Năm 2013 sắp kết thúc, đánh dấu một năm đầy biến động của nền kinh tế Việt
Nam. Đây là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi
mặt của đời sống kinh tế xã hội.
ảnh minh họa
Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2013 do bạn đọc của Người Đồng Hành lựa chọn.
Lạm phát được kiểm soát
Năm 2013 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam đã thành công trong việc kiểm
soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra của Quốc hội và Chính phủ, qua đó
giúp ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng kinh tế. Từ mức
18,13% năm 2011, Việt Nam đã đưa chỉ số CPI xuống còn 6,04% năm 2013,
thấp nhất trong 10 năm qua. Đây là một trong những thành tựu nổi bật
trong điều hành giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo kết quả khảo sát gần đây, lạm phát trong năm 2014 được các tổ chức
tín dụng kỳ vọng chỉ tăng ở mức một con số, với mức tăng trung bình
6,74%, mức kỳ vọng này nằm trong ngưỡng mục tiêu đề ra của Quốc hội
(khoảng 7%).
Ngành nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng lên ngôi
Năm 2013 có thể gọi là một năm thuận lợi của nông nghiệp Việt Nam khi
các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn là những mặt hàng nông
thủy sản như gạo, thủy sản, hạt điều, cà phê….
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất hàng
tiêu dùng trong năm 2013 tiếp tục tạo được lợi nhuận ổn định, thu hút
được sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó có rất
nhiều doanh nghiệp chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ qua các năm như
Masan, Vinamilk, Kinh Đô… và điểm nổi bật là có tới 3/10 doanh nghiệp
Việt Nam được Forbes Asia bình chọn là doanh nghiệp có doanh thu dưới 1
tỷ USD tốt nhất Châu Á hoạt động trong lĩnh vực này bao gồm PAN Pacific
(PAN) , Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung Ương (NSC), Công ty Cổ
phần Giống cây trồng miền Nam (SSC).
Ngành nông nghiệp cũng đón nhận sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ với
việc chỉ đạo tập trung thực hiện công tác quy hoạch nhằm tổ chức sản
xuất theo hướng hàng hóa quy mô lớn, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình
thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ trên thị trường trong nước và đẩy mạnh
xuất khẩu. Trong những ngày cuối cùng của năm 2013, Thủ tướng chính phủ
đã ký nghị định số 210/2013/NĐ-CP, đưa ra hàng loạt các chính sách
khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó
bao gồm cả các hình thức hỗ trợ bằng tiền mặt, giảm tiền sử dụng đất với
những doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực này
Việt Nam có tỷ phú USD đầu tiên
Năm 2013, Việt Nam vinh dự được nhắc đến trong danh sách tỷ phú giàu
nhất thế giới 2013 của tạp chí Forbes. Theo đó, Chủ tịch Tập đoàn
Vingroup - Phạm Nhật Vượng đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có tài
sản từ 1 tỷ USD trở lên. Ông Vượng xếp thứ 974 trong danh sách với 1,5
tỷ USD tài sản, chủ yếu nhờ 53% cổ phần trong Vingroup.
Được biết, ông Vượng đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam từ đầu
những năm 2000. Ông trở thành tỷ phú USD đầu tiên trên sàn chứng khoán
Việt Nam từ ngày 7/3/2011, liên tục giữ vị trí người giàu nhất trên sàn
chứng khoán trong 4 năm 2010-2013. Tập đoàn Vingroup với vốn điều lệ hơn
7.000 tỷ đồng là công ty có mức vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng
khoán Việt Nam. Vingroup hiện có một danh mục đầu tư với 31 dự án bất
động sản khắp cả nước, trong đó 12 dự án đã được hoàn thành, 3 dự án
đang được xây dựng và phần còn lại đang trong giai đoạn quy hoạch.
Nâng trần bội chi ngân sách từ 4.8% lên 5,3%
Năm 2013, hụt thu ngân sách của Việt Nam là 63.630 tỉ đồng so với dự
toán. Đây là năm đầu tiên VN không hoàn thành dự toán thu ngân sách,
buộc phải đề nghị tăng mức bội chi từ 4,8% lên 5,3% để bù đắp.
Giải trình trong phiên họp Quốc hội ngày 2/11/2013, Bộ trưởng Tài chính
Đinh Tiến Dũng cho biết, nguyên nhân hụt thu chủ yếu là do dự toán Ngân
sách năm 2013 xây dựng cao so với khả năng thực hiện. Dự toán thu nội
địa từ đất và thu thuế xuất-nhập khẩu năm 2013 đều tăng xấp xỉ 20% so
với thực hiện năm 2012 - là mức quá cao so với khả năng kinh tế. Nguyên
nhân thứ hai là năm 2013 phải thực hiện các chính sách miễn-giảm, dãn
thuế để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng dẫn đến giảm thu ngân
sách nhà nước. Nguyên nhân còn lại là tăng trưởng thấp hơn dự kiến,
cùng với việc quản lý điều hành cũng có lúc chưa hiệu quả nên một số đối
tượng đã lợi dụng, gian lận và trốn lậu thuế.
Khởi tố và xét xử nhiều vụ án kinh tế lớn
Năm 2013, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo
quyết liệt việc điều tra và xử lý các vụ án kinh tế lớn. Nhờ vậy, cuối
năm 2013, 3 vụ án tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II),
CTCP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) và Tổng công ty Hàng hải Việt
Nam (Vinalines) đã được đưa ra xét xử. Nhiều bị cáo cầm đầu trong các vụ
tham nhũng này đã phải chịu mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Ngoài ra, một vụ án kinh tế lớn khác cũng đã được Viện KSND tối cao ra
cáo trạng truy tố 23 bị can trong vụ “lừa đảo” chấn động ngành ngân
hàng. Phiên tòa xét xử Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm dự kiến kéo dài
trong 3 tuần từ 6-25/1/2014. Trong vụ án này, hàng loạt các công ty, các
ngân hàng đã bị dính líu và chịu thiệt hại nặng nề, nhiều quan chức
lãnh đạo cao cấp cũng bị vướng vào vòng lao lý.
Thị trường chứng khoán duy trì mức trên 500 điểm
Trong năm 2013, VnIndex nhiều lần vượt mức trên 500 điểm. Đặc biệt trong
những tháng cuối năm, chỉ số này liên tục duy trì ngưỡng điểm đầy thử
thách này. Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, so với cuối năm
2012, VN-Index tăng trên 22%, HNX-Index tăng 13%. Sự gia tăng của các
chỉ số đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước có mức độ phục hồi mạnh
nhất thế giới. Mức vốn hoá thị trường năm 2013 cũng tăng so với năm
2012, đạt khoảng 964 nghìn tỷ đồng (tăng 199 nghìn tỷ đồng so với cuối
năm 2012), tương đương mức 31% GDP. Tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển
trong năm 2013 vẫn tăng 54% và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD
so với cuối năm 2012. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,27
triệu tài khoản, trong đó số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng
55%.
Số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 11,9% so với năm 2012
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê cho rằng, trong năm 2013, số doanh
nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60.737
doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước. Trong đó, số doanh nghiệp đã
giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm
ngừng hoạt động là 10.803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp
ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.
Tuy nhiên, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2013 là 76.955
doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7
nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%.
Huy động kỷ lục trái phiếu Chính Phủ trên HNX
Thị trường TPCP năm 2013 tiếp tục tăng vọt sau khi bùng nổ từ năm 2012.
Tính từ đầu năm đến ngày 7/12/2013, tổng giá trị phát hành TPCP (gồm cả
trái phiếu Chính phủ bảo lãnh) đã đạt 178.400 tỷ đồng, vượt 6% so với
khối lượng của cả năm 2012. Riêng trái phiếu KBNN của giai đoạn này đã
tăng 17% so với cả năm 2012, theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định, dù thị trường trái phiếu
giảm nhưng Việt Nam vẫn là nước có thị trường trái phiếu tăng trưởng cao
nhất khu vực Đông Á, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 25 tỷ
USD. Trong đó thị trường trái phiếu chính phủ tăng 24,8%, đạt 24 tỷ USD,
thị trường trái phiếu công ty tính đến quý 3 vẫn đứng ở mức 700 triệu
USD.
Phát hiện nhiều doanh nghiệp FDI trốn thuế, có dấu hiệu chuyển giá
Năm 2013, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều cuộc thanh tra, rà
soát hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
(FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Kết quả cho thấy có nhiều dấu hiệu
đáng lo ngại, phát hiện hàng loạt bất thường và sai phạm, có dấu hiệu
của việc chuyển giá nhưng chưa đủ cơ sở để xử lý. Nhiều DN kê khai lỗ
lớn trong nhiều năm nhưng tốc độ tăng doanh thu hằng năm vẫn cao, hoạt
động sản xuất kinh doanh liên tục được mở rộng, nhiều DN đã có số lỗ
vượt quá số vốn chủ sở hữu.
Qua 399 DN tại các khu chế xuất trên địa bàn TP.Hà Nội, TP.HCM, Bình
Dương và Đồng Nai, Thanh tra Chính phủ phát hiện có tới 125 DN khai báo
lỗ dù vẫn có doanh thu "khủng" lên tới 32.563 tỉ đồng. Đặc biệt, có 36
DN hạch toán lỗ trong 3 năm liên tiếp với tổng số lỗ hơn 2.856,8 tỉ
đồng. Và 69 DN khác đã bị lỗ trong 2 năm liền với số lỗ trên 1.829,8 tỉ
đồng.
Tổng cục Thuế cũng cho biết, trong 3 quý đầu năm, ngành thuế đã phát
hiện 122 doanh nghiệp FDI tại 23 tỉnh, thành bị ngành thuế thanh tra đặc
biệt do nghi án chuyển giá với tổng số tiền bị buộc truy thu hơn 200 tỷ
đồng. Kết quả, các doanh nghiệp này đã buộc phải điều chỉnh giảm lỗ
phát sinh và giảm chuyển lỗ tổng số tiền là 2.252 tỷ đồng. Trong đó,
giảm lỗ phát sinh 1.870 tỷ đồng, giảm số lỗ được chuyển vào kỳ tính thuế
thực hiện thanh tra, kiểm tra là 335 tỷ đồng. Qua đó, tổng số tiền thu
nhập chịu thuế của các doanh nghiệp này tăng lên là 2.599 tỷ đồng. Trong
đó, các doanh nghiệp FDI phải tăng thu nhập chịu thuế của kỳ tính thuế
sau thời kỳ thanh tra, kiểm tra, tức từ năm 2013 trở đi là 839 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp “rỗng ruột”
Trước diễn biến khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã bộc lộ
những điểm yếu của mình khi ghi nhận mức thua lỗ lớn, nợ lớn hơn nhiều
lần so với tài sản, buộc phải tái cơ cấu nếu không muốn phải “biến mất”.
Tính đến hết quý III/2013, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng gần
như không có doanh thu, lỗ lớn, vốn chủ sở hữu ngày càng bị “ăn mòn”…
Đơn cử như trên thị trường chứng khoán, mặt dù có hơn 100 CTCK được cấp
phép hoạt động, nhưng số lượng CTCK tồn tại theo đúng nghĩa hiện dễ đếm
hơn là lượng công ty đã “chết lâm sàng”. Thống kê kết quả kinh doanh của
các CTCK tính đến hết quý III/2013 cho thấy, toàn thị trường chỉ có tối
đa 40 CTCK hoạt động có hiệu quả, để lại dấu ấn thực sự. Còn lại, nhiều
CTCK đang rơi vào tình trạng gần như “4 không”: không còn tiền, không
doanh thu, không lợi nhuận, không bảo toàn được vốn.
Ngoài ra, rất nhiều các doanh nghiệp niêm yết khác, thậm chí cả các ngân
hàng đã rơi vào tình trạng thua lỗ kéo dài, buộc phải hủy niêm yết,
chịu bị thâu tóm sáp nhập.