Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Cần có cái nhìn khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam

QĐND - Ngay sau khi giành được độc lập (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, vấn đề có tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo của Việt Nam là: “Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”. Tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đảng và Nhà nước Việt Nam thể hiện trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Quan tâm đến công tác tôn giáo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung và đời sống của đồng bào các tôn giáo nói riêng là một trong những nguyên tắc lãnh đạo, quản lý xã hội và điều hành đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam năm 1946 đã khẳng định quyền của người dân Việt Nam: “Mọi công dân Việt có quyền tự do tín ngưỡng” (Chương II, mục B). Điều 80 Hiến pháp 1980 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Điều 70 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 được bổ sung rõ hơn: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền nhân thân cơ bản của công dân cũng được đề cập trong Bộ luật Dân sự, được bảo vệ bằng pháp luật và được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng ở mức độ cao hơn, hoàn thiện hơn. Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 26/1999/NĐ-CP, ngày 19-4-1999 về các hoạt động tôn giáo đã được thay thế bằng Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18-6-2004 và Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 29-6-2004. Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo ra đời là một minh chứng khẳng định nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Thực tế, những chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo không phải chỉ được khẳng định ở Hiến pháp, pháp luật hay trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng mà được thể hiện sinh động trong cuộc sống hằng ngày.
Các số liệu được đưa ra tại cuộc tọa đàm về tự do tôn giáo được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức ngày 20-6-2013 ở Oa-sinh-tơn cho thấy, nhận thức và hoạt động tôn giáo tại Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn trong vòng 20 năm qua. Đời sống tôn giáo ở Việt Nam chưa bao giờ sôi động như hiện nay và đang phát triển theo chiều hướng tích cực, tạo ra sự ổn định trong xã hội. Số người theo tôn giáo đã tăng từ 22 triệu lên 25 triệu người trong vòng 2 năm, trong khi số tôn giáo được công nhận đã tăng từ 6 lên 13 trong vòng 8 năm. Rất nhiều tôn giáo có đại diện trong Mặt trận Tổ quốc và Quốc hội, góp phần củng cố chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Cũng tại cuộc tọa đàm này, Tiến sĩ Cơ-rít Xây-plơ, Chủ tịch Viện Can dự toàn cầu (IGE), một tổ chức phi chính phủ Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam đã đánh giá cao những tiến triển về tự do tôn giáo tại Việt Nam: “Tại khu vực Tây Bắc, đã có hơn 300 nhà thờ được đăng ký và con số này tại Tây Nguyên là hơn 2000. Ngay trong tuần này, một chủng viện Tin lành đã lần đầu tiên được đăng ký tại Việt Nam. Lần đầu tiên kể từ năm 1975, Chính phủ Việt Nam sẽ tài trợ 150.000USD cho công tác nghiên cứu về vấn đề tôn giáo và pháp quyền. Chúng tôi đồng hành với những gì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đang thực hiện. Nếu không có những quyết định tích cực của Việt Nam thì chúng tôi sẽ không thể hoạt động tại đây”.
Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ (năm 2011), Việt Nam có hơn 25 triệu tín đồ (chiếm hơn 1/4 dân số), trong đó Phật giáo khoảng 10 triệu người, Công giáo 6,1 triệu, Cao đài 2,4 triệu, Hòa hảo 1,2 triệu, Tin lành 1,5 triệu và Hồi giáo khoảng 100.000. Nếu kể các hành vi thờ cúng tổ tiên, thành hoàng, vua Hùng… thì hầu hết người Việt có tâm linh tôn giáo. Song điều quan trọng là, mọi sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam đều diễn ra bình thường, không gặp bất cứ sự cản trở nào. Những ngày lễ của các tôn giáo được tổ chức trọng thể theo đúng nghi thức tôn giáo, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng vào chính sách tôn giáo và pháp luật của Nhà nước Việt Nam, đồng thời bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận tại Điều 18 Tuyên ngôn nhân quyền toàn thế giới năm 1948 và được phát triển đầy đủ hơn trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 của Liên hợp quốc. Điều 18, khoản 3 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị nói về quyền tự do tôn giáo đã xác định: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Như vậy, theo quan điểm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, mặc dù là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là tuyệt đối, mà là một quyền có giới hạn. Sự giới hạn đó là cần thiết nếu việc thực hiện quyền này xâm hại tới an ninh quốc gia, trật tự xã hội, sức khỏe cộng đồng hoặc quyền và tự do cơ bản của người khác. Nói cách khác, ở tất cả các nước, các loại hình tổ chức tôn giáo đều được tự do hoạt động nhưng phải trong giới hạn của Hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi hoạt động tôn giáo gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm đạo đức và các quyền của người khác… đều bị cấm và nghiêm trị theo pháp luật. Vì vậy, những kẻ lợi dụng tôn giáo để trục lợi cá nhân, thực hiện những hành động chống chính quyền, gây mất ổn định trật tự xã hội thì phải bị xử lý thỏa đáng.
Chúng ta cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, trong những năm qua, hoạt động tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo vẫn còn một số thiếu sót ở một vài địa phương, trong một số vụ việc cụ thể. Thế nhưng, về cơ bản, lãnh đạo các chức sắc tôn giáo tại Việt Nam và đông đảo những người có lương tri trên thế giới đến thăm Việt Nam đều thừa nhận những thành tựu to lớn của nước ta trên lĩnh vực tôn giáo.
Có thể kể đến đánh giá của Thượng nghị sĩ Mỹ Gim-oép-bơ (Jim Webb) sau chuyến thăm Việt Nam năm 2009 rằng: Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể, song không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là từ năm 1991 đến nay. Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Va-ti-căng Ba-lê-xtre-rô trong chuyến thăm Việt Nam (tháng 2-2012) đã ghi nhận: Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhất quán và không ngừng hoàn thiện chính sách tôn trọng và đảm bảo tự do tôn giáo của người dân. Ngay cả Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2012 của Bộ Ngoại giao Mỹ (công bố ngày 20-5-2013), phần đánh giá về Việt Nam cũng phải ghi nhận: “Đã có những dấu hiệu cải thiện, như cấp phép đăng ký cho các giáo đoàn mới, cho phép mở rộng các hoạt động từ thiện và cho phép tổ chức các buổi lễ tôn giáo quy mô lớn với trên 100.000 người tham dự”...
Vì vậy, có thể nói việc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua cái gọi là “Dự luật nhân quyền Việt Nam” (HR 1897) ngày 28-6-2013, do hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ét Roi-xơ (Ed Royce) và Cơ-rít Xmit (Chris Smith) khởi xướng là một việc làm đáng tiếc, tạo ra sự ảnh hưởng không tốt cho quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.

Đại tá, Thạc sĩ VŨ HỒNG KHANH

Kinh tế Việt Nam-cần những đánh giá trung thực, khách quan

QĐND - Gần đây, một số bình luận của các trang thông tin nước ngoài, blog cá nhân cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang tụt dốc không phanh, liên tục phá đáy. Họ cũng đưa ra dự báo nền kinh tế sẽ sụp đổ trong tương lai gần. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần một cái nhìn tỉnh táo, trung thực và khách quan về tình hình để có niềm tin vượt  qua khó khăn, thử thách.        
Gần đây, một số bản báo cáo về kinh tế Việt Nam vừa được các cơ quan, tổ chức ngân hàng, tài chính hàng đầu thế giới công bố. Trong báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam tháng 7-2013, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra nhiều dự báo lạc quan cho kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại và thời gian sắp tới. Ngay phần đầu của bản báo cáo, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định: "Môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định"; "lạm phát ở mức vừa phải: 6,7% (tháng 6-2013)", "tỷ giá khá ổn định trong thời gian dài: tỷ giá giao dịch trung bình của ngân hàng thương mại chỉ tăng khoảng 1,6%  trong vòng 12 tháng qua"; "dự trữ ngoại hối được cải thiện từ mức 2,2 tháng nhập khẩu (quý I năm 2012) lên mức khoảng 2,8 tháng nhập khẩu (quý I năm 2013)"; "mức độ rủi ro tín dụng quốc gia được cải thiện: tỷ lệ rủi ro hoán đổi tín dụng (CDS) giảm từ mức 350 điểm cơ bản (tháng 6-2012) xuống khoảng 250 điểm cơ bản (tháng 6-2013)".
Cũng theo WB, cán cân kinh tế đối ngoại của Việt Nam đã được cải thiện. Theo đó, xuất khẩu tăng ở mức cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu hàng xuất khẩu đa dạng hơn, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu công nghệ cao. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện trở thành mặt hàng có giá trị lớn (9,9 tỷ USD) và vượt qua các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như dầu thô, giày dép… Điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. WB đánh giá, mức thâm hụt thương mại 6 tháng đầu năm 2013 của kinh tế Việt Nam ước khoảng 1,4 tỷ USD là  ở "mức thấp". Trong năm 2012, Việt Nam đạt thặng dư cán cân thanh toán ở mức kỷ lục – đây là bước chuyển đáng ghi nhận từ mức thâm hụt 11% GDP (năm 2009) sang mức thặng dư 5,9% GDP (năm 2012). WB dự báo, cán cân thanh toán vãng lai ước tính sẽ tiếp tục thặng dư trong năm nay tuy là ở mức độ sẽ thấp hơn năm 2012.
Về độ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tuy giảm từ 11,8% GDP (năm 2008) xuống khoảng 7,7% GDP trong 6 tháng đầu năm 2013, nhưng Ngân hàng Thế giới cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn nhận Việt Nam là địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong tương lai ở khu vực ASEAN.
Đánh giá triển vọng của kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới cho rằng, tăng trưởng kinh tế ước tính ở mức 5,3% trong năm 2013 và khoảng 5,4% vào năm 2014. Lạm phát dự kiến ở mức 8,2% vào thời điểm cuối năm 2013. Như vậy, nhận định của Ngân hàng Thế giới cũng gần giống với những chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đưa ra. Theo đó, Việt Nam sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% và kiềm chế mức lạm phát ở khoảng 8%. Có thể thấy, nếu làm được như vậy, Việt Nam đã thực hiện được một nhiệm vụ rất khó là vừa kiềm chế được lạm phát (lạm phát cả năm 2011 lên tới 18,13%), vừa giữ tăng trưởng kinh tế ở một mức độ phù hợp để tạo tiền đề cho sự tăng tốc khi điều kiện thuận lợi hơn.
Hồi tháng 5-2013 vừa qua, sau khi tiến hành khảo sát thực tế tại Việt Nam, Đoàn tham vấn kinh tế vĩ mô thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã có những đánh giá tích cực về một số diễn biến kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách của Việt Nam. Cụ thể là kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu đang hồi phục từ mức đáy, chủ yếu nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Lạm phát đã giảm từ mức hai con số xuống còn khoảng 7%. Trưởng đoàn cán bộ IMF, ông An-phờ-rét Xíp-ky (Alfred Schipke) khẳng định, trong hơn một năm qua, Việt Nam đã khá thành công trong việc tái lập sự ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này được thể hiện qua việc lạm phát giảm mạnh, mà nhờ đó củng cố niềm tin vào đồng nội tệ.
IMF cũng khẳng định thị trường tài chính đã bình ổn trở lại, nhờ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc cung cấp thanh khoản và sáp nhập một số ngân hàng nhỏ, yếu kém.
Tương tự như đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng, thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam đã tăng lên hơn 9 tỷ USD trong năm 2012. Nhờ đó, tổng dự trữ quốc tế tính đến cuối tháng 2-2013 đã tăng lên hơn 2,5 tháng nhập khẩu dự kiến đối với hàng hóa và dịch vụ.
Đối với quản lý vàng, một vấn đề gây nhiều tranh luận trong thời gian qua, IMF nhìn nhận, nỗ lực của Chính phủ nhằm dừng việc các ngân hàng huy động vàng để cho vay và các hoạt động đầu cơ khác đã có hiệu quả. Đoàn IMF ủng hộ các biện pháp cấm ngân hàng nhận tiền gửi bằng vàng là vì lợi ích của ổn định tài chính và không thấy trường hợp nào cần rút lại các biện pháp quản lý hành chính đã được thực hiện.
Có thể thấy, các nhận định, các số liệu thống kê về kinh tế Việt Nam của các ngân hàng, tổ chức tài chính hàng đầu thế giới cũng gần giống với nhận định và số liệu thống kê của các cơ quan Nhà nước của Việt Nam. Không hề có chuyện các cơ quan của Việt Nam đã "đánh bóng", "tô hồng" số liệu như nhận định của một số trang thông tin, blog cá nhân trên mạng.  Đây cũng là những câu trả lời đầy sức nặng cho những nghi ngại, những đồn đoán, những đánh giá cảm tính rằng nền kinh tế Việt Nam đang "tụt dốc không phanh" và sẽ "sụp đổ trong tương lai gần". Nguyên nhân dẫn tới những nhận định phi lý ấy, không ít trường hợp là do thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và có những trường hợp là vì mang dụng ý xấu.
Ai cũng biết nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn. Thế nhưng có thể nhận rõ rằng, khó khăn của nền kinh tế Việt Nam cũng là nằm trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.
Trong cơn bão khủng hoảng kinh tế trên thế giới, Việt Nam đã và đang phải chịu những ảnh hưởng lớn. Là một quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu thì việc sụt giảm nhu cầu ở các thị trường trên thế giới đã gây tổn thất không nhỏ cho các ngành hàng của Việt Nam. Như một hiệu ứng dây chuyền, khó khăn của doanh nghiệp kéo theo khó khăn của ngân hàng, rồi thị trường bất động sản đóng băng, giá trị của đồng Việt Nam (VND) bị suy giảm nhất định so với USD...
Tuy nhiên, bằng những nỗ lực không ngừng của cả đất nước, chúng ta đang từng bước tháo gỡ các khó khăn, bước dần ra khỏi những thời khắc gay go nhất.
Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho thấy, sức mua đang được cải thiện. Chỉ số tiêu thụ sản phẩm đã tăng 7,5% so với cùng kỳ (theo số liệu 5 tháng đầu năm 2013). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 1.275.414 tỷ đồng, tăng 11,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 6 tháng vẫn tăng 4,9%.
Hàng tồn kho đang giảm đều đặn. Từ chỗ, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở thời điểm 1-1-2013 tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước thì đến thời điểm 1-6-2013 chỉ còn tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.    
Cùng với đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2013 so với tháng 5 năm 2013 chỉ tăng 0,05%. Chỉ số giá tiêu dùng một số nhóm như: Thực phẩm, giao thông, bưu chính viễn thông giảm. Sức ép về giá cả lên đời sống của người dân đang giảm dần.
Cùng với việc nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, Đảng, Nhà nước luôn tập trung chăm lo vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tìm cách nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Càng trong khó khăn thì giá trị của một chế độ chính trị-xã hội hướng tới con người càng được thể hiện rõ. Trong khi Chính phủ tại nhiều quốc gia đã và đang rậm rịch để cắt giảm lương của nhân viên Nhà nước, cắt giảm lương hưu, mức trợ cấp xã hội, thì tại Việt Nam, từ 1-7-2013, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã tăng từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng. Cùng với đó, Nhà nước cũng tăng thêm 9,6% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với một số đối tượng.
Để khắc phục tình trạng thiếu đói trong thời kỳ giáp hạt tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, từ đầu năm, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói 21,6 nghìn tấn lương thực. Theo báo cáo của các địa phương, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo trong 6 tháng đầu năm 2013 là 2.659 tỷ đồng.
Tuy kinh tế của Việt Nam đang rất khó khăn nhưng đại đa số người dân Việt Nam vẫn có đủ cơm ăn, áo mặc, không những thế một tỷ lệ không nhỏ người dân đã "ăn ngon, mặc đẹp", chất lượng sống ngày càng cao. Muốn đất nước vượt nhanh hơn ra khỏi cơn bão khủng hoảng kinh tế để tăng tốc phát triển thì cả xã hội Việt Nam đều phải nỗ lực, chung sức, chung lòng. Từ những nhà làm chính sách, những người làm công tác quản lý cho tới từng người dân cần nâng cao trách nhiệm, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước để Việt Nam sớm trở thành nước "công nghiệp hóa, hiện đại hóa", giàu mạnh, văn minh như mục tiêu đã đề ra.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Quyền con người trong chính sách đối ngoại của Việt Nam

QĐND - Ở tất cả các quốc gia, chính sách đối ngoại luôn luôn liên quan mật thiết đến chính sách đối nội và ngược lại. Đối với Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã gia nhập không chỉ là một mục tiêu, mà hơn nữa còn là một động lực của sự phát triển đất nước. Chính vì vậy mà trước Đại hội VI - Đại hội được xem là khởi đầu của công cuộc đổi mới, năm 1982 Nhà nước ta đã gia nhập nhiều Công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có 2 công ước: “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, 1966; “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa”[1], năm 1966. Đây là hai công ước cơ bản quy định toàn diện về các quyền con người.
Là một thành viên có trách nhiệm của Cộng đồng quốc tế và của các Công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã nội luật hóa các Công ước quốc tế mà mình là thành viên vào hệ thống pháp luật quốc gia. Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế về  quyền con người, trừ Công ước “Chống tra tấn”. Công ước này đang được Quốc hội xem xét các điều kiện trước khi tham gia. Tuy nhiên những nội dung của công ước này đã được quy định trong “Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị”, mà Việt Nam là thành viên. Có thể nói, cho đến nay, hệ thống pháp luật của Việt Nam về cơ bản đã tương thích với hệ thống công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc.
Trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chính sách đối ngoại về quyền con người của Việt Nam theo nguyên tắc: Nhất quán; tích cực; có trách nhiệm và tuân thủ các chuẩn  mực quốc tế về quyền con người. Là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia, đóng góp xây dựng và có trách nhiệm trên nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền con  người. Việt Nam rất coi trọng cơ chế kiểm điểm phổ cập định kỳ và đã thực hiện nghiêm túc Báo cáo kiểm điểm lần đầu  ngày 8-5-2009. Nhiều đại biểu tham gia hội nghị đã đánh giá cao báo cáo của Việt Nam về tính khách quan, trung thực và những sáng tạo của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người trong điều kiện của một quốc gia đang phát triển. Việt Nam cũng đã chấp thuận và đang nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị trong kiểm điểm đợt 1, nhằm tăng cường đối thoại theo cơ chế “Thủ tục đặc biệt”. Từ tháng 7-2010 đến nay, Việt Nam đã đón 4 đại diện “Thủ tục đặc biệt” của Liên hợp quốc về các vấn đề: “Dân tộc thiểu số”; về “đói nghèo cùng cực và nhân quyền”; về “quyền được chăm sóc y tế”. Thời gian tới, Việt Nam sẽ đón các đại diện “Thủ tục đặc biệt” về “Quyền giáo dục”, “Quyền có lương thực”, “Quyền văn hóa” như đã cam kết trong các công ước quốc tế về quyền con người, đồng thời sẽ tiếp tục xem xét đón thêm một số đại diện “Thủ tục đặc biệt” khác.
Trong quan hệ song phương, Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác, đối thoại với nhiều quốc gia trên lĩnh vực quyền con người. Việt Nam có cơ chế đối thoại nhân quyền hằng năm với nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, EU, Thụy Sỹ…Việt Nam cũng có những đóng góp thiết thực đáng kể để tăng cường hợp tác về nhân quyền trong ASEAN, đặc biệt trong quá trình thành lập và hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và việc xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Phnôm Pênh, tháng 11-2012.
Trong quan hệ với Hoa Kỳ, quyền con người là một vấn đề xuyên suốt các thời kỳ lịch sử, từ những trang đen tối trong chiến tranh đến những trang mới mẻ từ khi 2 nước thiết lập quan hệ bình thường. Điều quan trọng là cho đến nay, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có chung điều kiện và nhận thức về nhiều vấn đề đa phương và song phương. Chẳng hạn: Việt Nam và Hoa Kỳ đều là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và của các công ước quốc tế về quyền con người; nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ, trong đó có nhiều cựu chiến binh, mong muốn phát triển quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia, trước hết là về kinh tế, văn hóa cho đến những vấn đề khác như an ninh, quốc phòng nhằm duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, nhất là ở Biển Đông. Trên lĩnh vực quyền con người, hai bên cũng đã đạt được những bước tiến nhất định, đó là đã thiết lập được cơ chế đối thoại hằng năm giữa hai quốc gia trên lĩnh vực này. Không phủ nhận rằng, cho đến nay hai bên vẫn còn nhiều khác biệt về nhận thức, quan điểm cụ thể, nhưng cũng không thể phủ nhận được rằng, trong các cuộc đối thoại, cả hai bên đã thể hiện một cách thẳng thắn, cởi mở quan điểm của mình. Phía Việt Nam cũng đã ghi nhận những vấn đề nhân quyền mà phía Hoa Kỳ nêu ra.
Trong thời đại toàn cầu hóa, sự khác biệt về hệ tư tưởng, thể chế quốc gia không phải là rào cản không thể vượt qua trong quan hệ giữa các nước. Thực tế cho thấy, trên thế giới hiện tồn tại nhiều quốc gia với sự khác biệt về hệ tư tưởng và thể chế chính trị. Chẳng hạn, các nước theo chế độ cộng hòa tổng thống, cộng hòa đại nghị; các nước theo chế độ quân chủ, quân chủ nghị viện; các nước theo chế độ dân chủ nhân dân…và cả nhà nước tôn giáo (Vatican). Mặc dù có sự khác biệt nào đó nhưng cộng đồng quốc tế vẫn là một thể thống nhất. Sự khác biệt nào đó về quyền con người giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là có thể hiểu được. Sự khác biệt đó bắt nguồn từ những đặc thù về lịch sử, văn hóa và trình độ phát triển giữa hai quốc gia.
Đồng thời, nhân đây cũng phải thẳng thắn nói rằng: Việt Nam đang phải đối diện với những thế lực thù địch và những người mang quan điểm cực đoan, cường quyền, mưu toan lợi dụng vấn đề dân chủ và nhân quyền nhằm lật đổ chế độ xã hội và Nhà nước hiện hữu, chuyển sang mô hình dân chủ, nhân quyền “ngoại nhập”. Chẳng hạn như người ta xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận báo chí, bắt bớ bỏ tù những người được gọi là “bất đồng chính kiến” trong đó có các blogger; hoặc họ cho rằng Việt Nam đối xử tàn bạo với các tôn giáo với bằng chứng là những vụ xét xử 14 người có đạo ở Nghệ An, 20 người ở Phú Yên hoặc đạo “Hà Mòn" ở Tây Nguyên. Những người có nhận thức công bằng, khách quan thì không khó để bác bỏ những lập luận và chứng cớ nói trên. Pháp luật của bất cứ quốc gia nào cũng phải đồng thời bảo vệ nhân quyền và chế độ xã hội. Trong điều kiện hiện nay, một số quốc gia luôn phải đối diện với các lực  lượng chính trị đối lập với sự trợ giúp của các lực lượng chính trị cường quyền ở nước ngoài nhằm thay đổi chính phủ hiện hữu. Cái gọi là hoạt động “ôn hòa”, “bất bạo động” không nói lên bản chất chính trị, bất hợp pháp của những kẻ mưu toan lật đổ chế độ xã hội. Bởi vậy, Luật Hình sự Việt Nam có một số điều, như Điều 88, "Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”; Điều 258, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước…”; Điều 79, “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”…  nhằm ngăn cấm những hoạt động làm tổn hại đến chế độ xã hội là điều đương nhiên.
Về những cáo buộc vô căn cứ rằng Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo, “đối xử tàn bạo” với các tôn giáo, sự thật là những người có đạo bị đưa ra tòa xét xử không phải vì họ theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, mà là vì họ vi phạm pháp luật. Đúng hơn, họ đã lợi dụng quyền tự do tôn giáo để phục vụ ý đồ chính trị, lật đổ chế độ xã hội, thậm chí còn có ý đồ thành lập quốc gia riêng của họ. Chẳng hạn vụ án “Hội đồng công luật công án Bia Sơn”. Tổ chức này núp bóng doanh nghiệp hoạt động du lịch sinh thái, với tham vọng lớn: Lật đổ nhà nước  CHXHCN Việt Nam, thành lập “Nhà nước Đại Nam Kinh Châu”.
Đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về quyền con người như đã nói ở trên đều xuất phát từ mục tiêu, lý tưởng của Đảng, từ bản chất của chế độ ta. Nó hoàn toàn không phải xuất phát từ sức ép nào đó của cộng đồng quốc tế hoặc của các lực lượng chính trị đối lập trong và ngoài nước. Đường lối, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực quyền con người xuất phát từ tôn trọng giá trị nhân quyền phổ quát, đồng thời bắt nguồn từ truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc. 
Đường lối, chính sách trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam là tiếp tục hoàn thiện pháp luật, các cơ chế bảo đảm quyền con người; bảo đảm cân bằng giữa các nhóm quyền dân sự, chính trị với nhóm quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quan tâm nhiều hơn đến nhóm người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số…, những nhóm trong xã hội dễ bị tổn thương, như trẻ em, nữ giới, các dân tộc thiểu số... Việt Nam đặt lên hàng đầu yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự công cộng như là điều kiện cho tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quyền con người đối với Việt Nam không chỉ là việc thực hiện các cam kết quốc tế, mà trước hết là tranh thủ các nguồn lực về tinh thần, vật chất để phát triển đất nước, giữ vững và phát triển chế độ xã hội. Bởi vậy Đảng và Nhà nước ta khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác với Hoa Kỳ trên lĩnh vực quyền con người, bao gồm tiếp tục đối thoại về nhân quyền, thu hẹp những bất đồng về nhận thức giữa hai bên, giải quyết những vấn đề nhân quyền thiết thực trong đó có trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với nạn nhân trong chiến tranh, tìm kiếm, hồi hương hài cốt binh sĩ, xử lý ô nhiễm chất độc đi-ô-xin.
ĐỨC THÀNH - THANH TRÚC

1]- Trung tâm nghiên cứu quyền con người, “Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người”, 2002. Tr 650

Dân chủ, nhân quyền – Mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam

QĐND - Lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ XX cho thấy: Con đường cách mạng theo Chủ nghĩa Mác- Lê-nin đi từ giành độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước, đến xây dựng xã hội theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trước hết là do công lao học hỏi, nghiên cứu phát hiện của Nguyễn Ái Quốc, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vào thời kỳ đầu thế kỷ XX, tư tưởng dân chủ và quyền con người còn rất mới mẻ đối với các dân tộc thuộc địa, nhưng đã là một trong những “lực hấp dẫn” Nguyễn Ái Quốc tìm đến phương Tây. Thiên tài trí tuệ của Nguyễn Ái Quốc không chỉ thể hiện ở sự nhạy cảm đối với những vấn đề chính trị mới của thời đại, trong đó có cách mạng XHCN và cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa… mà Người còn sớm nhận thức được những giá trị chung của loài người, trong đó có quyền con người. Trong bài trả lời phỏng vấn một nhà thơ Liên Xô - Ô-xip Man-đen-xtam, năm 1923, Nguyễn Ái Quốc kể lại: "Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy...(vì vậy) tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài”[1].
Trong "Tuyên ngôn độc lập", năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng trích dẫn lại Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ - năm 1776; Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp - năm 1789, và suy ra một chân lý mới có ý nghĩa thời đại, đó là: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[2]. Có thể xem đây là quyền tự nhiên của các dân tộc, không phân biệt lớn- nhỏ, phát triển hay chậm phát triển. Với Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ vừa là tiền đề, vừa là điều kiện tiên quyết của chế độ dân chủ, quyền công dân và quyền con người. Có thể nói, tư tưởng giành độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, tạo tiền đề cho quyền con người của các dân tộc thuộc địa là đóng góp lớn lao nhất cho tư tưởng nhân loại trong thế kỷ XX.
Lịch sử đã ghi nhận, ngay sau khi cách mạng thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước ta đã tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội; thành lập chính phủ; xây dựng và ban hành Hiến pháp, hình thành cơ sở chính trị, pháp lý của Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; các quyền công dân và quyền con người của nhân dân ta được tôn trọng, bảo vệ. Hiếm có một cuộc cách mạng nào, một đảng chính trị nào lại có thể đồng thời làm được những công việc lớn lao, phức tạp - xây dựng chế độ dân chủ, hệ thống chính trị quốc gia chỉ trong vòng một năm như cuộc cách mạng của dân tộc ta. Có thể nói từ đây, nền tảng của chế độ dân chủ, nhà nước pháp quyền, các quyền công dân và quyền con người của chế độ ta đã được tạo dựng vững chắc và trở thành một mục tiêu nhất quán của cách mạng Việt Nam trên 70 năm qua (1945-2013).
Không phủ nhận rằng, do hoàn cảnh lịch sử và sai lầm về nhận thức lý luận, một số quyền công dân và quyền con người của nhân dân đã bị hạn chế. Chẳng hạn như sai lầm giáo điều trong việc học tập kinh nghiệm của nước ngoài, hạn chế vai trò của chính quyền nhân dân, vai trò của pháp chế trong cải cách ruộng đất; hay bệnh chủ quan duy ý chí, như xóa bỏ các thành phần kinh tế tư nhân, xóa bỏ kinh tế hàng hóa, cơ chế thị trường trong thời kỳ xây dựng xã hội XHCN sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng (1975-1986). Những sai lầm khuyết điểm này đã được Đảng ta phát hiện trong Đại hội VI (1986), Đại hội được xem là sự kiện khởi xướng công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.
Là chế độ tôn trọng con người, trước khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc (ngày 20-9-1977), Việt Nam đã tự nguyện gia nhập nhiều công ước về Luật Nhân đạo quốc tế (về nội dung cũng mang tính nhân quyền) như “Công ước Giơ-ne-vơ về bảo vệ thường dân trong chiến tranh” (gia nhập năm 1957), “Công ước Giơ-ne-vơ về đối xử với tù nhân trong chiến tranh” (gia nhập năm 1957)… Trước khi đổi mới, vào năm 1982, Việt Nam đã gia nhập hai Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, đó là “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị” (năm 1966) và “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa” (năm 1966).
Các Cương lĩnh 1991 và 2011 của Đảng ta đều khẳng định: Chế độ ta là chế độ do nhân dân làm chủ; Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Các quyền và tự do cơ bản của mọi người được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ.
Đối với Đảng và Nhà nước ta, quyền làm chủ trực tiếp của người dân luôn được quan tâm. Chỉ thị của Đảng (Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở), đã quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hằng ngày của nhân dân tại cơ sở… Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành Pháp lệnh Bảo đảm quyền được biết, được bàn, được kiểm tra và quyết định những vấn đề kinh tế, xã hội của người dân ở các cơ sở. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý của phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Trên lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và trong từng chính sách phát triển… tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội… giúp đỡ mọi thành viên xã hội, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương…” . Để bảo đảm hành lang pháp lý cho các hoạt động của cơ quan nhà nước và công dân, nhiều bộ luật, luật sửa đổi và luật mới được ban hành dựa trên các nguyên tắc: Tôn trọng con người, quyền con người; Dân chủ XHCN; Nhà nước pháp quyền XHCN và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm quốc gia, Việt Nam đã nội luật hóa các công ước quốc tế mà mình đã tham gia. Có thể dẫn ra những luật sau: Luật Bảo vệ sức khỏe người dân (1989), Luật Giáo dục (1998), Luật Đất đai (2003), Luật Bảo hiểm xã hội (2006), Luật Phòng, chống HIV/AIDS (2006), Luật Phòng, chống tham nhũng (2005), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007), Luật Bình đẳng giới (2011)... 
Ở tất cả các quốc gia, chế độ dân chủ và bảo đảm quyền con người là một quá trình lịch sử. Đơn giản vì dân chủ và quyền con người là thành quả sự phát triển tổng hợp của xã hội, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, đồng thời còn chịu sự tác động của các yếu tố lịch sử, văn hóa dân tộc. Ở nước ta cũng như vậy, trong mỗi thời kỳ lịch sử, nhận thức của Đảng, trình độ phát triển kinh tế và dân trí được nâng cao từng bước, bởi vậy dân chủ và quyền con người cũng từng bước được nâng cao. Bên cạnh đó, một thực tế chính trị ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới cho thấy: Quan điểm về dân chủ và quyền con người luôn có sự  khác biệt nào đó và những lực lượng chính trị cường quyền, cực đoan  luôn lợi dụng điều này để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Đây là một khó khăn, thách thức mà mọi quốc gia, trong đó có nước ta, phải vượt qua.
Hiến chương của Liên hợp quốc và các công ước quốc tế về quyền con người luôn xem quyền dân tộc tự quyết, xem vai trò của các nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người là yếu tố quan trọng, cơ bản nhất trong việc bảo đảm quyền con người. Đảng và Nhà nước ta cũng luôn ý thức rằng, bảo đảm quyền con người phải dựa trên pháp luật và nhà nước pháp quyền. Chính vì vậy mà Đảng và Quốc hội ta đã quyết định sửa đổi Hiến pháp 1992. Một trong những nội dung quan trọng trong lần sửa đổi này là đưa nội dung về vai trò, ví trí của quyền con người vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Nếu như trong Hiến pháp 1992, quyền con người chỉ được quy định trong một điều (Điều 50) và được đặt ở Chương V, thì trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, quy định về quyền con người được đặt ở Chương II, hình thành chương: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Chương này được đặt ngay sau Chương I “Chế độ chính trị”.  Trong Chương II, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế văn hóa và xã hội, bao gồm cả những quyền mới như quyền về môi trường, quyền hiến tặng tạng… đã được ghi nhận đầy đủ. Điều này không chỉ thể hiện rõ nhận thức của Nhà nước ta về tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, mà còn thể hiện khả năng của Đảng và Nhà nước ta “cập nhật” những thành quả sự phát triển của quyền con người của cộng đồng quốc tế. Đồng thời với việc sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội Việt Nam cũng đang sửa đổi nhiều luật, nhằm bảo đảm có hiệu quả hơn các quyền công dân và quyền con người.
Không phủ nhận rằng, hiện nay xã hội ta còn nhiều vấn đề bất cập liên quan đến bảo vệ quyền con người, chẳng hạn như sự phân hóa giàu nghèo; tình trạng quan liêu, tham nhũng chưa bị đẩy lùi,… nhưng không thể phủ nhận được rằng, ở nước ta chế độ dân chủ, quyền công dân và quyền con người là một thành quả của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Tôn trọng và bảo đảm quyền con người thuộc bản chất của chế độ ta, đồng thời là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam.
THÀNH NAM – PHƯƠNG ANH
[1] - Hồ Chí Minh, Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb Văn học, Hà Nội, 1981, tr. 477.

[2] - Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1995, tr. 1.

Dũng cảm, gương mẫu tự phê bình và phê bình, xử lý nghiêm sai phạm

QĐND - Nghị quyết Trung ương 4  (khóa XI) về xây dựng Đảng xác định vấn đề cấp bách đầu tiên là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”.
Biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị là phai nhạt lý tưởng, dao động, mất niềm tin vào đường lối của Đảng; không ý thức được trách nhiệm chính trị của người đảng viên. Sự suy thoái đạo đức, lối sống, biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ, cơ hội, vụ lợi, thực dụng, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, tham nhũng, lãng phí… Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện ở chỗ: Phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, dao động, thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức sai, quan điểm lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng”.
Nghiêm túc nhìn nhận có thể thấy rất rõ nguyên nhân. Về khách quan, do sự chuyển đổi phương thức quản lý kinh tế, xã hội phải vừa học, vừa làm và chịu tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, không lường hết những khó khăn, thách thức. So với các thời kỳ trước đây, chưa bao giờ đất nước lại triển khai xây dựng, phát triển với quy mô như ngày nay. Chưa bao giờ cán bộ lãnh đạo, quản lý tiếp xúc, nắm giữ khối lượng tài sản vật chất to lớn; chưa bao giờ những điều kiện vật chất, tiện nghi hưởng thụ cho con người phong phú như ngày nay. Mặt khác, các thế lực thù địch có nhiều âm mưu, thủ đoạn chống phá, nhằm chia rẽ nội bộ Đảng; phá hoại mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Về chủ quan, nguyên nhân chính, nguyên nhân sâu xa là do chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cực đoan, quên hết trách nhiệm, bổn phận, ngại khó, ngại khổ, ngại va chạm, chỉ lo thu vén cá nhân bằng mọi cách, mọi giá, bất chấp đạo lý, dư luận của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Do đó, trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng không đến nơi đến chốn; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói nhưng không làm, làm chiếu lệ; nói nhiều, làm ít;  nói một đường, làm một nẻo; không rõ trách nhiệm, buông trôi từ cấp trên; cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu không gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình. Trong sinh hoạt Đảng thủ tiêu tự phê bình và phê bình (TPB&PB); nương nhẹ, bỏ qua những khuyết điểm, vi phạm.
Các nguyên tắc cơ bản như tập trung dân chủ, TPB&PB chưa được cụ thể hóa bằng các quy định cụ thể để phát huy dân chủ thực sự; để có cơ sở kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Biểu hiện dân chủ hình thức, thủ tiêu đấu tranh phê bình làm cho tổ chức đảng không còn tính tiên phong, tính chiến đấu, tính giáo dục. Nhiều cơ chế, chính sách quản lý lạc hậu, cản trở nhưng chậm được thay đổi; nhiều văn bản quy định nhưng thiếu chế tài để duy trì kỷ cương, kỷ luật; thiếu nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thích ứng với vận hành của nền kinh tế thị trường. Tổ chức, bộ máy chưa hợp lý, chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, gây cản trở, vô hiệu hóa, triệt tiêu nhau. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn có tình trạng xuôi chiều, nể nang; không phát hiện và trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, năng lực yếu kém. Công tác kiểm tra, giám sát, duy trì kỷ cương, kỷ luật; đấu tranh với những vi phạm có nơi không chặt chẽ, thiếu thường xuyên, nghiêm túc. Công tác tuyên truyền giáo dục ít tác dụng, không thức tỉnh được lương tâm, đạo lý, đức hy sinh và động viên ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên; những việc làm đúng, gương tốt không được bảo vệ, đề cao; những sai sót, những vi phạm không được phê phán kịp thời, xử lý nghiêm túc.
Từ thực trạng nêu trên, vấn đề cơ bản và cốt lõi là nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, xây dựng tư tưởng, ý thức chính trị của mỗi đảng viên. Trong đó, cần tập trung vào việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng hiện nay.
Trước hết, từng cán bộ, đảng viên phải nhận rõ trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Uy tín chính trị của Đảng như tiền gửi vào ngân hàng, đó là "ngân hàng niềm tin" của nhân dân Việt Nam. Các thế hệ cách mạng gần thế kỷ qua đã phấn đấu hy sinh, đã gửi vào "ngân hàng niềm tin" một tài khoản rất lớn, cực lớn! Các thế hệ của Đảng ngày nay phải tiếp tục gửi, phải luôn bồi đắp “nguồn vốn” thiêng liêng này. Ba vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 nêu lên thực sự rất hệ trọng, nó liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Rõ ràng khi mất niềm tin thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Trong Di chúc, Bác Hồ căn dặn sau ngày hòa bình: “…việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”.
Thực hiện TPB&PB là bước đột phá để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi rọi vào bản thân về ba vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra theo cương vị, chức trách; phát hiện, góp ý, phê bình với đồng chí nhằm nhận rõ sai sót, khuyết điểm để kiên quyết sửa chữa, khắc phục. Đây chính là công việc chỉnh đốn Đảng theo lời căn dặn của Bác Hồ. Toàn Đảng, từ đảng viên thường đến cán bộ lãnh đạo cao nhất của Đảng phải thấy rõ trách nhiệm thiêng liêng đối với truyền thống vẻ vang của Đảng, trách nhiệm trước nhân dân và tương lai của đất nước. Kinh nghiệm lịch sử khi Đảng phát hiện ra khuyết điểm, sai lầm nhìn thẳng vào sự thật, kiên quyết sửa chữa, sẽ khôi phục niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhân dân lại tin theo Đảng trên bước đường cách mạng mới.
Hai là, nêu cao lòng dũng cảm. Trong một thời gian dài vừa qua, trong chỉnh đốn Đảng còn thiếu tinh thần đấu tranh, thiếu dũng khí, thiếu lòng dũng cảm. Quả thật đó là việc khó, rất khó, nếu thiếu lòng dũng cảm, dũng khí đấu tranh với bản thân thì không thể có chuyển biến được. Những hạn chế, khuyết điểm đó là của bản thân mỗi cá nhân, tổ chức, của nội bộ Đảng, là sự buông thả, vi phạm nguyên tắc, tư túi, cánh hữu, phe nhóm, đi liền với lợi ích là bất chính, phi pháp; nó làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, bị xã hội lên án...
Lòng dũng cảm của người tự phê bình là dám nói lên, nhận ra sai sót, khuyết điểm của bản thân để tập thể, nhân dân biết và tin tưởng vào những biện pháp sửa chữa, khắc phục. Sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp…thực tế ở cơ quan, tổ chức, đồng chí, nhân dân đều biết ở mức độ khác nhau. Mỗi người phải nghiêm túc, chân thành, thẳng thắn tự soi mình theo cương vị, chức trách mới tìm được sự thanh thản của lương tâm, mới đúng bổn phận và trách nhiệm của người đảng viên, giữ đúng và thực hiện lời hứa của mình từ khi vào Đảng. Có người đặt câu hỏi: Nếu không thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 thì sao? Đó là câu hỏi đầy trách nhiệm. Bởi vì, chính nghị quyết đã chỉ ra tình trạng: “Hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm”. Nghiêm túc nhìn nhận chúng ta đều thấy, quá trình thực hiện các chủ trương, nghị quyết về xây dựng Đảng chưa đến nơi, đến chốn; nhiều nơi, nhiều người còn nói nhiều, làm ít; chỉ nói không làm; thiếu dũng khí trong đấu tranh TPB&PB. Nhiều người tự phê bình chỉ mang tính hình thức, tránh tội, tranh công, đổ lỗi cho người khác. Có nơi sinh hoạt TPB&PB biến thành nơi tâng bốc, xu nịnh, đánh bóng “lăng xê” nhau … Vì vậy, thực hiện TPB&PB hơn bao giờ hết đòi hỏi lòng dũng cảm của người TPB&PB, trước tiên là cấp trên gương mẫu. Khi cấp trên, người đứng đầu gương mẫu, dũng cảm tự phê bình chắc chắn sẽ phát động, lôi cuốn mọi người làm theo. Đây thực sự là điểm mấu chốt của vấn đề để đem lại kết quả trong thực hiện TPB&PB.
Ba là, sự chân thành. Theo lời dạy của Bác Hồ, mục đích của phê bình là dùng thuốc trị bệnh, cứu người. Phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa sai sót, để làm việc tốt hơn, để đoàn kết nội bộ. Thực hành TPB&PB phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, chống biểu hiện lợi dụng phê bình để công kích người mình không ưa, thái độ đối với người mắc sai lầm, khuyết điểm như “đối với hổ mang, thuồng luồng”. Người cũng cho rằng: Phải xem xét kỹ sai lầm, khuyết điểm, có hình thức kỷ luật một cách xác đáng, không nương nhẹ. Hoàn toàn không phải như cách làm ở đâu đó theo cách “xử lý nội bộ” thực chất là bao che, lo lót cho nhau theo lợi ích nhóm.
Bốn là, kiên quyết xử lý sai phạm, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng. Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân mong muốn và kỳ vọng việc thực hiện TPB&PB theo Nghị quyết Trung ương 4 phải làm nghiêm túc và thực chất hơn, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, sai phạm. Dư luận xã hội đồng tình với quan điểm cho rằng, không nhất thiết “cứ xử lý kỷ luật thật nhiều mới thể hiện kết quả kiểm điểm, chỉnh đốn Đảng”. Song, cần làm rõ những hạn chế, thiếu sót; có khuyết điểm phải xem xét kỷ luật nghiêm túc để nêu gương, bảo đảm thực hiện "nói đi đôi với làm". Không thực hiện xử lý kỷ luật nghiêm dẫn đến coi thường kỷ luật, lẫn lộn trắng đen, tốt, xấu, dung dưỡng cho cái ác hoành hành. Không xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có khuyết điểm sẽ còn tiếp tục gây mất niềm tin của đảng viên và nhân dân với Đảng. Trong tình hình hiện nay, rất cần nêu cao tính chiến đấu, kiên quyết xem xét, xử lý kỷ luật đối với cá nhân, tổ chức sai phạm. Đây cũng là một giải pháp cấp bách để thực hiện phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng hiện nay.

PGS, TS PHAN HỮU TÍCH

Không thể đánh tráo khái niệm "lòng yêu nước"

QĐND - Tôi giật mình khi đọc trên một số trang mạng những bài viết "tôn vinh" một vài bạn trẻ non nớt, lầm đường, bị kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước như "người hùng”, thậm chí là "mẫu hình" thanh niên thời đại mới. Lòng yêu nước cao cả, chân chính gần đây đã bị một số người lợi dụng hoặc cố tình làm mờ, nhòe, gán ghép với những việc làm phản bội lại đất nước...
Yêu nước kiểu “kêu gào bàn phím”
Hai thanh niên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha có hành vi trái pháp luật đã được tòa án xét xử công khai nhưng vẫn không ít người cố tình khoác lên cho họ chiếc áo “yêu nước”. Bằng màn kịch vụng về, một nhóm người cùng hội cùng thuyền với cái gọi là nhóm “Tuổi trẻ yêu nước” đã “thiết kế” một chuyến du lịch dọc miền Tây Bắc rồi dừng lại bên đường viết nguệch ngoạc mấy câu khẩu hiệu tôn vinh  Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha. Họ chụp ảnh, post lên mạng, rồi vống lên rằng, các bạn trẻ đồng bào dân tộc thiểu số cũng ngưỡng mộ hai người này.
Xa hơn nữa, bên kia bán cầu, cô Cung Hoàng Kim, người Mỹ gốc Việt, mang tiếng là sinh viên báo chí mà khi đăng quang một cuộc thi hoa hậu ở Hoa Kỳ cũng có một bài diễn văn “chém gió”, tung hô các blogger: Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, nữ sinh viên Nguyễn Phương Uyên... cho rằng họ phải vào tù vì dám đứng lên tranh đấu vì “yêu nước”. Bậy bạ hơn, nhiều trang mạng gần đây còn trích dẫn câu nói của Nguyễn Phương Uyên “Tôi là sinh viên yêu nước…” để so sánh với hình ảnh của Võ Thị Thắng, Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm...
Cùng với việc "tôn vinh" những nhân vật được coi là “điển hình yêu nước”, gần đây xuất hiện không ít lời kêu gọi, phát động giới trẻ tham gia biểu tình, xuống đường để thể hiện "lòng yêu nước". Có trang mạng còn lộ liễu kích động “bất đồng chính kiến là yêu nước”… Một trang mạng tự đặt cho mình cái tên rất kêu là “Nhật ký yêu nước” để hô hào thanh niên đi biểu tình.
Có thể nói, chưa bao giờ lòng yêu nước lại bị lợi dụng, đánh đồng với những “động cơ đen”, trở thành một quân bài trong bộ bài nham hiểm chống phá Việt Nam.
Đâu là lòng yêu nước chân chính?
Thực ra, trong các bài viết, lời kêu gọi, thậm chí là tuyên ngôn của mình, những người đang chơi trò chơi "chính trị" kia đã đánh tráo khái niệm yêu nước chân chính, tầm thường hóa lòng yêu nước đích thực. Làm sao họ có thể "gán" cho những hành động vĩ cuồng, những phát ngôn thiếu trách nhiệm, những hành vi sai trái đi ngược lợi ích cộng đồng kia một khái niệm thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam ta là lòng yêu nước? Làm sao họ có thể mang lòng yêu nước ra để kích động giới trẻ, lôi kéo họ vào những suy nghĩ và hành động đi ngược lại lợi ích của dân tộc, của đất nước và nhân dân? Hành vi đầu độc lớp trẻ như vậy khác gì là một tội ác?
Nói đến lòng yêu nước, nhiều người trong chúng ta sẽ nhớ ngay đến tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đưa vào sách giáo khoa, như một áng hùng văn khái quát và đúc kết nét đặc trưng của truyền thống dân tộc.  Đó là tác phẩm "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta", có đoạn: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
Sự khái quát ấy, ở một góc độ nào đó còn giống như di huấn tinh thần để chúng ta vững tâm hơn, cùng nhau bình tĩnh trước nguy nan và cùng nhau hun đúc, trau chuốt thêm chiếc “nỏ thần vô hình” có sức mạnh vạn năng trong bảo vệ Tổ quốc: Lòng yêu nước. Đó mới là thái độ tinh thần đúng đắn chứ không phải yêu nước theo kiểu hồ đồ đi kèm với những hành động sai trái, bất chấp kỷ cương và luật pháp!
Cũng cần nhắc lại lòng yêu nước là gì và những biểu hiện cụ thể của nó ra sao để khu biệt, nhìn nhận những nhân vật và hành động đang được nhiều trang mạng và tổ chức phản động tung hô? Trong sách giáo khoa Giáo dục công dân của học sinh phổ thông đã đề cập tương đối ngắn gọn, dễ hiểu và đầy đủ. Theo đó, lòng yêu nước là tình cảm yêu quý, gắn bó, tự hào về quê hương, đất nước và tinh thần sẵn sàng đem hết tài năng, trí tuệ của mình phục vụ lợi ích của Tổ quốc. Các biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam ta bao gồm: Tình cảm gắn bó với quê hương đất nước; tình thương yêu đối với đồng bào, giống nòi, dân tộc; niềm tự hào dân tộc chính đáng; đoàn kết, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, để bảo vệ chủ quyền dân tộc và nền độc lập tự do của Tổ quốc; cần cù và sáng tạo trong lao động để xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.
Nói một cách đơn giản và cụ thể hơn như nhà văn I. Ê-ren-bua thì yêu nước là "yêu những vật tầm thường nhất, yêu người thân, yêu Tổ quốc" và tình cảm ấy có những cung bậc, những cách thể hiện khác nhau trong hai thời kỳ khác nhau: Thời bình và thời chiến. Đây cũng là một chủ đề được bàn luận khá sôi nổi trên internet gần đây.
Chúng tôi xin trích ý kiến của một bạn trẻ về lòng yêu nước, có thể chưa đầy đủ nhưng rất đáng suy ngẫm về những giá trị đích thực của lòng yêu nước: “Thực tế, đã có không ít thanh niên nghĩ rằng phải làm một việc gì thật to lớn cho Tổ quốc mới là yêu nước. Nhưng họ đâu hiểu rằng lòng yêu nước biểu hiện qua từng hành động, việc làm hằng ngày của mỗi chúng ta. Bạn cố gắng học tập tốt, rèn luyện tốt, hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình, đó là yêu nước. Lựa chọn được một nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình, gắn bó và cống hiến hết mình vì công việc, đó là yêu nước. Lao động tích cực, hăng hái, làm giàu chính đáng, đó là yêu nước. Có khi lại là việc nhỏ như không vứt rác bừa bãi, không tàn phá môi trường, không hủy diệt muông thú. Và thậm chí, nói một câu tiếng Việt đúng ngữ pháp, văn cảnh, thể hiện sự tự tôn với ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc mình, cũng là biểu hiện của lòng yêu nước… Lòng yêu nước chân chính không nhất thiết phải hô, hét thật lớn để cho tất cả mọi người biết mà quan trọng là tính tự giác trong mọi hành động, việc làm của mỗi chúng ta.
Có những thanh niên nhận thức lệch lạc, ngồi một chỗ kêu ca, oán thán với nhau rằng, sao Việt Nam lại nghèo nàn, lạc hậu so với các quốc gia khác vậy; một số thì chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi sa đọa, lãng phí, tự do cá nhân, vô tổ chức. Những người đó tự cho mình cái quyền phán xét nhưng lại không có tí trách nhiệm nào với cộng đồng, xã hội…”.
Một bạn trẻ khác là Hoàng Thắng đã bày tỏ quan điểm trước những quan niệm lệch lạc về yêu nước trong một bài viết khá dài. Anh viết: “Những người gác biển không cần những người “đứng” sau lưng bằng những bài viết răn dạy về tình yêu nước trên facebook. Đừng để con em nhân dân đổ máu để cho các bạn lên internet hô hào mình là yêu nước”.
Còn một cựu chiến binh thì cho rằng, Việt Nam đang có một thế hệ gồm nhiều bạn trẻ ngồi trong phòng lạnh, uống nước ngọt, ăn gà rán và luôn miệng kêu gào trên facebook rằng “Chính phủ không nên nhu nhược, phải chứng minh bằng hành động". Ông tha thiết mong các bạn trẻ hãy thôi sống ảo và đừng yêu nước bằng máu của kẻ khác! 
Làm cho "viên ngọc quý" càng ngày càng sáng
Nhà báo Vũ Duy Thông trong một bài viết gần đây đã có lý khi cho rằng, yêu nước là tình cảm và tư tưởng phổ biến, vốn có ở tất cả các dân tộc trên thế giới chứ không riêng gì của dân tộc Việt Nam. Nhưng một trong những đặc trưng nổi bật nhất của lòng yêu nước mang bản sắc Việt Nam chính là yêu nước gắn liền với yêu hòa bình, hòa hiếu. Chỉ đến khi kẻ thù hung bạo quyết phá vỡ nền hòa bình, hòa hiếu ấy thì cả dân tộc mới buộc phải đứng lên cầm súng, cầm dáo, mác, tầm vông… Yêu nước của dân tộc Việt Nam còn có đặc trưng là tình yêu lặng thầm, kìm nén vì những bước đi chiến lược. Bài học lịch sử cho ta thấy, nhiều khi tình cảm ấy cần được phô trương như viên ngọc quý nhưng nhiều lúc nó lại cần phải lặn vào trong, cần kìm nén vì những nước cờ chiến lược.
Nếu chúng ta kiên trì hòa bình mà đối phương vẫn cố tình gây chiến xâm lược thì cũng như những cuộc chiến tranh khác, chúng ta sẽ đứng lên, như câu thơ của Chế Lan Viên: “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi căn nhà, ngọn núi, con sông!”. Nhưng thời điểm đó chưa đến, nhiệm vụ lúc này chưa phải như thế.
Nhìn ra các quốc gia khác, có lẽ cũng cần nhắc đến sự kiện vào tháng 9 tới, Ủy ban Chính sách xã hội của Thượng viện Nga sẽ trình Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga một dự luật về giáo dục lòng yêu nước cho công dân. Việc đề ra đạo luật này xuất phát từ chỗ đang có những âm mưu viết lại lịch sử cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, coi nhẹ sự hy sinh của những người lính Hồng quân Liên Xô. Chính phủ Nga cho rằng, âm mưu này nhằm làm suy yếu nước Nga. Một cường quốc như nước Nga ngày nay vẫn rất cần “luật hoá” lòng yêu nước như thế thì không có lý do gì chúng ta không phê phán, đấu tranh, thậm chí xử lý nghiêm minh những kẻ cố tình lợi dụng để làm ố bẩn viên ngọc quý lòng yêu nước.
Tất nhiên, một đất nước gần 90 triệu dân thì những ý kiến khác nhau là điều bình thường. Nếu đây đó có cả những suy nghĩ, hành vi chưa đúng thì chưa hẳn không yêu nước mà có khi chỉ vì thiếu thông tin nên chưa có nhận thức đúng. Bổn phận của mỗi người Việt Nam là hiểu đúng và thể hiện đúng về lòng yêu nước. Mỗi người đều có trách nhiệm gìn giữ và làm sáng thêm truyền thống quý báu của dân tộc ta là lòng yêu nước. Phải làm cho "viên ngọc quý" ấy mỗi ngày một thêm sáng trong. Chúng ta không chấp nhận và không tha thứ những kẻ làm vấy bẩn viên ngọc quý "lòng yêu nước" vì những động cơ chính trị thấp hèn.

NGUYỄN VĂN MINH

Học tập tinh thần “tự chỉ trích” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ

QĐND - Từ khi Đảng ta triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đến nay, quan điểm “tự chỉ trích” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm cùng tên ngày càng được cán bộ, đảng viên quan tâm học tập, vận dụng nhiều hơn. Tại lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9-7-1912/9-7-2012), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Đây là một đóng góp quan trọng về lý luận vào công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức... Tác phẩm thể hiện tư duy sắc sảo của một lãnh tụ già dặn về chính trị; vừa tranh luận, vừa thuyết trình một cách sáng tỏ đường lối, chính sách của Đảng-những khía cạnh biện chứng giữa cái trước mắt và cái lâu dài, giữa sách lược và chiến lược, đánh tan mọi sự mơ hồ, lẫn lộn lúc bấy giờ”.
Nội dung tác phẩm “Tự chỉ trích” đã phản ánh chân thực tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ-người đảng viên cộng sản kiên cường, bất khuất, sống cuộc đời trong sáng và cao đẹp. Sinh ra trong một gia đình nghèo, tại làng Phù Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh), năm 16 tuổi, đồng chí đã tham gia cách mạng, 26 tuổi được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng (1938) và bị thực dân Pháp giết hại khi mới 29 tuổi (1941). Với 13 năm hoạt động sôi nổi, đồng chí đã trở thành một biểu tượng về tinh thần dấn thân, hy sinh tất cả vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Từ một học sinh trường Bưởi, trở thành hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Nguyễn Văn Cừ đã xung phong đi "vô sản hóa" ở vùng mỏ Quảng Ninh. Tại đây, đồng chí đã tích cực giác ngộ, vận động công nhân tham gia cách mạng. Chỉ sau hai năm "vô sản hóa", đồng chí đã trở thành một lãnh đạo chủ chốt của phong trào công nhân vùng mỏ. Cho đến khi bị địch bắt giam tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ vẫn tiếp tục biến nơi "địa ngục trần gian" này thành “trường học cộng sản”. Đồng chí không ngại bộc lộ những hạn chế về trình độ của mình, chủ động đề nghị các đảng viên lớn tuổi và có trình độ cao hơn giảng giải những quan điểm, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, từ đó nghiền ngẫm, đúc rút các bài học cho quá trình hoạt động thực tiễn của mình. Tài năng chính trị kiệt xuất của đồng chí được hình thành và phát triển từ quá trình “tự chỉ trích” như vậy.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Ảnh tư liệu.
 “Tự chỉ trích” là tác phẩm ra đời trong bối cảnh nguy cơ Chiến tranh thế giới lần thứ II lan rộng, thực dân Pháp trở mặt đàn áp phong trào dân chủ, những phần tử tờ-rốt-kít giả danh cách mạng ra mặt chống phá Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo và tiến hành một cuộc đấu tranh kiên quyết, sâu rộng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, nhằm chống bọn tờ-rốt-kít và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng. Trong tác phẩm này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ: Mục đích của tự phê bình và phê bình trong Đảng là để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi: “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ, hay phỉnh họ… Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ nhấn mạnh: “Phê bình Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh”.
Bằng việc công khai mục đích “tự chỉ trích”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã yêu cầu toàn Đảng và mỗi đảng viên phải tập trung uốn nắn những lệch lạc trong phong trào dân chủ như chủ quan, tả khuynh, hữu khuynh, nội bộ mất đoàn kết; sai lầm trong phương thức vận động quần chúng… Đồng chí nhấn mạnh, những sai lầm, khuyết điểm này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới việc thực hiện các mục tiêu chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng. Đồng chí cho rằng: “Đảng có bổn phận phải phân tích xác thực hoàn cảnh, không bi quan, hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa chữa và tiến thủ”...
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ yêu cầu: “Phê bình và tự phê bình phải tôn trọng sự thật, công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ bị địch lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ "nối giáo cho giặc". Trái lại, nếu đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất bề ngoài mà bên trong thì hổ lốn một cục, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa…”.
Nhấn mạnh đến dũng khí của Đảng khi thực hiện “tự chỉ trích”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng: “Không mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng thì đó không phải một Đảng tiền phong cách mạng mà là một Đảng hoạt đầu cải lương”. Đồng chí còn chỉ rõ: “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích, miễn là sự thảo luận luôn luôn mang tinh thần Bôn-sê-vích, không làm giảm uy tín của Đảng, nhằm làm cho kẻ thù không thể hý hửng tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản. Vì trong thảo luận, thiểu số phục tùng đa số, chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, nghìn người như một để thực hành ý chí ấy”.
 “Tự chỉ trích” là một sinh hoạt dân chủ trong Đảng, nhưng sự dân chủ ấy phải gắn liền với nguyên tắc của Đảng. Về điều này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ yêu cầu: “Bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích Bôn-sê-vích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi". Đồng chí cho rằng: “Phê bình và tự phê bình phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết... vì một người đảng viên cộng sản chỉ biết lấy uy tín, lấy danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình thôi”.
Ngày nay, nghiên cứu hoàn cảnh ra đời và nội dung tác phẩm, chúng ta càng thấy tác phẩm đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục, giác ngộ chính trị cho đảng viên, tập hợp lực lượng quần chúng trong Mặt trận Dân chủ Đông Dương, chống lại bọn tờ-rốt-kít và khắc phục tình trạng bất đồng ý kiến xuất hiện trong Đảng lúc đó. “Tự chỉ trích” còn có giá trị chuẩn bị về mặt lý luận và tư tưởng cho thành công của Hội nghị Trung ương tháng 11-1939, tức là hai tháng sau Chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Trong hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Trung ương Đảng đã nhanh chóng quyết định chuyển hướng chiến lược và phương pháp cách mạng của Đảng phù hợp với thực tiễn thời cuộc lúc đó.
Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết tập trung vào ba nội dung chính: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Nghị quyết đã chỉ ra bốn nhóm giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp cả "chống và xây", "xây và chống". Trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên là phải thực hiện tốt việc tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Văn Cừ, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần ra sức đẩy mạnh việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tệ quan liêu, tham nhũng, bè phái, cục bộ, những thói hư tật xấu trong mỗi cá nhân, tổ chức Đảng. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo toàn dân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước trên con đường XHCN.
Đại tá, PGS, TS LÊ DUY CHƯƠNG (*)

 (*) Chủ nhiệm Khoa CTĐ, CTCT (Học viện Chính trị)

Một dự luật không đúng lúc, đúng chỗ

QĐND - Theo nhiều hãng thống tấn, báo chí, ngày 28-6 vừa qua, ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã thông qua “Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897”. Đây là dự luật do hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa: ông Ed Royce, bang California và  ông Chris Smith, bang New Jersey, khởi xướng. Theo thể chế Hoa Kỳ thì dự luật này phải được hai viện phê chuẩn và trải qua nhiều bước nữa trước khi trình lên Tổng thống.
Những ai quan tâm theo dõi hoạt động của ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ trong vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam thì đây được xem là một nỗ lực “không biết mệt mỏi” nhằm “gây sức ép về nhân quyền” đối với Việt Nam. Trong cuộc điều trần mới đây, Chủ tịch “ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam” còn đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC (Quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo) và “không hậu thuẫn” cho Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.
 Trước đó, ngày 4-6, tại Hạ viện Hoa Kỳ diễn ra cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam do Nghị sĩ Chris Smith điều hành. Trong lời dẫn, Chris Smith không chỉ lên án Chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền mà còn chỉ trích Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “đã để cho những toan tính chính trị lấn át thực tế và sự bạo tàn trong vấn đề đàn áp tôn giáo của Chính phủ Việt Nam”... Đại diện cho Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), John Sifton lưu ý rằng “tình hình (nhân quyền ở Việt Nam) đang ngày càng tồi tệ”. 
 Trong các cuộc điều trần năm nay, những người tham gia đều tập trung tố cáo Việt Nam vi phạm các quyền tự do tôn giáo. Để chứng minh, người ta đã đưa ra những vụ việc như: Trường hợp 14 thanh niên đạo Tin lành ở Nghệ An; vụ 20 người Công giáo ở Phú Yên bị đưa ra tòa án xét xử với bản án nặng nề! Vậy sự thật của các vụ việc nêu trên như thế nào?
Sự thật là 14 người vi phạm pháp luật ở Nghệ An đã bị tòa án xét xử, kết tội, nhưng tội của họ không phải vì họ theo tôn giáo này hay tôn giáo khác mà vì họ đã phạm tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (theo Điều 79, Bộ luật Hình sự 1999). Trước tòa, các bị cáo đã thừa nhận được tổ chức phản động “Việt Nam Canh tân cách mạng đảng” (Việt Tân) móc nối ra nước ngoài để huấn luyện và lên kế hoạch hành động nhằm lật đổ chính quyền. Việt Tân đã kết nạp, đặt bí danh, giao nhiệm vụ, hỗ trợ tiền bạc và phương tiện để họ trở về nước hoạt động. Trước tòa, các bị cáo cũng đã thừa nhận những hoạt động của họ là chống phá nhà nước bằng phương thức “bất bạo động”!
Tương tự như vậy, 20 người có đạo ở Phú Yên đã vi phạm Điều 79, với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” được xác định trong Bộ luật Hình sự. Núp bóng doanh nghiệp hoạt động du lịch sinh thái, tổ chức của họ với tên gọi “Hội đồng công luật công án Bia Sơn” đã thực hiện phương thức đấu tranh “bất bạo động”, với những hành vi như: Tổ chức sáng tác, biên soạn nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Ngoài ra, họ còn chuẩn bị để hành động vũ trang thật sự thông qua việc xây dựng cương lĩnh hành động, tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động, dự kiến cơ cấu chính quyền... với tham vọng: Lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thành lập “Nhà nước Đại Nam Kinh Châu”.
Còn vụ “đạo Hà Mòn” thì sao? Sự thật cái gọi là đạo Hà Mòn chỉ là một trò lừa đảo của những kẻ hám tiền bạc và tham vọng về quyền lực, dựa trên mê tín dị đoan của một số đồng bào vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bọn chúng dựng lên câu chuyện: Y Gyin thấy đức mẹ hiện hình ở Hà Mòn (một xã thuộc tỉnh Kon Tum). Rồi từ câu chuyện hoang đường đó chúng lôi kéo, kích động đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng hành đạo, cầu kinh… dẫn đến tình trạng trẻ em bỏ học, người lao động bỏ nương rẫy. Ngay lập tức, các đối tượng FULRO sống lưu vong ở nước ngoài do Ksor Kớk cầm đầu đã móc nối, chỉ đạo nhằm phá hoại chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tiến tới lập ra một tôn giáo riêng, một nhà nước riêng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, “Thủ đô” là thành phố Plei -cu (Gia Lai).
Nhìn rộng ra toàn thế giới để thấy rằng: Hiếm có một quốc gia nào quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo lại được tôn trọng và bảo đảm như ở Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong cả nước, riêng 6 tôn giáo lớn: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Cao đài, Phật giáo Hòa hảo, Hồi giáo, số giáo dân lên tới hơn 20 triệu người, chiếm khoảng 25% dân số. Hiện nay, tỷ lệ tăng giáo dân ở Việt Nam tương đương như tỷ lệ tăng dân số. Điều đó chứng tỏ sự phát triển của các tôn giáo ở Việt Nam là tốt đẹp.
Còn nhớ, ở nước ta, dưới chế độ phong kiến, với những lý do khác nhau đã từng diễn ra chính sách bài ngoại, đàn áp tôn giáo. Lịch sử còn ghi lại rằng vào thế kỷ thứ XVII, XVIII, chúa Nguyễn và chúa Trịnh từng trục xuất các thừa sai và đàn áp giáo dân (Thiên chúa giáo), bởi đi liền với nhiều hoạt động truyền đạo là âm mưu của thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Tương tự, chính sách tôn giáo dưới chế độ cai trị của đế quốc Mỹ và tay sai ở miền Nam cũng là chính sách bất bình đẳng. Nhiều cuộc đàn áp tôn giáo từng diễn ra; điển hình là cuộc đàn áp Phật giáo ở Sài Gòn và Huế tháng 5-1963. Hòa thượng Thích Quảng Đức đã phải tự thiêu để phản đối chính sách bất công của Mỹ và chính quyền tay sai.
Chỉ có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, các tôn giáo mới có các quyền tự do, bình đẳng thật sự. Các quyền này đã được các Hiến pháp 1946, 1958, 1980 và 1992 ghi nhận. Với tư cách là người lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quan niệm về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không loại trừ bất cứ một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Gần đây, quan hệ quốc tế trên lĩnh vực tôn giáo của Việt Nam đã có những tiến triển tích cực. Cuộc tọa đàm về tự do tôn giáo được Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức ngày 20-6-2013, thu hút sự tham dự của nhiều tổ chức Mỹ hoạt động trong lĩnh vực này. Đây được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt, mở đầu cho mô hình hợp tác mới giữa các tổ chức phi chính phủ Mỹ và Việt Nam trên lĩnh vực tôn giáo. Trong cuộc tọa đàm cởi mở thẳng thắn này, nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo Việt Nam không phủ nhận những khó khăn nhất định trên lĩnh vực quản lý tôn giáo, như: Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chính sách về đất đai đã có nhiều thay đổi khiến việc xác định quyền sử dụng đất của một số nơi chưa được giải quyết thỏa đáng. Trong khi đó, nhiều đại biểu đại diện tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ đều đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo. Tiến sĩ Chris Seiple, Chủ tịch Viện Can dự Toàn cầu (IGE), một tổ chức phi chính phủ Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam, đánh giá cao những tiến triển về tự do tôn giáo ở Việt Nam: “Tại khu vực Tây Bắc, đã có hơn 300 nhà thờ được đăng ký và con số này tại Tây Nguyên là hơn 2000”. Còn Luật sư Lauren Homer thì nói: “Cách đây 18 năm, tôi đến Việt Nam để thảo luận về một dự án dinh dưỡng cho trẻ em và có cơ hội đi thăm rất nhiều làng xã quanh khu vực Hà Nội. Khi đó, lương thực cũng như các điều kiện y tế, giáo dục còn rất thiếu thốn và hầu như không có sự hiện diện của các tổ chức tôn giáo hay phi chính phủ nước ngoài nào. Một số hội thánh chính thức được thành lập ở các đô thị lớn nhưng không có nhiều hoạt động. Nhìn lại thời điểm đó, chúng ta mới thấy Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong mọi lĩnh vực. Người ngoài cuộc khó có thể hình dung được Việt Nam thiếu thốn các nguồn lực như thế nào để có thể giải quyết biết bao vấn đề như vậy. Chính vì thế mà tôi muốn được chúc mừng những thành tựu của Việt Nam trong vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo”.
Liên quan đến việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, vừa qua Nhóm Công tác Hỗn hợp Tòa thánh và Việt Nam đã kết thúc vòng đàm phán thứ tư tại Vatican (ngày 13 và 14-6-2013). Hai bên đã ra Thông báo đánh giá vòng đàm phán này. Phía Tòa thánh đã “đánh giá cao và biết ơn Nhà nước Việt Nam vì sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với các hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam, đặc biệt là Đại hội toàn thể lần thứ 10 của Liên Hội đồng Giám mục á Châu diễn ra ở Xuân Lộc và TP Hồ Chí Minh vào tháng 12-2012”. Hai bên cũng thống nhất đánh giá vòng đàm phán đã có “tiến triển tích cực trong tinh thần thiện chí, trong sự trao đổi mang tính xây dựng”.  
Như các thông tin mà người ta có được, tôn giáo đã và đang là một vấn đề chính trị, an ninh ở nhiều quốc gia, kể cả ở Hoa Kỳ và nhiều quốc gia châu âu. Các cuộc tấn công khủng bố trên thế giới hầu hết đều có nguồn gốc từ chính sách bất bình đẳng đối với tôn giáo của các chính phủ. Đạo Hồi đang là một nạn nhân của những chính sách kỳ thị về tôn giáo của nhiều nhà nước. Bởi vậy có thể nói: "Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897" do hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa khởi xướng ra đời vào lúc này không chỉ thể hiện một cách nhìn mang tính kỳ thị, mà còn không đúng chỗ, không đúng lúc.

NGỌC VÂN-THANH TRÚC