Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Áo kêu gọi EU họp khẩn về khủng hoảng người di cư

QĐND - Cuộc khủng hoảng người di cư tiếp tục hun nóng châu Âu khi việc Đức và Áo chấp nhận người tị nạn được cảnh báo là sẽ mở đường cho không phải 500.000 mà là hàng triệu người tị nạn vào “lục địa già”.
L.Ma-gít (Laith Majid), một ông bố người Xy-ri, đang ôm con trai và con gái vào lòng, sau chuyến đi từ Thổ Nhĩ Kỳ tới đảo Kos, Hy Lạp. Ảnh: New York Times

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Áo Véc-nơ Phây-man (Werner Faymann) ngày 6-9 đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tổ chức cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng người di cư. Ông Véc-nơ Phây-man cũng đồng thời cho rằng, các biện pháp hỗ trợ mà Viên đang tiến hành hiện nay chỉ mang tính tạm thời. Nhà lãnh đạo trên khẳng định, không có biện pháp thay thế nào ngoài việc EU phải tìm ra một giải pháp chung toàn khối. Ông kêu gọi EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh của khối ngay sau cuộc họp của các Bộ trưởng nội vụ và tư pháp vào ngày 14-9 tới. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi chính quyền Áo và Đức vừa mở cửa biên giới cho phép thêm hàng nghìn người di cư vào hai nước này sau nhiều ngày bị kẹt lại ở Hung-ga-ri. Ngoại trưởng Áo Xê-ba-ti-an Ku-xơ (Sebastian Kurz) cũng tuyên bố rằng, số phận của người di cư và cái giá mà họ phải trả bằng cả mạng sống là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với châu Âu.
Từ ngày 4-9, dòng người di cư bị mắc kẹt nhiều ngày qua tại thủ đô Bu-đa-pét của Hung-ga-ri đã đổ sang Áo sau khi Chính phủ Hung-ga-ri huy động xe buýt và tàu hỏa để đưa khoảng 1.200 người tị nạn tới Áo và Đức. Sau khi tới Áo, đoàn người di cư sẽ tiếp tục tới Đức trên các chuyến tàu đặc biệt do Chính phủ Áo cung cấp. Theo thông tin cùng ngày từ cảnh sát liên bang Đức, riêng trong ngày 5-9, khoảng 8.000 người di cư đã vào biên giới nước này. Những người này sau đó được đưa lên xe buýt để tới các khu nhà ở tạm thời đặt tại các tòa nhà công cộng, các khách sạn và doanh trại.
Trước thảm cảnh của người di cư, một số nước cũng tuyên bố bắt đầu tiếp nhận người tị nạn. Ngày 6-9, Thủ tướng Ô-xtrây-li-a Tô-ni Áp-bót (Tony Abbott) cho biết, Chính phủ Ô-xtrây-li-a sẽ từng bước tăng tiếp nhận số người tị nạn từ Xy-ri. “Chúng tôi đang xem xét nhận nhiều người hơn từ khu vực này, cũng như tăng viện trợ cho người tị nạn Xy-ri đang ở trong các trại tị nạn ở các nước láng giềng như một phần trong cam kết bền vững của Ô-xtrây-li-a với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR)”, ông Áp-bót phát biểu từ Can-bê-ra. Ông cho hay, Bộ trưởng Nhập cư Ô-xtrây-li-a Pi-tơ Đút-tơn (Peter Dutton) tối 6-9 lên đường sang Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) để thảo luận với Liên hợp quốc cách thức mà Chính phủ Ô-xtrây-li-a có thể hỗ trợ trong cuộc khủng hoảng di cư hiện nay ở châu Âu.
Mặc dù không bị tác động nhiều bởi làn sóng người di cư, kể cả thời điểm Hung-ga-ri đóng cửa biên giới và Ma-xê-đô-ni-a tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới với Hy Lạp, Ngoại trưởng Xlô-vê-ni-a Các E-gia-vếch (Karl Erjavec) tuyên bố, quốc gia này sẵn sàng tiếp nhận tối đa 2.000 người nhập cư và không phản đối các hạn ngạch phân bổ người nhập cư theo yêu cầu của EU. Cùng ngày, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ tiếp nhận 15.000 người tị nạn Xy-ri nhằm giúp giảm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng người di cư đang đẩy châu Âu vào tình trạng hỗn loạn. Thủ tướng Anh Đa-vít Ca-mê-rôn (David Cameron) cũng tuyên bố sẽ phát động chiến dịch quân sự nhằm đập tan các tổ chức buôn người, một phần nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng người di cư trở nên trầm trọng.
EU đang bị chia rẽ sâu sắc về giải pháp đối phó với làn sóng người di cư chạy trốn khỏi chiến tranh và hỗn loạn ở Trung Đông và Bắc Phi. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Phê-đê-ri-ca Mô-ghê-ri-ni (Federica Mogherini) nhấn mạnh, nếu cộng đồng quốc tế không chung tay giải quyết vấn nạn người di cư, không chỉ I-ta-li-a, Hy Lạp hay Hung-ga-ri, cuộc khủng hoảng này có thể ảnh hưởng đến nhiều quốc gia thành viên khác của EU trong tương lai.
Ông Đ.Mi-li-banh (David Miliband), cựu Ngoại trưởng Anh và hiện là Chủ tịch Ủy ban Cứu nạn quốc tế, đã coi cách phản ứng và xử lý của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay là "yếu kém", tờ Time đưa tin. Theo ông Mi-li-banh, EU hiện nay cần phải thực hiện chính sách toàn diện hơn với vấn đề người nhập cư, trong đó có ba điểm quan trọng. Thứ nhất, họ phải tìm cách chia sẻ với nhau trong việc tiếp nhận người nhập cư. Thứ hai, EU cần có cách thức đăng ký và phân loại người nhập cư phù hợp hơn, nhằm xác định rõ đâu là người tị nạn chạy trốn chiến tranh, đâu là người nhập cư kinh tế muốn có cuộc sống tốt hơn và không được hưởng quy chế tị nạn. Thứ ba, châu Âu cần tích cực hơn trong việc hỗ trợ các quốc gia xung quanh vùng chiến sự Xy-ri, như Li-băng, Gioóc-đa-ni, Thổ Nhĩ Kỳ và I-rắc, những nước đang không thể đối phó với làn sóng 4,5 triệu người tị nạn tràn ra khỏi Xy-ri trong vòng 4 năm qua.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cảnh báo việc hàng triệu người tị nạn có thể nhập cư vào châu Âu sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường về kinh tế và xã hội, thậm chí là chính trị. Ngoại trưởng Hung-ga-ri P.Di-hác-tô (Peter Szijjarto) từng chỉ trích vấn đề lộn xộn ở Hung-ga-ri thời gian gần đây nảy sinh từ chính sách di dân sai lầm của EU và các tuyên bố vô trách nhiệm của một số chính trị gia châu Âu. Ông Di-hác-tô không nêu đích danh ai nhưng theo AFP, Thủ tướng Hung-ga-ri V.Oóc-ban (Viktor Orban) hồi đầu tuần này chỉ trích Đức vì đã khuyến khích người di cư đánh đổi tính mạng đến châu Âu với lời hứa về một nơi tốt đẹp hơn. Ngày 6-9, cảnh sát Hung-ga-ri tuyên bố quốc gia này sẽ ngừng hỗ trợ chuyên chở người di cư đến biên giới Áo bằng xe buýt, khẳng định quyết định đưa hàng nghìn người di cư trong đêm 4-9 tới sáng 5-9 là “sáng kiến duy nhất”.
NGỌC HÀ

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

@ Sự thật về dân chủ, tự do, khách quan trong thông tin về tình hình Việt Nam



Vài người bạn người nước ngoài của tôi thường quan tâm hỏi han tôi về tình hình Việt Nam, và những thông tin, hiểu biết của họ về VN thường làm tôi ngã ngửa vì bất ngờ, thậm chí có lần họ còn tỏ ý lo lắng cho tôi khi phải sống ở một đất nước nghèo nàn lạc hậu, bất ổn triển miên, thiếu dân chủ và không có nhân quyền! Sau khi được hỏi, họ nói đó là những thông tin họ đọc được trên báo chí nước họ. Tôi nhận thấy những thông tin mà họ thu nạp được về tình hình Việt Nam hoàn toàn là thông tin một chiều, thiếu khách quan, thậm chí là thiếu thiện chí đối với Việt Nam. Tuy nhiên, họ lại cho rằng có lẽ tôi không thấy hết truyền thống dân chủ, tự do của báo chí nước họ nên mới đánh giá như vậy. Họ còn viện dẫn ra rằng, bản chất của thông tin phải là mới, hấp dẫn, cái gì mới cũng phải được thông tin cho nên có những sự việc xảy ra ở Việt Nam được báo nước họ đăng tải có thể làm tôi không hài lòng nhưng đó lại là điều mọi người quan tâm.
Biện luận của họ về việc thông tin chỉ đưa những sự kiện mới là hoàn toàn đúng và có lẽ bất cứ người đưa tin nào cũng đều coi trọng nguyên tắc đó nhưng ngoài ra cũng cần phải có sự công tâm và khách quan đối với thông tin được đưa. Tôi cũng hoàn toàn tán thành ý kiến cho rằng thông tin phải trung thực, tôi không bao giờ muốn đọc những thông tin hoặc chỉ tô hồng, hoặc chỉ bôi đen mà phải là những thông tin trung thực, khách quan. Nhưng qua những gì tôi được nghe từ những người bạn, tôi chưa nhìn thấy sự khách quan trong một số báo nước ngoài khi đăng tin về tình hình Việt Nam. Ở đây điều tôi muốn nói là những vấn đề cụ thể, sự việc cụ thể mà các báo nước ngoài viết về Việt Nam.
Khá nhiều lần tôi thấy có sự không khách quan trong cách thông tin về Việt Nam của báo nước ngoài, tôi chỉ nêu ví dụ điển hình, rõ nhất mà tôi còn nhớ, về hai sự kiện xảy ra ở Việt Nam trong cùng một thời điểm và cách thông tin của một số báo chí nước ngoài để mấy người bạn nước ngoài của tôi suy ngẫm về cách lập luận của báo chí nước ngoài !? Đó là việc mấy năm trước Việt Nam liên tục hứng chịu thiên tai, dịch bệnh đặc biệt là những trận mưa bão, những cơn lũ lụt lớn ở miền Trung đã cướp đi nhiều sinh mạng, tài sản của người dân. Cả nước Việt Nam từ trên xuống dưới đồng lòng thắt lưng, buộc bụng sẻ chia cùng đồng bào vùng bị nạn, mọi người chung tay với tấm lòng lá lành đùm lá rách tự nguyện quyên góp giúp đỡ bà con bị thiên tai dịch họa vượt qua khó khăn, thử thách, khôi phục nhà cửa, ruộng vườn, sớm ổn định sản xuất và đời sống... Cũng trong thời gian đó, ở Việt Nam, chính quyền cũng đồng thời phải giải quyết việc một số bà con nông dân ở các tỉnh xa do có những bức xúc liên quan đến đất đai đã kéo nhau tập trung đông người ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để đưa các kiến nghị, đề xuất lên chính quyền. Sự việc mới đầu là nhỏ nhưng đã bị một số nhóm, tổ chức nào đó với mưu đồ riêng giật dây, xúi giục, kích động, hậu thuẫn tiền lôi kéo thêm người tham gia khiếu kiện hòng đã làm rối loạn xã hội Việt Nam. Hai sự kiện xảy ra trong một thời điểm, nhưng lúc đó không ít báo chí nước ngoài chỉ tập trung khai thác thông tin từ sự kiện thứ 2, bởi họ cho rằng người dân bị oan ức từ các địa phương kéo về Thủ đô để biểu tình chống lại chính quyền. Không hiểu cách họ đưa tin thế nào mà khiến những người bạn nước ngoài của tôi lúc đó còn quan tâm gọi điện hỏi thăm về tình hình bất ổn chính trị tại Việt Nam, về tình hình và tương lai của gia đình tôi... Lúc đó tôi nghĩ, có thể những tờ báo nước ngoài này đã lấy nguồn tin từ các trang tin cá nhân trên mạng xã hội, những trang tin này thời điểm đó còn đăng bài kích động, lồng ghép với vấn đề chính trị để đẩy vụ việc này thêm căng thẳng, dường như họ mong muốn có cuộc cách mạng màu, cách mạng hoa mai hoa đào xảy ra ở Việt Nam.
Tôi thật không hiểu, nếu truyền thống dân chủ, tự do báo chí của họ tôn trọng phản ánh cái mới, phản ánh sự thật thì chắc việc hàng trăm người dân bị thiệt mạng, hàng nghìn nhà cửa bị phá hủy, hàng vạn hecta ruộng vườn của người dân bị mất mát, cuộc sống của người dân vùng bị thiên tai trăm bề khó khăn, thiếu thốn đã không thu hút được sự chú ý của họ? Bởi không thấy họ thông tin về sự kiện này. Không lẽ điều đó không đáng để làm cho họ động lòng hay sao?!
Liệu truyền thông báo chí của họ có cho thấy sự thật dân chủ, tự do, công tâm, khách quan của nền báo chí tiên tiến, phát triển không khi chỉ thấy trên mặt báo của họ những thông tin tiêu cực về Việt Nam như tục chém lợn, vụ chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội, vụ bạo hành trẻ em, hay đâu đó là những cá nhân giết chó, đập mèo... mà không hề đưa về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được.
Có lẽ không cần nói gì hơn, chỉ nêu ví dụ cho mấy người bạn nước ngoài hai sự việc và cách ứng xử của một số báo chí nước ngoài để biết rằng giữa việc họ nói và cách thể hiện đã cách xa nhau một trời một vực rồi.
Hoangthehung

Trả lại giá trị cho những tác phẩm nghệ thuật đích thực

Chính xác, khách quan, công bằng luôn là điều mà mọi cuộc thi trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ hướng tới. Tuy nhiên, qua phản ánh của báo chí và ý kiến một số người trong cuộc thì dường như lại có hiện tượng can thiệp, đôi khi thô bạo, nhằm làm sai lệch kết quả giải thưởng? Vậy phải chăng vì lợi ích cá nhân mà một số người đã gây nhiễu loạn đời sống văn học, nghệ thuật, làm giảm niềm tin của công chúng?
Mùa giải năm 2015, Ban tổ chức (BTC) chương trình Bài hát yêu thích quyết định loại bỏ hình thức bầu chọn bằng tin nhắn và lượt nghe. Theo quy định mới, các ca khúc biểu diễn trong chương trình sẽ được bình chọn qua hình thức duy nhất là từ Hội đồng khán giả đại diện. Hằng tháng, BTC sẽ lựa chọn, công bố danh sách các thành viên hội đồng khán giả đại diện (100 thành viên/tuần). Các thành viên trong hội đồng không cố định, sẽ được thay đổi hằng tháng theo tỷ lệ từ 10% đến 30%, sẽ bình chọn trực tuyến trên hệ thống bình chọn online tại website của chương trình. Đại diện BTC lý giải: “Dù chúng tôi luôn cố gắng bảo đảm cho hoạt động bình chọn được công bằng đối với tất cả các ca khúc trên bảng xếp hạng, song với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự hình thành các fanclub, đã có một bộ phận khán giả sử dụng phần mềm để tạo lượt nghe ảo, tin nhắn rác khiến kết quả bình chọn sai lệch, gây ra những tranh cãi không đáng có. Những thay đổi này nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng hơn trong hoạt động bình chọn”. Và sự thay đổi này đã được dư luận đánh giá là kịp thời, cần thiết. Có lẽ vì các mùa giải trước, BTC Bài hát yêu thích đã phải giải quyết không ít tranh cãi, khiếu nại liên quan tin nhắn bình chọn ảo. Điển hình là mùa giải năm 2012, BTC đã buộc phải hủy hơn 1.400 tin nhắn cho ca sĩ X sau khi phát hiện hiện tượng bất thường, như: rất nhiều tin nhắn xuất hiện từ dải sim có chung đầu số, mỗi sim đều dùng hết lượng tin nhắn tối đa theo quy định, kiểm tra ngẫu nhiên phát hiện đó là sim rác… Khi được BTC thông báo, ca sĩ X công nhận vì quá hưng phấn nên các fan của ca sĩ tích cực dùng sim rác nhắn tin bình chọn cho bài hát mà ca sĩ trình bày.
Những trường hợp nêu trên không phải là cá biệt, vì thời gian gần đây dư luận ngày càng quan tâm đến hiện tượng trong một số cuộc thi có một số ca sĩ vận động, thậm chí mua sim điện thoại phát cho người hâm mộ, thuê người giỏi công nghệ thông tin can thiệp bằng phần mềm tin học tự động nhằm nâng kết quả bình chọn theo ý muốn, rồi thuê báo chí viết bài lăng-xê... Về hiện tượng này, ca sĩ trẻ TH nhận xét: “Bây giờ, không phải khán giả thích thí sinh nào thì lấy điện thoại bình chọn cho thí sinh đó nữa, mà đó là một sân chơi để những nghệ sĩ với ước mơ chiến thắng bằng mọi cách để mong giành giải. Có thể số tiền bỏ ra để mua giải không nhiều, nhưng sự chiến thắng này được họ dùng để lòe thiên hạ và tự đánh bóng tên tuổi của mình trước khán giả”. Việc một số nghệ sĩ dùng mọi thủ đoạn để thao túng dẫn đến tình trạng một số tác phẩm hời hợt, một số giọng ca non kém lại được tung hô, tôn vinh thái quá. Song rốt cuộc cũng chỉ trong một thời gian ngắn, mấy ca sĩ, mấy ca khúc vừa được thổi phồng giá trị không còn được mấy ai nhớ đến; không ít giải thưởng vừa được trao đã bị công chúng quay lưng và cũng từ đó, lòng tin của công chúng về giải thưởng bị suy giảm. Đáng lo ngại là khi giá trị “ảo” được tôn vinh đến mức lố bịch thì người liên quan như mắc bệnh “vĩ cuồng”, tự thấy giải thưởng như là sự bảo đảm cho phát ngôn, thậm chí hành xử lệch lạc; và họ kéo theo một bộ phận công chúng ngộ nhận về giá trị đích thực của tài năng cũng a dua, cổ súy cho tác phẩm non kém, gây nhiễu loạn đời sống văn hóa, văn nghệ.
Và có một điều cần bàn là trong một số hoạt động thiếu lành mạnh nhằm tạo dựng, đánh bóng tên tuổi một số nhân vật trong làng giải trí lại có sự can dự của một số nhà báo. Về điều này, tác giả VV ở báo Lao Động đã thẳng thắn gọi là tình trạng “nhà báo làm thuê cho showbiz”, như anh viết: “Chính nhà báo cố tình tiếp tay PR cho giới showbiz với những thông tin gửi đi khắp nơi. Có những nhà báo làm thuê cho giới showbiz (tổ chức sự kiện, lo tổ chức truyền thông) với “cát-xê” không rẻ. Vì thế, có những gương mặt người mẫu, ca sĩ, diễn viên… cứ xuất hiện trên mặt báo in và báo điện tử với tần suất chóng mặt. Nhất cử nhất động của họ đều được lên mặt báo và nhiều trường hợp cố tình tạo ra scandal để gây chú ý”. Sự can thiệp quá sâu của báo chí đã tạo nên thứ “quyền lực ảo” lũng đoạn đời sống văn nghệ. Phải chăng vì thế mới có ca sĩ không ngần ngại khi tuyên bố, hễ anh ta tham dự cuộc thi nào thì giải thưởng cao nhất cuộc thi chắc chắn sẽ thuộc về anh ta, vì anh ta chính là “người đàn ông quyền lực nhất của giới showbiz”?
Không chỉ trong nghệ thuật biểu diễn, trong văn học đã và đang có hiện tượng tạo dựng giá trị ảo như vậy. Quan tâm theo dõi sẽ thấy, như đã thành thông lệ, trước mỗi mùa giải thưởng, người trong văn giới sẽ lập tức biết về một số tác giả đôn đáo chạy vạy khắp nơi để đặt người viết bài lăng-xê, tán tụng. Mục tiêu là càng nhiều người viết càng tốt, bài viết xong đăng trên càng nhiều báo càng hay. Không báo giấy thì báo mạng, cùng lắm thì đưa lên facebook rồi đánh dấu để hàng trăm người cùng vào “thưởng thức”. Hình như những người này quan niệm ai chiếm lĩnh được báo chí, truyền thông người ấy nắm ưu thế, và báo chí truyền thông hoàn toàn có thể sẽ gây áp lực lên Ban giám khảo? Hẳn là vì thế trước mỗi mùa giải thưởng, thường đột nhiên xuất hiện một số bài báo ca ngợi hết lời một số cuốn sách, căn cứ vào đó, người quan tâm có thể… dự đoán giải thưởng!? Bởi vậy, tác giả nọ khoe rằng, sách của anh ta vừa xuất bản đã có hơn 30 bài viết. Lạ là bài nào cũng khen ngợi rất nồng nhiệt, nào là cuốn sách đáng đọc nhất trong năm, nào là lâu lắm mới có một cuốn tiểu thuyết bề thế như vậy; nào là phát hiện mới của văn học về đề tài A, rồi giải thưởng văn học trong năm nhất định sẽ thuộc về cuốn tiểu thuyết đó! Thậm chí tọa đàm ra mắt sách vừa kết thúc hôm trước, hôm sau đã có tờ báo “chốt” thông tin nóng hổi với dự báo rằng giải thưởng năm nay sẽ thuộc về nhà văn X! Có nhiều lý do để có cuộc thi, dù BTC chưa công bố kết quả nhưng người ngoài cuộc đã đoán được chủ nhân giải thưởng là ai. Chưa biết thực hư ra sao nhưng dư luận trong văn giới còn xì xào về chuyện có nhà văn tự tin đến mức trực tiếp đến gặp từng người trong Ban giám khảo để đòi tác phẩm dự thi của mình phải đoạt… giải nhất, nếu không sẽ kiện đến cùng!? Rồi lại có tác giả bỏ ra không ít tiền để tổ chức hội thảo tôn vinh tác phẩm của chính mình và nghe đâu mỗi bài tham luận ca tụng tác phẩm được tác giả này mạnh tay chi trả tới vài triệu đồng? Và sau đó, các bài tham luận tụng ca còn được tổ chức dịch sang tiếng Anh, in thành sách song ngữ bổ sung vào hồ sơ xin dự giải Nobel văn học thế giới!
Cho nên, theo dõi những “bất thường” trong đời sống văn học, nhà thơ NHQ nhận xét: “Việc nhà văn, nhà thơ huy động lực lượng phê bình thân thuộc viết bài khen ngợi sách của mình là không quá hiếm ở nước ta. Nếu người sáng tác biết mình biết ta thì chắc họ không làm khổ các nhà phê bình như thế. Sự phê bình khi nó thực thi chức phận với lòng trung thực và trách nhiệm cao thì sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cho phát triển của văn học nước nhà. Ngược lại khi nó dính vào sự vụ lợi, cánh hẩu hay cẩu thả, hời hợt sẽ làm vẩn đục dòng chảy văn chương”. Để góp phần lành mạnh hóa các giải thưởng văn học, nhà văn TS đã đề xuất: “Nên có hệ thống giải thưởng dựa trên những tiêu chí riêng (có tính chất trường phái). Đi kèm các giải thưởng là quá trình tranh luận, tọa đàm với sự tham gia mạnh mẽ của giới phê bình. Điều này tạo sự gắn kết và môi trường tác động giữa sáng tác và phê bình làm cho đời sống văn học phong phú, các khuynh hướng khác nhau được tôn trọng và hình thành dần cơ sở lý luận có tính chất nội sinh cho các khuynh hướng đó”. Tuy nhiên để làm được như vậy, lại không đơn giản chút nào. Các tác phẩm ít có giá trị lại được cổ súy, nhưng chỉ một vài tháng sau đã mất tích trên văn đàn. Rõ ràng nếu không biết từ chối, sự tham gia của các nhà phê bình viết theo đơn “đặt hàng” sẽ chỉ làm nhiễu loạn các giá trị”.
Không phải không có lý khi gần đây một tác giả cho rằng, “văn chương đích thực luôn biết tự trọng để nói không với những chiến thuật, chiêu bài phi văn học, phản nhân văn”. Do vậy, ở đây cần đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của những người can dự vào quá trình truyền thông và trực tiếp góp phần thiết lập các giá trị trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Nếu mỗi người thiếu ý thức trách nhiệm với việc làm của mình, thiếu quan tâm để điều chỉnh ngòi bút,… thì vẫn còn những giá trị "ảo" bị thổi phồng, những chuẩn mực bị bóp méo, và đẩy tới khả năng văn học, nghệ thuật dần dà phai nhạt niềm tin trong công chúng.

THI PHONG

“Nền dân chủ phương Tây” và sự khủng hoảng niềm tin


Lâu nay, một trong những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí là cổ xúy cho cái gọi là nền “dân chủ phương Tây”. Vỗ tay rào rào tán thưởng nhưng họ lại không quan tâm đến thực tế nền dân chủ phương Tây đang rơi vào khủng hoảng và chính người dân ở đó không tin xã hội của họ có một nền dân chủ lý tưởng, cần được xuất khẩu. Tổng thuật của Hồ Ngọc Thắng về một công trình nghiên cứu ở CHLB Đức gần đây giúp bạn đọc tìm hiểu vấn đề một cách cụ thể.

Nhiều năm qua, một số người ở phương Tây thường coi nền dân chủ phương Tây là “mô hình mẫu mực, có tính phổ quát”, bởi vậy, bằng nhiều cách thức khác nhau, họ cố gắng xuất khẩu ra khắp thế giới nhằm đạt tới các mục đích chưa hẳn là vì dân chủ. Tuy nhiên, về cả lý thuyết lẫn thực tế, bản chất “mô hình” này là dân chủ dành cho số ít hay dành cho số đông vẫn là câu hỏi chưa được trả lời thấu đáo. Từ thực trạng của vấn đề, cần đặt câu hỏi rằng, lợi ích vật chất, tinh thần mà số đông được hưởng thụ liệu có phải chủ yếu nhằm khỏa lấp khoảng cách ngày càng xa hơn giữa giàu và nghèo, tạo ra ấn tượng mơ hồ về việc quyền lợi của số đông được bảo đảm? Khi các câu hỏi đó chưa được trả lời thì nền dân chủ phương Tây vẫn có các khiếm khuyết riêng và khó có thể khắc phục nếu tiếp tục vận hành theo những quan niệm, tiêu chí và cách thức vốn có. Vấn đề đặt ra là, chỉ có thể học hỏi một số nội dung tiến bộ từ “mô hình” đó chứ không nên coi là “mẫu mực” để vận dụng, mô phỏng một cách máy móc. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại có một số người không nắm được bản chất vấn đề cho nên hô hào, đòi hỏi xây dựng xã hội phỏng theo “mô hình” nền dân chủ phương Tây! Khi hô hào và đòi hỏi như vậy, liệu họ có biết sau nhiều năm tồn tại, nền dân chủ phương Tây đã bộc lộ các khiếm khuyết cốt tử và đó là nguyên nhân làm cho niềm tin vào nền dân chủ phương Tây đã và đang lung lay tại chính nhiều nước phương Tây. Có thể nhận diện vấn đề qua việc ngày 22-7-2015, một công trình nghiên cứu khoa học với chủ đề Lòng tin ở Đức và châu Âu - một so sánh quốc tế gồm 20 quốc gia (Vertrauen in Deutschland und Europa - Ein internationaler Vergleich von 20 Ländern) do Viện nghiên cứu kinh tế Cô-lô-nhơ (IW Köln) - viện nghiên cứu nổi tiếng ở CHLB Đức, thực hiện. Và ngày 26-7-2015, trong phiên bản dành riêng cho ngày chủ nhật, tờ Thế giới (Die Welt) là nơi đầu tiên công bố công trình này với tên bài Ngày càng nhiều người châu Âu không tin vào nền dân chủ (Immer mehr Europäer misstrauen der Demokratie). Đến ngày 30-7-2015, báo chí CHLB Đức từ trung ương đến địa phương đều đưa tin cùng nội dung, nhưng với tên bài khác nhau như: Châu Âu trong khủng hoảng tư tưởng (Europa in der Ideologie-Krise), Người dân nam châu Âu có mối nghi ngờ ngày càng lớn vào hệ thống chính trị (Südeuropäer zweifeln immer stärker am politischen System)…
Công trình nêu trên được hai tác giả GS.TS D.H En-xtơ (D.H Enste) và TS M. Muê-lờ (M. Möller) thực hiện, chủ yếu dựa trên kết quả những cuộc thăm dò dư luận từ năm 2000 đến năm 2014 của nhiều tổ chức quốc tế như: Ngân hàng thế giới, Ủy ban châu Âu, Khảo sát xã hội châu Âu (ESS), biểu số quan sát EU, OECD, Bloomberg. Ngoài ra, các tác giả còn sử dụng kết quả nghiên cứu, tính toán riêng của mình, và phỏng đoán cho năm 2015. Để thực hiện công trình, những người nghiên cứu đã xây dựng hệ thống chỉ số niềm tin để đánh giá theo xếp hạng bậc thang với 20 quốc gia, riêng Đại công quốc Luých-xăm-bua không được khảo cứu (có thể do dân số quá ít?). Theo kết quả đã thu được thì người dân ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, I-ta-li-a,... ngay cả ở Pháp và Anh, đang ngày càng mất niềm tin vào nhà nước và trật tự kinh tế tự do.
Trong phần khái quát, hai tác giả đã viết: “Mục đích của công trình này là để kiểm tra vốn về lòng tin (trong tiếng Đức hai tác giả dùng từ ghép là Kapital và Vertrauen) của một nền kinh tế qua so sánh trong phạm vi châu Âu bằng cách phân tích theo chiều dọc các số liệu thu thập trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2014. Từ khái quát chỉ số niềm tin ở hai mươi quốc gia, đi đến chỗ cho thấy sự phát triển các chỉ số niềm tin riêng lẻ như: chỉ số niềm tin vào hệ thống chính trị, chỉ số niềm tin vào hệ thống kinh tế, chỉ số niềm tin vào hệ thống xã hội của mỗi quốc gia. Các điểm mạnh và điểm yếu của mỗi quốc gia trong quan hệ với các nhà nước khác được chỉ ra để tạo động lực cho các biện pháp có thể tăng cường lòng tin”. Tiếp theo, hai tác giả viết: “Các cuộc khủng hoảng, như cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu hoặc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng Euro có một điểm đồng nhất là gây ra và đẩy mạnh sự thiếu lòng tin. Vì vậy, ý nghĩa của lòng tin đã thể hiện đặc biệt rõ ràng trong các cuộc khủng hoảng này. Trong khi các phát triển về vốn vật chất, hoặc vốn thật, được thống kê chính xác, ghi chép đầy đủ và đã có các bước đi đầu tiên trong việc ước tính các giá trị của vốn con người (tiếng Đức: Humankapital), nhưng đến nay chỉ có một vài cố gắng thu thập giá trị của vốn về lòng tin và vốn xã hội (tiếng Đức Sozialkapital). Đặc biệt trong thời gian khủng hoảng, lòng tin vào chính trị và thể chế là rất quan trọng. Chính trong bối cảnh sau cuộc khủng hoảng tài chính, mà quan sát thấy một mất mát rất lớn về sự tin tưởng của dân chúng vào chính phủ của mình ở một số nước”…
Theo hai tác giả: “Niềm tin là nền tảng của rất nhiều mối tương tác giữa con người với nhau, và với nền kinh tế. Về mặt xã hội, niềm tin tạo điều kiện cho các mối tương tác giữa con người với con người bằng sự ổn định tình cảm trong các quan hệ, và từ góc độ kinh tế làm cho phí giao dịch thấp hơn, do đó tạo điều kiện cho sự khởi đầu dẫn đến ký kết hợp đồng, như J. Uy-li-am-sơn đã viết năm 1993 (J. Williamson - nhà kinh tế học người Anh, cố vấn Bộ Kinh tế Anh từ năm 1968 đến năm 1974, cố vấn IWF từ năm 1972 đến năm 1974, cố vấn Ngân hàng Thế giới từ năm 1996 đến năm 1999, năm 2001 là Giám đốc dự án của Hội nghị UN về tài trợ phát triển - chú giải của tác giả Hồ Ngọc Thắng - HNT), K. A-rốp viết năm 1972 (K. Arow: nhà kinh tế học và toán học người Mỹ, giải Nobel về kinh tế năm 1972, đồng phát minh lý thuyết lựa chọn xã hội - HNT). Thông qua quá trình này, mức độ của lòng tin đóng vai trò trung tâm trong sự thành công về kinh tế của một cộng đồng. Ngược lại, sự xói mòn của lòng tin dẫn đến tình trạng trì trệ kinh tế và khủng hoảng kinh tế. Như cuộc khủng hoảng hiện nay trong hệ thống tài chính đã thể hiện rõ ràng, sự xói mòn lòng tin giữa các ngân hàng tạo nên sự cứng rắn trong việc cho vay tiền như thế nào. Các chi phí tài chính của công ty tăng vọt, kết quả là đầu tư bị cắt giảm và từ đó gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế nói chung”.
Khi đánh giá về lòng tin, một câu hỏi được đặt ra: lòng tin hay sự tin tưởng là gì? Theo các tác giả, trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau người ta đã đưa ra các định nghĩa khác nhau, thí dụ như trong tâm lý học, tâm lý kinh tế… Xuất phát từ đặc điểm riêng của đối tượng nghiên cứu, nên trong công trình nghiên cứu này sử dụng một định nghĩa lòng tin theo hướng mở rộng. Đó là định nghĩa do ông J. Béc-khợt (J. Beckert: GS.TS Giám đốc Viện nghiên cứu xã hội Max - Planck của CHLB Đức - HNT) đưa ra năm 2002: “Lòng tin là sự kỳ vọng của con người cho rằng, những gì mình tự đặt ra trong quan hệ trao đổi sẽ không bị người nhận niềm tin lợi dụng, dù qua sự lựa chọn phương cách lợi dụng, người này có thể thu được một lợi ích cao hơn”. Để đánh giá lòng tin của người dân về hệ thống chính trị, các tác giả xem xét theo các điểm quan trọng là niềm tin vào chính phủ và quốc hội với dữ liệu được khai thác từ biểu số quan sát EU (tiếng Đức Eurobaromete, là biểu số của Ủy ban châu Âu đưa ra đều đặn để thăm dò ý kiến của công chúng ở các nước EU - HNT) dựa trên các câu hỏi sau: “Ngài có nhiều hay ít sự tin tưởng vào chính phủ?”. Và “bao nhiêu niềm tin với Quốc hội?”… Cụ thể:
Về ổn định chính trị: Câu hỏi niềm tin vào sự ổn định chính trị có tầm quan trọng lớn hơn nhiều do nhiều bất ổn chính trị xảy ra trong thời gian mới đây ở châu Âu. Các dữ liệu đã phản ánh cảm nghĩ của người dân, liệu họ có tin rằng, chính phủ có thể bị lao đao hay bị lật đổ bằng phương tiện bất hợp pháp hoặc bạo lực. Điều này cũng đề cập đến bạo lực, vì động cơ chính trị và khủng bố có động cơ chính trị. Dữ liệu được lấy từ kết quả của thăm dò dư luận do Ngân hàng Thế giới thực hiện.
Về nguyên tắc nhà nước pháp quyền: Có một nhu cầu rất lớn về ổn định, bảo vệ chống lại bạo lực, độc đoán. Chỉ số nguyên tắc nhà nước pháp quyền phản chiếu lại niềm tin của nhân dân trong sự bảo vệ của pháp luật, cảnh sát và tòa án. Ngoài ra, nó tương ứng với đánh giá về độ tin cậy của các quy tắc được đặt ra: có hiệu quả và được tuân thủ? Khả năng có thể xảy ra tội phạm và bạo lực ở mức nào? Các dữ liệu cũng từ các cuộc điều tra của Ngân hàng Thế giới.
Về bảo vệ người cho vay tín dụng và người vay: Chỉ số này đề cập cụ thể tới việc bảo vệ người cho vay và người đi vay. Nhìn vào cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, chỉ số này có tầm quan trọng đặc biệt. Số liệu điều tra thu được sẽ đo mức độ bảo vệ những người cho vay và người đi vay, do đó tạo điều kiện cho vay qua các luật về an toàn tín dụng và pháp luật về phá sản. Những dữ liệu này có được từ các cuộc điều tra của luật sư theo định hướng tài chính, phân tích pháp luật và các quy định cũng như các thông tin công khai về luật an toàn tín dụng và luật phá sản. Nó là một hỗn hợp của các cuộc khảo sát thị trường và dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới. Nếu các chỉ số đánh giá càng cao, thì lòng tin vào luật pháp càng cao.

Về chống tham nhũng: Điều này cho thấy quyền lực nhà nước không chỉ là quyền lực để bảo vệ công dân, mà một phần bị lạm dụng để làm giàu cho riêng mình. Nếu nhà nước sử dụng quyền lực để làm lợi cho cá nhân, thì nhà nước lạm dụng sự tín nhiệm của công dân. Các chỉ số được Ngân hàng Thế giới cung cấp, cho biết phạm vi đánh giá của người dân về quy mô của sự lạm dụng quyền lực. Nếu chỉ số càng cao thì việc kiểm soát tham nhũng qua người dân càng tốt và lòng tin của người dân vào hệ thống càng cao.

Về hiệu quả của hành chính công: Là một phần của hệ thống chính trị công cộng nên hành chính công cũng phải được xem xét. Chỉ số này cho biết nhận thức của công dân về hiệu quả và chất lượng hành chính công. Điều này cũng độc lập với các áp lực chính trị, chất lượng xây dựng chính sách và thực hiện cũng như độ tin cậy của các cam kết chính phủ đối với các chính sách. Các chỉ số giá trị cao hơn thì cảm nhận về hiệu quả và chất lượng của cơ quan hành chính càng cao và người dân tin tưởng càng nhiều. Các dữ liệu lấy từ các hồ sơ dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.
Từ quan điểm tiếp cận và nghiên cứu như vậy, công trình đã đưa ra kết quả trong bảng bên, trong đó: (1) là vị trí theo bậc thang, (2) là điểm số theo mức điểm 0-100.
Trong phần kết luận, hai tác giả viết: “Chủ đề lòng tin có tầm quan trọng lớn không chỉ trong quan hệ giữa con người với con người. Cả trong chính trị, kinh tế, các phạm vi xã hội, câu hỏi về lòng tin ngày càng được chú ý từ vài năm nay. Với tiến trình toàn cầu hóa, nhu cầu tin tưởng tổng quát vào lực lượng từ bên ngoài tăng nhanh, các nguy cơ lợi dụng lòng tin cũng tăng theo, trở nên phức tạp hơn. Các nhà khoa học của nhiều lĩnh vực khác nhau đã đưa lòng tin vào chủ đề nghiên cứu của mình. Ngoài việc giải trình lý thuyết và nhận thức, nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã phân tích mối quan hệ tin cậy giữa các cá nhân, tác động của sự tin cậy trong quan hệ con người với các yếu tố liên quan kinh tế cũng như các mối liên quan giữa niềm tin của con người với các tập đoàn kinh tế lớn. Vì sự tin tưởng đóng một vai trò quan trọng, cần phải nhận biết có bao nhiêu niềm tin đang tồn tại trong một quốc gia. Ở khía cạnh này, phải xác định lòng tin được đo trong phạm vi nào. Từ góc độ kinh tế và khoa học xã hội, các phạm vi như chính trị, kinh tế và xã hội cho chúng ta các khả năng phân tích liên quan và thú vị. Ngoài ra, chúng tạo nên trong tranh luận khoa học những khái niệm bổ trợ được sử dụng nhiều và ở cấp độ vĩ mô, phần lớn được xem là những hệ thống hoàn toàn khác nhau. Do đó, sự so sánh lòng tin theo bình diện quốc tế đối với hệ thống chính trị, hệ thống kinh tế và hệ thống xã hội, chủ yếu dựa vào chỉ số lòng tin đo được bằng khảo sát thị trường và thăm dò dư luận. Bên cạnh việc nghiên cứu lòng tin vào các hệ thống ở những nước châu Âu khác nhau, thì công trình này đem lại các kết quả sâu sắc của khoảng thời gian liên tục 14 năm liền”.
Một đánh giá của ông M. Huýt-thờ (M. Huether), Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Cologne trong những ngày qua được rất nhiều tờ báo và tạp chí trích dẫn là, ở châu Âu: “có một vòng tròn luẩn quẩn của khủng hoảng kinh tế và sự mất lòng tin vào chính trị” (trong tiếng Đức, ông này dùng từ Teufelkreis - vòng tròn ma quỷ - HNT). Theo tác giả, những nước dẫn đầu bảng là “những nước ở đó có sự kết hợp hài hòa giữa lòng tin và sự kiểm soát”, và “để lấy lại lòng tin của người dân cần phải có một quãng thời gian tương đối dài”. Kết quả điều tra cho thấy, nếu tổng sản phẩm quốc nội thấp thì lòng tin của người dân vào nhà nước và chính trị cũng thấp theo, thí dụ các nước phía nam châu Âu. Nhưng tác giả cũng nhấn mạnh, điều này không đúng với Cộng hòa Pháp và Vương quốc Anh, tuy ở vị trí trước CHLB Đức nhưng ở Vương quốc Anh “sự chán chường nhà nước ngày càng trầm trọng”. Cũng theo ông M. Huýt-thờ thì “trong một quãng thời gian dài, ở một số nước thành viên của EU, sự thiếu lòng tin được che đậy bằng đồng EURO”.
Trong bảng bậc thang, CHLB Đức đứng thứ bảy, thuộc vào nhóm “top 10”. Điểm mạnh của Đức là lòng tin vào hệ thống kinh tế, nhưng lòng tin vào hệ thống chính trị lại đứng sau Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Hà Lan. Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong các nghiên cứu khác trước đó cũng đã chỉ ra xu hướng chán chường chính trị. Thí dụ, trên cổng thông tin Statista, một trong những trang mạng thống kê lớn nhất trên Internet, người quan tâm có thể đọc dữ liệu về kết quả thăm dò dư luận do Viện Bertelsmann - Stiftung (Bet-the-sơ-man) thực hiện vừa qua. Khi được hỏi, tại sao lại chán chường chính trị, thì 61% số người được hỏi trả lời: không thể đồng cảm với những gì đang xảy ra trong chính trị; 54%: trong chính trị hay lừa đảo; 46%: quan tâm hơn tới các vấn đề khác; 45%: có cảm giác không thể tác động được gì; 38%: thất vọng với chính trị và các chính trị gia. Theo con số công bố trên báo chí vào ngày 16-7-2015, trong năm 2014, các đảng trong liên minh cầm quyền ở CHLB Đức vẫn tiếp tục suy giảm số lượng đảng viên, cụ thể so với 2013, Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) mất 2,9%, còn 459.902 đảng viên (năm 1977 đảng này có một triệu đảng viên, những năm 80 của thế kỷ trước còn 900.000 đảng viên); Đảng Liên minh dân chủ Kitô giáo Đức (CDU): mất 2,1%, còn 457.488 đảng viên (những năm 90 của thế kỷ trước, đảng này có tới 750.000 đảng viên); Đảng Liên minh xã hội Kitô giáo Bayern (CSU) mất 1,2% còn 146.536 đảng viên (năm 1999 đảng này có 186.198 đảng viên)…
Không ai phủ nhận thực tế, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, hoàn thiện xã hội và nâng cao đời sống mọi mặt của con người,… Việt Nam đã và đang học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước, trong đó có các nước phương Tây, đặc biệt là học hỏi để xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền, xây dựng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, học hỏi như thế nào cũng cần nhận biết một cách khách quan về khó khăn, trở ngại, cần vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể như: sự lựa chọn xu hướng phát triển, hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hóa,… không chấp nhận một nền dân chủ bị áp đặt từ bên ngoài, hoặc là mô phỏng một cách máy móc, bất chấp các đặc điểm riêng. Và cũng cần lưu ý tới hiện tượng “ngọn cờ dân chủ” trở thành chiêu bài để gây chiến tranh, hoặc làm xã hội rối loạn, bất ổn như đã xảy ra ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, Li-bi,…

HỒ NGỌC THẮNG (lược dịch và tổng thuật)

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2015

@ Vu lan, viết cho Mẹ Tổ Quốc yêu thương!

    
Vu lan - mùa báo hiếu đã qua rồi!
Vu lan năm nay, cũng như mọi năm tôi đã không lên chùa, không cúng bái, cũng chẳng viết hay nói biết ơn cha hay yêu thương mẹ, nhưng tấm lòng biết ơn của tôi thì vẫn như mọi ngày, mọi mùa đều hướng về từng hơi thở, từng suy nghĩ của cha mẹ tôi. Mùa vu lan năm nay, vào mấy ngày cao điểm, tôi cùng bạn bè tham gia vài nhóm thiện nguyện, tỏa đi một số bệnh viện quen thuộc đến với những người bệnh nghèo bạc nghèo tiền nhưng giàu tình cảm và nghị lực sống; cưỡi "ngựa sắt" phượt trên những con đường ngoằn ngoèo chênh vênh bên dốc núi cao dựng đứng để đến với sự nhem nhuốc nhưng láu lỉnh, sự thiếu ăn thiếu mặc nhưng ánh mắt ngời sáng và nụ cười rạng rỡ như ánh bình minh của những đứa trẻ vùng cao quanh năm làm bạn với đá sỏi và mây trời!

Vu lan năm nay, thật tình khi lướt phố hay khi lướt web, thấy không khí đời thật đời ảo rộn ràng mùa báo hiếu cũng có đôi chút gợn tâm. Biết đấy, hiểu đấy, nhớ đấy, và biết ơn ngập tràn đấy nhưng không hiểu sao cái náo nhiệt của mùa lễ cũng không thể khiến cho tôi dụng công cố làm một cái gì đó chỉ để cho bằng chúng bằng bạn. Suy cho cùng thì cũng tại cái suy nghĩ hiếu thảo là ở tấm lòng, và ngày nào, tháng nào trong năm cũng là thời điểm vu lan mà ra. Và cũng từ lâu rồi, tôi đã tập cách đối diện với chính mình, và làm những gì mà mình cho là đúng, mà ít chịu sự tác động của người khác, lại càng không chịu sự tác động của cộng đồng, đặc biệt ảo! Vì thế, cái cảm xúc yêu thương của ngày lễ Vu lan cộng hưởng với cảm xúc tự hào yêu quê hương đất nước dâng trào trong những ngày kỷ niệm Quốc khánh tất nhiên cũng không vì lời bình luận, hay xúc cảm của cư dân trên “cộng đồng mạng” mà thay đổi.
Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc Khánh diễn ra trong thời điểm Hà Nội đang đón một trận mưa dông, và thời tiết rất không thuận lợi khi buổi tổng duyệt diễu binh diễn ra trong một cơn mưa tầm tã hàng tiếng đồng hồ. Mưa trắng đường đến nỗi đi trên phố mà tôi không mở nổi mắt vì mưa xối thẳng vào mặt, vào mắt cay xè, gió thổi tạt ngang tạt ngửa làm xe nghiêng ngả xiêu vẹo. Thật sự cũng chả nghĩ nhiều về buổi tổng duyệt diễu binh cũng như lễ chào mừng Quốc khánh, cho dù là kỷ niệm năm chẵn, cho dù hoa cờ và biểu ngữ tràn ngập màu sắc trên phố, vì mấy ngày đó tôi còn lo tìm tránh đường cấm đưa hàng đi đi về về. Nhưng rồi thấy khắp FB tràn ngập hình ảnh và những dòng bình luận về lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh. Quá đẹp! Những hình ảnh thể hiện được tất cả vẻ đẹp cả về thể chất lẫn tinh thần của con người và dân tộc Việt Nam, thật sự đã làm khơi dậy niềm xúc động tự hào dân tộc, thậm chí ngay cả của tâm hồn đã trơ lì một phần cảm xúc như tôi!  Và rồi hỉ nộ ái ố đủ cả, trên mạng! Nào thì xúc động, hoan hỉ, hạnh phúc, tự hào! Nào thì than thở, cáu giận, phiền não vì tắc đường, vì mưa to, … Và rồi cũng như bao dịp kỷ niệm ngày lễ trọng đại của đất nước, quan điểm chính trị bắt đầu được đẩy lên cao. Bắt đầu từ những suy nghĩ tôi cho có phần rất tiêu cực, kiểu như: Để có được mấy dòng tự do, hạnh phúc trên khẩu hiệu thì phải đổi bằng tự do thật (đi lại) và hạnh phúc thật (về sớm với gia đình). Ai cho phép làm rối loạn giao thông thế này? Căn cứ pháp luật nào để bạ đâu cấm đấy thế này? Những người nắm quyền đang coi thủ đô như mảnh đất trong vườn nhà họ hay sao mà tùy tiện như vậy? Đã thử hỏi ý kiến người dân xem họ đồng thuận không? (hỏi ý kiến về việc cấm đường a??!!) Hay thực ra đang muốn chứng tỏ quyền lực? Ảo tưởng quyền lực? (ai ảo tưởng?!) diễu binh hoành tráng khi xã hội nghèo đói bất công, pháo hoa dù đẹp nhưng chóng tàn và chẳng thể nào qua được cơn đói, diễu binh hoành tráng, vũ khí hiện đại nhưng lòng người không theo thì có ích gì, rồi thì "lòng yêu nước bị cưỡng ép", "vui mừng gì khi mà "có độc lập nhưng chưa tự do"! "có độc lập đâu mà ăn mừng, bao năm qua VN vẫn Hán thuộc"!!!!! Thậm chí có người còn kêu gọi kiểu như "50 triệu là 1 cần câu cơm, vậy thì 600 tỷ đồng sẽ là 12.000 cần câu giúp 12.000 hộ nghèo thoát nghèo. Nếu trung bình mỗi hộ có bốn nhân khẩu thì sẽ có 48.000 người được thoát nghèo". Đơn giản như đan rổ! haaa hiiiii
 Đọc mà thấy mệt nhoài vì buồn và cười!
Tôi, một người không thích chính trị và nói thẳng là cũng không muốn dây dưa với chính trị. Tuy nhiên, trong vụ duyệt binh cũng như kỷ niệm Quốc khánh này tôi vote 1 lá phiếu ủng hộ cho ông Nhà nước cùng hơn 30.000 người tham gia lễ duyệt binh cùng số tiền được cho là 600 tỉ cho ngày lễ. Chắc đọc đến đây nhiều người sẽ “ưu ái” đội cho cái mũ đỏ, và đặt cho cái tên "yêu Đảng" cho tôi. Tôi không phải là người thích nói những điều đao to búa lớn. Lại càng không thuộc lòng những lời lẽ hùng hồn cao cả có đầy trên báo đài sách vở, mà nhiều đoàn viên đảng viên có thể tuôn ra dạt dào bất cứ lúc nào. Tôi chỉ biết yêu quê hương Tổ quốc theo cách của tôi. Tình yêu này bắt đầu từ tổ tiên, được nuôi dưỡng và truyền lại qua bao đời đến tôi và rồi chắc chắn sẽ đến con cháu tôi, chứ không phải từ sách vở, nghị quyết hay chính sách gì gì đó! Tôi chỉ biết tôi yêu vô cùng ngày 2/9, kính trọng vô cùng và mãi mãi Bác Hồ, bất luận đất nước này do thể chế chính trị nào lãnh đạo. Ngày đó, và con người đó, đã làm thay đổi cuộc sống của ông bà tôi, gia đình tôi, người dân tôi và quê hương đất nước tôi... Tôi lớn lên với niềm tự hào trong những câu chuyện của chính gia đình tôi về những cơ cực lầm than trong quá khứ và chứng kiến những đổi mới trong thời này. Vì vậy, khi đọc những lời bình phẩm tiêu cực của nhiều người viết về lễ diễu binh và ngày Quốc Khánh, cảm giác của tôi là mệt mỏi, buồn và thất vọng! Tôi thương gia đình dòng tộc tôi với những mất mát hy sinh cống hiến cho Tổ Quốc, tôi thương cả đồng bào tôi máu đỏ da vàng đã ngã xuống để bảo vệ giang sơn đất nước. Và trên tất cả tôi thương nhớ vô cùng đến người mà cả gia đình tôi từ già đến trẻ vẫn yêu kính gọi bằng Bác.
Đúng là tôi không hiểu nhiều và cũng không muốn quan tâm để ý đến chính trị, cuộc sống dạy tôi tin một điều rằng, khi chiến tranh xảy ra thì mất mát sẽ rất lớn và trong cuộc chiến tranh sẽ rất khó để rạch ròi phân định ai đúng ai sai! Cuộc sống luân hồi trong đạo Phật dạy rằng, để tái sinh một nghìn người này có thể đồng nghĩa với việc làm chết đi rất nhiều người khác. Dường như đó là quy luật của cuộc sống! Người bị mất sẽ khóc, còn người được sẽ cười! Đó là vẻ bề ngoài nhưng điều đó không hoàn toàn nói lên điều gì. Chỉ nghe ông bà tôi kể lại, giờ này cách đây 70 năm, người dân Việt Nam nói chung trên toàn quốc rất vui sướng, rất hồ hởi! Niềm vui sướng được cho là ngưng đọng và vỡ òa! Rất nhiều người dân trong đó có gia đình tôi đã thật sự rất biết ơn cái ngày này 70 năm trước!
Do đó, vì lý do nào đó vẫn còn có những người có ác cảm với Bác Hồ, với thể chế chính trị ở Việt Nam, vẫn hằn học với ngày Quốc khánh hay ngày Độc lập. Tôi tôn trọng cảm xúc cá nhân của họ vì tôi cùng gia đình vui mừng kỷ niệm nhân ngày đất nước được khai sinh hay độc lập cũng không thể bắt họ cũng phải có những cảm xúc giống như chúng tôi. Nhưng tôi mong họ bình tĩnh và khách quan hơn trong những bình luận của mình, để cho niềm vui của đại đa phần người dân Việt Nam như tôi được thêm phần trọn vẹn mặc dù những lời bình luận kiểu đó không thể làm giảm sút tình cảm yêu kính của người dân với Bác Hồ, ân nhân của đại đa phần người Việt Nam. Sẽ không gì có thể làm tôi ghét ngày Quốc khánh 2-9. Và vì thế, ngày thứ tư tới đây, gia đình tôi sẽ lốc nhốc kéo nhau đi tận hưởng niềm vui xa xỉ mà to lớn của lễ duyệt binh mừng Quốc khánh. Chẳng còn dịp nào tuyệt vời hơn để truyền lại niềm tự hào và lòng yêu quê hương đất nước cho các con cháu của tôi, về  nghe về một phần lịch sử quan trọng của dân tộc, lý do để có lễ diễu binh này.
Từ nay trở về sau, mỗi mùa Vu lan tới, thay cho cài hoa hồng, tôi sẽ treo cờ Tổ quốc!
Trương Thị Hằng