôm nay.
      Đảng Cộng sản Việt Nam, sau đó là Đảng Cộng sản Đông Dương, lúc bấy giờ rất cảnh giác với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa cơ hội dưới mọi hình thức. Đảng nhận định lúc bấy giờ đất nước ta xuất hiện một bộ phận “ra mặt quốc gia cải lương, chúng nó muốn lợi dụng phong trào cách mạng, một mặt thì yêu cầu với đế quốc cải lương chánh trị và kinh tế để thêm quyền lợi riêng của chúng nó (xin lập hiến, xin khai khẩn đất ruộng,v.v.), một mặt thì hô hào tư bổn và vô sản bản xứ hợp tác và làm bộ yêu cầu cải cách sanh hoạt của công nông. Mục đích của chúng nó là cốt lừa gạt quần chúng và phá hoại c.m (cách mạng). Trong giai cấp tiểu tư sản thì những bọn bị áp bức nhứt đã bắt đầu theo phong trào c.m (cách mạng), một phần nữa thì theo ảnh hưởng quốc gia cải lương”6.
     Cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa cải lương đã giành được thắng lợi, khi toàn dân đoàn kết một lòng, chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân tộc gắn với thời đại là mục tiêu mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định ngay từ khi mới thành lập và được nhân dân đồng tình ủng hộ, mang lại thắng lợi vẻ vang.