Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

LHQ ca ngợi đóng góp của gìn giữ hòa bình Việt Nam

Hôm 21-5, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các Tổ chức quốc tế Victoria Holt đã có cuộc họp báo qua điện thoại với báo giới châu Á nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về chính sách và các chương trình của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ gìn giữ hòa bình quốc tế.
Cũng tại cuộc trao đổi, bà Holt cũng đã trả lời nhiêu câu hỏi của báo giới của công tác gìn giữ hòa bình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các Tổ chức quốc tế Victoria Holt. Ảnh: Challenges Forum
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các Tổ chức quốc tế Victoria Holt. Ảnh: Challenges Forum

CNN tại Philippines: Như chúng ta đã biết, tình hình tại biển Đông đang căng thẳng. CNN mới đăng tải một thông tin sáng 20-5 về việc máy bay giám sát của Mỹ tại biển Đông bị Hải quân Trung Quốc cảnh báo tại biển Đông. Vậy vai trò cả Mỹ và Liên Hiệp Quốc trong việc gìn giữ hòa bình tại biển đông và khu vực châu Á Thái Bình Dương?
Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Holt: Như chúng ta đã biết, hoạt động gìn giữ hòa bình do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) điều hành và tương đối hạn chế. Nếu chúng ta theo dõi trên toàn thế giới, hiện có tổng cộng 16 sứ mệnh. Những sứ mệnh đó được thực hiện ở những khu vực được HĐBA LHQ ủy quyền, chẳng hạn như ở Đông Timor hay nhiều nơi khác. Tuy nhiên, hiện tại khu vực được đề cập trong câu hỏi này (biển Đông) không phải nơi có triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình này… Đó là những thông tin trong phạm vi hiểu biết của tôi, nhưng tôi sẽ trao đổi thêm với các đồng nghiệp để phản hồi lại sau.
Báo Người Lao ĐộngXin bà cho biết thêm về các giải quyết thách thức lớn nhất đối với hoạt động gìn giữ hòa bình tại châu Á Thái Bình Dương?
Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Holt: Chúng tôi đã chứng kiến sự thành công của lực lượng gìn giữ hòa bình ở châu Á Thái Bình Dương. Một trong những câu chuyện về sự thành công đó gần đây là sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Đông Timor vốn đã hoàn thành vài năm trước… Tôi đang chứng kiến các quốc gia trong khu vực này ngày càng trợ giúp nhiều hơn đối với các hoạt động của LHQ và lực lượng gìn giữ hòa bình. Tôi ghi nhận sự đóng góp của Việt Nam nói riêng và một số nước khác nữa như Mông Cổ, Indonesia, Trung Quốc, Campuchia…
Một trong những thách thức của chúng tôi là tìm cách giúp LHQ điều chỉnh các hoạt động bảo vệ môi trường và không gian của hoạt động gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, điều đáng khích lệ là hiện khu vực này chưa cần thêm các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Báo Tuổi trẻ: Có 2 binh sĩ Việt Nam đã tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ với vai trò thông tin truyền thông tại Cộng hòa Nam Sudan và hiện Việt Nam cũng đã mở trung tâm gìn giữ hòa bình. Vậy bà nghĩ gì về vai trò của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ cũng như quốc tế?
Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Victoria Holt: Chúng tôi thực sự rất vui khi hay tin Việt Nam lần đầu tiên có thành viên tham gia các sự mệnh của LHQ. Tôi mới tới Nam Sudan và chứng kiến sứ mệnh UNMISS hoàn thành. Thực tế tôi sẽ quay lại đó trong vài tuần tới. Hoạt động truyền thông là một trong những hoạt động quan trọng nhất. Khi các thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình thực hiện nhiệm vụ này, họ giúp hoạt động kết nối sứ mệnh với người dân và việc hiểu được điều đó rất quan trọng. Do đó, chúng tôi rất vui khi biết tới sự đóng góp của Việt Nam cũng như trung tâm gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Chúng tôi có nhiều trung tâm khắp thế giới và nó tạo nên cầu nối giữa văn hóa, kỹ năng của mỗi quốc gia khi họ không chỉ có thể hoạt động để xây dựng năng lực lớn hơn tại nước mình mà hợp tác với nhau… Chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể có được những kinh nghiệm tốt.
Thu Hằng

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH SỐNG MÃI TRONG LÒNG BẠN BÈ QUỐC TẾ SITE:BLOGSPOT.COM

[Hà Sơn Ca]
Nước Việt Nam là một.
Dân tộc Việt Nam là một.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn,
Song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.



Bác Hồ thăm một trại thiếu nhi tại Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) năm 1957.

Nhân dân Thủ đô Vác-xa-va nhiệt liệt chào đón Hồ Chủ tịch sang thăm nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan (năm 1957).

Trong những năm nhân dân ta gian khổ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân thế giới vẫn luôn tin tưởng vào thắng lợi của ta và ca ngợi Bác Hồ. 

Hu-a-ri Bu-mê-điêng - Chủ tịch Hội đồng Cách mạng An-giê-ri viết: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà cách mạng đầu tiên đã chiến đấu chống những hình thức khác nhau của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc và là một trong những người mà bằng lời nói và hành động của mình đã đập tan cơ cấu của sự tàn bạo và góp phần vào sự nghiệp chính nghĩa của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới... Tấm gương của Người và cuộc chiến đấu của Người sẽ là kim chỉ nam hành động cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh, cho thanh niên và cho các nhà lãnh đạo trên thế giới".

Vào ngày sinh lần thứ 70 của Người, báo Pravđa (Liên Xô) viết: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ lừng danh của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước phương Đông. Cuộc đời của Người là tấm gương hy sinh tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp của giai cấp vô sản thế giới”. Còn Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Marche khẳng định: “Nhà yêu nước vĩ đại của Việt Nam cũng không chỉ thuộc duy nhất về nhân dân nước ông. Hồ Chí Minh còn là người của phong trào cách mạng thế giới, người của phong trào cộng sản quốc tế. Vị nguyên thủ ấy, nhà lãnh đạo được mọi người tôn kính ấy, người đã làm cho bọn đế quốc phải kinh hồn khiếp vía ấy, chính là một người có đức tính khiêm tốn, chỉ nghĩ đến người khác”.

Gớt-hô - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ viết: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một lãnh tụ thế giới vào lúc loài người đang ở bước ngoặt có tính chất cách mạng nhất. Đồng chí là một nhà kiến trúc và tạo hình làm nên quá trình cách mạng thế giới. Người am hiểu một cách vô cùng sáng suốt phương hướng và mục tiêu của quá trình đó. Người biết rõ động lực và sức mạnh của nó... Một mặt, Người thể hiện những nguyện vọng và mục tiêu dân tộc cao đẹp nhất của nhân dân Việt Nam, mặt khác Người là một người theo chủ nghĩa quốc tế chân chính và vĩ đại của giai cấp công nhân”.

Đặc biệt, năm 1971, cuốn sách “Ông Hồ” in bằng tiếng Anh - tác giả là nhà báo lừng danh Da vid Halberstam xuất bản tại Mỹ đã được đông đảo dư luận Mỹ và thế giới chú ý. Tác giả viết: “Ông Hồ Chí Minh là một nhân vật kỳ lạ của thời đại này. Hơi giống Granđi. Hơi giống Lê-nin. Hoàn toàn Việt Nam. Đối với dân tộc của ông và cả đối với thế giới ở thế kỷ XX này, có lẽ hơn hẳn bất kỳ ai khác, ông là hiện thân của cách mạng, của đổi mới và sự sáng tạo... Ông Hồ đã trải qua cách mạng, chiến tranh, phát triển sau chiến tranh, lại một cuộc chiến tranh nữa, mà không hề thanh lọc một người nào. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng độc nhất không có xáo trộn, chủ yếu là nhờ ở uy tín rất cao và đức tính quán xuyến của lãnh tụ”.

Năm 1980, tại hội nghị quốc tế kỷ niệm 90 năm Ngày sinh  Chủ tịch Hồ Chí Minh  tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng  Hòa bình thế giới R. Chanđra đã khẳng định: “Bất cứ ở nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh  và ngọn cờ Hồ Chí Minh  bay cao. Ở bất cứ đâu nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới chống đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh  và ngọn cờ Hồ Chí Minh  bay cao”.

Mười năm sau, tại hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh,  Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đại diện đặc biệt của Tổng giám đốc UNESCO, tiến sĩ M.Amét đã viết: “Chỉ có ít nhân vật lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh  là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng ra khỏi trái đất này”.

Trong lúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang tích cực hướng tới kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Người và tiếp tục Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", tiếp tục thực hiện Di chúc của Người với tất cả tình cảm, niềm tin sâu sắc và việc làm thiết thực, thì trên nhiều tờ báo lớn của thế giới, hàng loạt bài viết về Người cũng đã được đăng tải một cách trang trọng nhất.

Điều này khiến cho "chiến dịch" tuyên truyền của các thế lực thù địch nhằm xuyên tạc về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một trò lố bịch. Xin trích đăng một số bài viết của báo chí thế giới về Người:

Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền độc lập của Việt Nam

Đây là một phần nội dung trả lời phỏng vấn tờ báo cộng sản Pháp l'Humanité đăng tải ngày 2-9-2009 của sử gia A-lanh Ru-xi-ô, người vô cùng ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã viết nhiều cuốn sách về Người. Ông nhận định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là cha đẻ nền độc lập của Việt Nam thời kỳ hiện đại, lấy lại niềm tự hào dân tộc. Theo Ru-xi-ô, đây là điểm mà người Việt Nam ghi nhớ và đó là nền tảng sự gắn bó với Bác Hồ. Ông Ru-xi-ô cũng nhắc lại, không phải chỉ riêng đối với người dân Việt Nam mà ngày Độc lập 2-9 đã có tiếng vang ngoài biên giới Việt Nam. Theo nhà sử học Ru-xi-ô, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người có cái nhìn thực tế. Người quan tâm đến tất cả các khía cạnh cuộc sống hằng ngày, như việc nhắc nhở không được bỏ phí đất hoang, nhắc cán bộ phải gần gũi dân chúng…

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nên một trang sử lớn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc

Trong cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà báo Đức Hen-mút Cáp-phen-béc-gơ mới xuất bản, tác giả viết: "Hồ Chí Minh, cái tên như một lời cảnh báo đối với sự thất bại của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á. Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người khiêm nhường, nhưng hành động kiên cường ấy đã viết nên một trang sử lớn trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng dân tộc của thế kỷ XX và mở ra những tình cảm đoàn kết thế giới rộng lớn".

Trước đó, trong bài viết "Hồ Chí Minh - Chiến thắng một tầm nhìn" trên tạp chí In Asien của Đức, tác giả Đi-ơ-cơ Sơ-ki-en-đa nhấn mạnh: "Sự ngưỡng mộ của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với nhân dân Việt Nam đầy sức sống đã thôi thúc ông viết bài báo này. Ông ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước và là người soi sáng con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, một người có phẩm chất phi thường".

Cụ Hồ là một biểu tượng của châu Á

Tờ Manila Times (Phi-líp-pin) thì viết: Không những Cụ đã thành công trong sự lãnh đạo một cách mẫu mực, toàn tâm, toàn ý phục vụ quyền lợi của nhân dân mà còn nêu một chân lý chưa từng thấy: Một dân tộc dù nhỏ bé nếu có quyết tâm thì có thể chống lại cả những cường quốc quân sự mạnh nhất.

Người đã làm nên lịch sử hiện đại

Tờ Tiến lên của Xri Lan-ca nhận định: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại chúng ta. Sự lãnh đạo lâu dài và vẻ vang của Người trong cuộc đấu tranh giành tự do ở Việt Nam có ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam mà còn ảnh hưởng với quá trình phát triển các sự kiện toàn thế giới".

Tổng thống Venezuela trân trọng đón nhận bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vào năm 1998, tạp chí Time (Mỹ) đã bình chọn các nhân vật kiệt xuất của thế kỷ XX. Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã được bình chọn là một trong 100 nhân vật đó. Đây là một trong những lời bình chọn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh  là một trong những lãnh tụ và nhà cách mạng đã ghi dấu ấn vào lịch sử thế giới 100 năm qua. Một trong những con người vĩ đại đã góp phần thiết lập nên cơ cấu chính trị - xã hội của thời đại ngày nay” và trên trang  Web của tạp chí Time, nhà báo S.Kamow viết về  Chủ tịch Hồ Chí Minh  như sau: “Hồ Chí Minh gợi lên một hình ảnh  khiêm tốn và nhân từ như tên gọi Bác Hồ. Người là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm, với lòng yêu nước nồng nàn, theo đuổi một mục tiêu duy nhất: Giành độc lập cho đất nước. Hồ Chí Minh đã kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa dân tộc với chủ nghĩa cộng sản, đã làm hoàn hảo nghệ thuật chiến tranh du kích đến mức độ vô cùng hiệu quả”. Và tác giả kết luận: “Với tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh  là biểu tượng tuyệt vời của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cộng sản. Người đã đưa nghệ thuật chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích lên tầm cao mới. Ở tuổi 20 tôi đã có ấn tượng mạnh mẽ về con người mà hàng triệu người Việt Nam gọi bằng cái tên trìu mến  “Bác Hồ”. Một  con người mà mong ước lớn nhất của cuộc đời là làm sao cho dân tộc Việt Nam được độc lập tự do. Và Người đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng vì nỗi ước ao cao cả ấy. Hồ Chí Minh không chỉ là một chính trị gia đại tài mà còn là một nhà tiên tri, nhà tư tưởng, nhà thơ, nhà văn”. 
Cũng có đoạn viết:"Một thân hình gầy gò, chòm râu dài, chiếc áo khoác cũ và đôi dép cao su đã mòn, Hồ Chí Minh đã tạo ra một hình ảnh Bác Hồ hiền lành giản dị. Nhưng Người là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm và một nhà ái quốc suốt đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình. Không có sự dao động trong niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thể lay chuyển ý chí của Người, ngay cả khi cuộc chiến tranh của Mỹ leo thang, tàn phá đất nước, Người vẫn giữ niềm tin đối với nền độc lập của Việt Nam. Dưới con mắt phương Tây, điều dường như không thể tưởng tượng được là Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể cống hiến sự hy sinh to lớn như Người đã làm".

Bảo tàng Hồ Chí Minh được xây dựng theo nguyện vọng của nhân dân Việt Nam nhằm tỏ lòng biết ơn và đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích Phủ Chủ tịch, đây là nơi hội tụ tình cảm thiêng liêng của toàn dân ta và bạn bè quốc tế với Người. Sau đây là những tình cảm chân thành và xúc động mà bạn bè khắp năm châu khi đến thăm, nghiên cứu và hiểu thêm về cuộc đời của Bác Hồ đã lưu lại tại bảo tàng.

Suthichai Youn- Tổng biên tập Tập đoàn Xuất bản quốc gia, Băng Cốc – Thái Lan: “Chúng tôi có ấn tượng sâu sắc về chuyến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã có được sự hiểu biết rõ ràng và sâu sắc về lịch sử và cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chúng tôi, lớp người của thế hệ sau chắc chắn có thể học được những bài học quý báu từ sự cống hiến, lòng quyết tâm và tình yêu của Người dành cho dân tộc, đất nước và những con người đang đấu tranh vì tự do và hòa bình trên thế giới”.

Tôn Hồng Tuyền (Trung Quốc): “Bác Hồ, Người là tập trung của những phẩm chất cao đẹp, đấu tranh gian khổ, cần cù, tiết kiệm của người Việt Nam, là tập trung của ý chí kiên cường, đoàn kết một lòng; Người đã đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Việt Nam, trải qua cuộc đấu tranh gian khổ, trường kỳ, cuối cùng đã chiến thắng kẻ thù xâm lược; Người đã có cống hiến to lớn cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới”…

Lô-xép (LB Nga): “Lịch sử dân tộc không thể tách rời lịch sử của những người đại diện vĩ đại của dân tộc đó. Điều này càng được khẳng định khi tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh. Một dân tộc cần phải hiểu và trân trọng gìn giữ lịch sử của mình, tôn kính ký ức về những người đã cống hiến cả cuộc đời mình phụng sự Tổ quốc”.

An-đu Rơ-bê-lô – UVBCT BCHTƯ Đảng CS Bra-xin: “Nhân dân Bra-xin xin chân thành bày tỏ lòng biết ơn nhân dân Việt Nam và người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và đang nêu gương cho nhân loại.

Chúng tôi tin tưởng rằng, trên cơ sở những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam sẽ giữ vững tinh thần cách mạng và quyết tâm trong xây dựng hòa bình, chủ nghĩa xã hội như đã từng giữ vững tinh thần cách mạng và quyết tâm trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong khi lãnh đạo nhân dân Việt Nam chiến thắng những kẻ áp bức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thức dậy trong trái tim các dân tộc toàn thế giới những tình cảm kỳ vọng vào tự do và bác ái giữa các dân tộc. Sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong tâm trí chúng ta”.

Sahih Abdu Mashamoun – Cựu Đại sứ Xu-đăng tại Việt Nam: “Tôi rất vui mừng được đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh và đây là cơ hội hiếm hoi để tôi học hỏi nhiều hơn nữa về Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của một dân tộc vĩ đại, một người có học thức và tầm nhìn rộng lớn. Chính điều này đã giúp Người lãnh đạo thắng lợi cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc Việt Nam vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Thời gian tham quan bảo tàng là vô cùng bổ ích và đã làm tăng thêm hiểu biết của tôi về lịch sử văn hóa và tư tưởng trên khắp thế giới thông qua lịch sử và cuộc đời của một lãnh tụ vĩ đại”.

Graham Kierath -(Ô-xtrây-li-a): “Thật là một dịp tuyệt vời được tham quan và tìm hiểu về cuộc đời và thời đại của Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Tôi thật sự cảm nhận được không khí lịch sử và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Tôi vô cùng xúc động trước những cuộc đấu tranh và sự gian khổ mà nhân dân Việt Nam đã trải qua trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do”.

Lu-ít An-đa-ny-a (Pê-ru): “Bảo tàng Hồ Chí Minh là một biểu tượng quan trọng thể hiện sự tưởng nhớ của nhân dân Việt Nam đối với người anh hùng dân tộc bất tử của mình, đồng thời cũng là một khu triển lãm về cuộc đời mẫu mực của Người.
Đây là một đóng góp quan trọng để bảo tồn lịch sử phong trào giải phóng dân tộc của các dân tộc trên thế giới và của phong trào cộng sản quốc tế, trong đó Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những biểu tượng cao cả nhất”.

Một GS đại học Y khoa ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ: “Tôi thấy Hồ Chí Minh trước hết là một người yêu nước, một người giải phóng dân tộc Việt Nam, sau đó mới là một người cộng sản. Thấm nhuần tư tưởng của Lê-nin, Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời đấu tranh cho tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam bị áp bức và sự bình đẳng của giai cấp”.

Dấu ấn Hồ Chí Minh trong lòng bạn bè quốc tế

(VOV5)- Chủ tịch Hồ Chí Minh, cái tên không chỉ gợi lên tình cảm thành kính trong mỗi người dân Việt Nam mà còn tạo được ấn tượng vô cùng tốt đẹp với bè bạn quốc tế. Ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những nơi Người đã từng đặt chân qua, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn hiện hữu như biểu tượng về một lãnh tụ kiệt xuất của thế giới trong thế kỷ 20.

 “Từ sâu thẳm trong lòng, nếu bạn muốn hỏi tôi nghĩ gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh, câu trả lời thực sự rất đơn giản. Rằng đây là một con người nhân văn nhưng cũng rất quyết đoán tìm ra những giải pháp và quyết tâm làm đến cùng với mục tiêu đã đặt ra.”Đó là chia sẻ chân thành của nhà sử học người Pháp Pierre Brocheux, tác giả hai cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều sách về lịch sử hiện đại Việt Nam gây nhiều tiếng vang trong giới nghiên cứu. Trong thời gian nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Brocheux đã khám phá ra câu chuyện của một người Pháp là bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người mới sang Pháp, câu chuyện là minh chứng cho con người rất đỗi “nhân văn” Hồ Chí Minh. Ông Brocheux kể về câu chuyện này: “Có 1 câu chuyện của một người Pháp cùng đảng Xã hội với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó chỉ là một nhân viên sắp chữ ở tờ báo Nhân đạo. Sau này, tại cuộc bỏ phiếu về việc thành lập đảng cộng sản Pháp, hai người đã bỏ hai lá phiếu khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu ủng hộ thành lập đảng Cộng sản Pháp tách khỏi đảng Xã hội, còn người bạn bỏ phiếu phản đối. Nhưng không vì thế mà họ mất đi tình bạn. Họ vẫn liên lạc với nhau và sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, người bạn này đã nói “ đây là con người chung thủy với bạn bè nhất mà tôi từng gặp trong cuộc đời mình”.
Với những ai từng tích cực phản đối cuộc chiến tại Việt Nam và có may mắn được gặp Người như bà Raymond Dien, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đỗi gần gũi và tình cảm. Dù tuổi cao và trí nhớ đã suy giảm nhiều, nhưng bà Raymond Dien, người phụ nữ Pháp đã kiên cường bất chấp mạng sống nằm trên đường ray để ngăn chặn đoàn tàu hỏa chở vũ khí đến Việt nam, đến nay vẫn nhớ như in ngày bà được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1956. Bà Raymond Dien xúc động đến trào nước mắt khi kể lại ngày 23/10/1956 khi bà cùng Henri Martin vượt chặng đường dài tới 15 ngày bay qua Bắc Kinh rồi đi tàu đến Hà nội để tham dự Đại hội Thanh niên toàn quốc: Trước giờ diễn ra Đại hội, tôi nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến. Người gọi tôi lại ngồi cạnh Người, tôi thực sự rất kinh ngạc, tôi không nghĩ một người Pháp bé nhỏ như tôi lại được ngồi cạnh vị Chủ tịch vĩ đại mà tôi được nghe nói đến rất nhiều và cả thế giới ngưỡng mộ nhưng Người lại gần gũi, giản dị và thân thương đến thế. Khi tôi nói rằng quê tôi ở Tours, Người đã nói Người biết thành phố Tours, nơi Người từng tham dự Đại hội đảng Cộng sản Pháp tại đó. Người đã tặng tôi một chiếc vòng tay bằng ngà. Ngày hôm sau, Người mời chúng tôi đến nhà chơi và gặp gỡ trò chuyện và đó là ngày không bao giờ quên trong cuộc đời tôi.
Đã có không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu, nhiều hội thảo khoa học quốc tế nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có người đã dành trọn sự nghiệp nghiên cứu để tìm hiểu về Người. William Duiker, một sử gia người Mỹ là một người trong số đó. Để khắc họa rõ nét chân dung Hồ Chí Minh ông phải mất gần 35 năm nghiên cứu và cho ra đời một cuốn sách dày hơn 300 trang mang tên “Hồ Chí Minh, Một cuộc đời”. Không chỉ phỏng vấn nhiều người từng biết và đã làm việc với  Hồ Chủ Tịch, cuốn sách còn là tập hợp của những văn bản và hồ sơ tình báo của Pháp, Anh, Nga, Trung quốc và Quốc tế cộng sản. Khi cuốn sách ra đời, nó đã thực sự gây tiếng vang, được đánh giá là một cuốn tiểu sử đồ sộ về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông W.Duiker tâm sự, ấn tượng sâu sắc nhất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trong ông đó là cách khắc họa chân dung của mình là một nhà cách mạng hiện đại với những mục đích lớn lao nhằm thay đổi đất nước. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đồng thời thể hiện là một công dân Việt Nam rất đặc trưng với đầy đủ các yếu tố của văn hóa Việt: “Một trong những ấn tượng sâu sắc nhất mà tôi thấy ở Hồ Chủ tịch đó là Ông là con người toàn tâm toàn ý, đặc biệt là khả năng lãnh đạo. Ông biết kết hợp những xu hướng mới với những thay đổi trong cách mạng, Ông có nhiều phẩm chất  của người dân thường Việt Nam. Hồ chí Minh là người có thể thuyết phục nhân dân Việt Nam gọi người là Bác Hồ, vị cha già của đất nước, chứ Hồ Chí Minh không yêu cầu người dân Việt Nam coi ông là một nhà cách mạng.”
Vai trò lịch sử và các giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng như những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh để lại cho nhân loại trong thời đại ngày nay, thu hút cả những người trẻ tuổi đi sâu nghiên cứu. Galia Kolupaeva, sinh viên năm thứ 4 Khoa Phương Đông, Đại học Tổng hợp Quốc gia Xanh Pêtécbua, Liên bang Nga đang viết luận văn tốt nghiệp về Quốc tế Cộng sản và về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho biết: “Tất nhiên không phải bạn trẻ nào ở Nga cũng biết về Hồ Chí Minh nhiều như tôi. Tuy nhiên hiện nay tên tuổi của Người vẫn rất nổi tiếng đối với các bạn đồng lứa với tôi, ngay cả khi họ không nghiên cứu về phương Đông. Cái tên đó lúc nào cũng được nhắc đến, bất kể thế nào thì người ta vẫn nói về Người, vẫn nhắc đến tên Người. Cho đến nay thì nhiều người dân Nga vẫn nhớ Hồ Chí Minh là ai.”
Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế đã có nhiều bài viết cũng như nhiều ấn phẩm đặc biệt để bày tỏ sự trân trọng và ngưỡng mộ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp để bạn bè quốc tế bày tỏ niềm cảm phục, đồng thời khẳng định những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới./.

Hồ Chí Minh - Biểu hiện rực rỡ về trí tuệ và nhân cách của dân tộc Việt Nam

QĐND - Chủ tịch Hồ Chí Minh được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn. Thế nhưng, vì những động cơ xấu xa, đen tối, nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, có những kẻ đã cố tình xuyên tạc, bôi nhọ lãnh tụ Hồ Chí Minh. Điều đó chỉ càng bộc lộ tim đen và sự lạc lõng của họ.    

Mỗi dân tộc dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển đều có những danh nhân tiêu biểu, thể hiện tập trung những giá trị của dân tộc mình. Niềm vinh dự và cũng là điều may mắn, hạnh phúc cho dân tộc ta là đã sinh ra một người con vĩ đại ở vào thời kỳ mà lịch sử, mà cách mạng Việt Nam đang đòi hỏi. Người con vĩ đại đó là Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. 

Kế thừa chủ nghĩa yêu nước, những tài năng thiên bẩm từ các bậc tiền bối và gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu hiện rực rỡ về trí tuệ Việt Nam. Ngay ở tuổi vị thành niên, Nguyễn Tất Thành đã sớm hiểu rằng con đường cứu nước của dân tộc ta phải hướng theo những trào lưu cách mạng, tiến bộ của nhân loại. Có lần trả lời phỏng vấn của một nhà thơ Nga, Nguyễn Ái Quốc đã nói: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy… Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài". (1) Người còn nói: Sau khi xem xét nước Pháp và các nước khác, tôi sẽ về để giúp đồng bào mình.
Ảnh: longbien.gov.vn.
Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu các cuộc cách mạng tiêu biểu của nhân loại, trong đó có cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp và Cách mạng Tháng Mười Nga. Đi theo con đường của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhưng Nguyễn Ái Quốc là một nhà mác-xít sáng tạo. Người đã từng nghiên cứu nhiều tư tưởng tiến bộ của nhân loại và khẳng định cần phải vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử của các quốc gia phương Đông. Trong Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Người viết: “Cuộc đấu tranh giai cấp (ở Việt Nam) không diễn ra giống như ở phương Tây... Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Đó chính là nhiệm vụ mà các Xô viết đảm nhiệm”. (2) 

Có thể nói, đường lối cách mạng của Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo ngay từ khi thành lập, qua các chặng đường cách mạng cho đến nay là sự sáng tạo đặc sắc về lý luận mác-xít. Bản Tuyên ngôn Độc lập do Người soạn thảo và tuyên bố ngày 2-9-1945 đã tích hợp những tư tưởng cách mạng và tiến bộ của nhân loại mà Người đã kế thừa, phát triển trở thành mục tiêu, đường lối cách mạng của Đảng và dân tộc ta. 

Trong bản Tuyên ngôn Độc lập, Người đã trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, năm 1776; Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp, năm 1789 và Người nói, đó là “những lời bất hủ”, là “những lẽ phải không ai chối cãi được”. Từ đó Người đi đến kết luận: “Suy rộng ra, … tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Với Hồ Chí Minh, quyền con người của các dân tộc bị áp bức phải lấy độc lập dân tộc là tiền đề. Đồng thời độc lập dân tộc phải gắn với việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Với Người, “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (3). Có thể nói, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tuyên ngôn “kép”- Tuyên ngôn độc lập, đồng thời là tuyên ngôn nhân quyền của Việt Nam cũng như của các dân tộc thuộc địa. Bằng trí tuệ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển, làm sáng tỏ mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với quyền con người-một vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của nhân loại trong thời đại ngày nay.

Đối với dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người cầm lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua bao thác ghềnh, mà Người còn là kiến trúc sư thiên tài kiến tạo chế độ xã hội, Nhà nước và quân đội ta theo những tiêu chí của một xã hội văn minh. Không có một đảng chính trị nào, một cuộc cách mạng nào như cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng cách mạng trong điều kiện thù trong giặc ngoài đã ngay lập tức thiết lập thể chế dân chủ trao quyền lực cho nhân dân. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm (từ tháng 8-1945 đến đầu năm 1946), dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhà nước hiện đại dựa trên hiến pháp và chế độ dân chủ cộng hòa, cùng với hệ thống chính quyền từ Trung ương đến cơ sở (bao gồm Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Quân đội, Công an… đến Mặt trận Dân tộc thống nhất và các đoàn thể chính trị, xã hội…) được thiết lập và đi vào hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của Người, đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế, tạo ra sức mạnh vô địch đưa hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn. 

Năm 1966, khi đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong Lời kêu gọi này, Người đã nêu lên một chân lý lớn của dân tộc ta và cũng là một chân lý của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” (4). Đây không phải là lần đầu tiên, duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đến hai giá trị này. Người từng nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” (5)... Mỗi một dân tộc có nhiều giá trị về vật chất và tinh thần, song “Độc lập và Tự do” là giá trị cơ bản, là tiền đề cho các giá trị khác. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và trước những thách thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn còn nguyên giá trị.

Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một biểu hiện trong sáng, cao thượng về nhân cách con người của dân tộc Việt Nam. Là lãnh tụ của một cuộc cách mạng, của những cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ chống lại những kẻ thù hung bạo nhất…, nhưng điều đó không làm Người mất đi lòng tin vào mỗi con người. Khoan dung, tôn trọng sự khác biệt, giàu lòng thương người, tin vào tinh thần yêu nước và lương tri của mọi người dân Việt Nam là một trong những nét đặc biệt trong tư duy chính trị, trong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với những người lầm đường, lạc lối, Người nói: “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này, người thế khác… Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng, đã là con Lạc cháu Hồng, thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ...”. (6) 

Đối với sự hy sinh của chiến sĩ ta và tử nạn của binh sĩ Pháp, Người nói: “Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam… Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong… Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người.” (7).

Có thể nói, lý tưởng cách mạng, nói rộng hơn là triết lý sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu hiện tập trung nhân cách cao thượng và trong sáng của dân tộc ta. Trong tài liệu đào tạo lý luận Mác - Lê-nin cho lớp cán bộ trẻ ở Quảng Châu (tác phẩm “Đường Kách mệnh”, xuất bản năm 1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lên hàng đầu “Tư cách một người cách mệnh”, trong đó Người đòi hỏi người cách mạng: “Tự mình phải giữ chủ nghĩa cho vững”, đặc biệt là “Ít lòng tham muốn về vật chất” (8). Chủ tịch Hồ Chí Minh khi xem xét cán bộ phải lấy “đạo đức cách mạng là gốc”, là điều kiện, là tiền đề cho các phẩm chất khác.

Trong dịp xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất thiết hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” (9). Như vậy là với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những giá trị cao đẹp của mỗi cá nhân, của đảng cầm quyền, thậm chí ngay cả của một dân tộc cũng có thể thay đổi trong đánh giá của nhân dân, của cộng đồng quốc tế, nếu mỗi người, mỗi đảng cầm quyền, thậm chí mỗi dân tộc không biết tự bảo vệ và phát triển những giá trị đó.  Lẽ sống, triết lý sống Hồ Chí Minh, không phải là khổ hạnh, càng không phải là diệt dục, mà đó là một quan niệm sống hài hòa, giản dị, khiêm nhường, thanh cao về tinh thần và vật chất. Đầu năm 1946, sau cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Các nhà báo nước ngoài đặc biệt quan tâm đến tiểu sử và cả những quan niệm sống của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời ngắn gọn câu hỏi của các nhà báo, rằng: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui…” (10). 

Sau khi Lê-nin qua đời (năm 1924), Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính sự coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao đến các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người không gì ngăn cản nổi” (11). Những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Lê-nin năm 1924, cũng chính là điều mà ngày nay chúng ta nói về Người. 

TS CAO ĐỨC THÁI

(1) - Hồ Chí Minh, “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận”, NXB Văn học, HN, 1981, tr 477
(2) - Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 1, tr 464-465
(3) - Hồ Chí Minh toàn tập, SĐD tập 4, tr 56
(4) - Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 2, Nxb ST HN, 1980, tr 430
(5) -Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tập 4, tr 161-162
(6)- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb ST, HN, 1995, tr 246
(7)- Hồ Chí Minh toàn tập, SĐD tr 457
 (8) - Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN, 1995, tập 2, tr 260
(9) - Hồ Chí Minh tuyển tập, Nxb ST, HN, 1980, tập 2, tr 491
(10) - Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN, 1995, tập 4, tr 161
(11) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2000, tập 1, tr 295

Phóng viên quốc tế kể về những lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà báo Mỹ mô tả "Hồ Chủ tịch là người lịch thiệp, nho nhã và khoan thai", trong khi nhà nghiên cứu Pháp gặp Bác năm 1946 thì thấy hình ảnh "nhà cách mạng kiên định, liêm khiết".
Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1955. Ảnh: Tíme
Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại Hà Nội, năm 1955. Ảnh:Time
Trong một bài viết trên tạp chí Time, nhà báo Stanley Karnow viết: "Một thân hình gầy gò, áo khoác sờn và đôi dép cao su đã mòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo nên hình ảnh Bác Hồ giản dị trong mắt người dân. Ông Hồ là một nhà cách mạng nhiệt thành, suốt đời đấu tranh cho mục đích duy nhất, đó là mang lại độc lập tự do cho dân tộc".
Theo Karnow, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội quân du kích đã vượt qua nhiều trở ngại để đè bẹp thực dân Pháp và xây dựng một đội quân lớn, chiến thắng đế quốc Mỹ.
"Trong con mắt phương Tây, họ không thể tưởng tượng được về những hy sinh to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm", nhà báo nhận xét.
Trong khi đó, nhà báo Mỹ Alden Whitman mở đầu bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tờ New York Times bằng đoạn: "Đối với 19 triệu người ở phía bắc vĩ tuyến 17 và hàng triệu người khác ở phía nam vĩ tuyến này, Hồ Chí Minh với dáng người gầy, chòm râu dài, cùng đôi mắt sáng thực sự như một vị già làng của toàn thể dân tộc Việt Nam".
Theo Whitman, sau năm 1954, Việt Nam tạm thời bị phân chia theo Hiệp định Geneva và đứng trước nguy cơ bị chia cắt, Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo nhân dân ở miền Bắc chống trả sức mạnh quân sự của người Mỹ. Trong chiến tranh, thủ đô Hà Nội cùng nhiều thành phố khác của miền Bắc đã liên tục bị máy bay Mỹ oanh tạc. Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến trường kỳ và nhiều mất mát.
Harry Ashmore, cựu chủ bút của tờ Arkansas Gazette, cùng William C. Baggs, biên tập viên của tờ Miami News, là hai người Mỹ có dịp tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi gặp gỡ diễn ra tại Hà Nội vào đầu năm 1967.
"Ông Hồ là một người lịch thiệp, nho nhã và khoan thai", nhà báo Ashmore mô tả. Tại cuộc gặp gỡ đó, Hồ Chủ tịch mặc áo trắng cổ cao, chân đi dép cao su. Ông liên tục hút thuốc, loại thuốc Salems của Mỹ.
Hồ Chủ tịch đã khiến Ahsmore ngạc nhiên về tài giao tiếp bằng tiếng Anh. "Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều ngoại ngữ mà ông thành thạo, gồm tiếng Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga", nhà báo Mỹ viết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều ấn tượng cho những người từng tiếp xúc. Lãnh tụ Ấn Độ Jawaharlal Nehru mô tả Hồ Chí Minh bằng cụm từ "đặc biệt dễ mến và thân thiện". Trong khi đó, Paul Mus, nhà Đông phương học người Pháp được tiếp chuyện với Hồ Chủ tịch trong các năm 1946 và 1947 thì thấy ở Bác hình ảnh "một nhà cách mạng kiên định, liêm khiết".
Một tư lệnh hải quân Pháp sau khi tiếp xúc với Hồ Chủ tịch trong 3 tuần thì kết luận rằng, nhà lãnh đạo Việt Nam là "một người thông minh, lôi cuốn, một nhà lý tưởng say mê cống hiến cho sự nghiệp mà ông theo đuổi, một con người tin tưởng chân thành vào các khẩu hiệu chính trị xã hội của thời đại".
"Vũ khí nguyên tử cũng không thể bắt chúng tôi đầu hàng"
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại một hội nghị của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 4/12/1953.
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại một hội nghị của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 4/12/1953. Ảnh: AFP
Theo New York Times, Hồ Chí Minh tin tưởng vững chắc vào thắng lợi của cuộc chiến tranh.
Năm 1962, khi cuộc chiến còn nhỏ hẹp giữa một bên là quân đội Việt Nam Cộng hòa cùng 11.000 cố vấn Mỹ và một bên là lực lượng du kích nhỏ, Hồ Chủ tịch đã nói với một vị khách Pháp: "Chúng tôi đã phải chiến đấu gian khổ 8 năm để đánh bại nước Pháp các ông. Bây giờ chế độ Việt Nam Cộng hòa được trang bị tốt hơn và được Mỹ hỗ trợ. Quân Mỹ mạnh hơn Pháp rất nhiều, dù họ không hiểu chúng tôi bằng người Pháp. Vì vậy, có lẽ dân tộc tôi phải mất 10 năm để đánh bại Mỹ, nhưng đồng bào anh hùng của chúng tôi ở miền Nam cuối cùng sẽ đánh bại họ".
Đầu năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tin tưởng như vậy khi trò chuyện với Ashmore và Baggs. "Chúng tôi đã chiến đấu cho nền độc lập của mình hơn 25 năm. Và tất nhiên chúng tôi yêu quý hòa bình, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ nền độc lập để đổi lấy hòa bình với Mỹ hay bất cứ nước khác".
Kết thúc cuộc gặp, Hồ Chủ tịch nắm bàn tay phải lại thành quả đấm và nói trong xúc động: "Các ngài cần phải thấy được quyết tâm của chúng tôi. Ngay cả vũ khí nguyên tử của các ngài cũng không thể bắt chúng tôi đầu hàng sau cuộc đấu tranh lâu dài và mãnh liệt vì nền độc lập của đất nước".
An Nhiên

Thành quả của tinh thần đoàn kết

QĐND - Ngày 15-4-2015, trên một số trang mạng nước ngoài xuất hiện bài viết với tiêu đề: “Việt Nam còn mấy phần trăm cộng sản?”. Bài viết thể hiện rõ cái nhìn phiến diện và đầy mâu thuẫn của tác giả về sự phát triển của Việt Nam sau 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mở đầu bài viết, tác giả dẫn chứng: “... Nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thực sự ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến một đất nước Cộng sản hoàn toàn khác xa với những gì họ tưởng tượng...”. Theo quan điểm của tác giả, chắc hẳn sự tưởng tượng của khách du lịch quốc tế về Việt Nam là sự đói nghèo, lạc hậu, vì “sự ngỡ ngàng” được lý giải bởi: “Trên những con phố tấp nập xe cộ là hình ảnh của đồ ăn nhanh, hàng hiệu và đồ điện tử Apple...”. Tác giả bài viết cho rằng đó là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản (?).
Không chỉ có vậy, bài viết còn đưa ra con số khảo sát của một trung tâm nghiên cứu về việc đặt niềm tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam, với 95% người được hỏi trả lời đặt niềm tin vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Theo bài viết trên thì đây là con số cao hơn hẳn so với những cuộc khảo sát tương tự tại Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy vậy, tác giả lại lập luận một cách hết sức mập mờ và không đúng với những thực tế phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam.
Ảnh minh họa/thutuong.chinhphu.vn/
Không phải đương nhiên để “nhiều khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thực sự ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến một đất nước Cộng sản hoàn toàn khác xa với những gì họ tưởng tượng...”. Bởi, trong suốt 40 năm qua kể từ ngày đất nước được giải phóng hoàn toàn, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách phát triển kinh tế-xã hội phù hợp; đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác với các nước trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam là điểm đến an toàn, là môi trường đầu tư thuận lợi, hiệu quả đối với các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Điều này không phải chỉ người Việt Nam đánh giá, nhận xét, mà chính là quan điểm nhìn nhận của thế giới, thậm chí ngay cả chính khách, các doanh nghiệp lớn của các nước phát triển, các nước không cùng chế độ chính trị như Việt Nam.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Việt Nam nhân chuyến công du tới Việt Nam mới đây (tháng 4-2015), Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, nêu rõ: “Tôi vẫn luôn cho rằng, mọi quốc gia trước hết phải tự mình có những chính sách cho những vấn đề lớn như môi trường hay giáo dục, sau đó, mỗi quốc gia thông qua mối liên kết chính trị, đối thoại để hợp tác và học hỏi lẫn nhau. Bên cạnh cương vị là Thủ tướng Na Uy, tôi đồng thời cũng là đồng chủ tọa Nhóm thúc đẩy các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Tổng thư ký Liên hợp quốc. Trên cương vị này, tôi đánh giá Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ. Những con số đều rất ấn tượng, với 3/8 mục tiêu hoàn thành trước thời hạn. Những bước tiến của Việt Nam không chỉ được ghi nhận về mặt kinh tế mà còn trên phương diện xã hội: Xóa đói, giảm nghèo; phổ cập giáo dục hay phát triển vùng dân tộc thiểu số...”. Ấy vậy mà trong bài viết trên, tác giả vẫn cố tình lý giải, phủ nhận những thành tựu trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội; tạo việc làm; giảm tỷ lệ đói nghèo của Việt Nam... Vậy, những đánh giá trên của Thủ tướng Na Uy với tư cách đồng chủ tọa Nhóm thúc đẩy các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, là không chính xác và thiếu căn cứ sao?
Còn rất nhiều dẫn chứng không chỉ từ những đánh giá, nhận xét của thế giới về sự thay đổi và phát triển của Việt Nam sau 40 năm thống nhất đất nước; mà điều này còn được nhìn nhận ở những con số về tốc độ phát triển kinh tế; thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ giảm nghèo ở Việt Nam... Tất cả những dẫn chứng đó là hết sức khách quan, được thực tế xã hội kiểm chứng, được bạn bè thế giới ghi nhận. Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, kết quả ba năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015 cho thấy: Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, tác động nhiều mặt của tình hình thế giới, nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân, toàn quân, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, tình hình kinh tế-xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng trên các lĩnh vực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ thị trường; giải quyết nợ xấu; hàng tồn kho và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Bình quân ba năm, GDP tăng khoảng 5,6%/năm. Sản xuất công nghiệp, xây dựng từng bước được phục hồi; khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; các ngành dịch vụ tăng trưởng khá. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, nhất là đào tạo nghề, hỗ trợ tín dụng. Ước tính trong ba năm tạo việc làm cho khoảng 4,6 triệu người, trong đó xuất khẩu lao động 253 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị luôn ở mức dưới 4%. Chính sách tiền lương từng bước được đổi mới theo nguyên tắc thị trường. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng dần, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước. Thu nhập dân cư được nâng lên. Điều kiện lao động và quan hệ lao động có bước được cải thiện; tranh chấp lao động và đình công giảm mạnh. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng. Thành tựu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công và hỗ trợ các đối tượng chính sách. Hơn 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Số người hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tăng từ 1,7 triệu người cuối năm 2010 lên hơn 2,5 triệu người năm 2013. Mở rộng diện và tăng mức hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp gạo cho học sinh dân tộc bán trú và học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ chi phí học tập, sinh hoạt cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số và ở vùng khó khăn. Thực hiện tốt công tác cứu trợ đột xuất và khắc phục hậu quả thiên tai. Các chương trình nhà ở xã hội, cụm tuyến dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhà ở tránh lũ ở khu vực miền Trung được tích cực thực hiện...
Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 1-2015 đạt 6,03% là một thành tựu hết sức ấn tượng và được thế giới ghi nhận.
Thực tiễn là vậy nhưng thật đáng tiếc, cho dù những số liệu này đã được Chính phủ Việt Nam công bố công khai; đồng thời cũng được nhiều nhà nghiên cứu, các tổ chức kinh tế có uy tín trên thế giới thẩm định, nhưng một số cá nhân mang nặng tư tưởng hận thù, chống đối, với cách nhìn phiến diện vẫn không biết hoặc cố tình không biết. Vì vậy, trong bài viết nói trên, tác giả đã viện dẫn, liệt kê những vấn đề, những con số đã rất lạc hậu, rồi còn mang so sánh với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Với cách thể hiện như trên, tác giả bài viết hy vọng có thể dễ dàng đánh lừa được người đọc bởi từ những con số thống kê, so sánh đơn điệu và lạc hậu ấy.
Xã hội hiện nay, các nước trên thế giới dù đi theo thể chế chính trị nào cũng đều đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Mặt khác, mở rộng hợp tác quan hệ quốc tế là tạo ra những điều kiện, cơ sở vật chất thúc đẩy kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia phát triển. Thời đại ngày nay là thời đại của sự hợp tác bình đẳng, tôn trọng công việc nội bộ của nhau, tạo điều kiện để cùng nhau phát triển. Các quốc gia trên thế giới đều bình đẳng như nhau, tôn trọng công việc nội bộ của nhau. Vì vậy, những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam đã đạt được trong suốt 40 năm qua phải khẳng định rằng: Đó là thành quả của tinh thần đoàn kết, sức mạnh và ý chí của cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đó là kết quả của sự phát huy nội lực kết hợp với những điều kiện trong quan hệ hợp tác quốc tế mang đến. Kết quả đạt được đó thực chất là thành quả của một trong những bài học quan trọng đã được Đảng Cộng sản ViệtNam, Nhà nước Việt Nam đúc kết: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, sự kết hợp đó được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải luôn kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống và yếu tố hiện đại...
Một vài dẫn chứng nêu trên đủ để chúng ta nhìn nhận rõ hơn tâm địa của một số người có những bài viết không đúng với thực tế phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đăng trên mạng xã hội ở nước ngoài nhằm hướng tới mục đích gì. Bài viết với những lập luận mù mờ, vừa khẳng định, vừa phủ định những thành quả trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua để hướng người đọc tới nhận thức sai lệch và không đúng với thực tiễn. Lịch sử dân tộc Việt Nam cùng những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội kể từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là thành quả của gần 30 năm đổi mới đủ cơ sở và bằng chứng cả về phương diện lý luận và thực tiễn để bác bỏ những luận điệu sai trái nói trên.
VÂN KHÁNH