Hoàng Hữu Phước, MIB
Nhân ngày Lễ Chiến Thắng 30-4-2015, tôi xin đăng lại bài viết sau vốn đã đăng ngày 29-4-2010 trên mạng Emotino, về cuộc thảm sát sinh viên Đại Học Kent, Hoa Kỳ.
Bài viết vẫn giữ nguyên nội dung ban đầu, trừ ngày tháng có chỉnh sửa lại cho phù hợp với thời gian hiện tại, chẳng hạn “40 năm” đổi thành “45 năm”, và 30/4/2020 đổi thành “30-4-2015”, v.v.
30/4/1970 – 30/4/2015
45 Năm Từ Cuộc Đàn Áp Của Vệ
Binh Quốc Gia Hoa Kỳ Tiểu Bang Ohio Thảm Sát Sinh Viên Tại Trường Đại Học Kent
Hoàng Hữu Phước, MIBA) Dẫn Nhập: Ba Ngày 30/4 Định Mệnh Của Thế Giới Chống Cộng
Ngày 30 tháng 4 hàng năm là Ngày Chiến Thắng của Việt Nam, một ngày đặc biệt chỉ vài nước trên thế giới có trong lịch những ngày nghĩ lễ quốc gia hàng năm của mình. Ngày 30 tháng 4 cũng là ngày gợi nhớ đến ba cái chết: phát súng cùng đường tự sát của Quốc Trưởng Đức Adolf Hitler ngày Thứ Hai 30/4/1945 vĩnh viễn xóa sổ kẻ chống Cộng ngông cuồng nhất của thế giới tư bản; phát súng ngu xuẩn kết liễu vĩnh viễn giềng mối tự do, dân chủ, đoàn kết nhất trí của Hoa Kỳ do Tổng Thống Mỹ Richard Nixon bắn qua thông điệp chống Cộng ngày Thứ Năm 30/4/1970; và những phát súng của cả một quân đội hùng mạnh – về cơ số quân trên sổ sách cùng kho tàng quân tiếp vụ – hậu cần và khí tài chiến tranh để chống Cộng của đại siêu cường quốc Hoa Kỳ – tháo chạy tán loạn trong khiếp sợ đến nỗi cởi bỏ quân phục vẽ vang vất đầy quốc lộ, dẫm đạp lên quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và đẩy đất nước cờ-vàng-ba-sọc-đỏ cực kỳ nhanh chóng đến chỗ bị khai tử vĩnh viễn trên bản đồ thế giới ngày Thứ Tư 30/4/1975. Hàng năm, Nga và NATO mạnh ai nấy tổ chức mừng ngày chiến thắng Đức Quốc Xã của Hitler – tất nhiên, Nga với niềm tự hào tiêu diệt khối Trục Quốc Xã Đức-Phát Xít Ý-Quân Phiệt Nhật, tổn thất 20 triệu quân-dân để kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến; còn NATO gồm Tây Âu và Mỹ giành lấy tư thế dù gian giảo của đoàn quân giải phóng Châu Âu và … tiếp nhận sự đầu hàng nhanh-chóng-vì-khiếp-sợ-Liên-Xô của Nhật. Hàng năm, mọi công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đều có Ngày Chiến Thắng đầy kiêu hãnh và danh dự của quốc gia. Nhưng sau ngày 30/4/1975 đầy tế nhị đối với Hoa Kỳ ấy, đã không còn tổ chức ngày tưởng niệm các sinh viên bị sát hại ngay sau thông điệp 30/4/1970 của Tổng Thống Richard Nixon, và ký ức về những sinh-viên-Mỹ-vì-Việt-Nam ấy cần được nhắc đến trước thềm đất nước Việt Nam ngẫng cao đầu kiêu hãnh chào mừng kỹ niệm 35 năm giải phóng Việt Nam Cộng Hòa, thống nhất đất nước, thành lập quốc gia mang tên Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
B) Cuộc Thảm Sát Đại Học Kent: Đôi Dòng Lịch Sử
Khi bước vào Tòa Bạch Ốc làm vị Tổng Thống thứ 37 của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ năm 1968, Richard Milhus Nixon hứa với quốc dân đồng bào sẽ chấm dứt cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Song, công trình kết thúc chiến tranh trong vinh dự vẽ vang của Nixon vẫn không bao giờ trở thành sự thật vì sự điên dại của Quân Mỹ ở Việt Nam, sự điên loạn hoang tưởng của chính Ông, và sự điên rồ cũng của chính Ông, dẫn đến việc Ông là vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ phải từ chức trong xấu hổ để khỏi bị truất phế trong nhục nhã.
Sự điên dại của Quân Mỹ xảy ra khi tháng 11 năm 1969 bùng nổ thông tin cuộc Thảm Sát Mỹ Lại chấn động toàn thế giới, làm công dân Mỹ chân chính phải kinh hoàng gây bùng nổ mạnh hơn bao giờ hết các phong trào phản chiến, chống Chiến tranh Việt Nam, khiến ngay cả Chính phủ Nixon lúng túng phạm thêm sai lầm chết người qua việc áp dụng kiểu “bắt lính” dưới tên gọi không ai giống là “Draft Lottery” (rút thăm trúng…lính) hầu có đủ sức gia tăng quân số tại Việt Nam.
Sự điên loạn hoang tưởng của Nixon xảy đến khi vào tối ngày 30/4/1970 đã đọc thông điệp trực tiếp phát sóng truyền hình thông báo Quân Đội Hoa Kỳ và Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức tràn vào Cambodia, với lập luận xảo ngôn rằng đã có bằng chứng về sự mạnh lên của Cộng sản có thể đe dọa tính mạng quân Mỹ và công dân Mỹ ở Việt Nam trước khi tất cả quân Mỹ được rút về nước, rằng Cambodia chỉ là một nước trung lập nhỏ bé có 7 triệu dân, nhưng đã không giữ thân phận “trung lập” khi cho “Bắc Việt” lập căn cứ quân sự, nên nhất thiết phải bị trừng trị nhằm bảo vệ cho đại cuộc “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” được thành công. Sự hoang tưởng rằng tài hùng biện cộng với sự hù dọa về hiễm họa của Bắc Việt sẽ thu phục được dân chúng đã đẩy Nixon vào Luyện Ngục vì ngay trong đêm định mạng này đã bùng phát sự cố dẫn đến cuộc Thảm Sát Đại Học Kent quyết định tư tưởng toàn nhân loại chống Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam, bôi tro nền dân chủ Hoa Kỳ và trát trấu lên diện mạo dân quyền Mỹ; chấm dứt sự nghiệp chính trị của Nixon 09/8/1974 do sự điên rồ chà đạp Hiến Pháp và Luật Pháp Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ của Ông trong vụ tai tiếng Watergate, cho phép Ông ngồi trong bóng tối xem tivi theo dõi sự nghiệp chống Cộng của Mỹ sụp đổ với sự tháo chạy tán loạn khỏi Việt Nam một năm sau đó, cũng như dõi theo bước đường tự thân vượt qua thử thách một cách ngoạn mục của Việt Nam, trước khi trút hơi thở cuối cùng tại điền trang La Casa Pacifica ở San Clemente, bang California, 12 ngày trước khi Việt Nam ăn mừng Lễ Chiến Thắng, kỹ niệm 19 năm Giải Phóng Miền Nam.
Thông điệp tối 30/4/1970 dẫn ở trên đã như giọt nước làm tràn ly với sự kiện 500 sinh viên Đại Học Kent State, thành phố Kent, bang Ohio, tiến hành xuống đường trong khuôn viên đại học ngay sáng hôm sau, ngày 01/5, chống xâm lược Cambodia, và quyết định tổng xuống đường chống Chiến Tranh Việt Nam ngày 04/5 cũng trong khuôn viên đại học với 2000 sinh viên tham dự. Thống Đốc Bang Ohio Ông Rhodes lịnh cho Vệ Binh Quốc Gia thuộc Sư Đoàn Kỵ Binh 145 và Sư Đoàn Thiết Giáp 107 tấn công vào đại học Kent, giải tán xuống đường với lựu đạn cay, ngay cả định cho ban hành thiết quân luật toàn Bang, và thậm chí còn tuyên bố những sinh viên xuống đường“không phải là Người Mỹ”, và “tồi tệ hơn bọn Sơ-mi Nâu (Quốc Xã Đức) và Cộng Sản”; trong khi Thị Trưởng Kent Ông Satromchỉ dám áp dụng lịnh giới nghiêm toàn thành phố. 67 phát súng tiểu liên đã nổ vang, giết chết 4 sinh viên – hai nam hai nữ – và gây thương tích bằng đạn tiểu liên và lưỡi lê cho 9 sinh viên khác, trong đó có một sinh viên bị liệt vĩnh viễn. Cuộc thảm sát đã gây phẫn nộ khiến 900 trường đại học, cao đẳng, và trung học khắp Hoa Kỳ bãi khóa, tạo thành cuộc xuống đường rầm rộ của 4 triệu sinh viên học sinh trên toàn quốc, chia rẽ sâu sắc và vĩnh viễn một dân tộc về vai trò của Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam. Ngay tại Thủ đô Washington DC, 100.000 người dân đã xuống đường ngày 09/5 giận dữ bạo động, đập phá phong tỏa đường phố, chống Chiến Tranh Việt Nam và phản đối việc thảm sát những sinh viên biểu-tình-trong-khuôn-viên-đại-học-không-một-tấc-sắt-trong-tay, một sự bạo động khủng khiếp mà sau này người chấp bút chính cho các diễn văn của Tổng thống Nixon là Ông Pay Rice đã phải ngậm ngùi kể lại: “Cả thủ đô thành doanh trại quân đội; người ta đập phá cửa kính, rạch lốp xe ô-tô, đẩy xe đậu ngoài đường ra chắn ngang các giao lộ, còn người trên các tầng nhà hai bên ném các tấm đệm giường lò-xo qua lan-can lầu xuống đầy đường. Người ta bảo đó là cuộc xuống đường của sinh viên. Không phải vậy đâu. Đó là cuộc nội chiến”. Đúng là đất nước Hoa Kỳ đang có chiến tranh, vì không những Tổng Thống Nixon được hộ tống khẩn cấp vào trú ẩn tại Trại David để dược “bảo vệ riêng cá nhân” – nghĩa là không kịp đem theo thành viên gia đình – mà Trợ Lý Tổng Thống Charles Colson còn phải điều động Sư Đoàn Không Kỵ 82 đầy đủ quân trang quân dụng trang bị tận răng nằm lềnh khênh tại tất cả các vị trí và các tầng lầu hướng súng ra ngoài. Colson nhớ lại: “Đây không phải là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Đây không phải là nền dân chủ tự do vĩ đại nhất thế giới. Đây chỉ là một đất nước trong một cuộc chiến tranh đánh lại chính mình.”
Bức ảnh do phóng viên John Filo chụp cảnh nữ sinh 14 tuổi Mary Ann Vecchio kêu khóc thât thanh cạnh xác sinh viên Jeffrey Miller không chỉ giúp Filo đoạt giải thưởng báo chí đầy danh giá Pulitzer mà còn là một trong những bức ảnh gây chấn động nhất trong Chiến Tranh Việt Nam, tạo bước ngoặc thái độ chống Chiến Tranh Việt Nam sâu sắc trên toàn thế giới, và góp phần thắng lợi trên mặt trận chiến tranh chính trị của Cộng Sản Việt Nam và các phong trào chống Chiến Tranh Việt Nam tại Mỹ và toàn cầu.
C) Những Sinh Viên Anh Hùng Ái Quốc:
Ái quốc không chỉ là danh xưng thốt nên từ cửa miệng bất kỳ ai. Ái quốc không phải chỉ là từ Hán Việt của “lòng yêu nước”. Ái quốc là tâm-tư-tình-cảm-hành-động-hành-vi chân chính, đoan chính, công tâm, chỉ vì đất nước, và chỉ cho đất nước. Người Mỹ ái quốc không là người thực hiện các mệnh lệnh của tổng thống hay chính phủ. Người Mỹ ái quốc là người biết nước Mỹ sẽ hùng mạnh khi có thêm một triệu thanh niên khỏe mạnh có tri thức, có học thức, có gia đình ấm no hạnh phúc, chứ không phải bớt đi một triệu thanh niên phải bỏ xác tại Việt Nam và Đông Dương cho một cuộc chiến tranh phi nghĩa không để bảo vệ nước Mỹ, không vì bất kỳ một lý tưởng nào, cũng như không làm cho nước Mỹ được vinh danh. Những sinh viên Đại Học Kent State đã chứng minh chính họ mới là những anh hùng ái quốc chứ không phải những người nằm trong các quan tài bọc kẽm phủ quốc kỳ Hoa Kỳ được các vận tải cơ khổng lồ của Quân Đội Hoa Kỳ đưa về từ Việt Nam và tên tuổi được khắc ghi trên bức tường đá đen sầu thảm thất bại đắng cay.
1- Allison Beth Krause:
Phát súng đã nã xuyên ngực Allison cướp đi sinh mạng của cô sinh viên 19 tuổi năm thứ nhất hạng ưu tú, khi Cô đang cùng người yêu là Barry Levine sinh viên cùng lớp hét đến khản tiếng những lời phản chiến.
Điều kỳ lạ là viên đạn đã nhắm vào ngực Cô từ khoảng cách 105 mét, chỉ một ngày sau khi Cô tiến đến một vệ binh trẻ tên Myers, đặt một cành hoa vào nòng súng tiểu liên của anh và nói: “hoa tốt hơn là đạn, phải không anh?” để rồi chứng kiến anh vệ binh hiền hậu này bị cấp trên chạy đến quở mắng và tước súng của anh ngay trước mặt Cô.
2- Sandra Lee Scheuer
Sandy Scheuer, một nữ sinh 20 tuổi xinh xắn, ngoan đạo, dịu dàng, yêu chuộng hòa bình, điềm đạm. Không sôi động tích cực như Allison, Cô chỉ đứng ôm chồng sách vở nhìn các bạn hô vang phản chiến, rồi lặng lẽ tiến về lớp định viết thiệp vì hôm định mạng ấy là kỹ niệm ngày cưới của Cha Mẹ Cô. Bị một viên đạn tiểu liên bắn xuyên cổ từ khoảng cách 119 mét, Cô trút hơi thở cuối cùng sau đó 5 phút khi cơ thể không còn máu.
3- William Knox Schroeder
Chàng sinh viên 19 tuổi ngôi sao bóng rổ trung học toàn quốc, sinh viên giỏi của phân khoa khoa học quân sự, bị bắn xuyên ngực từ sau lưng từ khoảng cách 116 mét, khi đang ôm chồng sách ngao ngán đứng nhìn cảnh Vệ Binh Quốc Gia dùng lưỡi lê tấn công những sinh viên bạn học không vũ khí.
4- Jeffrey Glenn Miller
Miller bị sát hại từ cự ly gần nhất (81 mét) bằng một phát đạn tiểu liên xuyên miệng, phá vỡ hộp sọ sau, giết anh ngay lập tức, lúc anh đứng đối mặt trực diện với đoàn Vệ Binh Quốc Gia, và mở miệng hô hào. Miller để tóc dài, thích làm thơ phản chiến, người bạn dễ mến của mọi người. Khi nghe tin Vệ Binh xua quân tấn công khu đại học, anh chạy vào trường tham gia nhóm xuống đường phản chiến, sau khi nói vói lại trấn an Mẹ anh: “Cùng lắm thì họ bắt giam con vài ngày, chứ làm gì có chuyện bắn giết đâu mà Má lo. Má yên tâm nhe.” Đó là lời cuối cùng của chàng sinh viên 20 tuổi này với Mẹ. Bức ảnh John Filo chụp cảnh nữ sinh 14 tuổi Mary Ann Vecchio kêu khóc thất thanh cạnh xác anh chính là bức ảnh gây chấn động địa cầu (cùng với các bức ảnh Kim Phúc bị bom napalm và ảnh chiến sĩ đặc công Bảy Lốp bị tướng Sài Gòn Nguyễn Ngọc Loan – tên tướng lĩnh mọi rợ dã man không thể chấp nhận được trong thế giới văn minh của quy tắc ứng xử với tù binh – bắn vào thái dương khi anh Lốp đang bị trói thúc ké; cả ba bức ảnh đều là những tác phẩm đoạt giải báo chí hàn lâm).
5- Những Anh Hùng Khác
Trong số 2000 vị anh hùng ái quốc vì một nước Mỹ chính nghĩa, có 13 người tên tuổi lưu danh thiên cổ: 4 người hy sinh, và 9 người bị trọng thương. Hàng năm những người bạn nhóm may mắn sống sót này họp mặt để nhớ lại biến động bản thân mình đã là chứng nhân lịch sử.
- Alan Michael Canfora, bị bắn trúng cổ tay phải từ khoảng cách 69 mét. Vào năm 2007,Canfora đòi lật lại hồ sơ xử án vụ thảm sát Kent khi anh tìm được từ tàng thư của Đại Học Harvard cuộn băng ghi âm lịnh của viên sĩ quan cho phép nổ súng.
- James Dennis Russell, bị trúng hai phát đạn vào đùi phải và trán phải từ khoảng cách 114 mét. Anh qua đời năm 2007.
- Dean R. Kahler, bị bắn sau lưng từ khoảng cách 91 mét, khiến bị liệt toàn thân.
- Joseph Lewis Jr. bị trúng hai viên đạn ở bụng phải và chân trái từ khoảng cách 22 mét
- Thomas Mark Grace, bị bắn vào cổ chân trái từ 69 mét
- Donald Scott MacKenzie, bị bắn vào cổ từ khoảng cách 230 mét
- Robert Follis Stamps bị bắn vào mông phải từ khoảng cách 151 mét. Anh mất ngày 11/6/2008.
- Douglas Alan Wrentmore, bị bắn vào gối phải từ khoảng cách 100 mét.
- John R. Cleary, bị bắn vào ngực trái từ khoảng cách 34 mét
Người ta có thể vì lòng chống Cộng mù quáng, vô lý, sai lệch, để chỉ trích Trung Quốc trong biến cố Thiên An Môn. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Sinh viên Trung Quốc xuống đường bạo loạn trên đường phố chính của thủ đô, làm nhục quốc thể, chống đối thể chế chính trị của quốc gia vì ăn bả ngoại bang xúi giục, nên Chính phủ Trung Quốc vẫn có cái lý tưởng bảo vệ đại nghiệp cho hậu thế mà ra tay trấn áp bạo loạn. Trong khi đó, sinh viên Kent xuống đường bên trong khuôn viên đại học Kent, để phản đối việc chính phủ Mỹ xua quân Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa sang xâm lược Cambodia là một nước có chủ quyền, gia tăng nguy cơ chiến tranh mở rộng, dẫn đến bắt lính đẩy con em nước Mỹ vào chỗ chết trên chiến trường xa lạ, và xuống đường ôn hòa không bạo động, không vũ khí, không đòi lật đổ chế độ Cộng Hòa nước Mỹ đễ xây dựng nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa hay Cộng Sản, không phương hại đến sự tồn vong của Hoa Kỳ, nên Chính phủ Mỹ hoàn toàn không có quyền dùng đạn tiểu liên và lưỡi lê để gây ra cuộc thảm sát sinh viên tại Đại Học Kent. Trung Quốc không có bất cứ vết nhơ nào trong sự kiện Thiên An Môn. Hoa Kỳ bị vấy bẩn trong sự kiệnKent.
D) Kết Luận: Tri Ân Phong Cách Văn Hóa Việt
Công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và người gốc Việt chân chính trên toàn thế giới luôn tự hào về chiến công lẫy lừng, chiến tích hào hùng, và thành tích vẽ vang mà dân tộc Việt Nam đã ngạo nghễ đạt được trong vinh dự và danh dự, từ kéo rốc hùng binh chinh phạt Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu nhà Đại Tống phương Bắc, uy dũng lẫy lừng khiến quân dân Tàu khiếp đảm bỏ của chạy lấy người đến vạn dặm không nghe không thấy một tiếng động hay một bóng người; bình định giặc cỏ phương Nam đến từ Chiêm Thành; tảo trừ thảo khấu Chân Lạp, Xiêm La; tiêu diệt quân đoàn Mông Cổ chấm dứt cuộc vạn lý trường chinh về phương Nam vùng Bán Đảo Đông Dương, gián tiếp giải vây toàn cương thổ Châu Âu, cứu nguy các nước Nhật Hàn vùng Đông Bắc Á; tiêu diệt thực dân Pháp, đặt dấu chấm hết cho thời kỳ thuộc địa toàn thế giới; đánh đuổi Hoa Kỳ tháo chạy nhục nhã, khâm liệm chủ nghĩa đế quốc mới; và thi thố tài năng đơn thương độc mã giữa trùng vây cấm vận: Bắc đánh bại hàng vạn thiên binh Trung Quốc tháo chạy lùi về sau Ải Nam Quan, Tây tiến quân nghĩa dũng tiêu diệt quái thú Khmer Đỏ, cứu sống cả dân tộc xứ Cam; cũng như xây dựng thành công đất nước thời bình.
Song, sự ngạo nghễ chính danh chính đạo chính đáng ấy của người Việt không che khuất lòng trọng nhân trọng nghĩa mang dấu ấn Việt đặc thù. Những cái tên của các công dân Mỹ như Norman Morrison, người đã hiến mình làm ngọn đuốc sống vì chân lý cho Việt Nam, và của các bạn sinh viên Đại Học Kent, những người đã ngã xuống vì chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam và Đông Dương, sẽ được trân trọng tri ân. Quá trình gian nan và gian khó của một cuộc hồi sinh của một đất nước nhỏ bé hứng chịu sự tàn phá khủng khiếp của sức mạnh quân sự Hoa Kỳ vẫn chưa đến lúc vẹn toàn, nên vẫn chưa thể có những khoảnh khắc dù oán không đoái hoài việc trả, song ân sẽ có lúc phải đền, để tên của các bạn được đặt cho những con đường Việt Nam, để các bạn, người thân của các bạn hiểu tấm lòng Việt, nghĩa khí Việt, phong cách Việt, và văn hóa Việt, khi đặt chân đến đất nước này.
Đón chào ngày Chiến Thắng 30/4/2010 kỹ niệm 35 năm Việt Nam đánh bại Hoa Kỳ và xóa tên Việt Nam Cộng Hòa vĩnh viễn khỏi bản đồ thế giới, tôi – chúng tôi – những người Việt Nam chân chính xin ghi khắc tên các bạn, những người Mỹ đã chiến đấu vì tự do thực sự của nhân dân Mỹ, nhân quyền thực sự của nhân dân Mỹ, dân quyền thực sự của nhân dân Mỹ, và chính nghĩa thực sự của đất nước Mỹ, và đã chiến thắng.
Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế