Đảng CSVN tiến hành Đại hội XII, đương nhiên sẽ xuất hiện
các luồng dư luận và ý kiến khác nhau, như: tư duy của Đảng có gì đổi mới, vai
trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị, tính hợp hiến của ĐCSVN, dân
chủ trong xã hội, mô hình tô chức và hoạt động của bộ máy nhà nước… Hay lại có
những ý kiến như của ông Nguyễn Văn Đài cho rằng ĐCSVN “toàn trị”, độc đảng,
chủ nghĩa Mác là lỗi thời, sai lầm; VN cần có đa nguyên, đa đảng, có các tổ
chức xã hội dân sự… Suy cho cùng, ở góc độ khoa học, việc có những ý kiến khác
nhau là điều bình thường. Nhưng trên lĩnh vực chính trị tư tưởng, những ý kiến
về việc đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, đa nguyên, đa đảng là không thể chấp
nhận được vì thực chất của những ý kiến này là đòi xóa bỏ ĐCS, Nhà nước cách
mạng và chế độ XHCN ở VN.
Ông Đài cho rằng "Chỉ khi nào
Việt Nam chấm dứt được chế
độ độc đảng toàn trị, xây dựng chế độ dân chủ đa đảng, tôn trọng các quyền con
người thì khi đó một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tươi sáng và rực rỡ mới đến với
đất nước và dân tộc Việt Nam.
Chỉ trong chế độ tự do dân chủ, mọi người dân Việt Nam mới có quyền và cơ hội bình
đẳng để cùng tham gia đóng góp xây dựng đất nước. Khi đó những người có tài
năng, có đạo đức, đảng chính trị có uy tín, năng lực mới được Nhân dân lựa chọn
thông qua bầu cử để lãnh đạo đất nước. Và khi đó, Việt Nam sẽ bước vào một kỷ nguyên mới"
và đặt vấn đề "làm thế nào để chấm
dứt chế độ độc đảng toàn trị?"
Xin được hỏi ông Đài và những người cho rằng ĐCSVN thực hiện
chế độ “toàn trị” đối với nhà nước và xã hội là phi dân chủ, là độc đoán chuyên
quyền rằng trong các nước TBCN, các đảng chính trị tư sản cầm quyền có thực thi
quyền lực chính trị của mình đối với nhà nước không? Cái gọi là “tam quyền phân
lập” của nhà nước tư sản do ai lãnh đạo?
Theo tôi, ở những nước tư bản có
nền chính trị như "mơ ước" của ông Đài, phải chăng là nhờ trải qua
hàng trăm năm cầm quyền, giai cấp tư sản đã đạt đến trình độ khoa học và nghệ
thuật khi chấp chính, tuy đa đảng là đặc trưng của nền dân chủ tư sản , nhưng
nhất quyết không thể có đa nguyên chính trị. Hiến pháp, luật pháp tư sản chính
là nhất nguyên chính trị của CNTB, của giai cấp tư sản cầm quyền. Vì vậy có
đảng cầm quyền, có đảng đối lập nhưng cùng chung bản chất đảng tư sản .
Ví dụ như mô hình điển hình nhất
là nền chính trị TBCN đa nguyên đa đảng ở Mỹ, có hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng
hòa thay nhau cầm quyền, nhưng ngay cả người Mỹ cũng phải thừa nhận hai đảng
của họ không khác gì hai nhân vật “Tweedledun and Tweedledes” - tức là giống
nhau, tuy hai mà là một. Chính ở điểm mấu chốt này mà nhà nước pháp quyền tư
sản với “tam quyền phân lập” chỉ phù hợp với xã hội TBCN có đa đảng, nhằm kiểm
soát và phân chia quyền lực của các nhóm, các khối chính trị tư sản khác nhau
nhưng đều có một mục tiêu chung là bảo vệ lợi ích toàn thể, cao nhất của toàn
bộ giai cấp tư sản . Thậm chí nếu một bộ phận trong giai cấp cầm quyền đó bị
tha hóa có nguy cơ phương hại đến lợi ích toàn bộ của giai cấp cầm quyền, bằng
công cụ pháp luật, nhà nước tư sản có thể trừng phạt, loại trừ bộ phận tha hóa
đó ra khỏi đời sống chính trị tư sản để bảo vệ quyền lực và lợi ích của giai
cấp tư sản . Chính vì vậy, phương Tây có câu ngạn ngữ: “Mọi chính khách điều sẽ
ra đi, chỉ có các nhà kỹ trị là ở lại”. Trong Quốc hội lưỡng viện, Thượng viện Mỹ
chỉ bao gồm các thành viên là những nhân vật quan trọng của hai đảng Cộng hòa
và Dân chủ. Trong khi tất cả thượng nghị sĩ đều là các triệu phú và tỷ phú đô
la thì 2/3 thành viên Hạ viện Mỹ là các triệu phú đô la trở lên. Tổng thống Mỹ -
người đứng đầu Chính phủ Mỹ là thủ lĩnh của đảng cầm quyền… Vậy họ là ai (quốc
hội, chính phủ, các cơ quan tư pháp Mỹ) nếu không thuộc về giai cấp lãnh đạo
nhà nước Mỹ - giai cấp tư sản ở Mỹ. Ở góc độ này, thưa ông Đài, phải chăng
những người CSVN cần học tập trình độ, khoa học nghệ thuật cầm quyền của giai
cấp tư sản với tư cách là văn minh nhân loại trong CNTB.
Các ông cho rằng, ĐCSVN một mình
một chợ, độc đoán chuyên quyền, “toàn trị” nhà nước và xã hội là phi dân chủ,
là “mạo danh”, “tiếm quyền” của nhân dân và dân tộc. Đoán chắc ông chưa từng
nghe ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó tổng thống chính quyền Sài Gòn trước năm
1975, đã phát biểu năm 2004 “Về nước kỳ
này tôi đã qua TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội. Tôi cảm nhận tình hình kinh
tế xã hội phát triển ổn định, tốt đẹp; đời sống nhân dân được cải thiện. Nhân
dân vui vẻ, bình yên đón Tết cổ truyền của dân tộc trong khối đại đoàn kết
thống nhất vui vẻ. Trước đây, do sự áp đặt của ngoại bang, Tổ quốc ta như một
cơ thể bị chia cắt ra từng khúc, nay quý vị đã làm được sự thống nhất trở lại.
Tôi thấy từ trong đường gân thớt thịt mạch máu lưu thông, sức sống của một cơ
thể thống nhất đang phát triển từng ngày không gì cản trở được. Chúng tôi,
những người ở vào tuổi thất thập cũng nhắc nhở mình phải góp phần nhỏ bé cho
đất nước. Nhưng tương lai huy hoàng của đất nước này thuộc về lớp trẻ hiện nay
có sự lãnh đạo tập trung của NNVN (mà ĐCSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước
và xã hội VN) và với chính sách đại đoàn
kết dân tộc đúng đắn, chúng ta sẽ phát triển với trào lưu chung của thế giới”.
Ngoài ra, ông Đài và những người
có cùng ý kiến có thể nghiên cứu thêm từ kết quả nghiên cứu khoa học của Viện Phát
triển quốc tế Harvard, Trường Đại học Harvard (Mỹ) và Quỹ Sida (Thụy Điển) tiến
hành một nghiên cứu khóa học về Đông Dương. Tác giả Dam Fforde đã kết luận: “So với các chế độ cộng sản cùng đang cải
cách khác, VN có được những lợi thế chính trị quan trọng. Lên nắm quyền qua
chiến tranh và cách mạng chứ không phải do lực lượng bên ngoài áp đặt. Năm
1975, ĐCSVN đứng đầu một hệ thống chính trị nhất thể với một quyền lực và tính
hợp pháp không bị ai thách thức. Sau 3 thập kỷ đấu tranh, Đảng đã loại mọi đối
thủ và khôi phục được VN thành nước độc lập và thống nhất. Ban lãnh đạo của
Đảng nằm trong số ổn định và thật sự nhất trí trong thế giới cộng sản, và đảng
viên của đảng bao gồm một phần lớn những người tận tụy và yêu nước nhất VN. Hơn
nữa, đó là một Đảng mà sự tồn vong và thắng lợi cuối cùng đã dựa vào điểm huy
động sự ủng hộ của quần chúng, và Đảng đã có được sự chấp nhận rộng rãi của
quần chúng". “Ở VN trong tương lai khó có thể hình dung cơ sở xã hội cho
việc xây dựng một Đảng có khả năng cạnh tranh với ĐCS VN”. “Hơn nữa Đảng phải
tăng cường hệ thống một Đảng không chỉ vì lý do tư tưởng mà còn hầu hết đảng
viên tin rằng đường lối chính trị cạnh tranh sẽ làm trầm trọng thêm những chia
rẽ giữa các vùng và làm mất ổn định chính trị”…
Lại nói những người như ông Đài ở
trong các bài viết của mình thường thể hiện sự khao khát, niềm say mê về nhà
nước pháp quyền tư sản với tam quyền phân lập. Đây không phải là điều gì mới lạ.
Sức hấp dẫn của nhà nước pháp quyền tư sản đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh
nêu ra năm 1919 trong bản “VN yêu cầu ca”,: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Các ông phê phán rằng ĐCSVN tự
nghĩ ra công thức “ Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” để thay
thế cho mô hình tam quyền phân lập là một phê phán vô lý vì nếu ứng với công
thức trên của ĐCSVN, tam quyền phân lập chỉ là một yếu tố có liên quan đến vai
trò của nhà nước trong hệ thống chính trị ở VN.
Trong khi nhà nước pháp quyền tư
sản với tam quyền phân lập chỉ phù hợp với những nước TBCN có đa đảng tư sản và
đặt trong một tổng thể ba giá trị lớn hình thành và tồn tại của CNTB là: kinh
tế thị trường + nhà nước pháp quyền + xã hội công dân. Ba yếu tố này tương tác
lẫn nhau, quyết định lẫn nhau để tạo ra động lực phát triển của CNTB. Nhưng
giai cấp tư sản cầm quyền đã làm được một điều là biến nhà nước tư sản trở
thành công cụ quản trị xã hội đầy hiệu lực nhờ tính chuyên nghiệp của nó. ĐCSVN
nên học hỏi giá trị này ở những yếu tố có lợi cho mình.
Bản chất của chế độ chính trị ở VN
là Đảng cầm quyền nhưng nhân dân làm chủ. Để Đảng cầm quyền có hiệu quả và dân
làm chủ thiết thực, Đảng CSVN đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng đánh đổ chính
quyền của đế quốc và phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng của nhân dân.
Nhân dân theo Đảng làm cách mạng thành công, trở thành người làm chủ và nhân
dân ủy quyền cho Đảng trong vai trò cầm quyền. ĐCSVN không thông qua bầu cử để
cầm quyền như các đảng tư sản . Đây là sự khác biệt về chất giữa ĐCSVN cầm
quyền với các đảng tư sản cầm quyền và cũng giải thích vì sao điều mà một số
người đòi hỏi phải có một cuộc “bầu cử” của toàn dân đối với Đảng hoặc có một
cuộc “trưng cầu dân ý” dưới sự giám sát của LHQ là điều không thể diễn ra ở một
nước VN dưới sự lãnh đạo của ĐCS VN.
Do đó, Điều 4 Hiến pháp năm 1992
không những không được bỏ đi mà mới là bước khởi đầu cho việc Đảng CSVN tiếp
tục lãnh đạo nhà nước VN thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng
một cách chi tiết hơn, đầy đủ hơn, bao phủ hơn trên toàn bộ các lĩnh vực vận
động, phát triển của đất nước, xã hội. Nếu đạt đến trình độ đó thì ý chí, sức
mạnh của toàn dân, của dân tộc, được đại diện thông qua Đảng CSVN sẽ trở thành
nền tảng pháp lý bền vững, giúp cho Đảng CSVN cầm quyền một cách văn minh, khoa
học và hiệu quả. Đây mới thật sự là bản chất của nền dân chủ XHCN ở VN, một mục
tiêu cũng là một động lực của sự nghiệp cách mạng XHCN.
Từ thân phận một dân tộc mất nước,
nhân dân lầm than nô lệ, VN đã trở thành một nước độc lập, có chủ quyền, tham
gia lãnh đạo thế giới khi được chính các thành viên của LHQ bầu vào cương vị Ủy
viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ trong nhiệm kỳ 2008-2009. LHQ chắc
chắn hiểu rõ rằng họ không can thiệp vào công việc nội bộ của một nước thành
viên có uy tín như VN.
Với những ý kiến trái chiều với cương lĩnh, đường lối
của ĐCSVN hiện nay còn nhiều điều cần trao đổi thêm trên các phương diện khác
như lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội. Nhưng cho dù đứng ở vị trí nào, khi
trao đổi những vấn đề có những ý kiến khác nhau thì rất cần một cái tâm trong
sáng ông Đài ạ. Vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Chân lý là cụ thể. Cái gì
có lợi cho Tổ quốc, có lợi cho nhân dân đó là chân lý. Đây cũng là sứ mệnh mà
trí thức phải đồng hành để phụng sự Tổ quốc - Dân tộc và nhân dân.