QĐND - Nhìn lại lịch sử dân tộc ta từ giữa thế kỷ
XIX đến nay thì độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất đất nước và
toàn vẹn lãnh thổ không chỉ là nguyện vọng của cả dân tộc, mà còn là thành quả
của các cuộc đấu tranh với không biết bao nhiêu hy sinh gian khổ của nhiều thế
hệ người Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930)
và lãnh đạo sự nghiệp đó mới đưa đến thắng lợi trọn vẹn.
Năm 1946, trong “Lời kêu gọi Liên hợp quốc”, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã viết: Nhân dân Việt Nam “kiên quyết chiến đấu đến cùng để
bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập
cho đất nước”(1).
Thực tế cho thấy, sở dĩ dân tộc ta giành được những
thành quả lớn lao trong các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược
cũng như trong hòa bình xây dựng đất nước, một mặt vì nhân dân ta giàu lòng yêu
nước, sẵn sàng hy sinh tính mạng và của cải của mình, vượt qua mọi khó khăn,
gian khổ; mặt khác còn nhờ ở vai trò dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam với
phẩm chất chính trị và bản lĩnh lãnh đạo thể hiện ở đường lối, chính sách, ở
chiến lược và sách lược trong suốt chiều dài lịch sử gần ¾ thế kỷ (1930-2014).
Phẩm chất chính trị và bản lĩnh lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là luôn
luôn đặt lợi ích dân tộc, gắn với chế độ chính trị do nhân dân làm chủ lên trên
hết.
Hệ tư tưởng của Đảng mà tư tưởng Hồ Chí Minh là một
nhân tố tạo thành cũng lấy “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh;
do nhân dân làm chủ”(2) là mục tiêu. Tất nhiên, tư duy chính trị của Đảng Cộng
sản Việt Nam vẫn không ngừng được vận dụng và mài sắc thông qua thực tiễn chính
trị. Chẳng hạn như lập trường kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia,
toàn vẹn lãnh thổ bằng phương pháp hòa bình theo Hiến chương Liên hợp quốc và
luật pháp quốc tế trong sự kiện “nóng” vừa qua ở Biển Đông là một ví dụ.
Gần 40 năm qua, từ sau khi nước nhà được hoàn toàn
giải phóng cho đến nay (1975-2014), Việt Nam luôn luôn đứng trước nhiều nguy
cơ, thách thức. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (từ 20 đến
25-1-1994) đã xác định các nguy cơ đó là: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế;
nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm
mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”. Đại hội XI năm
2011 đã đề cập tới các nguy cơ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
với một cách nhìn nhận mới, gắn nguy cơ “diễn biến hòa bình” với nguy cơ “tự
diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Văn
kiện Đại hội XI viết: “Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch
tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng
các con bài “dân chủ”, “nhân quyền”, hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước
ta”(3).
Theo cách hiểu thông thường, “diễn biến hòa bình” là
chiến lược cơ bản của chủ nghĩa đế quốc và tay sai nhằm lật đổ chế độ chính trị
đối với các nước xã hội chủ nghĩa bằng biện pháp phi quân sự. Đối với Việt Nam,
âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đã có
những thay đổi lớn, không còn theo nguyên nghĩa-chỉ là những tác động về tư
tưởng, lý luận như phê phán mô hình chủ nghĩa xã hội kiểu cũ, phủ nhận chủ
nghĩa Mác - Lê-nin, tuyên truyền các giá trị dân chủ, nhân quyền phương Tây…
Ngày nay, chiến lược đó đã chuyển sang kết hợp tác động về tư tưởng, lý luận
với tiến công về chính trị-công kích trực tiếp vào vai trò lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam; Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thân thế, sự
nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thành quả cách mạng, thể chế quốc gia… Ngày
nay, chiến lược này không dừng lại ở lĩnh vực tư tưởng, chính trị, “bất bạo
động” mà còn đẩy tới kích động tâm lý dân tộc hẹp hòi, tư tưởng cực đoan
không loại trừ gây rối, bạo loạn xã hội, nhất là khi các thế lực trong nước
được các lực lượng cực hữu phương Tây trợ giúp. Hai sự kiện gây rối ở Tây
Nguyên năm 2001 và 2004 là những ví dụ cụ thể.
Sau sự kiện “nóng” ở Biển Đông vừa qua, trên một số
trang mạng người ta cho rằng, Việt Nam thiếu nhất quán trong đường lối bảo vệ
chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, rằng không nên “hô hoán” chống “diễn
biến hòa bình” nếu muốn tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia phương Tây, lực
lượng duy nhất có thể giúp Việt Nam bảo vệ được sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền
biển, đảo. Họ nói: “Không thể tay ga, tay thắng, vừa giương cao ngọn cờ “lòng
tin chiến lược”, vừa hô hoán chống “diễn biến hòa bình”. Vậy mối quan hệ giữa
phòng, chống "diễn biến hòa bình" với bảo vệ độc lập dân tộc, chủ
quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ như thế nào?
Trước hết, phòng, chống “diễn biến hòa bình” nhằm
bảo vệ chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN), bảo vệ hệ thống chính trị do Đảng
Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Không phủ nhận rằng, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ
quốc trong nhiều thập kỷ qua do nhiều nguyên nhân, đã từng bị nhiều thế lực xâm
lấn. Song lịch sử thế kỷ XX đã chứng minh không có bất cứ một lực lượng nào có
đủ sự tin cậy về chính trị, có bản lĩnh vững vàng để lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ
Tổ quốc như Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tế đã chứng tỏ rằng, Đảng Cộng sản
Việt Nam là người tổ chức, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, là người đề
ra đường lối đối nội, đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân yêu
chuộng hòa bình thế giới, không phân biệt chế độ xã hội đối với sự nghiệp bảo
vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Bởi vậy, bảo vệ chế độ chính trị hiện hữu, bảo vệ
hệ thống chính trị xã hội cũng có nghĩa bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc
gia và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Thứ hai, phòng, chống “diễn biến hòa bình” không làm
phương hại đến các quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta. Những ai quan niệm
rằng quan hệ giữa các quốc gia ngày nay lấy hệ tư tưởng làm tiêu chí, làm điều
kiện đều không còn phù hợp với thực tế. Trên thế giới ngày nay có nhiều hệ tư
tưởng và chế độ xã hội khác nhau. Chẳng hạn, chế độ “Cộng hòa tổng thống”,
“Cộng hòa đại nghị”, “Quân chủ nghị viện”, “Cộng hòa dân chủ nhân dân”, “Xã hội
chủ nghĩa”, “Nhà nước tôn giáo” (Nhà nước Va-ti-căng)... Nhìn chung, tất cả các
quốc gia với thể chế của mình (nói trên) đều có quan hệ quốc tế rộng rãi với
các quốc gia khác. Kinh nghiệm lịch sử cũng như thực tế cho thấy: Sau sự kiện
Liên Xô tan rã, chế độ xã hội XHCN ở Đông Âu sụp đổ, quan hệ giữa các quốc gia
đều xuất phát từ lợi ích căn bản của mỗi quốc gia. Đảng Cộng sản Việt Nam đã
nhiều lần khẳng định: Việt Nam mong muốn “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên
có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc
lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”(4). Theo tinh thần đó,
Việt Nam đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Ngày nay, chính sách ngoại
giao Việt Nam không chỉ hạn chế trong quan hệ kinh tế mà còn mở rộng, hội nhập
quốc tế một cách toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, kể cả quốc phòng, an ninh
với tất cả các quốc gia. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 180
quốc gia; trong đó có quan hệ với tất cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an
Liên hợp quốc. Việt Nam là đối tác chiến lược với Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp;
là đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Ngoài các quốc gia thành viên thường trực Hội
đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam còn có quan hệ đối tác chiến lược với các
quốc gia khác như: Ấn Độ (2007), Nhật Bản (2006); Hàn Quốc, Tây Ban Nha
(2009), Đức (2011), I-ta-li-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po; đối tác toàn
diện với Ô-xtrây-li-a (2009); Niu Di-lân (2010)...
Thứ ba, phòng, chống “diễn biến hòa bình” nhằm nâng
cao khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Không quốc gia nào
có thể áp đặt quan hệ hợp tác cho quốc gia khác. Hợp tác quốc tế là sự lựa chọn
của hai bên. Sự lựa chọn đó là sự đánh giá về vai trò, vị thế và tiềm năng của
quốc gia đối tác. Các quan hệ đối tác, hợp tác quốc tế ngày nay không chỉ dựa
trên Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, mà còn dựa trên tôn trọng
thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền của nhau. Sự khác biệt nào đó về chế độ
chính trị, pháp luật giữa các quốc gia không phải là ranh giới không thể vượt
qua trong quan hệ quốc tế ngày nay.
Cho đến nay, cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam
ở đường lối chính trị độc lập, tự chủ, yêu chuộng hòa bình, ở ý thức trách
nhiệm cao với cộng đồng quốc tế và luôn ổn định về chính trị, xã hội. Sự kiện
“nóng” ở Biển Đông vừa qua là một phép thử các quan hệ hợp tác của nước ta. Có
thể nói các quốc gia “đối tác chiến lược”, “đối tác toàn diện” đều thể hiện cam
kết bằng cách này hoặc cách khác ủng hộ Việt Nam trong việc giữ gìn chủ quyền
quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế và quốc
phòng. Chưa có một quốc gia nào đặt điều kiện về chính trị, tư tưởng với Việt
Nam. Nhiều chính khách, chuyên gia cho rằng, Việt Nam hội nhập tương đối đầy đủ
những tiêu chí để phát triển quan hệ hợp tác với các quốc gia khác. Bởi vậy,
phòng, chống “diễn biến hòa bình” chính là để bảo vệ những giá trị đó, nhằm
nâng cao khả năng bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ
của Tổ quốc.
TS
VỌNG ĐỨC
(1) “Lời kêu gọi Liên hợp quốc”, Hồ Chí Minh toàn
tập, Nxb ST, 1995, t.4, tr.469.
(2) Văn kiện Đại hội XI, Nxb CTQG, HN, 2011, tr.70.
(3) Văn kiện Đại hội XI, Nxb CTQG, HN, 2011, tr.29.
(4) Văn kiện Đại hội XI, Nxb CTQG, HN, 2011, tr.83